Bài giảng Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX

Tóm tắt bài Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX ngắn gọn dễ hiểu có ví dụ minh hoạ giúp các em học tốt môn văn lớp 10, soạn bài dễ dàng
(410) 1365 29/07/2022

I. CÁC THÀNH PHẦN CỦA VĂN HỌC TỪ THẾ KỈ X ĐẾN HẾT THẾ KỈ XIX

     Văn học trung đại Việt Nam gồm hai thành phần chủ yếu là văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm.

1. Văn học chữ Hán

- Bao gồm: các sáng tác bằng chữ Hán của người Việt.

- Thời gian xuất hiện: xuất hiện sớm, tồn tại trong suốt quá trình hình thành và phát triển của văn học trung đại, bao gồm cả thơ và văn xuôi.

- Thể loại: tiếp thu các thể loại văn học từ Trung Quốc: chiếu, biểu, hịch, cáo, truyện truyền kì, kí sự, tiểu thuyết chương hồi, thơ Đường luật...

=> thể loại nào cũng có thành tựu to lớn.

2. Văn học chữ Nôm

- Bao gồm: các sáng tác bằng chữ Nôm.

- Thời gian ra đời: muộn hơn văn học chữ Hán (khoảng cuối thể kỉ XIII), tồn tại, phát triển đến hết thời kì văn học trung đại.

- Thể loại: chủ yếu là thơ, rất ít văn xuôi.

+ Một số thể loại từ Trung Quốc: phú, văn tế, thơ Đường luật.

+ Phần lớn là thể loại văn học dân tộc: ngâm khúc (thể song thất lục bát), truện thơ (thể lục bát), hát nói (thể thơ khá tự do kết hợp với âm nhạc).

+ Dân tộc hoá thể loại văn học Trung Quốc: Đướng luật thất ngôn xen lục ngôn.

=> Văn học chữ Nôm có những thành tựu lớn ở tất cả các thể loại trên.

=> Hiện tượng song ngữ (tồn tại, phát triển song song văn học chữ Hán và chữ Nôm), hai thành phần văn học không đối lập nhau mà bổ sung cho nhau trong quá trình phát triển.

II. CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC TỪ THẾ KỈ X ĐẾN HẾT THẾ KỈ XIX

Văn học trung đại Việt Nam phát triển qua bốn giai đoạn lớn:

1. Giai đoạn từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIV

- Hoàn cảnh lịch sử:

+ Dân tộc giành được quyền độc lập tự chủ vào cuối thế kỉ X, lập nhiều kì tích trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược (chống quan Tống thế kỉ XI, chống quân Mông - Nguyên thế kỉ XIII)

+ Công cuộc xây dựng đất nước trong hoà bình.

+ Chế độ phong kiến Việt Nam nhìn chung đang trong thời kì phát triển.

- Những sự kiện chính: (bước ngoặt lớn)

+ Văn học viết chính thức ra đời (thế kỉ X)

+ Sự xuất hiện của văn học chữ Nôm (cuối thế kì XIII)

=> Mở ra sự phát triển toàn diện, mạnh mẽ của văn học dân tộc: bên cạnh văn học dân gian đã có văn học thành văn, bên cạnh văn học chữ Hán đã có văn học chữ Nôm.

- Về nội dung: mang nội dung yêu nước với âm hưởng hào hùng.

+ Mở đầu cho dòng văn học yêu nước: Vận nước (Quốc tộ) của Pháp Thuận, Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu) Lí Công Uẩn, bài thơ Sông núi nước Nam (Nam quốc sơn hà).

+ Nội dung yêu nước mang hào khí Đông A: Hịch tướng sĩ (Dụ chư tì tướng hịch văn) của Trần Quốc Tuấn, Phò giá về kinh (Tụng giá hoàn kinh sư) của Trần Quang Khải, Tỏ lòng (Thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão, Phú sông Bạch Đằng (Bạch Đăng giang phú) của Trương Hán Siêu,...

- Về nghệ thuật:

+ Có nhiều thành tự lớn với các thể loại tiếp thu từ Trung Quốc như văn chính luận, văn xuôi về lịch sử, văn hoá, thơ phú.

+ Văn học chữ Nôm đặt những viên gạch đầu tiên trên con đường phát triển của văn học viết bằng ngôn ngữ dân tộc.

2. Giai đoạn từ thế kỉ XV đến hết thế kỉ XV đến hết thế kỉ XVII

- Hoàn cảnh lịch sử:

+ Dân tộc ta làm nên kì tích trong kháng chiến chống quân Minh ở nửa đầu thế kỉ XV.

+ Phong kiến Việt Nam đạt tới đỉnh cao cực thịnh ở nửa cuối thế kỉ XV.

+ Thế kỉ XVI, chế độ phong kiến có dấu hiệu khủng hoàng, nội chiến, đất nước bị chia cắt, nhưng nhìn chung xã hội vẫn ổn định.

- Những sự kiện văn học chính:

+ Văn học chữ Nôm có nhiều thành tựu nghệ thuật.

+ Hiện tượng văn  - sử - triết bất phân đã bắt đầu mờ dần.

+ Xuất hiện nhiều tác phẩm giàu chất văn chương hình tượng.

- Về nội dung: đi từ nội dung yêu nước mang âm hưởng ngợi ca đến nội dung phản ánh, phê phán hiện thực xã hội phong kiến.

- Nghệ thuật:

+ Văn học chữ Hán phát triển với nhiều thành tựu: văn chính luận; văn xuôi tự sự

+ Văn học chữ Nôm có sự Việt hóa thể loại tiếp thu từ Trung Quốc: thơ Nôm Đường luật, thơ thất ngôn xen lục ngôn; sáng tạo những thể loại văn học dân tộc: khúc ngâm, khúc vịnh, diễn ca lịch sử.

- Các tác giả, tác phẩm tiêu biểu:

+ Những sáng tác là kết tinh của văn học yêu nước: Quốc âm thi tập, Ức trai thi tập, Bình ngô đại cáo - Nguyễn Trãi.

+ Thơ chữ Hán và chữ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm; Hồng Đức Quốc âm thi tập - Lê Thánh Tông và hội Tao Đàn.

+ Tác phẩm ghi dấu ấn trưởng thành của văn xuôi tự sự: Truyền kì mạn lục - Nguyễn Dữ.

3. Giai đoạn từ thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX

- Hoàn cảnh lịch sử:

+ Đất nước có biến động bởi nội chiến phong kiến và bão táp phong trào nông dân khởi nghĩa mà đỉnh cao là khởi nghĩa Tây Sơn.

+ Chế độ phong kiến đi từ khủng hoảng đến suy thoái.

+ Khi phong trào Tây Sơn suy yếu, triều Nguyễn khôi phục chế độ phong kiến chuyên chế.

+ Đất nước nằm trước hiểm hoạ xâm lăng của thực dân Pháp.

- Đánh giá chung:  Đây là thời kì phát triển rực rỡ đánh dấu bước trưởng thành toàn diện của văn học trung đại Việt Nam.

- Nội dung văn học: Xuất hiện trào lưu nhân đạo chủ nghĩa - quan tâm đến con người bình thường, đánh dấu đòi quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc lứa đôi.

- Nghệ thuật:

+ Đạt được nhiều thành tựu lớn cả về văn xuôi và văn vần, cả chữ Hán và chữ Nôm.

+ Văn học chữ Nôm và những thể loại văn học dân tộc đạt tới đỉnh cao

+ Văn học chữ Hán cũng đạt được nhiều thành tựu văn nghệ thuật lớn: tiểu thuyết chương hồi, kí, tùy bút.

- Các tác giả, tác phẩm tiêu biểu:

+ Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều.

+ Chinh phụ ngâm - Đặng Trần Côn.

+ Hoàng Lê nhất thống chí - Ngô Gia Văn Phái.

+ Thơ Nguyễn Du với đỉnh cao là Truyện Kiều.

+ Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ là hai cây đại thụ ở giai đoạn cuối vẫn tiếp tục tinh thần nhân đạo nhưng đã bộc lộ cái tôi, tình cảm riêng tư.

4. Giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX

- Hoàn cảnh lịch sử:

+ Thực dân Pháp tiến hành xâm lược Việt Nam, nhân dân bất khuất đứng lên chiến đấu.

+ Đất nước rơi vào tay giặc, xã hội Việt Nam chuyển dần từ xã hội phong kiến sang thực dân nửa phong kiến.

+ Văn hoá phương Tây bắt đầu có những ảnh hưởng tới đời sống xã hội Việt Nam.

- Nội dung cơ bản:

+ Ca ngợi tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp.

+ Vạch trần những hiện thực nhố nhăng của xã hội thực dân nửa phong kiến bằng ngòi bút châm biếm.

+ Bộc lộ tư tưởng canh tân đất nước.

- Về nghệ thuật:

Sáng tác văn học chủ yếu vẫn theo thể loại và thi pháp truyền thống

+ Văn học chữ Hán và chữ Nôm vẫn là chính, mặc dù đã xuất hiện một số tác phẩm viết bằng chữ quốc ngữ.

- Các tác giả, tác phẩm tiêu biểu:

+ Nguyễn Đình Chiểu với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Ngư tiều y thuật vấn đáp là những tác phẩm tiêu  biểu cho tinh thần yêu nước.

+ Thơ ca trữ tình trào phúng của Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương.

III. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM LỚN VỀ NỘI DUNG CỦA VĂN HỌC TỪ THẾ KỈ X ĐẾN HẾT THẾ KỈ XIX

1. Chủ nghĩa yêu nước

- Vị trí: là nội dung lớn, xuyên suốt quá trình tồn tại và phát triển của văn học trung đại Việt Nam.

- Nội dung:

+ Chủ nghĩa yêu nước trong văn học trung đại gắn liền với tư tưởng "Trung quân ái quốc"

- Các phương diện thể hiện:

+ Ý thức độc lập tự do, tự cường, tự hào dân tộc, tự hào trước chiến công thời đại, trước lịch sử dân tộc.

+ Lòng căm thù giặc và ý chí quyết chiến, quyết thắng chống kẻ thù xâm lược.

+ Xót xa, bi tráng trước tình cảnh nước mất nhà tan.

+ Thái độ, trách nhiệm khi xây dựng đất nước trong thời bình.

+ Biết ơn, ca ngợi những người hi sinh vì đất nước.

+ Tình yêu thiên nhiên đất nước.

2. Chủ nghĩa nhân đạo

- Vị trí: là nội dung lớn, xuyên suốt văn học trung đại Việt Nam.

- Nguồn gốc:  từ truyền thống dân tộc, từ văn học dân gian; ảnh hưởng bởi tư tưởng nhân văn tích cực của đạo Phật, Nho giáo, Đạo giáo...

- Những biểu hiện của tinh thần nhân đạo:

+ Sự quan tâm đặc biệt tới số phận con người.

+ Cảm thông, chia sẻ với số phận con người bất hạnh

+ Khẳng định, trân trọng, đề cao phẩm chất, tài năng, những quan hệ đạo đức tốt đẹp và khát vọng chính đáng của con người.

+ Tố cáo những thế lực tàn bạo, chà đạp lên con người, bênh vực, bảo vệ và thay con người nói tiếng nói đấu tranh cho khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc, khát vọng về công lí chính nghĩa của họ.

- Thể hiện qua thơ văn của các tác giả: Nguyễn Dữ, Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan...

3. Cảm hứng thế sự

- Hoàn cảnh: cuối thời Trần (thế kỉ XIV) - khi có những biểu hiện suy thoái.

- Khái niệm: Cảm hứng thế sự là bày tỏ suy nghĩ, tình cảm về hiện thực đời sống, hiện thực xã hội.

- Biểu hiện:

+ Trong thơ về nhân tình thế thái của Nguyễn Bỉnh Khiêm;

+ Về hiện thực xã hội trong Thượng Kinh kí sự, Vũ trung tùy bút;

+ Đời sống nông thôn trong thơ Nguyễn Khuyến

+ Xã hội thành thị trong thơ Tú Xương.

=> Qua đó tác giả bộc lộ tình cảm yêu, ghét, lên án và cả khát vọng, hoài bão con người.

IV. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM LỚN VỀ NGHỆ THUẬT CỦA VĂN HỌC TỪ THẾ KỈ X ĐẾN HẾT THẾ KỈ XIX.

1. Tính quy phạm và sự phá vỡ tính quy phạm

a. Tính quy phạm

- Khái niệm: Tính quy phạm là sự quy định chặt chẽ theo khuôn mẫu mà người sáng tác văn học phải tuân theo.

- Biểu hiện:

+ Quan điểm văn học: Văn chương coi trọng mục đích giáo huấn: Bộc lộ ý chí ("thi dĩ ngôn chí") và để bày tỏ đạo lí làm người ("thi dĩ tải đạo").

+ Tư duy nghệ thuật: Nghĩ theo kiểu mẫu nghệ thuật có sẵn đã thành công thức.

+ Thể loại văn học: có quy định chặt chẽ về kết cấu.

+ Cách sử dụng thi liệu: dẫn nhiều điển tích, điển cố, dùng nhiều văn liệu quen thuộc.

=> Văn học trung đại thiên về tính ước lệ, tượng trưng.

b. Phá vỡ tính quy phạm: phát huy cá tính sáng tạo trên cả hai lĩnh vực nội dung và hình thức (đặc biệt là ở những tác giả tài năng)

- Các tác giả như: Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Du, Trần Tế Xương,...

2. Khuynh hướng trang nhã và xu hướng bình dị

- Khái niệm trang nhã: là nghiêm trang và thanh tao.

- Biểu hiện:

+ Về đề tài, chủ đề: hướng tới cái cao cả, trang trọng hơn là cái đời thường bình dị.

+ Về hình tượng nghệ thuật: hướng tới vẻ tao nhã, mĩ lệ hơn là vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc.

+ Về ngôn ngữ nghệ thuật: Chất liệu ngôn ngữ cao quý, cách diễn đạt trau chuốt, hoa mĩ hơn là thông tục, tự nhiên, gắn với đời sống.

- Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, văn học ngày càng gắn bó với hiện thực đã đưa văn học từ phong cáchsang  trọng, tao nhã về gần gũi với đời sống hiện thực, tự nhiên và bình dị.

3. Tiếp thu và dân tộc hóa tinh hoa văn học nước ngoài

- Tiếp thu tinh hoa văn học Trung Quốc:

+ Về ngôn ngữ: dùng chữ Hán để sáng tác

+ Về thể loại: văn vần (thể cổ phong và Đường Luật); văn xuôi (chiếu, biểu, hịch, cáo, tiểu thuyết chương hồi,...)

+ Về thi liệu: Sử dụng thi liệu và điển tích, điển cố Trung Hoa.

- Quá trình dân tộc hóa những tinh hoa của văn học Trung Quốc:

+ Sáng tạo ra chữ Nôm trên cơ sở những thành tố của chữ Hán để ghi âm, biểu đạt nghĩa tiếng Việt và dùng nó để sáng tác văn học;

+ Việt hóa thơ Đường luật thành thơ Nôm Đường luật, thất ngôn xen lục ngôn;

+ Sáng tạo ra các thể thơ dân tộc: lục bát, song thất lục bát, hát nói, các khổ ngâm khúc, truyện thơ.

+ Tất cả lấy đề tài, thi liệu từ đời sống, con người Việt Nam.

+ Sử dụng lời ăn tiếng nói, cách diễn đạt của nhân dân trong sáng tác.

(410) 1365 29/07/2022