Soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử)

Hướng dẫn soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ giúp em nắm vững kiến thức về tác phẩm và trả lời các câu hỏi đọc hiểu bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử trang 38 SGK Ngữ văn lớp 11 tập 2.
(603) 2009 04/08/2022

Tài liệu hướng dẫn soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mạc Tử) ngắn gọn và đủ ý nhất bao gồm nội dung tóm tắt kiến thức về tác giả, tác phẩm và tìm hiểu, phân tích tác phẩm.

Qua những gợi ý trả lời câu hỏi soạn bài trong SGK, hi vọng các em sẽ nắm được nội dung cơ bản của bài thơ, cảm nhận được bức tranh phong cảnh và cũng là tâm cảnh, nỗi buồn cô đơn của Hàn Mặc Tử trong một mối tình xa xăm, vô vọng. Đó còn là tấm lòng thiết tha của nhà thơ với thiên nhiên, cuộc sống và con người. Nhận biết sự vận động của tứ thơ, tâm trạng chủ thể trữ tình và bút pháp độc đáo, tài hoa của một nhà thơ mới.

Cùng tham khảo ...

Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
Ai biết tình ai có đậm đà?

Soan van 11 bai tho Day thon Vi Da

Hướng dẫn soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ hay nhất

Gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu soạn Đây thôn Vĩ Dạ và bài luyện tập trang 39, 40 SGK Ngữ văn 11 tập 2.

Hướng dẫn học bài

Bài 1 trang 39 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Phân tích nét đẹp của phong cảnh và tâm trạng của tác giả trong khổ thơ đầu.

Trả lời:

Nét đẹp phong cảnh và tâm trạng của tác giả trong khổ thơ đầu:

- Khung cảnh Huế hiện lên tươi đẹp, địa điểm là thôn Vĩ Dạ, có vườn cây mướt lá, có nắng mới lên, có khóm trúc và cả bóng hình người con gái. Bầu không khí tươi tắn trẻ trung tràn đầy sức sống của vùng đất văn vật chốn kinh kì.

+ Từ “nắng” hai lần trong một câu thơ -> ấn tượng về ánh sáng tràn ngập, tươi tắn, bao phủ khắp không gian, diễn tả sự náo nức, bừng vui trước cảnh sắc yên bình, thơ mộng.

+ Vẻ đẹp của màu xanh: “Mướt”: màu xanh của sự mỡ màng, non tơ gợi sự trù phú của mảnh vườn thôn Vĩ, của xứ Huế. Từ mướt được dùng rất phù hợp, diễn tả màu xanh ở đây hơn cả xanh mượt, xanh đến bóng lên. Có như thế thì mới có thể ví màu xanh đó với màu xanh ngọc.

+ Lối so sánh độc đáo được thể hiện qua câu thơ thứ ba xanh như ngọc. Màu xanh ngọc thì rất tươi và trong suốt còn màu cây lá thì không thể trong được. Phải là sắc màu của kí ức thì mới có được độ trong veo ấy.

=> Rõ ràng cảnh vật Vĩ Dạ in rất sâu đậm trong kí ức của nhà thơ. Phải thấu hiểu và gắn bó lắm thì mới có thể viết nên câu thơ xuất thần như vậy.

+ Vẻ đẹp của người thôn Vĩ: Thấp thoáng hiện ra sau những cành trúc. Đó là nét đậm hiện ra sau những nét thanh.

+ Miền quê đẹp, thơ mộng, trữ tình, điểm đến hấp dẫn

+ Nơi người thương đang sinh sống

+ Nắng sớm, vườn cây xanh làm nền để con người xuất hiện. Tác giả không miêu tả rõ nàng nhưng người đọc dễ hình dung được đó là một thiếu nữ duyên dáng, được tôn thêm vẻ đẹp bởi các cảnh vật kia. Và cũng bởi là hình ảnh của kí ức nên khuôn mặt của người con gái đó chỉ là hình ảnh e ấp chứ không hiện diện cụ thể. .

=> Vẻ đẹp của cảnh và người hòa quyện tạo nên nét quyến rũ riêng của thôn Vĩ để làm bùng cháy nỗi khát khao được về thăm thôn Vĩ dù chỉ một lần của Hàn Mặc Tử.

Bài 2 trang 39 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Hình ảnh gió, mây, sông, trăng trong khổ thơ thứ hai gợi cảm xúc gì?

Trả lời:

Hàn Mặc Tử chuyển mạch thơ sang khổ thứ hai một cách khá đột ngột bằng những hình ảnh rất ấn tượng:

Gió theo lối gió, mây đường mây.

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

- “Gió theo lối gió, mây đường mây”: Gió mây chia lìa đôi ngả cũng khiến cho dòng nước thấm thêm nỗi buồn, nỗi cô đơn, xa vắng: “dòng nước buồn thiu”.

-> Nhà thơ dùng những cảnh vật của kí ức, của kỉ niệm để diễn tả sự chia lìa. Gió thì luôn thổi mây bay, luôn đi cùng mây nhưng giờ đây giữa chúng là cả sự ngăn cách, không hòa hợp. Rõ ràng, không phải gió mây tự chia lìa mà tâm cảm của thi nhân đã khiến gió mây chia lìa.

- Hình ảnh “hoa bắp lay” càng khiến cho cảnh vật hiu hắt, cô quạnh làm tăng nỗi buồn lên, tâm trạng như càng nặng nề, chán nản hơn.

+ Bản thân từ “lay” là từ trung tính, diễn tả một sự chuyển động, khó chuyển tải nỗi buồn. Nhưng dưới cái nhìn sầu cảm của Hàn Mặc Tử và được đặt liền kề với động từ buồn thiu nên động từ lay đã nhuốm buồn.

+ Tâm trạng thi nhân đã chi phối hết trạng thái của cảnh vật. Bản thân dòng nước và hoa bắp chẳng hàm chứa nỗi buồn, vả lại chúng thường đứng liền kề nhau, nhưng giờ đây dòng nước và hoa bắp đã chia lìa. Nước buồn nên cái sự lay của hoa bắp càng khiến cho nỗi buồn đó buồn hơn.

=> Sự chia lìa đã diễn ra ngay trong cả những thứ vốn không thể chia lìa được. Động từ lay thật gợi buồn, buồn đến hiu hắt vậy. Nó là nét buồn phụ họa với gió, mây, dòng nước, hay nỗi buồn nước - mây như đã xâm chiếm vào lòng hoa bắp.

- Chú ý chữ buồn thiu: Nếu chỉ nói nước buồn không thôi thì sắc thái buồn chưa thật lộ rõ bằng buồn thiu, một nỗi buồn không đến mức sầu thảm nhưng trĩu nặng ưu tư. Cũng nhờ dùng chữ buồn thiu này mà dòng sông có phần được nhân cách hóa, mang đầy tâm trạng đau thương của thi sĩ.

- Hình ảnh sông, trăng: Cảnh thực mà cứ như ảo, vì dòng sông không còn là dòng sông của sóng nước nữa mà là dòng sông ánh sáng, lấp lánh ánh trăng vàng. Cũng vì thế, con thuyền vốn có thể có thực trên sông đã trở thành một hình ảnh của mộng tưởng. Nó đậu trên bến sông trăng để chở trăng về một nơi nào đó trong mơ.

- Trăng của thôn Vĩ là ánh trăng đẹp đến mức huyền thoại: sông trăngtrăng được chở. Trăng không còn là ánh sáng mà đã trở thành vật thể, hình khối.

- Ánh trăng huyền diệu đó không vui mà mang nỗi sầu khôn tả bởi tiếp nối với mạch tan tác chia lìa của của gió của mây. Thi nhân gắng gượng hỏi có ai đó chở trăng về tối nay chăng? Một khao khát liền kề, chia sẻ. Thế nhưng dự cảm mất mát (được thể hiện qua chữ kịp) đã khiến nỗi ngóng đợi đó trở thành vô vọng. Trăng vẫn xa cách nghìn trùng và cả chút dư tình nơi cố đô ấy cũng thêm diệu vợi. Biết là ngóng đợi, là hi vọng nhưng càng hi vọng càng rơi vào bi đát. Thuyền thì đỗ sông trăng nhưng chẳng thể chở trăng về, như gió, như mây, như hoa bắp đã chìm trong màu xám buồn của kí ức.

- Dòng sông trong bài thơ không nhất thiết phải là sông Hương mà có thể là bất kì con sông nào, dòng sông trong hồn Hàn Mặc Tử.

Bài 3 trang 39 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Ở khổ thơ thứ ba, nhà thơ bộc lộ tâm sự của mình như thế nào? Chút hoài nghi trong câu thơ: "Ai biết tình ai có đậm đà?" có biểu hiện niềm tha thiết với cuộc đời không? Vì sao?

Trả lời:

* Tâm sự của nhà thơ trong khổ thơ thứ 3:

- Khi soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ em thấy Trong khổ thơ cuối này, nhà thơ trực tiếp tâm sự với người xứ Huế:

+ Câu thơ mở đầu như nhấn mạnh thêm nỗi xót xa (Mơ khách đường xa, khách đường xa), như lời thầm tâm sự của nhà thơ với chính mình trước lời mời của cô gái thôn Vĩ (Sao anh không về chơi thôn Vĩ?), có lẽ nhà thơ mãi chỉ là người khách quá xa xôi, hơn thế, chỉ là người khách trong mơ mà thôi. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới suy tư ấy, nhưng chủ yếu ở đây là mặc cảm về tình người.

Câu thơ có thể hiểu theo hai nghĩa, về nghĩa thực, xứ Huế nắng nhiều, mưa nhiều nên cũng nhiều sương khói, sương khói làm tăng thêm vẻ hư ảo, mộng mơ của Huế, nhưng sương và khói đều màu trắng, "áo em" cũng màu trắng thì chỉ có thể thấy bóng người thấp thoáng, mờ ảo. Về nghĩa bóng, cái sương khói làm mờ cả bóng người ấy phải chăng tượng trưng cho bao cái huyễn hoặc của cuộc đời đang làm cho tình người trở nên khó hiểu và xa vời?

- Thời gian thơ đột biến quyết liệt, tình cảm thơ nương theo đó cũng đổi thay chóng vánh. Vừa mới vui mừng đó chốc đã chua xót, ngậm ngùi.

- Tiền đề cho sự đánh mất hình hài ở khổ cuối được báo hiệu từ câu: Gió theo lối gió mây đường mây. Một khi quy luật tự nhiên bị bẻ gãy thì cõi đời cũng đâu có còn trôi chảy trên hành trình bình an của nó.

- Sự kì diệu của sương khói ấy còn ở chỗ nó gợi lên sương khói của chốn đô thành xưa, của Vĩ Dạ, sông trăng nơi đất Huế. Và hình bóng ai đó vừa là ở đây (trong kí ức) vừa là ở kia (ngoài đó). Thế nhưng dẫu là trong này hay ngoài kia thì ai đó cũng cứ là của quá khứ. Một quá khứ không thể nào níu giữ: Ai biết tình ai có đậm đà.

- Vẫn yêu đời lắm lắm nhưng cũng đành bất lực. Chút dư tình vẫn thắm đượm. Tình người dẫu có cách ngăn, dẫu có phôi pha theo thời gian thì không vì thế mà trờ cạn, vẫn còn đây miền nhung nhớ, miền luyến tiếc khôn nguôi.

+ Người bây giờ chỉ còn trơ trọi trong đại từ ai (được lặp lại ở khổ cuối hai lần) và bị làm mờ đi trong sắc màu áo trắng: "áo em trắng quá". Màu trắng này vừa là màu của áo và đồng thời cũng là màu của mơ. Thế giới của mơ là một thế giới vô vọng nên hình bóng người không còn rõ nét, nên sự kết nối tương thông giữa người với người càng nới thêm khoảng cách.

Mượn hình ảnh tươi đẹp để xóa đi khoảng cách: không được. Lấy cả sự chia lìa để xóa đi khoảng cách: cũng không được. Ngoài ấy và trong này vẫn vời với cách xa.

+ Cái sự mờ nhân ảnh được nhà thơ lí giải là tại sương khói nơi đây. Một lí do rất thơ mộng. Người không hiện rõ hình hài không phải vì thi nhân không nhớ mà chỉ tại tiết trời đỏng đảnh kia.

- Sự hoài nghi trong câu thơ cuối:

+ Câu thơ cuối như mang chút hoài nghi mà vẫn chứa chan niềm thiết tha với cuộc đời, với một tình yêu sâu thẳm. Bởi cuộc đời vẫn đẹp là thế, thiên nhiên thôn Vĩ vẫn luôn tinh khôi, tràn trề sức sống là thế và con người nơi đây cũng thân thuộc, đẹp đẽ. Đại từ phiếm chỉ "ai" mở ra hai lớp nghĩa của câu thơ: Nhà thơ làm sao biết được tình người xứ Huế có đậm đà không, hay cũng mờ ảo, dễ có chóng tan như sương khói kia; tuy vậy người Huế có biết chăng tình cảm nhà thơ với cảnh Huế, với người Huế hết sức thắm thiết, đậm đà. Dù hiểu theo nghĩa nào thì câu thơ cũng chỉ làm tăng thêm nỗi cô đơn, trống vắng trong một tâm hồn tha thiết yêu thương con người và cuộc đời.

Bài 4 trang 39 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Có gì đáng chú ý trong tứ thơ và bút pháp của bài thơ?

Trả lời:

- Tứ thơ: bắt đầu với cảnh đẹp thôn Vĩ bên dòng sông Hương, từ đó khơi gợi liên tưởng thực - ảo và mở ra bao nhiêu nỗi niềm cảm xúc, suy tư về cảnh và người xứ Huế với phấp phỏng những mặc cảm, uẩn khúc, niềm hi vọng, niềm tin yêu.

+ Mở đầu bài thơ là một câu hỏi tác giả tự phân thân: Sao anh không về chơi thôn Vĩ?, và 11 câu tiếp theo, tác giả đã tự trả lời câu hỏi ấy bằng những hình ảnh thơ, ý thơ (như đã phân tích phía trên). Đây là tứ thơ bộc bạch tâm trạng của lòng mình.

+ Toàn bài thơ là một khối thống nhất có sự liên kết về lôgíc nội tại của tâm trạng thi nhân, nhưng giữa ba khổ thơ lại có sự “nhảy cóc” về ý thơ, tứ thơ: từ cảnh vườn quê thôn Vĩ (khổ 1) đến cảnh sông trăng và thuyền trăng (khổ 2) đến cảnh “áo em trắng quá nhìn không ra” (khổ 3) ngỡ như không có liên hệ gì với nhau cả.

- Bút pháp của bài thơ: sử dụng kết hợp hài hòa điệu tả thực, tượng trưng, lãng mạn và trữ tình. Cảnh đẹp xứ Huế đậm nét tả thực mà lại có tính chất tượng trưng. Sự mơ mộng làm tăng thêm sắc thái lãng mạn. Nét chân thực của cảm xúc làm đậm thêm chất trữ tình.

Bút pháp của Hàn Mặc Tử trong bài thơ là bút pháp trữ tình thiên về gợi tả và giàu liên tưởng với những hình ảnh biếu hiện nội tâm nhằm bộc lộ tâm trạng của nhà thơ. Bài thơ có sự hòa điệu tả thực, tượng trưng, lãng mạn và trữ tình. Cho nên, cảnh đẹp xứ Huế đậm nét tả thực mà lại có tính chất tượng trưng. Sự mơ mộng làm tăng thêm sắc thái lãng mạn. Nét chân thực của cảm xúc làm đậm thêm chất trữ tình.

Soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ phần Luyện tập

Bài 1 luyện tập trang 40 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Những câu hỏi trong bài thơ hướng tới ai và có tác dụng gì trong việc biểu hiện tâm trạng của tác giả?

Trả lời:

Những câu hỏi trong bài thơ không phải là những câu hỏi vấn đáp. Ở đây, tác giả hỏi đề bày tỏ tâm trạng.

+ Khổ 1: Câu hỏi "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”. Có thể là câu hỏi của cô gái Huế (cụ thể hơn là người trong mộng của Hàn Mặc Tử: Hoàng Thị Kim Cúc) mang hàm ý trách móc, hờn dỗi nhẹ nhàng; nhắc nhở, mời mọc duyên dáng. Cũng có thể hiểu chủ thể câu hỏi là chính tác giả: tự phân thân để chất vấn mình.

+ Khổ 2: Câu hỏi “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?” toát lên niềm hi vọng đầy khắc khoải. Đó là khát khao, là ước vọng được giao duyên, được hội ngộ của nhà thơ gửi gắm qua chữ "kịp".

+ Khổ 3. Câu hỏi “Ai biết tình ai có đậm đà?” hỏi “Khách đường xa” hay cũng là tự hỏi mình, thể hiện tâm trạng hoài nghi. Đó là nỗi trăn trở của thi sĩ về tình người, tình đời.

Bài 2 luyện tập trang 40 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Hoàn cảnh sáng tác và nội dung bài thơ gợi cho anh (chị) cảm nghĩ gì?

Trả lời:

- Bài thơ được in trong tập “Thơ điên”, được sáng tác trong một hoàn cảnh thật tối tăm, tuyệt vọng (bệnh tật giày vò, nỗi ám ảnh về cái chết, về sự xa lánh của người đời). Nội dung bài thơ thể hiện nỗi buồn, niềm khao khát của một con người tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, yêu con người.

- Những gì Hàn Mạc Tử thể hiện trong bài thơ không chỉ là một bức tranh đẹp về miền quê đất nước, thông qua đó cho thấy tiếng lòng của một con người tha thiết yêu đời, yêu người.

→ Thương xót và cảm thông với số phận của tác giả, thêm cảm phục một con người đầy tài năng và nghị lực, con người ấy đã dùng cảm xúc của một trái tim kihao khát tình đời, yêu cuộc sống và ham sống biết bao để rồi làm rung động trái tim bao bạn đọc qua bài thơ.

Bài 3* luyện tập trang 40 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Đây là bài thơ về tình yêu hay về tình quê? Vì sao bài thơ diễn tả tâm trạng riêng của nhà thơ lại tạo được sự cộng hưởng rộng rãi và lâu bền trong tâm hồn các thế hệ bạn đọc?

Trả lời:

- Bài thơ này làm hiện lên những vẻ đẹp về cảnh và người xứ Huế qua đó cho thấy được tình yêu thiết tha, đằm thắm của tác giả đối với quê hương đất nước, với con người xứ Huế đoan trang, dịu dàng.

- Ẩn trong lớp câu ngữ, bài thơ còn thể hiện tình cảm của Hàn Mặc Tử hướng về người thôn Vĩ: nhớ mong, khắc khoải, hoài nghi, vô vọng.

- Bài thơ còn chính là tiếng lòng của tác giả - một người tài hoa đang trong một hoàn cảnh cận kề với cái chết nhưng vẫn luôn khao khát yêu đời, yêu người. Đó là thứ tình cảm chân thành mà sâu sắc của Hàn Mặc Tử đã khiến cho bài thơ tạo được sự cộng hưởng rộng rãi và lâu bền trong tâm trí bạn đọc.

=> Qua cảnh ta hiểu được tâm tình con người, qua tình quê ta hiểu được tình đời mà nhân vật trữ tình đã thể hiện. Hay chính tình yêu cuộc đời, niềm ham sống được biểu hiện, minh chứng từ những cảm xúc tình cảm trước bức tranh quê thôn Vĩ. Từ đó, ta thấy rõ sự tiếc nuối, nỗi đau và cả sự bất lực của nhà thơ trước một mối tình xa xăm, vô vọng; nhưng vẫn hiện rõ một tấm lòng tha thiết yêu đời, yêu người.

Soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ ngắn nhất

Câu 1:

Nét đẹp phong cảnh và tâm trạng của tác giả trong khổ thơ đầu:

+ Từ “nắng” xuất hiện hai lần trong một câu thơ -> ấn tượng về ánh sáng tràn ngập, tươi tắn, bao phủ khắp không gian.

+ Vẻ đẹp của màu xanh: “Mướt” -> màu xanh của sự mỡ màng, non tơ gợi sự trù phú của mảnh vườn thôn Vĩ, của xứ Huế.

+ Vẻ đẹp của người thôn Vĩ: Thấp thoáng hiện ra sau những cành trúc. Đó là nét đậm hiện ra sau những nét thanh.

+ Miền quê đẹp, thơ mộng, trữ tình, điểm đến hấp dẫn

+ Nơi người thương đang sinh sống

=> Vẻ đẹp của cảnh và người hòa quyện tạo nên nét quyến rũ riêng của thôn Vĩ để làm bùng cháy nỗi khát khao được về thăm thôn Vĩ dù chỉ một lần của Hàn Mặc Tử.

Câu 2:

Hình ảnh gió, mây, sông, trăng trong khổ thơ thứ hai:

- "Gió theo lối gió", "Mây đường mây" → đi ngược lại với quy luật của thiên nhiên: chia lìa, phân li.

- Dòng nước: buồn thiu → Dòng sông lặng lờ như bất động, không muốn chảy như đánh mất đi sự sống của mình.

- Hoa bắp lay: sự lay động khẽ khàng.

- Sông trăng, con thuyền: lung linh, kì ảo.

- Bút pháp tượng trưng thể hiện sự khát khao hạnh phúc.

- Câu hỏi: thể hiện sự mong ngóng, hi vọng và cả nỗi đau thương, tuyệt vọng.

=> Câu thơ đẹp, gợi cảm. Gợi cảm giác bâng khuâng, chời đợi, xót xa, có chút hoài nghi trước cuộc đời (câu hỏi tu từ + từ "kịp").

Câu 3:

- Ở khổ thơ thứ ba, nhà thơ bộc lộ tâm sự của mình:

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?

+ Nơi thôn Vĩ ngày xưa, sinh ra và tạo cảm hứng thiết tha hướng về người nhưng cảm thấy xa vời, khó tiếp cận. Bản thân tự nhủ có còn dịp để về thăm lại chốn xưa.

+ Điệp ngữ "khách đường xa": Đây là không gian tâm trạng. Đối với Hàn Mặc Tử, Huế và Quy Nhơn là hai thế giới cách biệt. Con người này đang héo mòn theo năm tháng cùng với sự cô đơn dằn vặt. Việc nhắc lại 2 lần điệp ngữ này thể hiện niềm khao khát, mơ mộng, hướng đến một điều gì đó không có trong thực tại. Đó là một niềm xót xa, hối tiếc.

+ Các từ: Xa, trắng quá, sương khói, mờ, ảnh... càng tăng cảm giác khó nắm bắt. Điểm mạnh trong việc sử dụng ngôn từ của Hàn Mặc Tử là dùng cảnh để diễn tả nỗi lòng.

- Chút hoài nghi trong câu thơ "Ai biết tình ai có đậm đà?" có biểu hiện niềm tha thiết với cuộc đời. Vì: Chính bởi trong hoàn cảnh của tác giả bấy giờ, ta mới thấy được phải có một tấm lòng tha thiết, quý mến cuộc sống biết bao, tác giả mới suy tư, trăn trở về cuộc đời, tình đời, tình người. Tác giả mới khao khát người đời hiểu tấm lòng của tác giả dành cho cuộc đời, cũng như mong mỏi sự chờ đợi, hi vọng tình đời, tình người không như mây khói ảo ảnh.

Câu 4:

Điểm đáng chú ý trong tứ thơ và bút pháp của bài thơ:

- Về tứ thơ: Ở bài thơ, tứ thơ bắt đầu với cảnh đẹp nơi thôn Vĩ bên sông Hương, từ đó khơi gợi liên tưởng thực - ảo và mở ra cảm xúc, suy tư về cảnh và người xứ Huế.

- Bút pháp của bài thơ: kết hợp hài hòa giữa tả thực, tượng trưng, lãng mạn và trữ tình.

Soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ Tác giả, tác phẩm

I. Tác giả Hàn Mặc Tử

1. Cuộc đời

- Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22-9-1912 trong một gia đình viên chức nghèo theo đạo Thiên Chúa ở Lệ Mĩ, Đồng Hới, sau chuyển vào sống ở Quy Nhơn.

- Ông từng làm ở sở Đạc điền, làm báo, từng ra Huế vào Nam...

- Ông mất vì bệnh phong ngày 11-11-1940 tại Quy Hoà, Quy Nhơn. Thi hài ông được mai táng tại Ghềnh Ráng.

2. Sự nghiệp sáng tác

- Hàn Mặc Tử làm thơ từ năm mười sáu tuổi, với nhiều bút danh - Minh Duệ Thi, Phong Trần, Lệ Thanh, Hàn Mặc Tử, Hàn Mạc Tử...

- Hàn Mặc Tử chỉ sáng tác trong khoảng 12 năm và để lại các tập thơ: Gái quê (1936), Thơ Điên (về sau đổi thành Đau thương, 1938), Xuân như ý, Thượng thanh khí,... 

- Sự nghiệp thơ ông tuy không thật đồ sộ nhưng đã để lại dấu ấn khó phai mờ trong tâm trí người Việt yêu thơ.

3. Phong cách nghệ thuật

- Ông sáng tác thơ theo lối Đường luật, Thơ mới và đặc biệt là cả thơ - văn xuôi. Lĩnh vực nào ông cũng tỏ ra rất xuất sắc.

- Sự đa dạng trong thi pháp thơ đã khiến ông trở thành đối tượng quan tâm hàng đầu của các cây bút phê bình nổi tiếng ở thời ông và thời sau.

- Phong cách ông có sự kết hợp nhiều bút pháp như lãng mạn, tượng trưng và cả siêu thực.

- Tiếng thơ phức tạp và đôi lúc bí ẩn, nhưng bao giờ cũng toát lên tình yêu cuộc sống và nỗi khao khát sống.

II. Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

1. Hoàn cảnh sáng tác

- Đây thôn Vĩ Dạ là một trong số ít những bài thơ hay nhất viết về Huế, về Vĩ Dạ. Tác phẩm ban đầu có tên Ở đây thôn Vĩ Dạ, sáng tác năm 1938, in trong tập Thơ Điên.

Đây thôn Vĩ Dạ là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Hàn Mặc Tử. Bài thơ này, cũng như cuộc đời của chính thi sĩ, từng gây nhiều tranh luận trên văn đàn vào những năm đầu thập kỉ chín mươi của thế kỉ XX: nào là Vĩ Dạ hay Vĩ Giạ (chúng tôi dùng Vĩ Dạ theo SGK Ngữ văn 11, tập 2, xuất bản năm 2009), “mặt chữ điền” là mặt đàn ông hay đàn bà, “em” trong tác phẩm là ai, giá trị hiện thực và ẩn dụ của bài thơ là gì? Hiểu theo cách nào thì đúng với tinh thần tác phẩm?...

2. Nội dung chính

- Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của tác giả Hàn Mặc Tử là bức tranh toàn bích về cảnh vật và con người. Qua đó, ta thấy được tình yêu đời, yêu người, niềm ham sống mãnh liệt mà đầy uẩn khuất của nhà thơ.

Để dễ dàng nắm bắt được toàn bộ kiến thức của bài học cùng với nhiều dạng đề bài linh hoạt, các em học sinh nên lập sơ đồ tư duy Đây thôn Vĩ Dạ, sơ đồ sẽ giúp các em học văn một cách khoa học hơn.

3. Bố cục

Bố cục bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ bao gồm 2 phần:

+ Hai khổ thơ đầu: Bức tranh thôn Vĩ (hừng đông và đêm trăng)

+ Khổ thơ cuối: Tâm trạng của nhân vật trữ tình.

Với bố cục 2 phần, việc phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ có thể tách thành nhiều phần để tạo thành nhiều đề văn khác nhau.

Soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ nâng cao

Những câu hỏi trong phần soạn văn Đây thôn Vĩ Dạ nâng cao có thể sẽ giúp các em học sinh chương trình cơ bản trả lời những câu hỏi đọc hiểu Đây thôn Vĩ Dạ trong nội dung thi, kiểm tra.

Câu 1: Bài thơ có ba khổ, mỗi khổ ngiêng về một cảnh sắc, một tâm tình. Hãy nêu nhận xét về sắc thái khác nhau ở mỗi khổ thơ và mạch liên kết giữa các khổ.

Gợi ý:

Cảnh sắc, tâm tình được thể hiện trong mỗi khổ thơ có một sắc thái riêng. Trong khổ đầu, cảnh hiện lên tươi trong, sắc nét, gieo vào lòng người một cảm xúc nhẹ nhàng, hân hoan. Sang khổ hai, cảnh trở nên bất định, mơ hồ, được bao bọc trong một thứ ánh trăng mơ màng, da diết, biểu hiện nỗi khắc khoải, bất an của một cõi lòng tràn đầy dự cảm về sự chia lìa. Ở khổ cuối, hư thực dường như không còn phân biệt được, khoảng cách dù tương đối giữa ngoại cảnh và nội tâm bị xóa đi và người đọc tưởng như nghe được những tiếng nói trái ngược nhau của một nội tâm đầy bi kịch.

Câu 2: Mỗi khổ thơ trong bài đều chứa đựng câu hỏi. Các câu hỏi ấy đã góp phần tạo nên âm điệu riêng của bài thơ. Âm điệu ấy đã thể hiện mạch tâm trạng gì của tác giả?

Gợi ý:

Mỗi khổ thơ trong bài chứa đựng một câu hỏi. Những câu hỏi này đã giúp độc giả nhận ra được tiếng nói trữ tình sâu thẳm của bài thơ. Với câu hỏi đầu tiên vốn có dáng dấp của một lời tự nhắc (“Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?”), ta nghe được niềm xốn xang trong lòng nhân vật trữ tình khi kỉ niệm về Huế, về thôn Vĩ được đánh thức một cách đột ngột. Câu hỏi thứ hai (“Có chở trăng về kịp tối nay ?”) cho thấy nhân vật trữ tình đang dần chìm sâu vào mặc cảm về thân phận và tự thấy mình là kẻ “chậm chân”, “lỡ chuyến” giữa cuộc đời. Câu hỏi xuất hiện cuối bài (“Ai biết tình ai có đậm đà ?”) chứa đựng một chút hoài nghi, một chút trách móc, vừa thoáng vẻ cam chịu vừa nhói lên khát vọng sống khôn cùng.

Câu 3: Hình ảnh "nắng hàng cau nắng mới lên" thật giản dị, cũng thật giàu sức gợi. Hãy dùng những hiểu biết và trí tưởng tượng của mình để cảm nhận và tái tạo vẻ đẹp của hình ảnh ấy.

Gợi ý:

Khổ thơ đầu giống như một bức tranh tuyệt đẹp về vườn thôn Vĩ. Gây ấn tượng trước hết là hình ảnh hàng cau thẳng vút đang vươn lên để đón nhận những tia nắng đầu tiên, tinh khiết của buổi mai. Tiếp theo, cả khu vườn ửng rạng lên trong một thứ ánh sáng huyền ảo như ngọc. Sau nhành lá trúc, ta thấy thấp thoáng một khuôn mặt chữ điền bình dị, gợi cảm xúc thân thụộc, đầm ấm. Đằng sau lời thơ tả cái mướt của cây lá đẫm sương đêm, ta nghe được một tiếng reo trầm trồ, ngỡ ngàng, thán phục,… Tuy nhiên, bức tranh này cũng đậm màu sắc tượng trưng, vườn thôn Vĩ thực chất cũng là “vườn mơ ước”, cõi mơ ước của tác giả.

Câu 4: Anh (chị) có cảm nhận gì về ý nghĩa của hai câu thơ: "Gió theo lối gió mây đường mây - Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay"?

Gợi ý:

Xét theo lô gích thông thường, hai câu thơ đầu của khổ hai thật vô lí vì nó diễn tả một điều không xảy ra trong thực tế: gió và mây mỗi thứ đi mỗi đường chứ không phải là gió thổi mây bay, mây cuốn theo chiều gió. Thêm nữa, từ "buồn thiu" cũng như muốn thông báo về một cái gì khác hơn việc vẽ cảnh dòng nước trôi chậm quạnh hiu. Đặt vào mạch cảm xúc của bài thơ, ta hiểu hai câu này còn muốn gợi lên tình trạng phân rẽ, chia lìa trong cuộc đời, trong tình yêu và tình trạng đó đem lại cho nhân vật trữ tình một nỗi buồn lạ lùng, thảm đạm, không có cách gì làm tan loãng được.

Câu 5: Khổ thơ thứ hai có hai câu: "Thuyền ai đậu bến sông trăng đó - Có chở trăng về kịp tối nay?". Chữ "kịp" gợi lên điều gì về mối tâm tư đầy uẩn khúc của tác giả?

Gợi ý:

Đúng là từ "kịp" ở câu “Có chở trăng về kịp tối nay?” mang thông điệp về một số phận, cho dù tác giả có thể không hoàn toàn ý thức được điều này. Nhìn bề ngoài, câu thơ khá “tối nghĩa”, tuy vậy, nó đã biểu đạt được một cách thật “sáng rõ” cảm giác lo âu, bồn chồn, phấp phỏng, nghi ngờ,… đang dấy lên trong lòng nhân vật trữ tình – thứ cảm giác thường đến “làm bạn” với những con người có số phận không may mắn hoặc đau khổ.

Câu 6: Câu thơ "Ai biết tình ai có đậm đà?" có chút hoài nghi. Theo anh (chị), đó là nỗi hoài nghi của sự chán đời hay của niềm tha thiết với cuộc đời? Tại sao?

Gợi ý:

Hình ảnh “Áo em trắng quá nhìn không ra” là một hình ảnh thơ đa nghĩa, gợi nhiều cách lí giải khác nhau. Thực ra, đây không hoàn toàn là một hình ảnh. Đúng hơn, đây là một cảm giác, cảm nhận. Qua nó, dường như nhân vật trữ tình tự thú sự bất lực trong việc thu hẹp khoảng cách giữa mình với những cái gì mơ ước (cũng có thể cái mơ ước đó là cái vốn thân thuộc nhưng bây giờ đã tuột ra khỏi tầm tay). Màu áo trắng kì lạ có thể hiểu là biểu tượng của một cái gì thực sự hiện hữu nhưng lại không thể tri giác được và có sức ám ảnh vô cùng lớn đối với thi nhân.

Lòng yêu đời không phải bao giờ cũng được diễn đạt theo chiều thuận. Đọc khổ thơ sau cùng ta có thể thấy rõ điều này. Câu hỏi cuối có thoáng qua một ý trách móc, nghi ngờ, giận dỗi (tất nhiên, không phải là sự trách móc, nghi ngờ, giận dỗi đối vói một cá nhân cụ thể nào). Tất cả các cung bậc tình cảm đã nêu không hề nói lên sự lụi tắt của niềm hi vọng. Ngược lại, nó giúp ta nhận ra bản năng sống mạnh mẽ của nhân vật trữ tình – một con người dù lâm vào tình thế bi đát vẫn không thôi tra vấn, thắc mắc về ý nghĩa cuộc đời.

Tổng kết bài Đây thôn Vĩ Dạ

    Với những hình ảnh biểu hiện nội tâm, bút pháp gợi tả, ngôn ngữ tinh tế, giàu liên tưởng, bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là bức tranh đẹp về một miền quê đất nước, là tiếng lòng của một con người tha thiết yêu đời, yêu người.

// Trên đây là nội dung chi tiết bài soạn văn Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử bao gồm cả bài soạn chi tiết và bài soạn ngắn nhất do HocOn247 biên soạn gửi tới các em. Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 11 bài Đây thôn Vĩ Dạ này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững hơn các kiến thức quan trọng của tác phẩm. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.


TẢI VỀ

(603) 2009 04/08/2022