Soạn bài Tiểu sử tóm tắt

Soạn bài Tiểu sử tóm tắt giúp em nắm vững kiến thức, gợi ý trả lời câu hỏi soạn văn 11 Tiểu sử tóm tắt trang 53 sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 tập 2.
(400) 1332 04/08/2022

Tài liệu hướng dẫn soạn bài Tiểu sử tóm tắt do Đọc tài liệu biên soạn giúp học sinh nắm được những tri thức cơ bản về tiểu sử tóm tắt: mục đích, yêu cầu và cách thức viết tiểu sử tóm tắt. Hơn nữa, thông qua những câu hỏi bài tập trong SGK các em sẽ được làm quen với kỹ năng viết tiểu sử tóm tắt về một người, nhân vật nào đó trong thực tế.

Cùng tham khảo...

Soan van 11 bai Tieu su tom tat

Kiến thức cần nắm vững về Tiểu sử tóm tắt

I. Mục đích, yêu cầu của tiểu sử tóm tắt

- Tiểu sử tóm tắt là văn bản thông tin một cách khách quan, trung thực những nét cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp của một cá nhân.

- Mục đích:

+ Giới thiệu cho người đọc, người nghe về cuộc đời, sự nghiệp, cống hiến của người được nói tới.

+ Những hiểu biết đó giúp cho người quản lí tìm hiểu, theo dõi và sắp xếp, phân công công việc hợp lí, hiệu quả.

+ Ngoài ra nắm được tóm tắt tiểu sử của nhà văn, nhà thơ chúng ta có cơ sở hiểu đúng, hiểu sâu về tác phẩm của họ.

- Yêu cầu:

+ Thông tin khách quan, chính xác đến người được nói tới.

+ Nội dung và độ dài của văn bản cần phải phù hợp với mục đích được hướng đến.

+ Văn phong phải cô đọng, trong sáng, không sử dụng các biện pháp tu từ.

II. Cách viết tiểu sử tóm tắt

Cách viết tiểu sử tóm tắt bao gồm các bước sau:

- Thu thập và xử lí tài liệu: yêu cầu của nội dung và các tài liệu sưu tầm cần phải chính xác, chân thực, đầy đủ, tiêu biểu.

- Xác định độ dài và những nội dung chính: Đọc và nắm được nội dung chính của tài liệu và sưu tập để tìm các ý chính của bản tiểu sử cần tóm tắt.

- Các phần cụ thể của một bản tiểu sử tóm tắt thường như sau:

+ Giới thiệu khái quát về thân nhân (họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, gia đình, học vấn,...) của người được giới thiệu.

+ Hoạt động xã hội của người được giới thiệu: làm gì, ở đâu, mối quan hệ với mọi người,...

+ Những đóng góp của người được giới thiệu.

+ Đánh giá chung.

Hướng dẫn soạn bài Tiểu sử tóm tắt ngắn gọn nhất

Gợi ý trả lời các câu hỏi bài tập luyện tập bài Tiểu sử tóm tắt ngắn nhất trang 55 SGK Ngữ văn 11 tập 2.

Câu 1 - Trang 55 SGK

Các trường hợp cần viết tiểu sử tóm tắt là: c và d.

Câu 2 - Trang 55 SGK

So sánh tiểu sử tóm tắt với các văn bản khác: điếu văn, sơ yếu lí lịch, thuyết minh.

- Điểm giống: đều khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của một cá nhân nào đó.

- Điểm khác của các văn bản nằm ở mục đích và hoàn cảnh sử dụng:

+ Điếu văn dùng để ca ngợi công đức và bày tỏ sự tiếc thương người đã mất, được đọc trong lễ truy điệu nên khác tiểu sử tóm tắt, điếu văn cần thêm nội dung tiếc thương người đã mất, lời chia buồn với gia quyến.

+ Sơ yếu lí lịch là văn bản hành chính, thường có mẫu cố định, nội dung nhấn mạnh đến các thông tin về nhân thân, do bản thân người khai viết và cần có dấu xác nhận của chính quyền. Trong khi đó, tiểu sử tóm tắt do người khác viết, không cần dấu xác nhận, nội dung chủ yếu tập trung vào hoạt động và đóng góp của người được nói đến.

+ Thuyết minh có đối tượng rộng lớn hơn (người, vật, cảnh,…), nội dung thuyết minh phong phú do tùy đối tượng và hành văn cần có tính biểu cảm, hấp dẫn. Tiểu sử tóm tắt có đối tượng là người, lời văn khách quan, nội dung tiêu biểu.

Câu 3 - Trang 55 SGK

Mẫu tiểu sử tóm tắt về nhà thơ Tố Hữu

Nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, quê gốc ở làng Phù Lai, nay là xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tố Hữu sớm tham gia phong trào đấu tranh cách mạng, từng bị giam giữ trong nhiều nhà tù nhưng vẫn kiên định con đường cách mạng đến trọn đời. Ông hoạt động tích cực trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Chủ tịch ủy ban khởi nghĩa Huế trong cách mạng tháng Tám năm 1945, phụ trách văn hóa nghệ thuật ở cơ quan Trung ương Đảng trên quê hương cách mạng Việt Bắc, Ủy viên bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, Bí thư trung ương đảng, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Đường đời, đường cách mạng của Tố Hữu gắn bó và song hành với đường thơ. Ông có những đóng góp lớn lao cho nền văn học cách mạng Việt Nam với bảy tập thơ đồ sộ: Từ ấy (1937 - 1946), Việt Bắc (1946 - 1954), Gió lộng (1955 - 1961), Ra trận (1962 - 1971), Máu và hoa (1972 - 1977), Một tiếng đờn (1992) và Ta với ta (1999). Thơ Tố Hữu không những là phương tiện hiệu quả truyền bá cách mạng sâu rộng vào nhân dân mà còn đưa thơ cách mạng lên đỉnh cao nghệ thuật. Với Tố Hữu, thơ cách mạng đạt đến trình độ thơ trữ tình chính trị, hấp dẫn người đọc bởi tính dân tộc, khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn và giọng điệu tâm tình, ngọt ngào, thương mến.

Tố Hữu là lá cờ đầu của nền văn học cách mạng Việt Nam. Qua thơ Tố Hữu, có thể thấy tinh hoa và giá trị của nền văn học cách mạng, một nền văn học coi vận mệnh dân tộc là lẽ sống lớn nhất.

Soạn bài Tiểu sử tóm tắt chi tiết

Gợi ý trả lời các câu hỏi bài tập luyện tập bài Tiểu sử tóm tắt trang 55 SGK Ngữ văn 11 tập 2.

Bài 1 trang 55 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Trong các trường hợp sau đây, trường hợp nào cần viết tiểu sử tóm tắt?

a) Thuyết minh về các danh nhân.

b) Tự ứng cử vào một chức vụ trong các cơ quan Nhà nước hoặc đoàn thể.

c) Giới thiệu người ứng cử vào một chức vụ nào đó trong các cơ quan Nhà nước hoặc đoàn thể.

d) Giới thiệu một vị lãnh đạo cấp cao của nước ngoài sang thăm nước ta.

e) Khi một vị lãnh đạo từ trần.

Trả lời:

Trường hợp a và e không cần viết tiểu sử tóm tắt, còn lại các trường hợp khác đều phải viết tiểu sử, tóm tắt

Bài 2 trang 55 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Hãy cho biết những điểm giống và khác nhau giữa văn bản tiểu sử tóm tắt với các văn bản khác: điếu văn, sơ yếu lí lịch, thuyết minh.

Trả lời: 

So sánh văn bản tiểu sử tóm tắt với các văn bản điếu văn, sơ yếu lí lịch, giới thiệu, thuyết minh.

* Giống nhau: Các văn bản tóm tắt tiểu sử, điếu văn, sơ yếu lí lịch, giới thiệu, thuyết minh đều có thể viết về một nhân vật nào đấy.

* Khác nhau:

- Tiểu sử tóm tắt và điếu văn: Hai văn bản này khác nhau về mục đích và hoàn cảnh giao tiếp. Điếu văn được viết để đọc trong buổi lễ truy điệu nên ngoài nội dung tiểu sử của người đã mất còn thêm nhiều nội dung khác như: sự ra đi của người đã mất, nỗi xót đau của những người còn sống, lời chia buồn với gia quyến,...

- Tiểu sử tóm tắt và sơ yếu lí lịch:

+ Sơ yếu lí lịch do chính bản thân viết, còn tiểu sử tóm tắt là do người khác viết.

+ Sơ yếu lí lịch là văn bản hành chính, thường có mẫu cố định. Nội dung thường nhấn mạnh đến nhân thân và các mối quan hệ. Bản lí lịch cần có xác nhận của cơ quan có thẩm quyển. Còn tiểu sử không cần nêu chi tiết mọi quan hệ xã hội mà chỉ tập trung nêu mối quan hệ có ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân người được viết tiểu sử, chú trọng nhiều đến những cống hiến và đóng góp của người đó. Tiểu sử không cần phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

- Tiểu sử tóm tắt và lời giới thiệu, thuyết minh: Văn bản giới thiệu, thuyết minh có đối tượng rộng hơn (người, vật, danh lam thắng cảnh,...). Tùy vào đối tượng, mục đích, nội dung của văn bản giới thiệu, thuyết minh, có thể nhấn mạnh, khắc sâu vào những nội dung khác nhau, về hành văn, văn bản giới thiệu, thuyết minh còn yêu cầu về cách diễn đạt phong phú, giàu hình ảnh và có tính biểu cảm.

Bài 3 trang 55 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Hãy viết tiểu sử tóm tắt của một nhà văn, nhà thơ được học trong chương trình Ngữ văn 11.

Trả lời:

Lựa chọn những tác giả mà bạn có sẵn tư liệu.

Ví dụ: Giới thiệu nhà văn Nam Cao, có thể đọc lại bài học về nhà văn Nam Cao rồi viết bài tóm tắt tiểu sử theo những hướng dẫn đã học.

Tham khảo bài tóm tắt tiểu sử một số nhà văn sau đây:

Mẫu tiểu sử tóm tắt về tác giả Nam Cao

Nam Cao

(1915 – 1951)

Nam Cao tên khai sinh là Trần Hữu Tri. Ông sinh năm 1915 trong một gia đình nông dân làng Đại Hoàng, thuộc tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân, tỉnh Hà Nam (nay thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lí Nhân, tỉnh Hà Nam).

Nam Cao là người con duy nhất trong một gia đình đông con được học hành tử tế. Học xong bậc thành chung, Nam Cao vào Sài Gòn giúp việc cho một hiệu may và bắt đầu sáng tác văn chương. Sau đó ông bị bệnh, trở về quê. Có một thời gian Nam Cao dạy học ở một trường tư ở Hà Nội. Quân Nhật vào Đông Dương, trường ông phải đóng cửa. Nam Cao thất nghiệp, chuyển sang viết văn. Năm 1943 ông tham gia Hội văn hóa cứu quốc do Đảng Cộng sản tổ chức và lãnh đạo. Kháng chiến bùng nổ (12 – 1946) Nam Cao về làm công tác tuyên truyền ở tỉnh Hà Nam. Từ năm 1947 lên Việt Bắc tiếp tục viết báo, sáng tác tuyên truyền cho kháng chiến. Năm 1950 tham gia chiến dịch Biên giới. Tháng 11 – 1951 Nam Cao hi sinh khi đi công tác vào vùng địch hậu.

Trước Cách mạng tháng Tám, sáng tác của Nam Cao xoay quanh đề tài về cuộc sống người trí thức tiểu tư sản nghèo và cuộc sống người nông dân nghèo. Dù viết về đề tài nào, tác phẩm của ông cũng thể hiện nỗi đau đớn day dứt trước tình trạng con người bị xói mòn về nhân phẩm, bị hủy diệt nhân tính. Qua tác phẩm của mình, Nam Cao phê phán xã hội phi nhân đạo đương thời. Sau Cách mạng tháng Tám, một số tác phẩm của ông như: Đôi mắt, Ở rừng, Chuyện biên giới… là những sáng tác có giá trị của nền văn xuôi cách mạng lúc bấy giờ.

Trong nền văn xuôi hiện đại của nước ta, Nam Cao là nhà văn có tài năng xuất sắc và một phong cách độc đáo. Ông đã góp phần quan trọng vào việc cách tân nền văn xuôi Việt Nam theo hướng hiện đại hóa.

Mẫu tiểu sử tóm tắt về tác giả Xuân Diệu

Xuân Diệu

(1916 - 1985)

Nhà thơ tình Xuân Diệu sinh ngày 2-2-1916 tại Tỉnh Bình Định, nước Việt Nam. Ông sống và làm việc chủ yếu ở Tỉnh Hà Tĩnh, nước Việt Nam. Ông sinh thuộc cung Bảo Bình, cầm tinh con (giáp) mèo (Ất Mão 1915). Xuân Diệu xếp hạng nổi tiếng thứ 79876 trên thế giới và thứ 3 trong danh sách nhà thơ tình nổi tiếng.

Thi sĩ Xuân Diệu được mệnh danh là "Ông hoàng thơ tình". Ông là một cây đại thụ của thơ ca Việt Nam và được xem là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới của thi ca Việt Nam. Trong suốt quá trình sáng tác, Xuân Diệu đã viết khoảng 450 bài thơ và còn một số lớn tác phẩm chưa được công bố. Ông còn là một nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng của văn học Việt Nam. Ông là một trong số thi sĩ được xuất hiện trong cuốn sách nổi tiếng "Thi nhân Việt Nam" của hai tác giả Hoài Thanh và Hoài Chân.

Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu. Ông còn sử dụng bút danh Trảo Nha để sáng tác. Ông là một nhà thơ lớn, một nhà văn và nhà phê bình nổi tiếng của Việt Nam.

Nhà thơ Xuân Diệu bắt đầu gây tiếng vang từ phong trào Thơ mới qua tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió, cùng nhiều bài thơ tình, lãng mạn. Ông là thành viên của nhóm Tự Lực Văn Đoàn và cũng chính là thành viên chủ soái của phong trào "Thơ Mới". Tác phẩm tiêu biểu của ông ở giai đoạn này: Thơ thơ, Gửi hương cho gió, truyện ngắn Phấn thông vàng, Trường ca.

Hai tập "Thơ thơ" và "Gửi hương cho gió", được giới chuyên môn đánh giá là kiệt tác của văn học.

Thơ của Xuân Diệu xoay quanh đề tài ca ngợi quê hương đất nước, tình yêu và thiên nhiên... Thơ của ông phong phú về giọng điệu, có giọng trầm hùng, tráng ca, có giọng chính luận, giọng thơ tự sự trữ tình. Tiêu biểu là: Ngọn quốc kỳ, Một khối hồng, Thanh ca, Tuyển tập Xuân Diệu.

Năm 1996, Xuân Diệu được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật. Để vinh danh và tưởng nhớ đến Xuân Diệu, tên của ông đã được đặt cho nhiều tuyến đường và trường học ở nhiều thành phố lớn của Việt Nam.

Thi sĩ Xuân Diệu qua đời ngày 18 tháng 12 năm 1985. Hiện nay, nhà tưởng niệm và nhà thờ của ông được xây dựng tại làng Trảo Nha, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Ghi nhớ Tiểu sử tóm tắt

- Bản tiểu sử tóm tắt cần chính xác, chân thực, ngắn gọn nhưng phải nêu được những nét tiêu biểu về cuộc đời, sự nghiệp của người được giới thiệu.

- Bản tiểu sử tóm tắt thường có các phần:

+ Giới thiệu khái quát về nhân thân (họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, gia đình, học vấn,...) của người được giới thiệu.

+ Hoạt động xã hội của người được giới thiệu: làm gì, ở đâu, mối quan hệ với mọi người,...

+ Những đóng góp, những thành tựu tiêu biểu của người được giới thiệu.

+ Đánh giá chung.

// Trên đây là hướng dẫn soạn văn 11 bài Tiểu sử tóm tắt do Học Tốt tổng hợp và biên soạn. Với câu trả lời chi tiết cho các câu hỏi trong SGK, hi vọng các em sẽ nắm được đầy đủ những kiến thức về một bài tiểu sử tóm tắt và cách viết. Chúc các em luôn đạt kết quả cao trong học tập!

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Tiểu sử tóm tắt một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.


TẢI VỀ

(400) 1332 04/08/2022