Soạn bài Ôn tập phần làm văn - Soạn văn 8

Soạn bài Ôn tập phần làm văn trang 151 SGK Ngữ Văn lớp 8 tập 2, hướng dẫn soạn văn 8 bài Ôn tập phần làm văn chi tiết dành cho các em tham khảo
(406) 1352 04/08/2022

Kết thúc chương trình Ngữ văn 8 chúng ta cùng tổng hợp kiến thức phần làm văn với bài soạn chi tiết sau:

Soạn bài Ôn tập phần làm văn - Ngữ văn 8 tập 2

Câu 1. Vì sao một văn bản cần có tính thống nhất? Tính thống nhất của văn bản thể hiện ở những mặt nào?

Trả lời: 

-  Một văn bản nghĩa là một tác phẩm, một đơn vị ngôn từ được xác lập. Con số một ấy là sự hội tụ tất cả các yếu tố để trở thành một tập hợp, một chỉnh thể. Ta gọi đây là chủ đề của văn bản.

Nếu văn bản không tập trung làm sáng rõ chủ đề, làm sáng tỏ đối tượng hoặc vấn đề được đề cập tới thì nó triệt tiêu ý nghĩa thông tin, thông báo tới người đọc

-  Tính thống nhất của văn bản thể hiện ở các mặt.

+ Tất cả các đơn vị ngôn ngữ chỉ nói tới chủ đề đã xác định, không xa rời hay lạc sang chủ đề khác.

+ Về hình thức phải có nhan đề, đề mục, quan hệ giữa các phần của văn bản phần gắn bó liên quan, các từ ngữ then chốt phải được lặp đi lặp lại...

Câu 2. Viết thành đoạn văn từ mỗi câu chủ đề sau:

- Em rất thích đọc sách...

- ... Mùa hè thật hấp dẫn.

Trả lời: 

Hoàn chỉnh đoạn văn:

(1) Em rất thích đọc sách. Bởi vì, nhờ sách mà em biết được thế giới xung quanh mình có bao điều kì diệu. Được đắm mình vào những nỗi vui buồn của các nhân vật trong các trang văn xuôi, được ngậm nhạc trong miệng khi ngân nga một bài thơ hay, được khám phá tìm hiểu những loài sinh vật kì lạ dưới đáy đại dương... là một niềm đam mê hạnh phúc. Sách mở cho em những chân trời mới để thỏa mãn những cảm xúc của trái tim, để thỏa mãn những khát khao của trí tuệ. Nhờ sách mà em thuộc những bài thơ, giải những bài toán khó. Đọc sách là gặp gỡ được thầy giáo, bạn bè. Đọc sách thành thói quen sẽ cho ta tiếp nhận được rất nhiều trí khôn của nhân loại.

(2) Hoa phượng đã nở bung đỏ rực cả sân trường. Tiếng ve ngày một ngày hai còn lẻ tẻ bây giờ đã sôi ran khắp cả những vòm cây râm mát. Tiếng những con chim sẻ trên mái ngói, trong tán lá si rậm rạp lảnh lót thật vui tai. Hoa sen đă nở bung cánh đỏ, cánh trắng thơm ngào ngạt theo ngọn gió nồm rười rượi... Thiên nhiên đã vào hè. Sau một năm học miệt mài và đạt thành tích học sinh xuất sắc, em hớn hở ôm phần thưởng và giấy khen lên xe ngồi sau lưng ba mà đã thấy ánh mắt mừng vui của mẹ. Lại nghỉ hè rồi. Em sẽ về quê nội ở tận ngoài xứ Nghệ... Mùa hè thật hấp dẫn.

Cả hai đoạn văn đều có câu chủ đề (in đậm). Tất cả các câu chữ đều tập trung hướng tới hai vấn đề này.

Đoạn (1) câu chủ đề xuất hiện đầu tiên. Đây là đoạn văn được viết theo kiểu diễn dịch.

Đoạn (2) câu chủ đề ở cuối. Nó là đoạn văn quy nạp.

Câu 3. Vì sao cần phải tóm tắt văn bản tự sự? Muốn tóm tắt một văn bản tự sự thì phải làm như thế nào, dựa vào những yêu cầu nào?

Trả lời:

- Trong cuộc sống hàng ngày, có những văn bản tự sự chúng ta đã đọc nhưng muốn ghi lại nội dung chính của chúng để sử dụng hoặc thông báo cho người khác biết thì ta phải tóm tắt văn bản tự sự.

Chẳng hạn khi cần phát biểu về nhân vật Sơn Tinh thì ta cần tóm tắt truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh. Từ đó, ta mới có cơ sở tìm hiểu Sơn Tinh trong hệ thống của văn bản.

- Muốn tóm tắt văn bản tự sự:

+ Đọc kĩ văn bản và hiểu đúng chủ đề của văn bản.

+ Xác định những nội dung chính cần tóm lược.

+ Viết thành bản tóm tắt một cách khách quan.

Soạn bài Ôn tập phần làm văn - Soạn văn 8
Soạn ôn tập phần văn 8 học kì 2

Câu 4. Tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm có tác dụng như thế nào?

Trả lời: 

- Trong thực tế khó mà tách yếu tố miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự riêng biệt. Chúng thường đan xen với nhau.

- Các yếu tố miêu tả và tự sự luôn làm cho việc kể chuyện sinh động và sâu sắc hơn.

Câu 5. Viết (nói) đoạn văn tự sự kết hợp với miêu tả, biểu cảm cần chú ý những gì?

Trả lời:

Khi (nói) viết một đoạn văn kết hợp tự sự với miêu tả, biểu cảm thì chủ yếu chúng ta phải kể lại diễn biến câu chuyện theo một trình tự nhất định (Câu chuyện diễn ra ở đâu? Khi nào? Với ai? Như thế nào?...)

Trong khi kể, ta cần kết hợp miêu tả sự việc, con người và thể hiện tình cảm, thái độ của mình trước sự việc và con người được miêu tả.

Câu 6. Văn bản thuyết minh có những tính chất như thế nào và có những lợi ích gì? Hãy nêu những văn bản thuyết minh thường gặp trong đời sống hàng ngày.

Trả lời: 

Tính chất đặc trưng của văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong mọi lĩnh vực đời sống. Lợi ích của nó là cung cấp những tri thức về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân của các hiện tượng và sự vật trong thiên nhiên, xã hội.

Các văn bản thuyết minh thường gặp trong đời, sống hàng ngày là trình bày, giới thiệu, giải thích

Câu 7​​​​​​​. Muốn làm văn bản thuyết minh, trước tiên cần phải làm gì? Vì sao phải làm như vậy? Hãy cho biết những phương pháp cần dùng để thuyết minh sự vật. Nêu ví dụ về các phương pháp ấy.

Trả lời: 

Muốn làm một văn bản thuyết minh, chúng ta cần phải:

- Xác định rõ đối tượng cần thuyết minh

- Xác định rõ phạm vi, tri thức khách quan, khoa học về đối tượng cần được thuyết minh đó.

- Lựa chọn phương pháp thuyết minh thích hợp

- Tìm bố cục thích hợp

Một số phương pháp thuyết minh sự vật thường gặp:

- Phương pháp nêu định nghĩa, giải thích.

- Phương pháp liệt kê.

- Phương pháp nêu ví dụ.

- Phương pháp dùng số liệu.

- Phương pháp so sánh.

- Phương pháp phân loại, phân tích.

Câu 8​​​​​​​. Hãy cho biết bố cục thường gặp khi làm bài thuyết minh về:

- Một đồ dùng.

- Cách làm một sản phẩm nào đó

- Một di tích, danh lam thắng cảnh.

- Một loài động vật, thực vật.

- Một hiện tượng tự nhiên,...

Trả lời: 

Bố cục thường gặp nhất khi làm bài văn thuyết minh là bố cục bao gồm 3 phần:

- Mở bài: Giới thiệu đối tượng cần thuyết minh

- Thân bài: Trình bày một cách chi tiết, cụ thể về các mặt như: cấu tạo, đặc điểm, lợi ích, và những điểm nổi bật khác của đối tượng.

- Kết bài: Bày tỏ thái độ đối với đối tượng.

Câu 9​​​​​​​. Thế nào là luận điểm trong bài văn nghị luận? Hãy nêu ví dụ về một luận điểm và nói các tính chất của nó.

Trả lời: 

- Luận điểm là ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm của bài văn được nêu ra dưới hình thái câu khẳng định (hay phủ định), được diễn đạt sáng tỏ, dễ hiểu nhất quán.

Luận điểm là linh hồn của bài viết, nó thống nhất các đoạn văn thành một khối. Luận điểm phải đúng đắn, chân thật, đáp ứng được nhu cầu thực tế thì mới có sức thuyết phục.

- Tính chất của luận điểm:

+ Chính xác, rõ ràng, phù hợp với yêu cầu giải quyết vấn đề và đủ làm sáng tỏ vấn đề được đặt ra.

+ Luận điểm là một hệ thống: có luận điểm chính và luận điểm phụ.

+ Các luận điểm vừa có sự liên kết chặt chẽ vừa có sự phân biệt với nhau và được sắp xếp theo một trật tự hợp lí.

Câu 10​​​​​​​. Văn bản nghị luận có thể vận dụng kết hợp các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm như thế nào? Hãy nêu một ví dụ về sự kết hợp đó.

Trả lời: 

Văn bản nghị luận không phải chỉ cần tới yếu tố biểu cảm mà còn cần tới cả yếu tố tự sự và miêu tả.

+ Yếu tố tự sự là yếu tố dùng để trình bày một chuỗi các sự việc, sự kiện nối tiếp nhau, sự việc này nối tiếp sự việc kia để cuối cùng dẫn đến một kết thúc, thể hiện một ý nghĩa.

+ Yếu tố miêu tả là yếu tố giúp người đọc, người nghe hình dung ra những đặc điểm, tính chất nổi bật của người, cảnh, làm cho chúng trở nên sinh động, hấp dẫn trước mắt người đọc, người nghe như những gì chúng vốn có.

- Các yếu tố như tự sự, miêu tả, biểu cảm giúp cho văn bản nghị luận trở nên rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, đỡ khô khan và có sức truyền cảm hứng thuyết phục hơn.

Soi chiếu vào tác phẩm Thiên đô chiếu:

+ Yếu tố tự sự: khi kể về những lần dời đô của nhà Thương tới nhà Chu nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh.

+ Yếu tố miêu tả: miêu tả về những lợi thế của thành Đại La như tiện hướng nhìn sông dựa núi, thế rồng cuộn hổ ngồi, đất đai cao thoáng, muôn vật phong phú, tốt tươi.

+ Yếu tố biểu cảm: Biểu cảm trực tiếp tình cảm của mình trước sự hao tốn dưới hai triều Đinh, Lê (trẫm rất đau xót).

Câu 11​​​​​​​. Thế nào là văn bản tường trình, văn bản thông báo? Hãy phân biệt mục đích và cách viết hai loại văn bản đó.

Trả lời:

Văn bản thông báo là văn bản dùng để truyền đạt thông tin cụ thể của cơ quan, đoàn thể, người tổ chức để báo cho những người dưới quyền, thành viên, đoàn thể hoặc những người quan tâm đến nội dung thông báo được biết để thực hiện hay tham gia.

Văn bản tường trình là văn bản được trình bày thiệt hại hay mức độ trách nhiệm của người tường trình trong các sự việc xảy ra hậu quả cần phải xem xét.

Sự giống và khác nhau của hai loại văn bản này được tổng hợp trong bảng sau:

Phân biệt

Văn bản thông báo

Văn bản tường trình 

Giống nhau

(Về cách viết)

  • Đều là những văn bản thuộc loại hành chính.
  • Về thể thức trình bày, đều có nơi gửi (hoặc người gửi) và nơi nhận (hoặc người nhận).
  • Sự chính xác, rõ ràng của nội dung văn bản.

Khác nhau

(Về khái niệm, mục đích)

  • Truyền đạt nội dung, yêu cầu, công việc nào đó từ cấp trên xuống cấp dưới (Hoặc từ một tổ chức, cơ quan thông báo cho mọi người biết).
  • Của cơ quan, đoàn thể do người đại diện kí để cấp dưới (hoặc mọi người) biết mà thực hiện.
  • Trình bày sự việc xảy ra để cấp trên biết và đề nghị cấp trên xem xét và giải quyết.
  • Thường là của cá nhân viết, có kèm theo đề nghị được giải quyết.
  • Để điều hành công việc và để những người quan tâm, liên quan được biết và tham gia thực hiện.
  • Người viết tường trình là người có liên quan đến sự việc.
  • Người nhận tường trình là cá nhân hoặc cơ quan có thẩm quyền xem xét và giải quyết.

Trên đây là nội dung Soạn bài Ôn tập phần làm văn Ngữ văn 8 tập 2 do Đọc tài liệu tổng hợp, mong rằng nội dung này giúp các em thống kê và ôn luyện kiến thức tốt hơn!


TẢI VỀ

(406) 1352 04/08/2022