Soạn bài Bài học đường đời đầu tiên (Tô Hoài) sách mới
Hướng dẫn soạn bài Bài học đường đời đầu tiên sách mới và sách cũ giúp các em tìm hiểu và phân tích nội dung nghệ thuật của đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên (Tô Hoài) một cách đầy đủ nhất, thông qua những gợi ý trả lời câu hỏi chuẩn bị bài trước khi tới lớp.
Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách mới và sách cũ dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức trọng tâm của văn bản này.
Kiến thức chung về tác giả, tác phẩm Bài học đường đời đầu tiên
1. Tác giả - Tô Hoài
- Tô Hoài tên khai sinh là Nguyễn Sen, sinh năm 1920, quê nội ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), lớn lên ở quê ngoại - làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội.
- Ông tham gia viết văn từ trước Cách mạng tháng Tám 1945 và có khối lượng tác phẩm rất phong phú, đa dạng, gồm nhiều thể loại.
- Năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
2. Tác phẩm - Dế mèn phiêu lưu kí
- Dế Mèn phiêu lưu kí được in lần đầu năm 1941, là tác phẩm đặc sắc và nổi tiếng nhất của Tô Hoài viết về loài vật, dành cho lứa tuổi thiếu nhi, gồm 10 chương kể về những cuộc phiêu lưu của Dế Mèn qua thế giới những loài vật nhỏ bé.
- Nội dung chính của tác phẩm Dế mèn phiêu lưu kí
Vốn quen sống độc lập từ thuở bé, khi trưởng thành, chán cảnh sống quẩn quanh bên bờ ruộng, Dế Mèn lên đường phiêu lưu để mở rộng hiểu biết và tìm ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Dế Mèn đã đi qua nhiều nơi, gặp gỡ nhiều loài, thấy nhiều cảnh sống và cũng nhiều phen gặp gian nan, nguy hiểm, nhưng Dế Mèn không nản chí, lùi bước. Dế Mèn là một hình ảnh đẹp của tuổi trẻ, ham hiểu biết, trọng lẽ phải, khao khát lí tưởng và quyết tâm hành động cho những mục đích cao đẹp.
3. Đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên
- Vị trí đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên
Văn bản Bài học đường đời đầu tiên (tên do người biên soạn đặt) trích từ chương I của truyện Dế Mèn phiêu lưu kí.
- Nội dung đoạn trích
Bài văn miêu tả Dế Mèn có vẻ đẹp cường tráng của tuổi trẻ nhưng tính nết còn kiêu căng, xốc nổi. Do bày trò trêu chọc Cốc nên đã gây ra cái chết thảm thương cho Dế Choắt, Dế Mèn hối hận và rút ra được bài học đường đời cho mình.
- Nghệ thuật trong đoạn trích
Nghệ thuật miêu tả loài vật của Tô Hoài rất sinh động, cách kể chuyện theo ngôi thứ nhất tự nhiên, hấp dẫn, ngôn ngữ chính xác, giàu tính tạo hình.
4. Bố cục đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên
Bố cục đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên có thể chia thành 3 phần:
- Phần 1 (Từ đầu đến “có thể sắp đứng đầu thiên hạ”): Dế Mèn giới thiệu về bản thân.
- Phần 2 (Tiếp theo đến “Tôi về, không chút bận tâm”): Câu chuyện về người bạn hàng xóm là Dế Choắt.
- Phần 3 (Còn lại): Bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn.
5. Tóm tắt Bài học đường đời đầu tiên - Ngữ văn 6
Dế Mèn là chàng dế thanh niên cường tráng của tuổi trẻ, lại biết ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nhưng tính tình kiêu căng, tự phụ luôn nghĩ mình “là tay ghê gớm, có thể sắp đứng đầu thiên hạ”. Bởi thế mà Dế Mèn không chịu giúp đỡ Dế Choắt (là người hàng xóm trạc tuổi Dế Mèn với vẻ ngoài ốm yếu, gầy gò như gã nghiện thuốc phiện).
Dế Mèn vì thiếu suy nghĩ, lại thêm tính xốc nổi đã bày trò nghịch dại trêu chị Cốc nên đã gây ra cái chết thảm thương của Dế Choắt. Trước khi chết, Dế Choắt tha lỗi và khuyên Dế Mèn bỏ thói hung hăng, bậy bạ. Dế Mèn sau khi chôn cất Dế Choắt vô cùng ân hận và suy nghĩ về bài học đường đời cho mình.
Các em có thể xem thêm nhiều hơn các cách Tóm tắt đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên ở đây nhé.
Soạn bài Bài học đường đời đầu tiên sách mới
Theo chương trình học mới, các em học sinh trên toàn quốc sẽ có tới 3 bộ sách giáo khoa để học tập. Mời các em cũng xem cụ thể kiến thức và câu hỏi soạn bài của tưng sách giống - khác nhau thế nào nhé.
Soạn Bài học đường đời đầu tiên Kết nối tri thức
Trước khi đọc
Câu 1. Có thể em đã từng đọc một truyện kể hay xem một bộ phim nói về niềm vui hay nỗi buồn mà nhân vật đã trải qua. Khi đọc (xem) em đã có suy nghĩ gì?
Câu 2. Chia sẻ với các bạn vài điều em thấy hài lòng hoặc chưa hài lòng khi suy nghĩ về bản thân?
Đọc văn bản
Câu 1. Em dự đoán như thế nào về sự việc sắp được kể?
Câu 2. Lúc rủ Dế Choắt trêu chị Cốc, Dế Mèn có nghĩ đến hậu quả không?
Câu 3. Điều gì đã xảy ra với Dế Choắt? Dế Mèn đã làm gì khi chứng kiến điều đó?
Sau khi đọc
Câu 1. Câu chuyện được kể bằng lời của nhân vật nào? Kể theo ngôi thứ mấy?
Câu 2. Đọc phần một đoạn trích, nêu một số chi tiết miêu tả Dế Mèn khiến em liên tưởng tới đặc điểm con người. Lối miêu tả này thường được sử dụng ở loại truyện nào?
Câu 3. Em thích hoặc không thích điều gì trong cách Dế Mèn tự miêu tả và đánh giá về bản thân ở phần một? Vì sao?
Câu 4. Dế Mèn đã nói gì khi sang thăm nhà Dế Choắt và khi nhờ Dế Choắt giúp đỡ? Những lời nói đó thể hiện thái độ gì của Dế Mèn?
Câu 5. Chứng kiến cái chết của Dế Choắt, Dế Mèn đã có nhũng cảm xúc, suy nghĩ gì? Những cảm xúc, suy nghĩ đó cho thấy sự thay đổi nào ở Dế Mèn?
Câu 6. Theo em từ những trải nghiệm đáng nhớ, Dế Mèn đã rút ra được bài học gì?
Câu 7. Nêu hình dung của em về nhân vật Dế Choắt. Nếu gặp một người bạn có đặc điểm giống như Dế Choắt, em sẽ đối xủ với bạn như thế nào?
Viết kết nối với đọc
Viết đoạn văn khoảng (5-7 câu) kể lại một sự việc trong đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên bằng lời của một nhân vật do em tự chọn.
Xem hướng dẫn soạn Bài học đường đời đầu tiên Kết nối tri thức chi tiết
Soạn bài Bài học đường đời đầu tiên sách Cánh diều
Chuẩn bị
- Xem lại phần Kiến thức ngữ văn để vận dụng vào đọc hiểu văn bản này
- Khi đọc truyện đồng thoại các em cần chú ý:
+ Truyện kể về sự việc gì? Đâu là những sự việc chính?
+ Nhân vật trong truyện là những loài vật nào? Ai là nhân vật chính?
+ Hình dạng, tính nết của các con vật được thể hiện trong truyện vừa giống loài vật ấy, vừa giống con người ở chỗ nào?
+ Truyện muốn nhắn gửi đến người đọc bài học gì? Bài học ấy có ý nghĩa với em không? Vì sao?
- Tìm hiểu thêm về tác giả Tô Hoài và tác phẩm "Dế Mèn phiêu lưu kí"
- Em đã từng chơi với một chú dế bao giờ chưa? Em biết những gì về loài động vật này?
Đọc hiểu
* Câu hỏi giữa bài
Câu 1. Hãy chú ý các chi tiết miêu tả Dế Mèn?
Câu 2. Qua lời kể của Dế Mèn, em hình dung như thế nào về Dế Choắt?
Câu 3. Hình ảnh Dế Mèn và Dế Choắt mà em hình dung ở phần 3 có điểm tương đồng nào với Dế Mèn và Dế Choắt trong bức tranh bên dưới?
Câu 4. Dế Mèn đã "nghịch ranh" như thế nào?
Câu 5. Tai họa mà Dế Mèn kể ở đây là gì? Xảy ra với ai?
Câu 6. Em hãy tưởng tượng nét mặt Dế Mèn lúc này
Câu 7. Tranh minh họa nhân vật nào và về sự việc gì trong truyện?
* Câu hỏi cuối bài
Câu 1. Câu chuyện trên được kể bằng lời của nhân vật nào? Hãy chỉ ra các nhân vật tham gia vào câu chuyện.
Câu 2. Dế Mèn đã ân hận về việc gì? Hãy tóm tắt sự việc đó trong khoảng 3 dòng.
Câu 3. Dế Mèn đã có sự thay đổi về thái độ và tâm trạng như thế nào sau sự việc trêu chị Cốc dẫn đến cái chết của Dế Choắt? Vì sao có sự thay đổi ấy?
Câu 4. Từ các chi tiết “tự hoạ” về bản thân và lời lẽ, cách xưng hô, điệu bộ, giọng điệu, thái độ của Dế Mèn đối với Dế Choắt, chị Cốc, em có nhận xét gì về tính cách của nhân vật này?
Câu 5. Ở cuối đoạn trích, sau khi chôn cất Dế Choắt, Dế Mèn đã “đứng lặng giờ lâu” và “nghĩ về bài học đường đời đầu tiên”. Theo em, đó là bài học gì?
Câu 6. Nhà văn Tô Hoài từng chia sẻ: “Nhân vật trong truyện đồng thoại được nhân cách hoá trên cơ sở đảm bảo không thoát li sinh hoạt có thật của loài vật.”. Dựa vào những điều em biết về loài dế, hãy chỉ ra những điểm “có thật” như thế trong văn bản, đồng thời, phát hiện những chi tiết đã được nhà văn “nhân cách hoá”.
Xem hướng dẫn soạn bài Bài học đường đời đầu tiên sách Cánh diều chi tiết
Soạn bài Bài học đường đời đầu tiên sách Chân trời sáng tạo
Chuẩn bị đọc
Câu 1. Hãy chia sẻ với bạn về một chuyện đáng nhớ mà em từng trải qua.
Câu 2. Dựa vào nhan đề và ấn tượng ban đầu của bản thân khi đọc lướt qua văn bản, em đoán xem “bài học đường đời đầu tiên” được nhân vật kể lại sau đây là bài học gì?
Trải nghiệm cùng văn bản
Câu 1. Những chi tiết miêu tả ngoại hình nhân vật “tôi” trong đoạn này là lời của ai? Điều này giúp em biết được gì về tính cách nhân vật?
Câu 2. Qua cách nhân vật “tôi” tự miêu tả hành động của mình ở đoạn này, em biết thêm điều gì ở đặc điểm nhân vật?
Câu 3. Những từ ngữ “hung hăng”, “hống hách”, “ngu dại”, “ân hận” cho thấy nhân vật “tôi” có thái độ và đánh giá như thế nào về trải nghiệm sắp kể ra dưới đây?
Câu 4. Việc Dế Choắt muốn đào một cái ngách sang nhà nhân vật “tôi” phòng khi có kẻ nào bắt nạt cho thấy Dế Choắt suy nghĩ, đánh giá như thế nào về nhân vật “tôi”?
Câu 5. Cụm từ “đứa ích kỉ” thể hiện sự nhận thức của ai? Tự nhận thức về điều gì?
Suy ngẫm và phản hồi
Câu 1. Thời điểm Dế Mèn kể lại cho chúng ta nghe bài học đường đời đầu tiên là trước hay sau cái chết của Dế Choắt? Dựa vào chi tiết nào mà em cho là như vậy?
Câu 2. Dựa vào gợi ý trong bảng dưới đây, em hãy tìm một vài câu thể hiện lời kể của Dế mèn (lời kể xưng “tôi”) và lời đối thoại của Dế Mèn với nhân vật khác
Câu 3. Tìm những chi tiết thể hiện ngoại hình, hành động, ngôn ngữ và tâm trạng của nhân vật Dế Mèn. Trên cơ sở đó, nhận xét về tính cách của Dế Mèn.
Câu 4. Bài học đường đời đầu tiên mà Dế Mèn rút ra sau sự việc xảy ra với Dế Choắt là gì? Theo em, việc tác giả để cho Dế Mèn tự kể lại câu chuyện của mình bằng ngôi thứ nhất có tác dụng thế nào trong việc thể hiện bài học ấy?
Câu 5. Có thể xem cái chết của Dế Choắt là một bước ngoặt khiến Dế Mèn thay đổi cách nhìn về bản thân và về người khác không? Vì sao?
Câu 6. Những dấu hiệu nào giúp em nhận biết Bài học đường đời đầu tiên là truyện đồng thoại?
Câu 7. Từ trải nghiệm và bài học của Dế Mèn, em hiểu thêm điều gì về lỗi lầm của những người ở tuổi mới lớn và về thái độ cần có trước những lỗi lầm có thể mắc phải trong cuộc sống?
Xem hướng dẫn soạn bài Bài học đường đời đầu tiên sách Chân trời sáng tạo chi tiết
Soạn bài Bài học đường đời đầu tiên sách cũ
Soạn bài Bài học đường đời đầu tiên chi tiết (Tô Hoài)
Gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu và luyện tập soạn văn Bài học đường đời đầu tiên trang 10, 11 SGK Ngữ văn 6 tập 2.
1. Đọc - hiểu văn bản Bài học đường đời đầu tiên
Bài 1 trang 10 SGK Ngữ văn 6 tập 2
Kể tóm tắt đoạn trích và cho biết:
a) Truyện được kể bằng lời của nhân vật nào?
b) Bài văn có thể chia làm mấy đoạn, nội dung chính của mỗi đoạn?
Trả lời:
Tóm tắt đoạn trích: Chuyện kể về một chàng dế thanh niên cường tráng có tính kiêu căng, tự phụ luôn tự cho mình là người “sắp đứng đầu thiên hạ”. Với bản tính đó, Dế Mèn trong một lần nghịch dại trêu chị Cốc đã dẫn tới cái chết thương tâm cho Dế Choắt - anh bạn hàng xóm yếu ớt, tội nghiệp. Dế Mèn ân hận và rút ra bài học đường đời đầu tiên.
– Truyện được kể bằng lời của nhân vật Dế Mèn, xưng “tôi”.
– Bài văn có thể được chia làm 2 phần:
+ Phần 1 (Từ đầu – sắp đứng đầu thiên hạ): Giới thiệu ngoại hình và tính cách của Dế Mèn.
+ Phần 2: (Phần còn lại): Câu chuyện về bài học đường đời đầu tiên.
Bài 2 trang 10 SGK Ngữ văn 6 tập 2
Hãy đọc kĩ lại đoạn văn từ đầu bài đến “sắp đứng đầu thiên hạ rồi”, sau đó:
a) Ghi lại các chi tiết miêu tả ngoại hình và hành động của Dế Mèn. Nhận xét về trình tự và cách miêu tả trong đoạn văn.
b) Tìm những tính từ miêu tả hình dáng và tính cách Dế Mèn trong đoạn văn. Thay thế một số từ ấy bằng những từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa rồi rút ra nhận xét về cách dùng từ của tác giả.
c) Nhận xét về tính cách của Dế Mèn trong đoạn văn này.
Trả lời:
a) Chi tiết miêu tả vẻ đẹp ngoại hình và hoạt động của Dế Mèn:
– Ngoại hình:
+ Đôi càng mẫm bóng
+ Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứng dần và nhọn hoắt
+ Đôi cánh thành áo dài kín xuống tận chấm đuôi
+ Đầu to ra, nổi từng mảng rất bướng
+ Hai cái răng đen nhánh, nhai ngoàm ngoạp
+ Sợi râu dài, uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng
– Hành động:
+ Thử sự lợi hại của những chiếc vuốt
+ Trịnh trọng, khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu
+ Đi đứng oai vệ
+ Cà khịa với tất cả mọi bà con trong xóm
=> Ngoại hình cường tráng của chàng dế thanh niên mới lớn. Tác giả miêu tả ngoại hình đan xen với ngoại hình làm nổi bật tính cách: kiêu căng, hống hách
b)
+ Tính từ miêu tả hình dáng: Cường tráng, bóng mẫm, nhọn hoắt, hủn hoẳn, giòn giã, bóng mỡ, đen nhánh, ngoàm ngoạp…
+ Tính từ miêu tả tính cách: Bướng, hãnh diện, trịnh trọng, khoan than, oai vệ, tợn, ghê gớm…
– Có thể thay thế bằng những từ: rất to, ngắn ngủn, mập bóng, ngắn cũn cỡn, đen thui, ngang tàng…
=> Ngôn ngữ của tác giả miêu tả chính xác đặc tính của loài dế, trong khi vẫn bật tính cách con người ở loài dế.
c) Dế Mèn là nhân vật ý thức được thế mạnh và vẻ đẹp của mình nhưng lại sa vào sự tự phụ, hống hách tới mức ngộ nhận về bản thân.
Bài 3 trang 11 SGK Ngữ văn 6 tập 2
Nhận xét về thái độ của Dế Mèn đối với Dế Choắt (biểu hiện qua lời lẽ, cách xưng hô, giọng điệu, …)
Trả lời:
Thái độ của Dế Mèn đối với Dế Choắt là thái độ trịch thượng, coi thường:
- Gọi bạn là Dế Choắt
- Ví von so sánh với gã nghiện thuốc phiện
- Xưng hô ta – chú mày
- Điệu bộ khinh khỉnh, giọng điệu ngang ngạnh, bề trên
- Dế Mèn dửng dưng, thờ ơ không chịu giúp đỡ Dế Choắt
=> Dế Mèn cư xử lỗ mãng, trịch thượng, thái độ thờ ơ, dửng dưng.
Bài 4 trang 11 SGK Ngữ văn 6 tập 2
Nêu diễn biến tâm lí và thái độ của Dế Mèn trong việc trêu Cốc dẫn đến cái chết của Dế Choắt. Qua sự việc ấy, Dế Mèn đã rút ra được bài học đường đời đầu tiên cho mình. Bài học ấy là gì?
Trả lời:
Diễn biến tâm lí và thái độ của Dế Mèn trong việc trêu Cốc dẫn đến cái chết của Dế Choắt:
- Huênh hoang: “Sợ gì? Mày bảo tao còn biết sợ ai hơn tao nữa”
- Trêu xong chị Cốc thì chui tọt vào hang tự đắc rằng mình đã an toàn
- Thậm chí, hát trêu xong, Dế Mèn vẫn tự đắc, thách thức: "Mày tức thì mày cứ tức, mày ghè đầu mày ra cho nhỏ đi, nhỏ đến đâu thì mày cũng không chui nổi vào tổ tao đâu!".
- Nghe thấy tiếng chị Cốc mổ Dế Choắt thì sợ hãi nằm im thin thít.
- Khi chị Cốc đi rồi, Mèn mới “mon men bò lên” hối lỗi
=> Dế Mèn từ hung hăng, hống hách trở nên hèn nhát, run sợ.
Dế Mèn rút ra bài học về thái độ, tính cách: Không kiêu căng, tự phụ, không khinh thường ai, phải biết yêu thương, giúp đỡ kẻ yếu thế hơn mình.
Bài học đường đời đầu tiên Dế Mèn rút ra được qua sự việc này đó là sự trả giá cho những hành động ngông cuồng thiếu suy nghĩ: “Sống ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ sớm muộn cũng chuốc họa vào thân”.
Bài 5 trang 11 SGK Ngữ văn 6 tập 2
Hình ảnh những con vật được miêu tả trong truyện có giống với chúng trong thực tế không? Có đặc điểm nào của con người được gán cho chúng? Em có biết tác phẩm nào viết về loài vật có cách viết tương tự như truyện này?
Trả lời:
- Hình ảnh những con vật được miêu tả giống hệt chúng trong thực tế.
+ Miêu tả chú Dế Mèn có đôi càng, cái vuốt ở chân, ở khoeo; tiếng đạp phanh phách vào các ngọn cỏ; đôi cánh; cái đầu nổi từng tảng, rất bướng; cái răng đen nhánh; sợi râu... rất chính xác và sinh động.
+ Cặp hình ảnh, nhân vật đối lập: Dế Mèn cường tráng, khỏe mạnh còn Dế Choắt thì ốm yếu, bệnh tật.
- Tô Hoài đã nhân hóa con vật, gán cho chúng những đặc điểm của con người:
+ Dế Mèn trịnh trọng và khoan thai đưa chân vuốt râu
+ Dế tưởng mình là tay ghê gớm đứng đầu thiên hạ
+ Mèn hối hận với lỗi của mình gây nên cái chết cho Choắt …
=> Tô Hoài đã sử dụng những đặc điểm của con người để gán cho chúng như : biết suy nghĩ, đi đứng, nói năng, … đây chính là biện pháp nghệ thuật nhân hóa.
– Các tác phẩm viết về loài vật được nhân cách hóa như: Cái Tết của mèo con (Nguyễn Đình Thi), Dũng sĩ bọ ngựa (Tô Hoài), Cô bé quàng khăn đỏ, Gấu, Sư tử và Cáo, Ếch ngồi đáy giếng…
2. Luyện tập
Bài 1 trang 11 SGK Ngữ văn 6 tập 2
Ở đoạn cuối truyện, sau khi chôn cất Dế Choắt, Dế Mèn đứng lặng hồi lâu trước nấm mồ của người bạn xấu số. Em thử hình dung tâm trạng của Dế Mèn và viết một đoạn văn diễn tả lại tâm trạng ấy theo lời của Dế Mèn.
Trả lời:
Sau khi chôn Dế Choắt, Dế Mèn từ thương cảm đến ân hận, đau xót. Càng thương Dế Choắt, Dế Mèn càng ân hận về hành động dại dột của mình.
Tham khảo 1 số đoạn văn mẫu diễn tả tâm trạng của Dế Mèn sau khi chôn cất Dế Choắt:
1. Dế Choắt ơi, cho tôi thành tâm xin lỗi anh thật nhiều. Tôi mong anh tha thứ cho sự dại dột, ngông cuồng nghĩ mình. Tôi ân hận lắm, tôi sẽ khắc ghi bài học đường đời đầu tiên đau đớn này. Tôi đã đánh mất một người bạn tốt như anh trong cuộc đời chỉ vì tôi kiêu căng, bồng bột. Từ nay, tôi xin hứa sẽ quyết tâm bỏ thói hung hăng, ngạo mạn, ích kỷ để sống có ích và ý nghĩa hơn.
2. Tôi cảm thấy hối hận và đau xót lắm. Trò đùa ngỗ ngược của tôi đã khiến cho anh Choắt phải vạ lây. Tôi giận cái thói huênh hoang, hống hách của mình. Càng nghĩ đến lời anh Choắt, tôi càng thấy thấm thía hơn. Hôm nay, cũng may mà thoát nạn nhưng nếu không cố mà sửa cái thói hung hăng bậy bạ đi thì khéo sớm muộn rồi tôi cũng sẽ tự rước hoạ vào mình. Sự việc hôm nay quả thực đã dạy cho tôi một bài học đường đời quá lớn. Chắc cho đến mãi sau này, tôi cũng không thể nào quên.
Bài 2 trang 11 SGK Ngữ văn 6 tập 2
Chia mỗi nhóm ba học sinh theo vai Dế Mèn, Dế Choắt, Cốc. Đọc phân vai đoạn Dế Mèn trêu Cốc gây ra cái chết thảm thương của Dế Choắt.
Gợi ý:
Học sinh tự phân chia thành các nhóm, phân vai để đọc đoạn Dế Mèn trêu Cốc, gây ra cái chết thảm thương của Dế Choắt.
Nếu thời gian soạn bài không cho phép thì các em có thể tham khảo nội dung soạn bài Bài học đường đời đầu tiên ngắn nhất dưới đây:
Soạn bài Bài học đường đời đầu tiên ngắn nhất
Gợi ý trả lời các câu hỏi đọc - hiểu và luyện tập văn bản Bài học đường đời đầu tiên - Tô Hoài ngắn nhất cho các em học sinh lớp 6 tham khảo.
1. Đọc - hiểu
Câu 1 trang 10 SGK Ngữ văn 6 tập 2
a. Truyện kể bằng lời nhân vật Dế Mèn.
b. Bố cục:
- Đoạn 1 (Từ đầu ... sắp đứng đầu thiên hạ rồi) : Vẻ ngoài, tính tình của Dế Mèn.
- Đoạn 2 (Còn lại) : Bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn.
Câu 2 trang 10 SGK Ngữ văn 6 tập 2
Bảng đưa ra những chi tiết miêu tả hình dáng, hành động, tính cách của Dế Mèn. Các tính từ được in nghiêng trong bảng.
a. Kết hợp miêu tả ngoại hình với hành động làm bộc lộ nét tính cách của Mèn.
b. Các từ đồng nghĩa nếu thay thế vào đoạn văn sẽ không biểu hiện được ý nghĩa chính xác, tinh tế như những từ được tác giả sử dụng.
c. Tính cách Dế Mèn: điệu đàng, kiêu căng, xốc nổi, hung hăng, thích ra oai.
Câu 3 trang 11 SGK Ngữ văn 6 tập 2
Thái độ của Dế Mèn đối với Dế Choắt: coi thường, trịch thượng.
- Lời lẽ, giọng điệu bề trên, xưng hô “chú mày”.
- Cư xử: ích kỷ, không thông cảm, bận tâm gì về việc giúp đỡ Choắt.
Câu 4 trang 11 SGK Ngữ văn 6 tập 2
Tâm lí và thái độ Dế Mèn trong việc trêu Cốc:
- Từ thái độ hung hăng, coi thường, sau khi chứng kiến cảnh chị Cốc đánh Choắt, Mèn đã thấy sợ hãi, khiếp đảm.
- Bài học: “Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy”.
Câu 5 trang 11 SGK Ngữ văn 6 tập 2
Hình ảnh những con vật được miêu tả trong truyện với thực tế khá giống nhau. Bởi tác giả đã miêu tả chúng qua mắt nhìn hiện thực. Tô Hoài đã sử dụng những đặc điểm của con người để gán cho chúng như: biết suy nghĩ, đi đứng, nói năng,… đây chính là biện pháp nghệ thuật nhân hóa.
Những tác phẩm viết về loài vật tương tự: Khỉ và rùa, Cây khế...
2. Luyện tập
Câu 1 trang 11 SGK Ngữ văn 6 tập 2
Đoạn văn cần làm nổi bật nội dung: Tâm trạng thương cảm người bạn đã chết do lỗi của mình, ăn năn, hối hận về việc làm dại dột đã gây ra.
Có thể tham khảo đoạn văn sau:
Tôi hối hận lắm. Người hàng xóm ốm yếu mà tôi vẫn coi khinh, vẫn dửng dưng nay tại tôi mà phải chết oan, tại cái thói huênh hoang, hống hách của tôi. Tôi giận mình lắm. Nếu như tôi nghe lời can ngăn không bày trò trêu chị Cốc, nếu như trước đó tôi biết thông cảm giúp đỡ anh Choắt thì có lẽ cơ sự đã không như thế này. Tôi dại quá. Hung hăng, hống hách láo chỉ tổ đem thân mà trả nợ cho những cử chỉ ngu dại của mình thôi. Tôi sẽ không quên bài học này, bài học được đánh đổi bằng cả mạng sống bạn bè.
-/-
// Trên đây là nội dung chi tiết bài soạn văn Bài học đường đời đầu tiên sách mới và sách cũ của Tô Hoài do HocOn247 biên soạn. Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 6 bài Bài học đường đời đầu tiên này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của tác phẩm. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.