Bài giảng Nội dung và hình thức của văn bản văn học
I. Các khái niệm của nội dung và hình thức trong văn bản văn học
1. Các khái niệm thường được coi là thuộc về mặt nội dung của văn bản
a. Đề tài
- Đề tài là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản.
Ví dụ: Đề tài của Tắt đèn là cuộc sống bi thảm của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong những ngày sưu thuế.
b. Chủ đề
- Chủ đề là vấn đề cơ bản được nêu ra trong văn bản. Chủ đề thể hiện điều quan tâm cũng như chiều sâu nhận thức của nhà văn đối với cuộc sống.
Ví dụ: Chủ đề của Tắt đèn là sự mâu thuẫn giữa nông dân với bọn địa chủ, cường hào quan lại trong nông thôn Việt Nam.
- Một văn bản có thể có một hoặc nhiều chủ đề tùy quy mô cũng như ý định của tác giả.
c. Tư tưởng của văn bản
- Tư tưởng của văn bản là sự lí giải đối với chủ đề đã nên lên, là nhận thức của tác giả muốn trao đổi, nhắn gửi, đối thoại với người đọc. Tư tưởng là linh hồn của văn bản.
Ví dụ: Trong Tắt đèn, tư tưởng lên án những thế lực hắc ám hoành hành ở nông thôn Việt Nam thời kì Pháp thuộc và sự trân trọng yêu thương người nông dân bị áp bức.
d. Cảm hứng nghệ thuật
- Cảm hứng nghệ thuật là nội dung tình cảm chủ đạo của nhà văn. Những trạng thái tâm hồn, những cảm xúc được thể hiện đậm đà, nhuần nhuyễn trong văn bản sẽ truyền cảm và hấp dẫn người đọc. Qua cảm hứng nghệ thuật, người đọc cảm nhận được tư tưởng, tình cảm của tác giả nêu lên trong văn bản.
Ví dụ: Cảm hứng trong Tắt đèn là lòng căm phẫn, là sự tố cáo bọn lí hào quan lại ở nông thôn cũng như chính sách dã man của thực dân Pháp. Đồng thời tác phẩm còn thể hiện tấm lòng gắn bó với nông thôn, yêu thương, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân ở nhà văn Ngô Tất Tố.
2. Các khái niệm thường được coi là thuộc về mặt hình thức của văn bản
a. Ngôn từ
- Ngôn từ là yếu tố đầu tiên của văn bản văn học. Các chi tiết, các sự việc, các hình tượng, các nhân vật,…và các thành tố khác được tạo nên nhờ lớp ngôn từ. Không có ngôn từ, ta không có căn cứ cụ thể để tìm hiểu, để thưởng thức văn bản.
Ví dụ: Ngôn từ trong sáng, tinh tế của Thạch Lam; ngôn từ đậm màu sắc Nam Bộ của nhà văn Sơn Nam…
b. Kết cấu
- Kết cấu là sự sắp xếp, tổ chức các thành tố của văn bản thành một đơn vị thống nhất, hoàn chỉnh, có ý nghĩa.
- Bất kì văn bản nào cũng có một kết cấu nhất định.
c. Thể loại
- Thể loại là những quy tắc tổ chức hình thức văn bản thích hợp với nội dung văn bản: hoặc có chất thơ, chất tiểu thuyết, chất kịch,..
- Thể loại có cải biến, đổi mới theo thời đại và mang sắc thái riêng của tác giả.
Ví dụ: Thể loại thơ, kịch,..
II. Ý nghĩa quan trọng của nội dung và hình thức văn bản văn học
- Văn bản văn học cần phải có sự thống nhất giữa nội dung và hình thức – thống nhất nội dung tư tưởng cao đẹp và hình thức nghệ thuật hoàn mĩ.