Soạn bài Luyện tập thao tác lập luận bác bỏ

Hướng dẫn soạn bài Luyện tập thao tác lập luận bác bỏ, gợi ý giải các bài tập vận dụng thao tác lập luận bác bỏ trang 31 SGK Ngữ Văn lớp 11 tập 2.
(409) 1362 04/08/2022

Tài liệu soạn bài Luyện tập thao tác lập luận bác bỏ được biên soạn nhằm giúp em củng cố và nâng cao hiểu biết về thao tác lập luận bác bỏ, biết vận dụng hiệu quả thao tác này trong bài văn nghị luận.

Với những gợi ý giải các bài tập trong SGK trang 31-32, HocOn247 hi vọng sẽ giúp các em dễ dàng tiếp thu, rèn luyện kĩ năng phân tích, sử dụng thao tác lập luận bác bỏ trong quá trình làm văn nghị luận.

Nhắc lại kiến thức lí thuyết về thao tác lập luận bác bỏ

1. Khái niệm Thao tác lập luận bác bỏ

- Lập luận bác bỏ là cách thức đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng khoa học của mình để phủ nhận ý kiến, quan điểm thiếu chính xác của người khác. Từ đó, nêu ý kiến đúng của mình để thuyết phục người nghe.

2. Mục đích, yêu cầu của thao tác lập luận bác bỏ

- Mục đích:

+ Bác bỏ những quan điểm, những ý kiến không đúng, bênh vực những quan điểm, ý kiến đúng đắn

+ Giúp văn nghị luận thêm sâu sắc, giàu tính thuyết phục

- Yêu cầu:

+ Cần phải chỉ ra được cái sai hiển nhiên của các chủ thể phát ngôn (ý kiến, quan điểm, nhận định...)

+ Dùng lí lẽ và dẫn chứng khách quan, trung thực để bác bỏ các ý kiến, nhận định sai trái.

+ Có thái độ thẳng thắn, có văn hóa tranh luận và có sự tôn trọng người đối thoại, tôn trọng bạn đọc.

3. Cách thực hiện thao tác lập luận bác bỏ

- Dùng lí lẽ, dẫn chứng gạt bỏ những quan điểm, nhận định sai trái... nêu ý kiến đúng đắn của mình nhằm thuyết phục người đọc

- Bác bỏ bằng nhiều cách khác nhau: bác bỏ một luận điểm, luận cứ, sau đó chỉ rõ tác hại, nguyên nhân hoặc phân tích những khía cạnh sai lầm ấy bằng thái độ khách quan, đúng mực.

>>> Chi tiết nội dung kiến thức lí thuyết có thể xem lại tại phần soạn bài Thao tác lập luận bác bỏ đã học ở tuần 19.

Soạn bài Luyện tập thao tác lập luận bác bỏ ngắn nhất

Gợi ý trả lời câu hỏi bài tập luyện tập soạn bài Luyện tập thao tác lập luận bác bỏ trang 31, 32 SGK Ngữ văn 11 tập 2.

Câu 1 (trang 31 SGK Ngữ văn 11 tập 2)

a.

* Nội dung bác bỏ: một quan niệm sống sai lầm - sống bó hẹp trong cửa nhà mình.

* Cách bác bỏ:

- Dùng lý lẽ bác bỏ trực tiếp “Cuộc sống riêng không biết gì hết ở bên kia ngưỡng cửa nhà mình là một cuộc sống nghèo nàn dù có đầy đủ tiện nghi.”

- Kết hợp so sánh tạo bằng hình ảnh sinh động để vừa bác bỏ vừa nêu ý đúng, động viên người đọc.

* Diễn đạt :

- Từ ngữ giản dị

- Phối hợp câu tường thuật và câu miêu tả.

b.

* Nội dung bác bỏ:

- Vua Quang Trung bác bỏ thái độ e ngại né tránh của những hiền tài trong buổi đầu nhà vua dựng nghiệp

* Cách bác bỏ:

- Không phê phán trực tiếp mà phân tích những khó khăn trong sự nghiệp chung.

- Đi từ lòng mong mỏi , nỗi lo lắng của nhà vua đến việc nhà vua phân tích những khó khăn trong sự nghiệp.

- Khẳng định trên dải đất văn hiến của nước ta không hiếm người tài.

* Diễn đạt

- Từ ngữ vừ trang trọng, giản dị.

- Giọng điệu chân thành, khiêm tốn.

- Sử dụng câu tường thuật kết hợp câu hỏi tu từ.

- Dùng lý lẽ kết hợp với hình ảnh.

- Vừa bác bỏ, vừa động viên khích lệ.

Câu 2 (trang 32 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2)

Gợi ý: Triển khai đoạn văn theo bố cục:

- Nêu ý kiến cần bác bỏ.

- Phân tích nguyên nhân

- Chỉ ra những tác hại của những nhận thức sai lệch.

- Đề xuất một vài suy nghĩ và hành động đúng đắn về vấn đề bàn luận.

Ví dụ bác bỏ quan niệm: Muốn học giỏi môn Ngữ văn cần chăm chỉ đọc nhiều sách, học thuộc thơ văn.

- Ý kiến bác bỏ: Nếu chăm chỉ đọc nhiều sách, học thuộc thơ văn thì chỉ làm cho kiến thức của chúng ta thêm phong phú chứ không thể rèn luyện tư duy, khả năng sáng tạo.

- Nguyên nhân: Quan niệm trên bắt nguồn từ những suy nghĩ phiến diện, rập khuôn, chưa có biện pháp học tập đúng đắn.

- Tác hại: ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập, tới sự rèn luyện phẩm chất đạo đức của thanh niên, học sinh.

- Đề xuất:

+ Đọc nhiều sách, nhớ những dẫn chứng hay.

+ Tìm tòi, phát hiện cái mới.

Câu 3 (trang 32 SGK Ngữ văn 11 tập 2)

* Mở bài: Có thể giới thiệu ít nhất hai quan niệm sống khác nhau

* Thân bài:

a. Thừa nhận đây là một trong những quan niệm về cách sống hiện nay đang tồn tại trong thanh niên

=> Quan niệm trên là hoàn toàn sai

=> Phân tích ngắn gọn nguyên nhân phát sinh ra quan niệm ấy

b. Bác bỏ quan niệm về cách sống ấy:

- Vấn đề cần bác bỏ: Bản chất của cái gọi là “sành điệu” chính là lối sống học đòi, buông thả, hưởng thụ và vô trách nhiệm.

- Cách bác bỏ: dùng lý lẽ để phân tích và lấy dẫn chứng để chứng minh.

c. Khẳng định một quan niệm về cách sống đúng đắn.

* Kết bài : Phê phán và nêu bài học rút ra.

Soạn bài Luyện tập thao tác lập luận bác bỏ chi tiết

Gợi ý trả lời câu hỏi bài tập luyện tập soạn bài Luyện tập thao tác lập luận bác bỏ trang 31, 32 SGK Ngữ văn 11 tập 2.

Bài 1 trang 31 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Phân tích cách thức bác bỏ trong hai đoạn trích sau:

a) [...] Cuộc sống riêng không biết gì hết ở bên kia ngưỡng của nhà mình là một cuộc sống nghèo nàn, dù nó có đầy đủ tiện nghi đến đâu đi nữa. Nó giống như một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm, sạch sẽ và gọn gàng. Mảnh vườn này có thể làm chủ nhân của nó êm ấm một thời gian dài, nhất là nếu lớp rào bao quanh không còn làm họ vướng mắt nữa. Nhưng hễ có một cơn dông tố nổi lên là cây cối sẽ bị bật khỏi đất, hoa sẽ nát và mảnh vườn sẽ xấu xí hơn bất kì một nơi hoang dại nào. Con người không thể hạnh phúc với một hạnh phúc mỏng manh như thế. Con người cần một đại dương mênh mông bị bão táp làm nổi sóng, nhưng rồi lại phẳng lì và trong sáng như trước. Số phận của những cái tuyệt đối cá nhân, không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn.

(Theo A. L. Ghéc-xen, 3555 câu danh ngôn,

NXB Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1997)

b) Nay trẫm đang ghé chiếu lắng nghe, ngày đêm mong mỏi, nhưng những người học rộng tài cao chưa thấy có ai tìm đến. Hay trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng ? Hay đang thời đổ nát chưa thể ra phụng sự vương hầu chăng ?
Kìa như, trời còn tăm tối, thì đấng quân tử phải trổ tài. Nay đương ở buổi đầu của nền đại định, công việc vừa mới mở ra. Kỉ cương nơi triều chính còn nhiều khiếm khuyết, công việc ngoài biên đương phải lo toan. Dân còn nhọc mệt chưa lại sức, mà đức hoá của trẫm chưa kịp nhuần thấm khắp nơi. Trẫm nơm nớp lo lắng, ngày một ngày hai vạn việc nảy sinh. Nghĩ cho kĩ thì thấy rằng: Một cái cột không thể đỡ nổi một căn nhà lớn, mưu lược một người không thể dựng nghiệp trị bình. Suy đi tính lại trong vòm trời này, cứ cái ấp mười nhà ắt phải có người trung thành tín nghĩa. Huống nay trên dải đất văn hiến rộng lớn như thế này, há trong đó lại không có lấy một người tài danh nào ra phò giúp cho chính quyền buổi ban đầu của trẫm hay sao ?

(Ngô Thì Nhậm, Chiếu cầu hiền)

Trả lời: 

a) Nghệ thuật bác bỏ trong đoạn văn của A. L. Ghéc-xen:

- Nội dung: Bác bỏ lối sống theo chủ nghĩa cá nhân.

- Cách bác bỏ: Dùng hình thức so sánh và lí lẽ để bác bỏ. Tác giả đã khéo léo so sánh lối sống cá nhân như là một khu vườn thơm được chăm sóc cẩn thận nhưng lại không thể chống được bão táp. Theo tác giả, người ta chẳng có gì "đáng thèm muốn" một cuộc sống như thế. Con người không thể hạnh phúc với một hạnh phúc mỏng manh. Nó cần phải được trải qua những gian nan, thử thách.

b) Nghệ thuật bác bỏ trong đoạn trích của Ngô Thì Nhậm:

- Nội dung: Bác bỏ quan điểm kẻ sĩ không nên ra phụng sự công việc của thiên triều.

- Cách bác bỏ: Tác giả đưa ra hàng loạt những lập luận có tính chất lựa chọn, để từ đó hướng người nghe đến những lựa chọn đúng đắn, hợp lí. Lời lập luận vừa chặt chẽ, lại vừa giàu cảm xúc, vì thế mà tính thuyết phục của đoạn bác bỏ rất cao.

Bài 2 trang 31 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Trong buổi hội thảo về kinh nghiệm học môn Ngữ Văn của lớp có hai quan niệm:

a) Muốn học giỏi môn Ngữ văn chỉ cần đọc nhiều sách, học thuộc nhiều thơ văn.

b) Không cần đọc nhiều sách, không cần học thuộc nhiều thơ văn, chỉ cần luyện nhiều về tư duy, về cách nói, cách viết là có thể học giỏi môn Ngữ Văn.

Anh (chị) hãy bác bỏ một trong hai quan niệm đó, rồi đề xuất một vài kinh nghiệm học Ngữ Văn tốt nhất.

Trả lời:

Triển khai viết đoạn văn theo bố cục dưới đây:

- Nêu ý kiến cần bác bỏ.

- Phân tích nguyên nhân (cả hai quan niệm trên đều bắt nguồn từ những suy nghĩ phiến diện, từ thái độ học tập, ý thức, động cơ,... rèn luyện, phấn đấu hạn chế,...)

- Chỉ ra những tác hại của những nhận thức sai lệch đó (ảnh hưởng xấu tới kết quả học tập, tới sự rèn luyện phẩm chất đạo đức của thanh niên, học sinh,...).

- Đề xuất một vài suy nghĩ và hành động đúng đắn về vấn đề bàn luận:

Muốn học tốt môn Ngữ văn cần phải:

+ Sống sâu sắc và có ý thức tích lũy vốn sống thực tế

+ Có động cơ và thái độ học tập đúng đắn

+ Có phương pháp học tập phù hợp để nắm kiến thức cơ bản và hệ thống

+ Thường xuyên trau dồi kiến thức qua sách, báo, tạp chí và thu thập thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

+ Chăm chú nghe giảng, để hiểu bài ngay tại lớp.

+ Đọc nhiều sách để có vốn từ phong phú hơn.

+ Học thuộc các ý thơ và ghi nhớ kĩ nội dung các văn bản để khi viết văn có dẫn chứng cụ thể.

Bài viết (đoạn văn) cần viết sao cho luận cứ sáng sủa, rành mạch, sắp xếp hợp lí, dẫn chứng khoa học và chặt chẽ.

Bài 3 trang 31 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Có quan niệm cho rằng: "Thanh niên, học sinh thời nay phải biết ăn diện, nhuộm tóc, hút thuốc lá, uống rượu, vào các vũ trường,... thế mới là cách sống "sành điệu" của tuổi trẻ thời hội nhập".

Anh (chị) hãy lập dàn ý và viết bài nghị luận bác bỏ quan niệm trên.

Trả lời:

Dàn ý tham khảo:

* Mở bài:

- Có thể giới thiệu ít nhất hai quan niệm sống khác nhau.

* Thân bài:

a. Thừa nhận: đây là một trong những quan niệm về cách sống hiện nay đang tồn tại trong thanh niên.

=> quan niệm trên là hoàn toàn sai

- Phân tích ngắn gọn nguyên nhân phát sinh ra quan niệm ấy

b. Bác bỏ quan niệm về cách sống ấy:

- Vấn đề cần bác bỏ: Bản chất của cái gọi là “sành điệu” chính là lối sống học đòi, buông thả, hưởng thụ và vô trách nhiệm.

- Cách bác bỏ: dùng lý lẽ để phân tích và lấy dẫn chứng để chứng minh.

c. Khẳng định một quan niệm về cách sống đúng đắn.

* Kết bài:

- Phê phán và nêu bài học rút ra

- Hướng đến lối sống đúng đắn.

  Tham khảo bài viết dưới đây:

"Gần đây có nhiều bạn đua đòi theo những lối ăn chơi không lành mạnh. Những bộ mốt dị thường được các cô cậu choai choai diện đến trường hay đi chơi đâu đó. Cách ăn mặc kiểu ấy không phù hợp với lứa tuổi học sinh, với truyền thống văn hóa của dân tộc cũng như với hoàn cảnh của gia đình. Thiết nghĩ đây là một vấn đề chúng ta rất cần cảnh báo.

Ngày nay các cô cậu học trò và thậm chí cá một bộ phận không nhỏ người dân ta cứ đua nhau mà chạy theo hai từ "sành điệu". Họ cứ nghĩ sành điệu là phải khác người. Cái áo phải quái dị hơn người, phải ngắn hơn người một tí, cái quần phải rộng thùng thình hay những lọn tóc phải vừa xanh vừa đỏ lại hoe vàng, thế mới là "sành điệu" (?). Thực ra những người như thế chẳng hiểu gì. Ngay từ nơi phát nguồn của nó (phương Tây) từ sành điệu nghĩa là chỉ những người hiểu biết cách ăn mặc phù hợp và tinh tế. Vậy phải chăng chỉ vì một thuật ngữ mà chúng ta đang bị mất đi thuần phong mĩ tục trong ăn mặc.

Thực tế không phải thế! Các cô cậu trút bỏ chiếc áo sơ mi trắng để mặc vào chiếc áo phông không cổ nghênh ngang đến trường với những hình thù quái dị không đứng đắn thực ra là để ra oai với bạn bè. Đó là kết quả của việc gia đình giáo dục không đúng.

Bàn đi rồi bàn lại! Vậy chẳng có lẽ dân tộc mình không có một cách ăn mặc nào sành điệu (hiểu theo đúng nghĩa) hay sao! Tôi vội nhớ lại loáng thoáng trong lớp học có mấy lần một bạn nữ nào lên tiếng: "Các thầy cô lúc nào cũng nhắc về ăn mặc, chẳng nhẽ tụi mình lại vận áo dài hay áo the khăn xếp mà đến lớp". Ôi! Cái hiểu biết của cô nữ sinh nọ mới nông cạn làm sao.

Nước mình vốn giàu truyền thống, cách ăn mặc của người mình chuộng về kín đáo và lịch sự. Nếu bạn thấy cả một cơ quan, nam nhân viên ai cũng vận quần đen áo trắng bạn sẽ thấy rất rõ điều này. Hoặc ở một nhà hàng nọ, nơi ăn mặc nhiều khi tuỳ hứng vô cùng, thế mà ông chủ vẫn yêu cầu nhân viên của mình mặc đồng phục lịch sự và kín đáo để còn "làm ăn được lâu dài".

Cái áo dài hay áo the khăn xếp giờ đã trở thành quốc phục. Tuy hàng ngày ta ít mặc vì bất tiện nhưng sao ta không học cách người phương Tây say sưa bình bàn về nó. Bởi những thứ thuộc về trang phục thử hỏi có cái gì vừa đẹp vừa có sức sống bền lâu trong lòng dân tộc như chiếc áo dài. Chẳng lẽ cha ông ta hàng ngàn đời nay lại không có một chút khái niệm gì về tư duy thẩm mĩ hay sao?

Thế đấy các bạn ạ! Sự sang trọng và văn minh đâu chỉ hiểu đơn thuần là ta đang mặc cái gì, mà còn phải hiểu thêm, ta mặc nó theo cách nào. Cách mặc ấy liệu có phù hợp với lứa tuổi không, có phù hợp với đặc trưng của dân tộc hay không và có phù hợp với hoàn cảnh kinh tế gia đình mình không chứ! Không hiểu biết vể những điều này, chúng ta không bao giờ văn minh được, càng không thể nào vươn tới một cách ăn mặc vừa đẹp vừa lịch sự, lại vừa văn hóa nữa".

Soạn văn Luyện tập thao tác lập luận bác bỏ lớp 11 nâng cao

Câu 1 (SGK/ Tr. 41-44)

Gợi ý:

a. Đoạn văn của Nguyễn Đình Thi

- Sử dụng cách bác bỏ luận điểm

Luận điểm cần bác bỏ: Có người nghĩ rằng thơ là những lời đẹp.

- Luận cứ dung để bác bỏ:

  • Không phải thơ là những lười đẹp
  • Không phải thơ là những đề tài đẹp

b. Đoạn văn của Đặng Thai Mai

Bác bỏ luận điểm bằng cách dùng lập luận phân tích để bác bỏ

Luận điểm cần bác bỏ: Trong sáng tác văn nghệ, lí tính không tham dự.

Lập luận phân tích dùng để bác bỏ: Lí tính chi phối việc:

Lựa chọn đề tài

  • Sắp đặt tư tưởng, nghiên cứu hình thức phân tích tài liệu
  • Vận dụng kinh nghiệm về bút pháp
  • Lựa chọn hình thức phù hợp với nội dung

c. Đoạn văn của Đỗ Kiên Cường

Bác bỏ luận điểm bằng cách dùng luận cứ và lập luận

Luận điểm cần bác bỏ: Có rồi hãy cho

Cách bác bỏ: bài viết có 6 đoạn :

  • Đoạn 1: Xác định luận điểm cần bác bỏ
  • Đoạn 2: Chỉ ra thực chất của luận điểm trên là sản phẩm của chủ nghĩa thực dụng.
  • Đoạn 3: Dùng luận cứ tỉ lệ dân nước Mĩ ăn bám và luận điểm về mẹ Tê-rê-da để bác bỏ.
  • Đoạn 4: Phê phán luận điểm của Ây Ren-đơ là thiếu hiểu biết xã hội và bản chất nhân văn của xã hội loài người.
  • Đoạn 5: Khẳng định tính đúng đắn của luận điểm “Giá trị của một người chính là ở chỗ người đó phục vụ xã hội như thế nào” để gián tiếp bác bỏ luận điểm “có rồi cho”.
  • Đoạn 6: Chỉ ra sự thiển cận và phiến diện của chủ nghĩa thực dụng Ây Ren-đơ.

Câu 2: Lập dàn ý bác bỏ luận điểm sau: Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai

Gợi ý:

Vào đại học thường có một tương lai rất tốt đẹp

Vẫn còn có nhiều con đường khác để đi tới tương lai tốt đẹp.

Con đường đi chi phối tương lai nhưng quan trọng hơn là cách đi như thế nào.

⇒ Khẳng định không chỉ vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai.

Câu 3: Chọn một trong hai thành ngữ sau nhằm bác bỏ ý cũ và tìm ý mới:

a. Múa rìu qua mắt thợ

b. Bới lông tìm vết

Gợi ý:

a. Bác bỏ một phần nội dung thành ngữ “Múa rìu qua mắt thợ”: Nếu ai cũng sợ múa rìu qua mắt thợ, coi “thợ” là đỉnh cao không thể vượt qua thì làm sao có thể nảy sinh ra thế hệ “thợ” mới, làm sao tiến bộ được.

b. Tìm hiểu nghĩa của “Bới lông tìm vết” - một thành ngữ có nghĩa xấu. Nhưng đối với những người cầu tiến bộ, muốn khắc phục sai sót của mình thì họ không sợ ai “bới lông tìm vết” cả, thậm chí thấy sự bới móc kia có lợi cho mình.

Dựa trên những gợi ý làm phần soạn văn 11 bài Luyện tập thao tác lập luận bác bỏ của HocOn247 trên đây, hi vọng các em đã nắm được cơ bản cách thực hiện thao tác lập luận bác bỏ trong bài văn nghị luận. Hãy luyện tập và áp dụng phù hợp thao tác này trong các bài văn sắp tới của mình để nâng cao hiệu quả nghị luận của bài viết, thu hút người đọc.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Luyện tập thao tác lập luận bác bỏ một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.


TẢI VỀ

(409) 1362 04/08/2022