Bài 2 trang 44 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Trả lời câu hỏi bài 2 trang 44 SGK Ngữ văn 11 tập 2, hướng dẫn soạn bài Từ ấy ngữ văn 11 : Khi được ánh sáng của lí tưởng soi rọi, nhà thơ đã có những nhận thức mới về lẽ sống như thế nào?
(386) 1285 04/08/2022

Tài liệu hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 2 trang 44 sách giáo khoa Ngữ văn 11 tập Hai phần đọc hiểu soạn bài Từ ấy của Tố Hữu chi tiết và đầy đủ nhất.

Đề bàiKhi được ánh sáng của lí tưởng soi rọi, nhà thơ đã có những nhận thức mới về lẽ sống như thế nào?

Trả lời bài 2 trang 44 SGK văn 11 tập 2

Cách trả lời 1:

- Khi được ánh sáng của lí tưởng soi rọi, nhà thơ đã có nhận thức về một lẽ sống hòa quyện cái tôi riêng với cái ta chung của toàn dân tộc:

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải với trăm nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.”

- Trong khổ thơ này tác giả thể hiện cái tôi đã hòa quyện với cái ta chung, điều đó được thể hiện qua các hình ảnh như: buộc lòng, hồn tôi, hồn khổ,… Từ cái tôi chung tác giả đã “buộc lòng” với mọi người, từ "buộc" ở đây không phải là ép buộc mà đó là thể hiện sự khăng khít gắn chặt của nhà thơ với mọi người dân tộc Việt Nam.

- Tác giả dùng điệp từ “để” nhấn mạnh mục đích của hành động buộc lòng kia. Đó là để cho tình cảm riêng thành một tình cảm lớn, tình yêu đất nước và dân tộc Việt Nam. Để được đồng cam cộng khổ cùng nhân dân vượt qua khốn khó này.

- Gần gũi nhau tạo nên một khối đời vững mạnh chống lại thực dân xâm chiếm. Qua đó ta thấy được, nhà thơ không chỉ vui mừng khi được kết nạp mà còn nhận ra được lí tưởng sống của mình.

Tham khảo thêm văn mẫuPhân tích lẽ sống trong bài thơ Từ ấy của Tố Hữu

Cách trả lời 2:

Những nhận thức mới về lẽ sống:

- Gắn cái tôi chặt chẽ với “cái ta” chung của muôn người: đây là quan niệm sống mới thể hiện sự hòa hợp.

- Động từ “buộc” thể hiện sự gắn bó tự nguyện với mọi người.

- Để tình trang trải với trăm nơi biểu hiện cho một tâm hồn trải rộng với cộng đồng, tạo ra khả năng đồng cảm sâu xa với hoàn cảnh từng con người cụ thể.

- Hồn tôi gắn với bao hồn khổ: tình hữu ái giai cấp, đặc biệt quan tâm tới quần chúng lao khổ

- Hình ảnh gần gũi nhau thêm mạnh khối đời mang tính ẩn dụ chỉ đông đảo người cùng chung cảnh ngộ đoàn kết vì mục tiêu chung.

=> Tố Hữu tìm thấy niềm vui, sức mạnh không chỉ bằng nhận thức còn bằng tình cảm mến yêu, sự giao cảm của những trái tim. Quan niệm về lẽ sống gắn bó cái tôi cá nhân với cái ta chung của mọi người

Cách trả lời 3:

Khi được ánh sáng của lí tưởng Đảng soi rọi, nhà thơ đã có những nhận thức mới về lẽ sống (khổ 2):

- Tôi buộc lòng tôi với mọi người: động từ “buộc” mang ý nghĩa ẩn dụ chỉ ý thức tự nguyện gắn bó, thắt chặt lòng mình với mọi người.

=> Sự hòa nhập giữa “cái tôi” và “cái ta” – quan điểm mới, tiến bộ của Tố Hữu.

- Điệp từ “để” kết hợp với những hình ảnh:

+ “Trăm nơi”: là hoán dụ chỉ mọi người ở khắp nơi.

+ “Hồn khổ”: hoán dụ bộ phận chỉ toàn thể, là hình ảnh lao động khổ cực.

+ “Khối đời”: là một ẩn dụ chỉ một khối người đông đảo cùng chung cảnh ngộ trong cuộc đời, đoàn kết chặt chẽ với nhau cùng phấn đấu vì một mục tiêu.

- Điệp từ “với” góp phần khẳng định nhận thức đúng đắn của nhà thơ về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng.

=> Tố Hữu đã đặt mình giữa dòng đời, hòa mình trong môi trường của quần chúng lao khổ, ông đã tìm thấy niềm vui và sức mạnh mới – sức mạnh cộng đồng.

-/-

Bài 2 trang 44 SGK ngữ văn 11 tập 2 trên đây được biên soạn và trả lời theo 3 cách khác nhau giúp em có thêm nhiều thông tin hữu ích để chuẩn bị bài và soạn bài Từ ấy (Tố Hữu) trong chương trình soạn văn 11 tốt hơn trước khi đến lớp.

Chúc các em học tốt !


(386) 1285 04/08/2022