Bài giảng Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật siêu ngắn

Tóm tắt bài phong cách ngôn ngữ nghệ thuật ngắn gọn dễ hiểu có ví dụ minh hoạ giúp các em học tốt môn văn lớp 10, soạn bài dễ dàng
(376) 1253 29/07/2022

1. Ngôn ngữ nghệ thuật

- Ngôn ngữ nghệ thuật ( ngôn ngữ văn chương, ngôn ngữ văn học) là ngôn ngữ chủ yếu dùng trong các tác phẩm văn chương, không chỉ có chức năng thông tin mà còn thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người. Nó là ngôn ngữ được tổ chức, xếp đặt, lựa chọn, tinh luyện từ ngôn ngữ thông thường và đạt được giá trị nghệ thuật - thẩm mĩ.

- Ngôn ngữ nghệ thuật còn được sử dụng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày và cả trong văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ khác.

- Ngôn ngữ trong văn bản nghệ thuật được chia thành 3 loại:

+ Ngôn ngữ tự sự trong truyện, tiểu thuyết, bút kí, kí sự, phóng sự,…

+ Ngôn ngữ thơ trong ca dao, vè, thơ (nhièu thể loại khác nhau),….

+ Ngôn ngữ sân khấu trong kịch, chèo, tuồng,…

2. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

a. Tính hình tượng

- Tính hình tượng là đặc trưng cơ bản của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

- Tính hình tượng: là khả năng tạo ra những hình tượng nhờ cách diễn đạt ngôn ngữ có hình ảnh, màu sắc, âm thanh, biểu tượng…người đọc dùng tri thức, vốn sống của mình để liên tưởng, suy nghĩ và rút ra bài học nhất định.

- Để tạo ra hình tượng ngôn ngữ, người viết thường dùng rất nhiều phép tu từ: so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nói quá, nói giảm nói tránh,…Những phép tu từ này được dùng sáng tạo, hoặc đơn lẻ hoặc phối hợp với nhau.

- Làm cho ngôn ngữ nghệ thuật có tính đa nghĩa. Từ ngữ, câu văn, hình ảnh hoặc toàn bộ văn bản nghệ thuật có khả năng gợi ra nhiều nghĩa, nhiều tầng nghĩa khác nhau. Tính đa nghĩa của ngôn ngữ nghệ thuật cũng quan hệ mật thiết với tính hàm súc: lời ít mà ý sâu xa, rộng lớn. Người viết chỉ dùng một vài câu (thậm chí thay đổi một vài từ) mà có thể gợi ra những hình tượng khác nhau.

Ví dụ:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”

=> Quang Dũng sử dụng ngôn ngữ tạo hình và biện pháp đối lập để vẽ nên bức tranh về con đường hành quân của lính Tây Tiến vừa gập ghềnh, gấp khúc, vừa lên cao thẳng đứng, vừa đổ xuống đột ngột. Gợi cảm giác về con đường hành quân đầy gian nan, nguy hiểm. 

b. Tính truyền cảm

- Tính truyền cảm của ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện ở chỗ làm cho người nghe (đọc) cùng vui, buồn, yêu thích…như chính người nói (viết). Sức mạnh của ngôn ngữ nghệ thuật là tạo ra sự hòa đồng, giao cảm, cuốn hút, gợi cảm xúc cho người đọc.

c. Tính cá thể hóa

- Tính cá thể hóa là khả năng thể hiện một giọng điệu riêng, một phong cách riêng của mỗi nhà văn, nhà thơ không dễ bắt chước, pha trộn.

Ví dụ: Cùng viết về tình yêu nhưng Xuân Diệu có cách nhìn về tình yêu cách thể hiện tình yêu khác với nữ sĩ Xuân Quỳnh.

+ Xuân Diệu say đắm mãnh liệt, cuồng nhiệt, háo hức như sợ tất cả sẽ tan biến mất mà mình chưa kịp hưởng thụ

“Đã hôn rồi hôn lại

Cho đến mãi muôn đời

Đến tan cả đất trời

Anh mới thôi dào dạt”

+ Xuân Quỳnh cũng yêu say đắm nhưng đó là tình yêu đầy nữ tính, dung dị, đằm thắm:

“Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Là máu thịt đời thường ai cũng có

Cũng ngừng đập khi cuộc đờikhông còn nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”

- Tính cá thể hóa còn được thể hiện ở vẻ riêng trong lời nói của từng nhân vật trong tác phẩm nghệ thuật; ở nét riêng trong cách diễn đạt từng sự việc, từng hình ảnh, từng tình huống trong tác phẩm.

- Tính cá thể hóa tạo cho ngôn ngữ nghệ thuật những sáng tạo mới lạ, không trùng lặp.

(376) 1253 29/07/2022