Soạn bài Luyện nói về quan sát, tưởng tượng, so sánh trong văn miêu tả

Soạn bài Luyện nói về quan sát, tưởng tượng, so sánh trong văn miêu tả giúp em củng cố kiến thức và vận dụng vào các bài tập luyện nói về quan sát, tưởng tượng, so sánh trang 35, 36 SGK Ngữ văn lớp 6 tập 2
(412) 1374 04/08/2022

Soạn bài Luyện nói về quan sát, tưởng tượng, so sánh trong văn miêu tả

Hướng dẫn soạn bài Luyện nói về quan sát, tưởng tượng, so sánh trong văn miêu tả giúp các em rèn luyện kĩ năng trình bày miệng một cách trôi chảy những nội dung về quan sát, nhận xét, tưởng tượng, liên tưởng, so sánh khi miêu tả.

Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học này.

      Cùng tham khảo...

Ở bài soạn trước (Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả), các em đã hiểu được vai trò, tác dụng của quan sát, tưởng tượng so sánh và nhận xét trong văn miêu tả. Trong bài soạn này, các em sẽ vận dụng những kiến thức đã biết vào bài luyện nói với đề bài cho sẵn trong SGK.

Soạn bài Luyện nói về quan sát, tưởng tượng, so sánh trong văn miêu tả

    Gợi ý trả lời câu hỏi bài tập luyện tập soạn bài Luyện nói về quan sát, tưởng tượng, so sánh trong văn miêu tả trang 35, 36, 37 SGK Ngữ văn lớp 6 tập 2.

Bài 1 trang 35 SGK Ngữ văn 6 tập 2

Từ truyện Bức tranh của em gái tôi, hãy lập dàn ý để trình bày ý kiến của mình trước lớp theo hai câu hỏi sau:

a. Theo em, Kiều Phương là người như thế nào? Từ các chi tiết về nhân vật này trong truyện, hãy miêu tả lại hình ảnh của Kiều Phương theo tưởng tượng của em.

b. Anh của Kiều Phương là người như thế nào? Hình ảnh người anh trong bức tranh với người anh thực của Kiều Phương có khác nhau không?

Trả lời:

a. Nhân vật Kiều Phương:

+ Hình dáng: gầy, mặt lọ lem, tóc ngang vai, dáng vẻ thanh mảnh

+ Lời nói: nhẹ nhàng, hóm hỉnh

+ Hoạt động: say sưa vẽ tranh, hoạt bát, khi bị mắng thì xịu mặt xuống rồi lại hát véo von và làm việc

b. Anh trai của Kiều Phương

+ Người anh của Kiều Phương là người ích kỉ, hẹp hòi, vô tâm. Người anh trong bức tranh với người anh thực của Kiều Phương khác. Người anh trong bức tranh của Kiều Phương là người mơ mộng, trong sáng và suy tư.

Bài 2 trang 36 SGK Ngữ văn 6 tập 2

Hãy kể cho các bạn nghe về anh, chị hoặc em của mình. (Trong khi nói, chú ý làm nổi bật đặc điểm của người mình đang miêu tả bằng các hình ảnh, bằng cách so sánh và nhận xét của bản thân.)

- Lập dàn ý ra vở nháp (không viết thành văn);

- Nói theo dàn ý đã chuẩn bị.

Trả lời:

Dàn ý kể về người anh/ chị mình:

- Mở bài: Giới thiệu qua về anh chị: tuổi, nghề nghiệp

- Thân bài: Kể và tả chi tiết:

+ Hình dáng: đặc điểm về khuôn mặt, dáng người, mái tóc, đôi mắt… (chọn ra đặc điểm nổi bật nhất đặc tả)

+ Tính tình: nêu những đức tính tốt của anh/ chị đó (hiền hòa, cởi mở, hài hước, sâu sắc…)

+ Trong cách ứng xử với mọi thành viên trong gia đình

Kết bài: Nêu cảm nghĩ, tình cảm của mình đối với anh/ chị đó.

Bài 3 trang 36 SGK Ngữ văn 6 tập 2

a. Lập dàn ý cho bài văn miêu tả một đêm trăng nơi em ở theo gợi ý sau đây:

- Đó là một đêm trăng như thế nào? (nhận xét)

- Đêm trăng đó có gì đặc sắc, tiêu biểu: bầu trời, đêm, vầng trăng, cây cối, nhà cửa, đường làng, ngõ phố, ánh trăng,…? (quan sát)

- Để miêu tả cho các bạn thấy một đêm trăng đẹp, em sẽ so sánh những hình ảnh trên như thế nào? (so sánh, tưởng tượng)

b. Dựa vào dàn ý trên, hãy nói trước các bạn về đêm trăng ấy.

Trả lời:

a)

- Mở bài: Không gian, địa điểm của đêm trăng

- Thân bài: Miêu tả chi tiết đêm trăng

+ Hình ảnh bầu trời: cao, nhiều sao

+ Vầng trăng: tròn, sáng tỏ mọi vật

+ Cây cối một màu đen, khi có trăng những phiến lá sáng lấp lánh

+ Nhà cửa sáng rực ánh điện, ánh sáng hắt qua các ô cửa kính muôn màu

+ Bầu trời được điểm tô bởi những ngôi sao nhỏ xíu như những viên kim cương lấp lánh đính trên một bộ váy đen tuyệt đẹp.

+ Vầng trăng tròn như chiếc đĩa bạc khổng lồ, lấp lánh.

- Kết bài: Nêu cảm xúc của em về đêm trăng (cảm giác trong lành, thanh bình).

b) Tham khảo nội dung bài văn sau:

Chiều nay, bà cháu tôi nấu cơm từ sớm. Bà bảo hôm này mười lăm, trăng rằm, tròn và sáng lắm. Thế là ăn cơm xong, gia đình tôi chuẩn bị cho một đêm ngắm trăng thơ mộng.

Trời vừa tối, tấm màn màu đen bao trùm khắp mọi nơi. Mẹ con chị gà đã lục tục kéo nhau lên chuồng. Những chú lợn cũng rủ nhau đi nằm sớm. Mấy chú chó và mèo thôi không đùa nghịch nữa. Xa xa, trong thôn xóm, thỉnh thoảng vang lên tiếng chó nhà ai, rồi tất cả lại rơi vào trong tĩnh lặng... Gió bắt đầu nhè nhẹ thổi. Gió mơn man, dịu dàng như đền bù cho một ngày nắng vất vả. Hàng dừa, hàng cau ngoài sân cũng thích thú, đu đưa mình trong gió. Ngoài bờ ao, gia đình nhà tre rì rào tâm sự... Trong vườn, mỗi khi có cơn gió thổi qua, cây cối lại xào xạc tạo nên bản giao hưởng đồng quê mà ai đó phải yêu làng quê lắm mới cảm nhận hết được...

Trời đã muộn hơn một chút. Bóng tối lúc này dày đặc. Nhà nhà đã lên đèn. Tôi cùng ông kê chiếc chõng tre ra giữa sân gạch mà từ chiều tôi đã quét sạch sẽ. Ở giữa chõng, tôi để một bộ trà nhỏ mà ông thích nhất. Bên cạnh, một đĩa táo ngon lành, hấp dẫn. Bà tôi lúi húi từ dưới bếp mang lên ấm trà mới nấu, dậy mùi thơm... Vậy là mọi sự chuẩn bị cho một đêm ngắm trăng đã hoàn tất. Ông bà ngồi trên chõng tre, còn tôi vẫn chạy đùa với chú chó Milu.

Từ bên hàng xóm, vang lên giọng nói của anh em thằng Cử:

“Sân nhà em sáng quá

  Nhờ ánh trăng sáng ngời

Trăng tròn như cái đĩa

  Lơ lửng mà không rơi…”

Thì ra anh em nó đang đọc bài thơ về ánh trăng. Hôm nay, tự dưng chúng nó có hứng thành nghệ sĩ, nhưng bài thơ thật hợp với không gian đêm nay. Tôi cũng vừa lẩm nhẩm đọc, vừa mơ màng ngẩng lên nhìn trời... Ô kia, bất chợt tôi thấy mặt trăng. Tôi hét lớn: “A! chị Hằng! Ông bà ơi cháu thấy chị Hằng rồi”. Tất cả mọi người cùng ngắm nhìn say sưa sự xuất hiện của Hằng Nga xinh đẹp. Chị từ từ lên cao, từng chút từng chút một, rồi lên đến đầu ngọn tre và lơ lửng ở đó. Đọc hết mấy lượt bài thơ, trăng đã ở mãi trên kia từ bao giờ... Chị Hằng hôm nay xinh đẹp lạ thường. Khuôn mặt đầy đặn như thiếu nữ độ tuổi trăng tròn. Chị Hằng sáng quá, soi tỏ khắp thế gian, rót ánh sáng diệu kì xuống mọi nơi, mọi ngả đường thôn xóm... Con ngõ nhỏ đi vào nhà tôi ngập tràn ánh trăng. Trăng in bóng cây xuống mặt đất, lồng vào nhau như thêu như dệt. Cả khu vườn như một vườn trăng cổ tích. Chúng tha hồ vẫy vùng tắm trăng. Trăng rọi xuống mặt sân như dát bạc. Trăng tỏ tận đáy ao khiến rong rêu trở nên mềm mại hơn trong dòng nước. Hoa bèo khó hiểu khi thấy mình tự dưng mang một màu sắc mới lạ. Những chú tôm, chú cá trốn dưới chân bèo cũng vội ngó mặt ra xem, thấy mình sao lấp lánh thế, quẫy đuôi cười thích chí. Ông bà và tôi ngồi dưới trăng cũng thấy mình sáng lên. Thỉnh thoảng ông nhấp một ngụm trà rồi còn ngâm vịnh thơ nữa. Bà tôi ngồi bên cười hiền từ như để khích lệ ông. Nhìn ông bà như ông tiên, bà tiên trong truyện cổ tích vậy.

Càng về khuya, trăng càng lên cao, càng sáng và đẹp. Những vì tinh tú xung quanh làm tôn thêm ánh sáng cho chị Hằng. Đến lúc này cả không gian, đất trời sáng vụt lên, sống trong giây phút huy hoàng nhất của đêm nay. Thôn xóm đã hoàn toàn yên tĩnh. Gió se se lạnh. Sương bắt đầu đặt mình lên cây lá ... Mọi vật im lìm trong giấc ngủ ngon.

Trăng hôm nay đẹp quá, thanh bình và giản dị biết bao. Từ đó, cứ mỗi lần trăng rằm tôi lại nhớ về làng quê, về ông bà tôi và nhớ về đêm trăng hôm đó.

Bài 4 trang 36 SGK Ngữ văn 6 tập 2

Hãy lập dàn ý và nói trước các bạn trong lớp về quang cảnh một buổi sáng (bình minh) trên biển. Trong khi miêu tả, em sẽ liên tưởng và so sánh các hình ảnh với những gì?

- Nêu ra những ý lớn định nói như một dàn ý (không viết thành văn);

- Nói cho các bạn trong lớp cùng nghe.

Mẫu: Biển lặng, đỏ đục, đầy như mâm bánh đúc. (Vũ Tú Nam)

– Mặt trời…

– Bầu trời…

– Mặt biển…

– Sóng biển…

– Bãi cát…

– Những con thuyền…

Trả lời:

Tả cảnh buổi sáng trên biển (chọn biển Nha Trang).

- Mở bài: Dịp nghỉ lễ, nghỉ hè em theo gia đình tới biển Nha Trang nghỉ mát

- Thân bài: Khung cảnh biển Nha Trang

+ Cảnh biển vào buổi sáng: mặt nước trong xanh, sóng nhẹ vỗ vào bờ, mặt trời nhô lên từ biển

+ Mọi người nô đùa, tắm biển đông vui, ồn ào

+ Cảnh biển khi mặt trời lên cao: bầu trời cao vời vợi, nước biển xanh ngọc bích, sóng dào dạt vào bờ.

+ Trên bờ biển vắng người, chỉ có những bãi cát dài lấp lánh dưới nắng, chỉ có những cánh hải âu trên không.

- Kết bài: Nêu cảm xúc của em khi được đi du lịch biển.

Bài 5 trang 37 SGK Ngữ văn 6 tập 2

Từ một số truyện cổ đã học, đã đọc em hãy miêu tả hình ảnh người dũng sĩ theo trí tưởng tượng của mình.

- Nêu ra những ý lớn định nói như một dàn ý (không viết thành văn).

- Nói cho các bạn trong lớp cùng nghe.

Trả lời:

Hình ảnh người dũng sĩ trong trí tưởng tượng của em:

- Người dũng sĩ sinh ra trong có ai đó gặp nạn

- Hình dáng: cao to, vạm vỡ, gương mặt trẻ trung

- Hành động: hành hiệp trượng nghĩa, giúp đỡ người yếu thế, tiêu diệt kẻ xấu

- Dũng sĩ: có sức khỏe phi thường, có thể đánh bại mọi kẻ xấu

- Phẩm chất nổi bật của dũng sĩ: dũng cảm, kiên cường, hào phóng, hào sảng.

-/-

Các em vừa tham khảo nội dung chi tiết hướng dẫn soạn văn 6 bài Luyện nói về quan sát, tưởng tượng, so sánh trong văn miêu tả giúp các em chuẩn bị bài tốt hơn trước khi đến lớp. Để hiểu sâu và nhớ lâu hơn, các em nên kết hợp tự soạn bài theo những kiến thức của bản thân. Chúc các em luôn đạt kết quả cao trong học tập.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Luyện nói về quan sát, tưởng tượng, so sánh trong văn miêu tả một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.


TẢI VỀ

(412) 1374 04/08/2022