Soạn bài Bức tranh của em gái tôi (Tạ Duy Anh)

Soạn bài Bức tranh của em gái tôi (Tạ Duy Anh) của HocOn247 biên soạn giúp em trả lời các câu hỏi đọc hiểu bài Bức tranh của em gái tôi trang 34, 35 SGK Ngữ văn lớp 6 tập 2.
(416) 1387 04/08/2022

Soạn bài Bức tranh của em gái tôi ngắn nhất (Tạ Duy Anh)

Trong nội dung hướng dẫn soạn bài Bức tranh của em gái tôi do Đọc tài liệu biên soạn dưới đây sẽ gợi ý trả lời các câu hỏi soạn văn lớp 6 trong nội dung bài Bức tranh của em gái tôi của bộ sách mới:

  • Sách Cánh diều,
  • Sách kết nối tri thức
  • Sách cũ

Qua đây Đọc tài liệu muốn giúp các em hiểu và nắm được đặc sắc nghệ thuật và nội dung, ý nghĩa của truyện Bức tranh của em gái tôi.

Kiến thức trọng tâm truyện Bức tranh của em gái tôi.

1. Nội dung chính của truyện Bức tranh của em gái tôi

- Truyện kể về: người anh và cô em gái có tài hội họa, lòng nhân hậu của người em gái đã giúp cho người anh nhận ra phần hạn chế ở chính mình.

- Truyện có những nhân vật: người anh, em gái, mẹ. Nhân vật chính trong truyện là người anh. Người anh đố kị với tài năng của em gái, tự ti bản thân và thấy hối hận trước những gì mình đã làm

- Truyện nêu lên vấn đề về tính đố kị, ích kỉ của một bộ phận người dân trong xã hội. Vấn đề nêu lên có liên quan đến cuộc sống hiện nay và cá nhân em giúp cho mọi người hiểu: Tình cảm trong sáng, nhân hậu bao giờ cũng lớn hơn, cao đẹp hơn lòng ghen ghét, đố kị. Không nên đố kị, ghen ghét trước tài năng của người khác mà cần phải biết vượt qua tất cả những mặc cảm, tự ti để vượt qua chính mình.

2. Bố cục

Truyện Bức tranh của em gái tôi được chia làm 4 phần bao gồm:

Phần 1 (Từ đầu đến "…Có vẻ vui lắm”): Giới thiệu về Kiều Phương.

Phần 2 (Tiếp theo đến "...phát huy tài năng”): Tài năng hội họa của kiều Phương được phát hiện bất ngờ.

Phần 3 (“Kể từ hôm đó…” đến "...nhận giải”): Tâm trạng và thái độ của người anh trước sự thành công của em.

Phần 4 (Còn lại): Thành công của Kiều Phương và sự ân hận của người anh.

3. Tóm tắt truyện

Câu chuyện kể về người anh và cô em gái có tài hội hoạ tên là Kiều Phương - thường gọi là Mèo. Khi tài năng hội hoạ của em gái được phát hiện, người anh thấy buồn, thất vọng vì cảm thấy mình bị cả nhà lãng quên, và tự ti khi mình không có tài năng gì. Từ đó, cậu nảy sinh thái độ khó chịu, hay gắt gỏng với em gái và không thể thân với em như trước. Khi đứng trước bức tranh đạt giải nhất của em gái, cậu bất ngờ vì hình ảnh mình qua cái nhìn của em. Lúc này người anh trai mới nhận ra tấm lòng nhân hậu của em và hối lỗi về bản thân mình.

Soạn bài Bức tranh của em gái tôi sách mới

Nội dung soạn văn 6 Bức tranh của em gái tôi dưới đây sẽ giúp các em tham khảo và lựa chọn được kiến thức phù hợp nhất theo chương trình học của mình.

Soạn bài Bức tranh của em gái tôi Sách Cánh Diều

*Câu hỏi giữa bài

Câu hỏi trang 67 SGK Ngữ Văn 6 tập 2 Cánh Diều

- Từ nhan đề và hình minh họa, em có thể đoán nội dung chính của truyện này nói về việc gì?

- Người kể câu chuyện ở ngôi nào? Kể với ai?

- Tại sao nhân vật "tôi" lại bí mật theo dõi em gái?

- Phần (2) giúp người đọc hiểu ra điều gì?

Câu hỏi trang 68 SGK Ngữ Văn 6 tập 2 Cánh Diều

- Chú ý sự thay đổi của nhân vật " tôi" qua tâm trạng, suy nghĩ và hành động ở phần (3)

- Sự việc nào trong phần (4) làm cho câu chuyện tiếp tục hấp dẫn? Hấp dẫn ở chỗ nào?

Câu hỏi trang 69 SGK Ngữ Văn 6 tập 2 Cánh Diều

- Chú bé trong bức tranh được miêu tả như thế nào?

- Chú ý sự thay đổi tâm trạng của nhân vật "tôi"

* Câu hỏi cuối bài

Câu 1. Truyện kể về việc gì? Hãy tóm tất nội dung câu chuyện trong khoảng 8 - 10 dòng.

Câu 2.

Hãy nêu ra một số chi tiết trong văn bản để thấy sự khác nhau giữa tính cách của nhân vật người anh và nhân vật người em (Kiểu Phương).

Câu 3. Nhân vật người em thường được tái hiện qua hành động, còn nhân vật người anh thường được tác giả chú ý miêu tả tâm trạng. Hãy chỉ ra các chi tiết cụ thể để làm sáng tổ điều đó. Ngôi kể có liên quan gì đến cách miêu tả hai nhân vật đó?

Câu 4. Đọc phần (5) và trả lời các câu hỏi:

a) Tại sao người anh “muốn khóc quá”?

b) Câu nói "Không phải con đâu. Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy!" cho em hiểu gì về người anh?

c) Điều gì đã tạo nên sự bất ngờ cho kết thúc truyện?

Câu 5. Cuối truyện, tác giả viết: “Tôi nhìn như thôi miên vào dòng chữ đề trên bức tranh: “Anh trai tôi". Vậy mà dưới mắt tôi thì...". Em hiểu nội dung chưa được viết vào dấu ba chấm ấy là những gì? Điều đó thể hiện tâm trạng như thế nào của người anh? Em đã từng có tâm trạng ấy chưa?

Câu 6. Theo em, truyện muốn đề cao, ca ngợi điều gì? Điều đó có liên quan đến cuộc sống hằng ngày của mỗi người như thế nào?

Trả lời chi tiết câu hỏi Soạn bài Bức tranh của em gái tôi sách Cánh Diều

Soạn bài Bức tranh của em gái tôi Sách Kết nối tri thức

* Câu hỏi sau khi đọc văn bản

Câu 1. Trong truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi người kể chuyện là ai? Xuất hiện ở ngôi thứ mấy?

Câu 2. Em thích nhất đặc điểm gì ở nhân vật Mèo - Kiều Phương? Vì sao?

Câu 3. Em có nhận xét gì về cảm xúc, thái độ, hành động của nhân vật “tôi” trước khi xem bức chân dung do em gái mình vẽ?

Câu 4. Nhân vật “tôi” đã thay đổi ra sao sau khi xem bức chân dung của mình do em gái vẽ. Vì sao có sự thay đổi ấy.

Câu 5. Từ văn bản Chuyện cổ tích về loài người, Mây và sóng, Bức tranh của em gái tôi, em nhận thấy điều quan trọng nhất có thể gắn kết các thành viên trong gia đình là gì?

Trả lời chi tiết câu hỏi Soạn bài Bức tranh của em gái tôi sách Kết nối tri thức

Soạn bài Bức tranh của em gái tôi sách cũ

Trong chương trình học môn Ngữ Văn 6 sách cũ, các em học sinh được cung cấp đầy đủ thông tin chung về tác giả, tác phẩm; và gợi ý nội dung bài soạn từ ngắn gọn tới chi tiết trong nội dung dưới đây.

Soạn bài Bức tranh của em gái tôi chi tiết

    Gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu và luyện tập soạn bài Bức tranh của em gái tôi chi tiết trang 34, 35 SGK Ngữ văn 6 tập 2.

1. Đọc - hiểu văn bản

Bài 1 trang 34 SGK Ngữ văn 6 tập 2

Kể tóm tắt truyện Bức tranh của em gái tôi ?

Trả lời:

    Cách kể 1: Kiều Phương là cô gái hay lục lọi đồ và thường bôi bẩn lên mặt. Cô bé có sở thích vẽ tranh nên thường bí mật pha chế màu và vẽ. Khi mọi người phát hiện ra Kiều Phương có tài năng hội họa thì người anh lúc này tỏ ra ghen tị và xa lánh em. Kiều Phương đạt giải nhất tại trại thi vẽ tranh quốc tế với bức vẽ “anh trai tôi”, lúc này người anh trai mới nhận ra tấm lòng nhân hậu của em và hối lỗi về bản thân mình.

    Cách kể 2: Câu chuyện kể về người anh và cô em gái có tài hội hoạ tên là Kiều Phương - thường gọi là Mèo. Khi tài năng hội hoạ của em gái được phát hiện, người anh thấy buồn, thất vọng vì mình không có tài năng và cảm thấy mình bị cả nhà lãng quên. Từ đó, cậu nảy sinh thái độ khó chịu, hay gắt gỏng với em gái và không thể thân với em như trước. Đứng trước bức tranh đạt giải nhất của em gái, cậu bất ngờ vì hình ảnh mình qua cái nhìn của em. Người anh nhận ra những yếu kém của mình và hiểu được tâm hồn và tấm lòng nhân hậu của cô em gái.

    Cách kể 3

: Chuyện kể về hai anh em Kiều Phương. Anh trai bực mình vì em gái hay nghịch bẩn, bừa bãi. Kiều Phương bí mật học vẽ, tài năng hội hoạ của bé được bất ngờ phát hiện. Người anh buồn, coi thường, ghen tị và trở nên gắt gỏng với em vô cớ bởi thấy mình thua kém em. Em gái thành công trong cuộc thi tranh, cả nhà mừng vui, người anh gượng đi xem triển lãm tranh của em. Đứng trước bức tranh của Kiều Phương, người anh hối hận vô cùng.

>> Tuyển tập 7 bài tóm tắt truyện Bức tranh của em gái tôi hay nhất

Bài 2 trang 34 SGK Ngữ văn 6 tập 2

Suy nghĩ rồi thảo luận với các bạn trong nhóm về những điểm sau:

a. Nhân vật chính trong truyện là ai? (Kiều Phương, người anh trai hay cả hai?) Vì sao em lại cho đó là nhân vật chính?

b. Truyện được kể theo lời của nhân vật nào? Việc lựa chọn vai kể như vậy đã có tác dụng gì?

Trả lời:

a. Nhân vật chính trong truyện là hai anh em Kiều Phương. Có thể khẳng định cả hai đều là nhân vật chính của truyện. Tuy nhiên, nhân vật người anh là nhân vật mà tác giả muốn thể hiện chủ đề thái độ và cách ứng xử trước tài năng và thành công của người khác, là nhân vật quan trọng nhất trong câu chuyện. Người anh trai là nhân vật chính vì nhân vật này thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác giả: thái độ và cách ứng xử trước thành công của người khác.

b. Truyện được kể theo ngôi kể thứ nhất, người anh kể lại truyện. Cách kể này có ý nghĩa tạo ra sự gần gũi tâm lí của nhân vật người anh Kiều Phương. Mặt khác nó giúp cho nhân vật kể chuyện tự soi xét, đánh giá những tình cảm, ý nghĩ của mình, bộc lộ một cách chân thành những ý nghĩa thầm kín.

Bài 3 trang 34 SGK Ngữ văn 6 tập 2

Đọc kĩ lại truyện, chú ý đến tâm trạng của người anh (nhân vật kể chuyện) và cho biết:

a. Diễn biến tâm trạng của nhân vật người anh qua các thời điểm: từ trước cho đến lúc thấy em gái tự chế màu vẽ, khi tài năng hội họa ở em gái được phát hiện, khi lén xem những bức tranh em gái đã vẽ và khi đứng trước bức tranh được giải nhất của em gái trong phòng trưng bày.

b. Vì sao sau khi tài năng hội họa ở em gái mình được phát hiện, người anh lại có tâm trạng không thể thân với em gái như trước kia được nữa?

c. Giải thích tâm trạng của người anh khi đứng trước bức tranh “Anh trai tôi” của em gái: Thoạt tiên là sự ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ.

Trả lời:

Diễn biến tâm trạng nhân vật người anh:

a. Từ trước cho tới lúc thấy em gái tự chế màu vẽ: người anh tỏ ra người lớn, thấy việc vẽ của Mèo là chuyện trẻ con.

– Khi khả năng hội họa của em gái được phát hiện: người anh cảm thấy thua kém, mặc cảm, xa lánh em gái

– Khi lén xem tranh và đứng trước bức tranh đạt giải nhất của em ở phòng trưng bày người anh nhận thấy tài năng và lòng nhân hậu của em gái.

b. Tài năng hội họa của người em được phát hiện, người anh không còn thân với em gái do:

– Mặc cảm về bản thân thua kém em

– Người anh chạnh lòng khi mọi người chỉ chú ý tới em gái

– Cảm thấy ghen tị với em

c. Tâm trạng của người anh khi đứng trước bức tranh “Anh trai tôi”

– Ban đầu, ngỡ ngàng vì không ngờ được em lựa chọn vẽ vào tranh. Ngỡ ngàng vì bức vẽ về anh đẹp, một người mơ mộng, suy tư, hồn nhiên.

– Tự hào, hãnh diện vì được thể hiện đẹp trong bức tranh của em gái mình.

– Xấu hổ vì đã cư xử không đúng với em, và không xứng đáng ở trong tranh.

Bài 4 trang 34 SGK Ngữ văn 6 tập 2

Em hiểu như thế nào về đoạn kết của truyện (Tôi không trả lời mẹ… lòng nhân hậu của em con đấy)? Qua đó, em có cảm nghĩ gì về nhân vật người anh ?

Trả lời:

- Đoạn kết của truyện, người anh cảm động, muốn khóc không thể thốt ra những suy nghĩ trong đầu “không phải con đâu”. -> Câu nói trong tâm trí của người anh thể hiện sự hối hận chân thành, sự ăn năn, sám hối, bị thuyết phục, tự thức nhận về bản thân, về em gái.

- Người anh cảm thấy mình không xứng đáng đẹp như hình em gái vẽ. Người anh đáng trách nhưng cũng đáng cảm thông vì những tính xấu chỉ là nhất thời.

– Người anh cảm động bởi vừa kịp nhận ra sự hồn nhiên, nhân hậu của cô em gái. Sự hối hận, day dứt nhận ra tài năng, quan trọng hơn, nhận ra tâm hồn trong sáng nhân hậu của em gái chứng tỏ cậu cũng là một người biết sửa mình, muốn vươn lên, biết được tính ghen tị là xấu xa.

=> Người anh vượt lên chính mình, nhìn thấy những thiếu hụt trong nhân cách và chính sự nhân hậu của cô em gái đã cảm hóa được sự yêu thương, hối lỗi của người anh.

Bài 5 trang 34 SGK Ngữ văn 6 tập 2

Em có cảm nhận gì về nhân vật cô em gái trong truyện? Điều gì khiến em cảm mến nhất ở nhân vật này (tài năng, sự hồn nhiên, lòng độ lượng, nhân hậu,…)?

Trả lời:

Nhân vật người em trong truyện:

+ Là một cô bé hồn nhiên, kiên trì theo đuổi đam mê vẽ tranh

+ Luôn yêu thương và muốn gần gũi với người anh

+ Chọn vẽ anh vì anh là “người thân thuộc nhất”, luôn yêu thương anh trai

+ Là cô bé nhân hậu, vị tha, tình cảm trong sáng

=> Tình cảm trong sáng hồn nhiên và lòng nhân hậu của cô em gái giúp cho người anh nhận ra sự hạn chế, thiếu hụt về tình cảm của mình.

2. Soạn bài Bức tranh của em gái tôi phần Luyện tập

Bài 1 trang 35 SGK Ngữ văn 6 tập 2

Viết một đoạn văn thuật lại tâm trạng của người anh trong truyện khi trước bức tranh được giải nhất của em gái.

Trả lời:

Đứng trước bức tranh em gái vẽ mình, người anh giật mình sững người. Chẳng hiểu sao anh phải bám chặt lấy mẹ. Thoạt nhiên là sự ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ. Dưới con mắt của em gái, anh trai hoàn hảo đến thế ư? Anh trai nhìn như thôi miên vào dòng chữ đề trên bức tranh: "Anh trai tôi". Vậy mà dưới con mắt anh thì ...

- Con đã nhận ra con chưa? - Mẹ vẫn hồi hộp.

Người anh không trả lời vì anh muốn khóc quá. Bởi vì nếu nói với mẹ, anh nói rằng: "Không phải con đâu. Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy!"

Bài 2 trang 35 SGK Ngữ văn 6 tập 2

Giả định một thành viên trong lớp hoặc trong gia đình em đạt được thành tích xuất sắc nào đó. Thử hình dung và tả lại thái độ của những người xung quanh trước thành tích ấy.

 Trả lời:

“Chiến ơi! Cố lên! Chiến ơi! cố lên!”. Những tiếng reo hò hô vang ấy cứ vang vọng cùng với những tiếng trống tiếng kèn hô hào của các học sinh lớp 6A cổ vũ, cổ động Chiến trong cuộc thi chạy cự ly 100m. Và rồi, Chiến là người chạm đích đầu tiên và đoạt giải nhất.

Từ hai bên đường, thầy cô và các bạn ùa ra vây quanh Chiến. Thầy hiệu trưởng ôm chặt Chiến vào lòng và trao cờ lưu niệm dành cho lớp có thành viên chiến thắng. Cô Giang - giáo viên chủ nhiệm thay mặt cho lớp 6A tặng bạn Chiến một bó hoa tươi thắm.

Có lẽ chưa bao giờ lớp em vui đến thế. Các bạn nam tung Chiến lên cao rồi đỡ lấy trong tiếng reo hò náo nhiệt. Các bạn nữ cùng hô vang: “Chiến Tếu số một! Chiến Tếu số một!” khiến cho mọi người cười vang còn Chiến thì đỏ ửng là khuôn mặt. Đây có thể nói là niềm vui lớn nhất trong năm học này của chúng em, như một chiến thắng chung của tập thể khiến ai cũng tự hào.

>>> Xem thêmPhân tích truyện Bức tranh của em gái tôi

Soạn bài Bức tranh của em gái tôi ngắn nhất

Đọc hiểu - văn bản

Câu 1 trang 35 SGK Ngữ văn 6 tập 2

Tóm tắt:

Cô em gái Kiều Phương có năng khiếu hội họa tiềm ẩn. Khi tài năng được biết đến và phát huy, người anh trai cảm thấy ghen tị, buồn dẫn đến thái độ khó chịu và xa lánh em. Ngày đi cùng em nhận giải, người anh mới xúc động nhận ra sự hẹp hòi của mình và lòng nhân hậu của em gái.

Câu 2 trang 35 SGK Ngữ văn 6 tập 2

a. Nhân vật chính trong truyện là hai anh em Kiều Phương. Vì hai nhân vật này được tác giả quan tâm nói đến xuyên suốt truyện. Tuy nhiên nhân vật người anh được tác giả kể về diễn biến tâm trạng nhiều hơn.

b. Truyện kể bằng lời nhân vật người anh. Điều này làm cho suy nghĩ, tình cảm được bộc bạch chân thật, sự việc diễn biến một cách tự nhiên, logic.

Câu 3 trang 35 SGK Ngữ văn 6 tập 2

a. Đến khi thấy em tự chế màu vẽ : coi mình lớn, tò mò → Khi tài năng của em được phát hiện : có chút ghen tị → Khi lén xem tranh : cảm giác thua kém → Khi đứng trước bức tranh đoạt giải : ngỡ ngàng, hãnh diện, xấu hổ.

b. Người anh cảm thấy không thể thân với em như trước bởi chính cái ranh giới mong manh mà người anh vạch ra. Ranh giới đó là cảm giác thua kém, là ghen tị và cảm giác thiếu vắng sự quan tâm.

c. Ngỡ ngàng vì bất ngờ, vì ngạc nhiên, hãnh diện khi mình là người được em vẽ, khi chân dung mình qua con mắt em lại đẹp vậy, cũng hãnh diện vì có đứa em tài giỏi. Xấu hổ nhận ra bản thân quá hẹp hòi trước tâm hồn đẹp đẽ của em.

Câu 4 trang 35 SGK Ngữ văn 6 tập 2

Đoạn kết truyện, người anh xúc động, những suy nghĩ bị nghẹn lại không thoát ra thành lời. Người anh hổ thẹn với tấm lòng nhân hậu, với tình cảm của em gái mình, xấu hổ khi thấy mình không xứng đáng với tâm hồn thuần khiết bé bỏng ấy. Đồng thời là cảm giác hối hận khi trước kia đã cáu gắt với em.

Câu 5 trang 35 SGK Ngữ văn 6 tập 2

Nhân vật cô em gái trong truyện – Kiều Phương là một cô bé hồn nhiên, tài năng nhưng không khoe khoang, không cậy mình có tài mà khinh thường người khác. Đồng thời lại rất độ lượng và nhân hậu. Có lẽ tâm hồn trong sáng, nhân hậu là điều đáng mến nhất của cô bé này.

Soạn bài Bức tranh của em gái tôi ngắn nhất phần Luyện tập

Câu 1 trang 36 SGK Ngữ văn 6 tập 2

Đứng trước bức tranh hoàn mỹ này, người anh tự vấn mình: “Đây là ai ? Tôi ư? Không! Đây là tâm hồn và lòng nhân hậu của em tôi”. Người anh vô cùng xúc động, anh có thể rơi nước mắt ngay lúc này. Bức tranh đẹp quá, đẹp đến nỗi anh không còn nhận ra chính mình nữa. Câu hỏi của mẹ thoạt tiên gây ra sự ngỡ ngàng vì mọi thứ như không phải hiện thực, anh đã hẹp hòi, ích kỷ vậy mà cô em gái bé nhỏ vẫn luôn xem anh là người thân thuộc nhất. Cảm xúc đan xen, niềm hãnh diện len vào, hãnh diện vì có cô em gái tài năng, nhân hậu. Sau đó là nỗi xấu hổ, anh không ngờ dưới mắt em mình anh hoàn hảo đến vậy, còn anh thì...

Câu 2 trang 36 SGK Ngữ văn 6 tập 2

- Đa phần mọi người sẽ vui cùng niềm vui đó.

- Số ít sẽ nhen nhóm lòng ghen tị.

- Tùy trường hợp thành viên đó được nhiều người yêu quý hay ghét bỏ hay không.

Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm

- Tạ Duy Anh sinh năm 1959, quê ở huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện công tác tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Ông là một cây bút trẻ trong thời kỳ đổi mới.

- Bức tranh của em gái tôi là truyện ngắn đoạt giải Nhì trong cuộc thi viết “Tương lai vẫy gọi” của báo Thiếu niên tiên phong, sau được in trong tập truyện “Con dế ma” (1999).

Tổng kết

    Qua câu chuyện về người anh và cô em gái có tài hội hoạ, truyện Bức tranh của em gái tôi cho thấy : Tình cảm trong sáng hồn nhiên và lòng nhân hậu của người em gái đã giúp cho người anh nhận ra phần hạn chế ở chính mình. Truyện đã miêu tả tinh tế tâm lí nhân vật qua cách kể theo ngôi thứ nhất.

// Trên đây là nội dung chi tiết bài soạn văn Bức tranh của em gái tôi của Tạ Duy Anh do HocOn247 biên soạn. Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 6 bài Bức tranh của em gái tôi này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của tác phẩm. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Bức tranh của em gái tôi một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.


TẢI VỀ

(416) 1387 04/08/2022