Bài giảng Đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết

Tóm tắt bài Đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết ngắn gọn dễ hiểu có ví dụ minh hoạ giúp các em học tốt môn văn lớp 10, soạn bài dễ dàng
(400) 1334 29/07/2022

I. ĐẶC ĐIỂM CỦA NGÔN NGỮ NÓI

1. Phương tiện thực hiện của ngôn ngữ nói

Ngôn ngữ nói là ngôn ngữ âm thanh:

- Là lời nói trong giao tiếp hằng ngày, ở đó người nói và người nghe tiếp xúc trực tiếp với nhau, có thể luân phiên nhau trong vai nói và vai nghe.

=> Người nghe và người nói có thể phản hồi và điều chỉnh cho nhau.

- Sự giao tiếp bằng ngôn ngữ nói diễn ra mau lẹ, tức thời.

=> Người nói ít có điều kiện lựa chọn, gọt giũa các phương tiện ngôn ngữ, người nghe cần tiếp nhận kịp thời, ít có điều kiện suy ngẫm, phân tích kĩ.

2. Phương tiện hỗ trợ của ngôn ngữ nói:

Ngôn ngữ nói rất đa dạng về ngữ điệu.

- Giọng nói: cao hoặc thấp, nhanh hoặc chậm, mạnh hoặc yếu, liên tục hoặc ngắt quãng...

- Ngữ điệu là yếu tố quan trọng góp phần vào bộc lộ và bổ sung thông tin.

- Có sự phối hợp giữa âm thanh, giọng điệu với các phương tiện hỗ trợ như nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ,... của người nói.

3. Từ ngữ và câu trong ngôn ngữ nói:

- Từ ngữ: được sử dụng khá đa dạng, có những lớp từ ngữ mang tính khẩu ngữ, từ địa phương, tiếng lóng, biệt ngữ, trợ từ, thán từ, các từ đưa đẩy, chêm xen...

- Câu trong ngôn ngữ nói:

+ Thường được dùng các hình thức tỉnh lược, thậm chí là một từ (nhất là trong đối thoại).

+ Nhiều câu lại rườm rà, có yếu tố dư thừa, trùng lặp vì lời nói tạo ra tức thời, không có điều kiện gọt giũa, hoặc do người nói cố ý lặp lại để người nghe tiếp nhận.

- Cần phân biệt giữa nói và đọc (thành tiếng) một văn bản:

II. ĐẶC ĐIỂM CỦA NGÔN NGỮ VIẾT

1. Phương tiện thể hiện của ngôn ngữ viết:

- Ngôn ngữ viết được thể hiện bằng chữ viết trong văn bản và được tiếp nhận bằng thị giác.

- Muốn viết và đọc văn bản, người viết và người đọc đều phải biết các kí hiệu chữ viết, các quy tắc chính tả, các quy cách tổ chức văn bản.

- Khi viết, người viết có điều kiện suy ngẫm, lựa chọn, gọt giũa, khi đọc, người đọc có điều kiện đọc lại, phân tích, nghiền ngẫm để lĩnh hội thấu đáo.

=> Ngôn ngữ viết đến được với đông đảo người đọc trong phạm vi không gian rộng lớn và thời gian lâu dài.

2. Phương tiện hỗ trợ của ngôn ngữ viết

- Hệ thống dấu câu

- Các kí hiệu văn tự

- Các hình ảnh minh hoạ, bảng biểu, sơ đồ....

3. Từ ngữ và câu của ngôn ngữ viết:

- Từ ngữ:

+ Trong ngôn ngữ viết, từ ngữ được lựa chọn, thay thế nên có điều kiện đạt được tính chính xác.

+ Tuỳ thuộc vào phong cách ngôn ngữ mà người viết sử dụng các từ ngữ phù hợp.

+ Tránh dùng khẩu ngữ, các từ ngữ địa phương, tiếng lóng, tiếng tục...

- Câu: Thường là các câu dài, nhiều thành phần nhưng được tổ chức mạch lạc, chặt chẽ nhờ các quan hệ từ và sự sắp xếp các thành phần phù hợp.

* Lưu ý: Trong thực tế sử dụng ngôn ngữ có hai trường hợp:

- Ngôn ngữ nói được ghi lại bằng chữ viết trong văn bản.

+ VD: Văn bản truyện có lời nói của các nhân vật, bài báo ghi lại cuộc phỏng vấn...

+ Mục đích: thể hiện ngôn ngữ nói trong những biểu hiện sinh động, cụ thể, khai thác những ưu thế của nó.

- Ngôn ngữ viết trong văn bản được trình bày lại bằng lời nói miệng.

+ VD: thuyết trình trước hội nghị báo cáo đã viết sẵn, nói trước công chúng theo một văn bản

+ Mục đích: tận dụng được những ưu thế của ngôn ngữ viết, đồng thời vẫn có sự phối hợp của các yếu tố hỗ trợ trong ngôn ngữ nói.

GHI NHỚ:

Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết có những đặc điểm về hoàn cảnh sử dụng trong giao tiếp, về các phương tiện cơ bản và yếu tố hỗ trợ, về từ ngữ và câu văn. Vì thế cần nói và viết cho phù hợp với các đặc điểm riêng đó.

(400) 1334 29/07/2022