Bài giảng Văn bản văn học siêu ngắn

Tóm tắt bài Văn bản văn học ngắn gọn dễ hiểu có ví dụ minh hoạ giúp các em học tốt môn văn lớp 10, soạn bài dễ dàng
(391) 1303 29/07/2022

1. Khái niệm

- Ngày nay, một văn bản được coi là văn bản văn học khi:

+ Phản ánh và khám phá cuộc sống, bồi dưỡng tư tưởng và tâm hồn, thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người.

+ Ngôn từ có nhiều tìm tòi sáng tạo, có tính hình tượng, có hàm nghĩa sâu sắc, phong phú.

+ Được viết theo một thể loại nhất định với nhữnng quy ước thẩm mĩ riêng: truyện, thơ, kịch,…

Ví dụ: Văn bản văn học Chí phèo của Nam Cao, Mùa xuân chín – Hàn Mặc Tử,..

2. Tiêu chí của văn bản văn học

- Văn bản văn học đi sâu phản ánh những hiện thực khách quan và khám phá thế giới tình cảm và tư tưởng, thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người. Những chủ đề như tình yêu, hạnh phúc, băn khoăn đau khổ,… thường trở đi trở lại với những chiều sâu và sắc thái khác nhau trong văn bản văn học.

- Văn bản văn học thường được xây dựng bằng ngôn từ nghệ thuật, có hình tượng, có tính thẩm mĩ cao, sử dụng các biện pháp tu từ. Văn bản văn học thường hàm súc và gợi lên nhiều liên tưởng, tưởng tượng.

- Mỗi văn bản văn học đều thuộc về một thể loại nhất định, và theo những quy ước, cách thức của thể loại đó.

=> Văn bản văn học không chỉ là những biện pháp, những kĩ xảo ngôn từ mà là một sáng tạo tinh thần của một nhà văn.

3. Cấu trúc của văn bản văn học

a. Tầng ngôn từ - từ ngữ âm đến ngữ nghĩa

- Đọc văn bản, ta phải hiểu rõ ngữ nghĩa của từ, từ nghĩa tường minh đến hàm nghĩa, từ nghĩa đen đến nghĩa bóng. Cùng với ngữ nghĩa phải chú y đến ngữ âm.

Ví dụ:

Chú bé loắt choắt

Cái sắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh

(Lượm – Tố Hữu)

=> Đoạn thơ trên có nhịp thơ nhanh, sử dụng các từ láy liên tiếp “loắt choắt, xinh xinh, thoăn thoắt, nghênh nghênh” gợi sự nhanh nhẹn, tươi trẻ.

- Để hiểu một tác phẩm văn học, cần hiểu được nghĩa của từ, từ nghĩa đen đến nghĩa bóng, nghĩa tường minh đến nghĩa hàm ẩn. Tầng ngôn từ là bước thứ nhất cần vượt qua để đi vào chiều sâu văn bản.

b. Tầng hình tượng

- Tầng hình tượng được sáng tạo trong văn bản nhờ những chi tiết, cốt truyện, nhân vật, hoàn cảnh, tâm trạng (tùy quy mô văn bản): truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài,... và tùy thể loại: tự sự, trữ tình, kịch,…) mà có sự khác nhau.

c. Tầng hàm nghĩa:

- Từ tầng ngôn từ đến tầng hình tượng, dần dần ta tìm ra tầng hàm nghĩa (ý nghĩa ẩn kín, ý nghĩa tiềm tàng) của văn bản.

- Có tìm ra hàm nghĩa ta mới hiểu được những điều nhà văn muốn tâm sự, những thể nghiệm về cuộc sống, những quan niệm về đạo đức xã hội, những hoài bão,…

- Để đi sâu vào hàm nghĩa của văn bản, ta cần đi qua các lớp: đề tài, chỉ đề, tư tưởng, cảm hứng chủ đạo,..

Ví dụ:

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Bài ca dao trên không đơn thuần chỉ nói về vẻ đẹp của hoa sen. Từ hình tượng hoa sen đẹp và thơm giữa bùn lầy, người nghệ sĩ dân gian ca ngợi chí khí giữ vững sự trong sạch của con người.

4. Từ văn bản đến tác phẩm văn học

- Văn bản văn học: các sáng tác của nhà văn, một hệ thống kí hiệu tồn tại khách quan, chưa thế tác động đến xã hội.

- Văn bản văn học trở thành tác phẩm văn học thông qua việc đọc và tiếp nhận những giá trị tiềm ẩn trong văn học; từ đó làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức, tình cảm con người.

(391) 1303 29/07/2022