Vài nét về thể loại truyền thuyết
I. KHÁI NIỆM TRUYỀN THUYẾT
1. Khái niệm :
Truyền thuyết là tác phẩm tự sự dân gian kể về sự kiện và nhân vật lịch sử (hoặc có liên quan đến lịch sử) phần lớn theo xu hướng lí tưởng hóa, qua đó thể hiện sư ngưỡng mộ và tôn vinh của nhân dân đối với những người có công với đất nước, dân tộc hoặc cộng đồng cư dân của một vùng. Bên cạnh đó cũng có những truyền thuyết vừa đề cao, vừa phê phán nhân vật lịch sử.
2. Phân biệt truyền thuyết với thần thoại và cổ tích :
a. Truyền thuyết và thần thoại :
* Tiêu chí nhân vật chính:
Nhân vật chính trong thần thoại là thần hoặc bán thần. Nhân vật chính trong truyền thuyết giàu nhân tính hơn.
* Tiêu chí nội dung:
Thần thoại nêu lên khát vọng hiểu biết, khám phá những hiện tượng của vũ thụ, loài người mang tính suy nguyên. Truyền thuyết thuyết tập trung vào những vấn đề xã hội.
* Thời kỳ ra đời:
Thần thoại ra đời từ thời nguyên thủy. Truyền thuyết ra đời ở xã hội giai đọan sau.
b. Truyền thuyết và cổ tích
* Về cốt truyện và nhân vật:
Ðặc điểm nổi bật của cốt truyện và nhân vật cổ tích là tính hư cấu, tưởng tượng. Cốt truyện và nhân vật truyền thuyết có xu hướng bám sát lịch sử.
* Về nội dung:
Truyện cổ tích phản ánh những xung đột trong gia đình và xã hội, đặc biệt là trong gia đình phụ quyền và xã hội phong kiến. Truyền thuyết hướng về đề tài lịch sử, nhân vật lịch sử.
* Về kết thúc truyện:
Truyện cổ tích kết thúc có hậu hoặc không có hậu , nhân vật chính mãi mãi hạnh phúc hoặc trở thành biểu tượng của nhân phẩm. Truyền thuyết thường kết thúc mở, nhân vật vẫn tồn tại và sẽ tham gia vào những sự kiện mới của lịch sử.
3. Phân kỳ truyền thuyết :
a. Cơ sở để phân kỳ truyền thuyết:
- Dựa vào sự phân kỳ lịch sử xã hội và đặc điểm nội dung, nghệ thuật của truyền thuyết. Cần chú ý phân biệt truyền thuyết về một thời kỳ và truyền thuyết của một thời kỳ.
- Việc xác định truyền thuyết về một thời kỳ có thể dựa vào đặc điểm nội dung và nghệ thuật của tác phẩm truyền thuyết. Muốn biết truyền thuyết của một thời kỳ nào cần phải biết thời điểm ra đời của tác phẩm. Ðiều nầy là rất khó đối với chúng ta ngày nay.
b. Truyền thuyết Việt Nam gồm các thời kỳ sau:
+ Truyền thuyết về Họ Hồng Bàng và thời kỳ Văn Lang.
+ Truyền thuyết về thời kỳ Âu Lạc và Bắc Thuộc.
+ Truyền thuyết về thời kỳ phong kiến tự chủ
+ Truyền thuyết về thời kỳ Pháp thuộc.
II. NỘI DUNG TRUYỀN THUYẾT :
1. Truyền thuyết về họ Hồng Bàng và thời kỳ Văn Lang :
- Họ Hồng Bàng mở đầu thời kỳ lập quốc của dân tộc ta kéo dài 2622 năm (2879 TCN - 258 TCN), từ Kinh Dương Vương đến Lạc Long Quân và các đời Hùng Vương. Theo Đại Việt sử ký toàn thư của sử thần Ngô Sĩ Liên, cho đến thời vua Hùng cương vực nước Văn Lang trảỉ rộng, phía đông giáp Nam Haỉ, phía tây đến Ba Thục, phía bắc đến hồ Ðộng Ðình, phía nam giáp nước Hồ Tôn (nước Chiêm Thành).
- Truyền thuyết về Họ Hồng Bàng là hệ thống truyền thuyết mang tính chất sử thi, phản ánh không khí anh hùng ca thời Hùng Vương dựng nước và trình độ khá văn minh của người Văn Lang. Các nhân vật Vua Hùng, Sơn Tinh (Thần Tản Viên) Phù Ðổng Thiên Vương là những biểu tượng của quốc gia Văn Lang trong thời kỳ đang lớn mạnh Hình tượng Lạc Long Quân - Âu Cơ có ý nghĩa khái quát hoá cho công cuộc chinh phục tự nhiên mở mang bờ coĩ của người Văn Lang.
- Những truyền thuyết tiêu biểu trong chuỗi truyền thuyết về thời các vua Hùng: Lạc Long Quân - Âu Cơ, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Thánh Gióng.
- Nhân vật Hùng Vương không phải là nhân vật chính của từng truyện riêng nhưng lại là nhân vật nổi bật trong hệ thống truyện. Vua Hùng (Hùng Vương thứ sáu, Hùng Vương thứ mười tám, Hùng Vương nói chung) là người đứng đầu quốc gia, vị vua có uy tín với con người, tiếp cận với thần linh, là biểu trưng của sức mạnh và tinh thần Văn Lang.
2. Truyền thuyết về thời kỳ Âu Lạc và Bắc Thuộc:
- Nước Âu Lạc của An Dương Vương tồn tại khoảng 50 năm (257 TCN - 208 TCN). Sở dĩ ta gắn thời kỳ Âu Lạc vào thời Bắc thuộc vì lịch sử Âu Lạc cũng như truyền thuyết An Dương Vương mang tính chất bi hùng. Thời kỳ Bắc thuộc hơn 10 thế kỷ (207 TCN - 938 SCN) là thời kỳ bị xâm lược và chiến đấu giành độc lập của dân tộc ta. Trong hơn một ngàn năm bị nô lệ, dân tộc ta đã không bị đồng hoá hay bị diệt vong như nhiều dân tộc trên thế giới, đó là điều hết sức phi thường.
- Truyền thuyết thời kỳ này đã phản ánh và chứng minh được sức sống và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam. Nhờ có sức sống mãnh liệt và bản lĩnh cao, dân tộc ta đã vượt qua thời kỳ bị uy hiếp và thử thách gay go, lâu dài.
3. Truyền thuyết về thời kỳ phong kiến tự chủ :
- Về phương diện lịch sử, thời kỳ phong kiến tự chủ từ TK X đến TKXIX có những nét lớn như sau:
+ Từ TK X đến TK XV: giai cấp phong kiến Việt Nam xây dưng một quốc gia thống nhất,gìn giữ, củng cố nền độc lập dân tộc.
+ Từ TK. XVI đến TK XIX: sự suy sụp của các triều đại phong kiến và cuối cùng đi đến tan rã quốc gia phong kiến trước thế lực phương Tây.
- Truyền thuyết thời kỳ nầy gồm các nhóm sau đây: Truyền thuyết về anh hùng chống ngoại xâm (Truyền thuyết về Yết Kiêu, Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Trãi...), truyền thuyết về danh nhân văn hóa (Truyền thuyết về Chu Văn An, Trạng Trình...), truyền thuyết về lịch sử địa danh (Sự tích Hồ Gươm, Sự tích núi Ngũ Hành...), truyền thuyết về anh hùng nông dân (Truyền thuyết về Chàng Lía, Quận He, Ba Vành...)
4. Ý nghĩa của truyền thuyết :
- Về mặt lịch sử: Truyền thuyết là cơ sở cho các nhà sử học tham khảo về các giai đoạn lịch sử dân tộc.
- Về mặt ý thức xã hội: Truyền thuyết giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc.
- Về mặt văn học nghệ thuật: Truyền thuyết là nguồn cảm hứng cho nhà văn, nhà thơ sáng tác.
III. MẤY NÉT VỀ THI PHÁP TRUYỀN THUYẾT
1. Cốt truyện và nhân vật
- Truyền thuyết không có kiểu cốt truyện hay như cổ tích. Cốt truyện thường gồm ba phần: hoàn cảnh xuất hiện nhân vật chính, sự nghiệp của nhân vật, chung cục thân thế của nhân vật.
- Nhân vật trong truyền thuyết là nhân vật lịch sử được tái tạo. Tác giả dân gian hư cấu, sáng tạo trên nền lịch sử (thường là lý tưởng hóa những sự kiện, con người mà họ ca ngợi)
- Nhân vật trong truyền thuyết cũng là hành động của nó như trong cổ tích và có số phận không thể đảo ngược so với sự thật lịch sử. Nhân vật chính có thể là nhân vật trung tâm của một truyện hoặc một chuỗi truyện.
2. Lời kể trong truyền thuyết:
Nhìn chung, lời kể trong truyền thuyết Việt Nam chưa có giá trị nghệ thuật cao như trong cổ tích và sử thi. Lời kể của một số truyền thuyết rút ra từ thần tích không còn giữ được chất dân gian.