Soạn bài Ông đồ

Soạn bài Ông đồ chi tiết giúp em nắm vững kiến thức về tác phẩm và trả lời các câu hỏi đọc hiểu tác phẩm trang 8 SGK Ngữ Văn lớp 8 tập 2.
(425) 1417 04/08/2022

Tài liệu hướng dẫn soạn bài Ông đồ (Vũ Đình Liên) được biên soạn chi tiết với nội dung tóm tắt kiến thức về tác giả, tác phẩm và gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu tác phẩm.

Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng của tác phẩm này.

      Cùng tham khảo...

Soạn bài Ông đồ

Tìm hiểu tác giả, tác phẩm

1. Tác giả

- Vũ Đình Liên (12/11/1913 - 18/01/1996) quê ở Châu Khê, Bình Giang, Hải Dương.

- Ông nổi tiếng với bài thơ Ông đồ từ phong trào Thơ mới. Nhiều năm ông làm nghề dạy học, từng là Chủ nhiệm khoa tiếng Pháp, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, là thành viên nhóm văn học Lê Quý Đôn (gồm: Lê Thước, Trương Chính, Lê Trí Viễn…).

Các tác phẩm đã xuất bản: Đôi mắt (thơ, 1957); Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (nghiên cứu, 1957); Nguyễn Đình Chiểu (nghiên cứu, 1957); Thơ Bô-đơ-le (dịch thuật, 1995).

Tập thơ Bô-đơ-le, công trình 40 năm lao động dịch thuật say mê và nghiên cứu của ông đã được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (1996).

2. Tác phẩm

- Bài thơ Ông đồ là một trong những bài thơ hay nhất, nổi tiếng nhất của Vũ Đình Liên và cũng là của phong trào Thơ mới. Sử dụng thể thơ năm chữ và ngôn ngữ gợi cảm, giàu tính tạo hình, Vũ Đình Liên đã miêu tả ông đồ ngồi viết chữ thuê trên phố ngày Tết, từ lúc ông còn đắc chí đến lúc hình ảnh ông mờ dần rồi xa khuất giữa bức tranh xuân.

- Nội dung chính: Bài thơ thể hiện sâu sắc tình cảnh đáng thương của ông đồ và niềm cảm thương, nuối tiếc của tác giả đối với một lớp người, một nét sinh hoạt văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

- Nghệ thuật: Kết cấu chặt chẽ, ngôn ngữ, hình ảnh thơ bình dị, trong sáng mà ám ảnh, giàu sức gợi.

Hướng dẫn soạn bài Ông đồ chi tiết nhất

1 - Trang 10 SGK

Phân tích hình ảnh ông đồ ngồi viết chữ nho ngày Tết trong hai khổ thơ đầu và hình ảnh của chính ông ở khổ 3, 4. Hãy so sánh để làm rõ sự khác nhau giữa hai hình ảnh đó. Sự khác nhau này gợi cho người đọc cảm xúc gì về tình cảnh ông đồ?

Trả lời

- Hình ảnh ông đồ cho chữ ngày Tết trong hai khổ thơ đầu: hình ảnh đẹp mang ý nghĩa biểu trưng của những giá trị truyền thống.

▪ Gắn với Tết và mùa xuân (hoa đào nở).

▪ Hình ảnh song hành mực tàu, giấy đỏ, phố đông người .

▪ Tài hoa và tấm lòng của người thảo chữ.

▪ Nhiều người thuê viết, ngợi khen tài.

→ Hình ảnh ông đồ đẹp có tài và có tâm. Ông mang lại niềm vui cho mọi người bằng tấm lòng và tài năng của mình.

- Hình ảnh ông đồ lạc thời, cô đơn trong khổ thơ 3 và 4.

▪ Mỗi năm mỗi vắng: ông đồ mờ nhạt dần theo thời gian, không được mọi người chú ý nữa.

▪ Giấy đỏ buồn, mực sầu – chính là tâm trạng của ông đồ.

▪ Hình ảnh ông đồ bị mọi người lãng quên (ông đồ vẫn ngồi đấy/ qua đường không ai hay).

▪ Hình ảnh lá vàng, mưa bụi: cảnh lạnh lẽo buồn thảm tô đậm tâm trạng buồn xót xa của ông đồ.

- Hình ảnh đối lập của khổ 1,2 với khổ 3,4 là sự đối lập về cảnh và tâm trạng, gợi cho người đọc những suy ngẫm, xót thương cho ông đồ.Ông đồ dần bị đưa vào quên lãng khi không ai còn nhận ra giá trị từ những điều ông tạo ra.

→ Ông đồ ban đầu là trung tâm của sự chú ý dần dần bị quên lãng. Tâm trạng xót xa, buồn đau của ông đồ trước sự vô tình, ơ hờ của mọi người.

Văn mẫu: Cảm nhận về bài thơ Ông đồ

2 - Trang 10 SGK

Tâm tư của nhà thơ thể hiện qua bài thơ như thế nào?

Trả lời:

- Tâm trạng của tác giả được thể hiện ngầm ẩn sau những lớp hình ảnh mang tính ẩn dụ, biểu trưng.

- Tác giả tạo ra cảnh đối lập về hình ảnh ông đồ nhằm gợi lên trong lòng người đọc niềm thương cảm về vị trí của ông đồ.

- Tác giả bộc lộ trực tiếp tâm trạng, sự xót thương của mình ở cuối bài (những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?).

→ Sự thương cảm, xót xa của tác giả không chỉ dành cho ông đồ mà còn dành cho lớp người cũ bị quên lãng. Đó cũng chính là sự hoài niệm những giá trị tinh thần đẹp truyền thống bị mai một.

3 - Trang 10 SGK

Bài thơ hay ở những điểm nào? (Gợi ý: cách dựng hai cảnh cùng miêu tả ông đồ ngồi viết thuê ngày Tết bên phố nhưng rất khác nhau gợi sự so sánh, những chi tiết miêu tả đầy gợi cảm; sử dụng thể thơ năm chữ và ngôn ngữ giản dị mà cô đọng, nhiều dư vị...)

Trả lời

Bài thơ hay và hấp dẫn ở việc tạo ra những đối lập về hình ảnh, tâm trạng, cảm xúc đối xứng trong bố cục của bài thơ.

- Tác giả dựng cảnh tương phản:

+ Ban đầu cảnh cho chữ đông vui tấp nập.

+ Càng về sau cảnh buồn bã, lạnh nhạt, hiu quạnh.

+ Một bên nét chữ như rồng bay phượng múa.

+ Một bên giấy đỏ buồn, mực sầu, cảnh hiu quạnh.

- Cái kết đầu cuối tương ứng:

+ Vẫn là cảnh ngày tết, không gian mùa xuân có hoa đào nở.

+ Ông đồ mờ nhạt dần, cuối cùng thì không thấy nữa.

+ "ông đồ xưa" không còn tồn tại nữa.

- Tác giả tái hiện lại những hoài niệm về thời "vàng son xưa cũ" của một thế hệ nhà Nho đẹp nhưng dần phai mờ.

- Ngôn ngữ bình dị, trong sáng nhưng hàm súc, đầy dư vị.

→ Tác giả tái hiện được vẻ đẹp của cảnh cho chữ, hình tượng ông đồ xưa với bàn tay tài hoa - giá trị tinh thần truyền thống đẹp - đang dần mai một trong đời sống. Sự nuối tiếc, hoài cổ cảnh cũ người xưa.

4 - Trang 10 SGK

Phân tích để làm rõ cái hay của những câu thơ sau:

- Giấy đỏ buồn không thắm; 

Mực đọng trong nghiên sầu...

- Lá vàng rơi trên giấy;

Ngoài giời mưa bụi bay.

Trả lời

Những câu thơ trên tả cảnh nhưng ngụ tình:

- Hình ảnh đẹp nhưng gợi ra sự tàn lụi, u uất.

- Tâm trạng của ông đồ buồn thảm, bẽ bàng như chính những đồ vật gắn với nghề của ông (giấy đỏ, mực tàu).

- Biện pháp nhân hóa làm cho giấy, mực – tưởng như vô tri bỗng nhiên trở nên sinh động, mang tâm trạng sầu bi như con người.

- Hình ảnh thiên thiên: lá vàng, mưa bụi càng tô đậm hơn sự hiu quạnh, lạnh lẽo của không gian cũng như sự vô tình, hờ hững quên lãng của người đời.

→ Là những câu thơ đẹp, hoài cổ, ghi lại dấu ấn và mang lại cho người đọc nhiều dư vị về cảnh cũ người xưa, những nét đẹp về văn hóa tinh thần "vang bóng một thời".

Xem thêm: Phân tích bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên

Soạn bài Ông đồ ngắn nhất

Câu 1

- Hình ảnh ông đồ ngồi viết chữ Nho ngày Tết trong 2 khổ thơ đầu:

+ Không gian: Phố đông người qua

+ Thời gian: Tết đến, xuân về

+ Nét bút: “như phượng múa rồng bay”

+ Thái độ mọi người: chen chúc xin chữ, tấm tắc khen ngợi

- Hình ảnh ông đồ khổ 3 và 4:

+ Không gian: mỗi năm mỗi vắng

+ Thời gian: Tết đến, xuân về

+ Nét bút: không còn cùng ông thảo những nét “phượng múa rồng bay” mà “Giấy đỏ buồn không thắm/Mực đọng trong nghiên sầu”

+ Thái độ của mọi người: Vắng vẻ, thưa thớt dần

⇒ Tình cảnh của ông đồ: Ông đồ và nét chữ của ông trở thành tâm điểm của ngày Tết. Khi ấy, ông được tôn vinh và tục xin chữ ngày Tết trở thành một nét văn hóa đẹp vào ngày Tết. Nhưng dần dần, ông đồ và thú vui chơi chữ ấy đã bị lãng quên và đang bị vùi lấp bởi những giá trị khác.

Câu 2

Tâm tư của nhà thơ thể hiện qua bài thơ: Nỗi niềm tiếc nuối, cảm thương chân thành trước lớp người đang tàn tạ và nỗi tiếc nhớ cảnh cũ người xưa của nhà thơ.

Câu 3

Những điểm hay của bài thơ:

- Cách dựng cảnh tương phản: Thời đắc ý và thời lụi làn.

- Kết cấu đầu cuối tương ứng: Vẫn là thời gian ngày tết, hoa đào nở, không gian đường phố quen thuộc. Nhưng hình ảnh ông đồ cứ nhạt nhòa dần. Cuối cùng rơi vào quên lãng.

- Bài thơ làm theo thể năm chữ: Ngôn ngữ giản gị mà cô đọng, nhiều dư vị

Câu 4

Đây là những câu thơ tả cảnh ngụ tình. Hai câu thơ trên, “giấy đỏ, mực” như người bạn theo ông đồ qua thời huy hoàng, bây giờ cũng buồn như thân phận của ông. Hai câu sau, cảnh vật hiu hắt, vắng vẻ, bởi lòng người buồn, một quá khứ đẹp đẽ đã đi qua.

Tham khảo thêmCác đề văn về bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên

Bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

(1936 - Đăng trên báo Tinh hoa)

Tổng kết

Ông đồ của Vũ Đình Liên là bài thơ ngũ ngôn bình dị mà cô đọng, đây gợi cảm. Bài thơ đã thể hiện sâu sắc tình cảnh đáng thương của "ông đồ”, qua đó toát lên niềm cảm thương chân thành trước một lớp người đang tàn tạ và nỗi tiếc nhớ cảnh cũ người xưa của nhà thơ.

Xem thêm:

    Trên đây là nội dung chi tiết tài liệu hướng dẫn soạn bài Ông đồ trong chương trình học môn Ngữ Văn lớp 8 đã được chúng tôi biên soạn với mục đích hỗ trợ các em trong quá trình soạn bài và học bài. Để học tốt hơn, các em nên tự soạn bài theo những kiến thức của bản thân. Chúc các em luôn đạt kết quả cao trong học tập.


TẢI VỀ

(425) 1417 04/08/2022