Bài 2 trang 59 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Trả lời câu hỏi bài 2 trang 59 SGK Ngữ văn lớp 11 tập 1 phần hướng dẫn soạn bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc
(394) 1314 04/08/2022

HocOn247 hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 2 trang 59 sách giáo khoa Ngữ văn 11 tập 1 phần soạn bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc chi tiết nhất cho các em tham khảo.

Đề bài:

Tìm hiểu giá trị thơ văn Nguyễn Đình Chiểu:

– Dựa vào những đoạn trích đã học về Truyện Lục Vân Tiên (ở lớp 9 và lớp 11), hãy cho biết lí tưởng đạo đức của Nguyễn Đình Chiểu được xây dựng chủ yếu trên cơ sở tình cảm nào.

– Nêu nội dung trữ tình yêu nước trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu và đánh giá tác động tích cực của những sáng tác đó đối với cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp đương thời.

– Theo anh (chị), sắc thái Nam Bộ độc đáo của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu biểu hiện ở những điểm nào?

Trả lời bài 2 trang 59 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Để soạn bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc tối ưu nhất, HocOn247 tổng hợp nhiều cách trả lời khác nhau cho nội dung câu hỏi bài 2 trang 59 SGK Ngữ văn lớp 11 tập 1 như sau:

Cách trình bày 1

– Lí tưởng đạo đức, nhân nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu mang tinh thần nhân nghĩa của đạo Nho, nhưng lại rất đậm đà tính nhân dân và truyền thống dân tộc. Đó là những con người sống nhân hậu, thủy chung, biết giữ gìn nhân cách thẳng ngay, cao cả, dám đấu tranh và có đủ sức mạnh để chiến thắng những thế lực bạo tàn, cứu nhân độ thế.

– Nội dung trữ tình yêu nước thương dân trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu: Khi cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp nổ ra, từ trên đỉnh cao của tư tưởng, tình cảm thời đại là lòng yêu nước thương dân, Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác những tác phẩm xuất sắc đáp ứng yêu cầu cuả cuộc chiến giữ nước buổi ấy. Thơ văn yêu nước chống Pháp của Nguyễn Đình Chiểu ghi lại chân thực một thời đau thương của đất nước, khích lệ lòng căm thù giặc và ý chí cứu nước của nhân dân ta, đồng thời nhiệt liệt biểu dương những anh hùng nghĩa sĩ đã chiến đấu, hi sinh vì tổ quốc.

=> Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu đã đáp ứng xuất sắc những yêu cầu của cuộc sống và chiến đấu đương thời. Nó có tác dụng động viên, khích lệ tinh thần và ý chí cứu nước của nhân dân ta.

– Sắc thái Nam Bộ độc đáo trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu thể hiện rõ ở từng nhân vật trong tác phẩm của ông. Mỗi người Nam Bộ có thể bắt gặp mình ở các nhân vật của ông từ lời ăn tiếng nói, ở sự mộc mạc, chất phác đến tâm hồn nồng nhiệt, chất phác, cách cư xử khoáng đạt hồn nhiên.

Cách trình bày 2

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho bởi tư tưởng đạo đức, nhân nghĩa của ông

+ Người có tư tưởng đạo đức thuần phác, thấm đẫn tinh thần nhân nghĩa yêu thương con người

+ Sẵn sàng cưu mang con người trong cơn hoạn nạn

+ Những nhân vật lý tưởng: con người sống nhân hậu, thủy chung, biết sống thẳng thắn, dám đấu tranh chống lại các thế lực bạo tàn

– Nội dung của lòng yêu nước thương dân

+ Ghi lại chân thực thời kì đau thương của đất nước, khích lệ lòng căm thù quân giặc, nhiệt liệt biểu dương người anh hùng nghĩa sĩ hi sinh vì Tổ quốc

+ Tố cáo tội ác của kẻ thù, lên án những kẻ bán nước, cầu vinh

+ Ca ngợi những người sĩ phu yêu nước, giữ niềm tin vào ngày mai, bất khuất trước kẻ thù, khích lệ lòng yêu nước, ý chí cứu nước

– Nghệ thuật của ông mang đậm dáu ấn của người dân Nam Bộ

+ Nhân vật đậm lời ăn tiếng nói mộc mạc, giản dị, lối thơ thiên về kể, hình ảnh mỗi nhân vật đều đậm chất Nam Bộ

+ Họ sống vô tư, phóng khoáng, ít bị ràng buộc bởi phép tắc, nghi lễ, nhưng họ sẵn sàng hi sinh về nghĩa

Cách trình bày 3

a)

- Nguvễn Đình Chiếu là một nhà nho, bởi thế mà tư tưởng đạo đức, nhân nghĩa của ông mang tinh thần của Nho giáo. Mặc dù vậy, Nguyễn Đình Chiểu còn là một trí thức nhân dân, suốt đời sống nơi thôn xóm, giữa những người "dân ấp, dân lân" tâm hồn thuần hậu, chất phác nên tư tướng đạo đức của ông có những nét mang phong cách rất dân dã của những người nông dân thuần phác.

- Nguyễn Đình Chiểu thấm nhuần tư tưởng nhân nghĩa là tình thương yêu con người, sẵn sàng cưu mang con người trong cơn hoạn nạn; nghĩa là những quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người trong xã hội, tình cha con, nghĩa chồng vợ, tình bạn bè, xóm giềng, tinh thần hiệp nghĩa sẵn sàng cứu khốn phò nguy,...

- Những nhân vật lí tưởng trong Truyện Lục Vân Tiên hầu hết là đều là những người dân thường, sinh trưởng trong những nơi thôn ấp nghèo khó (những nho sinh như Vân Tiên, Tử Trực, Hớn Minh; những ông Ngư, ông Quán, ông Tiều, bà lão dệt vải,...). Tâm hồn của họ ngay thắng, không màng danh lợi, không tham phú quý, sẵn sàng ra tay cứu giúp người hoạn nạn.

b)

- Nguyễn Đình Chiểu sáng tác thơ văn yêu nước ở thời kì đầu chống Pháp xâm lược để bảo vệ Tổ quốc. Đây là thời kì khổ nhục nhưng vĩ dại (Phạm Văn Đồng) của dân tộc. Đất nước mất dần vào tay giặc trước mắt nhà thơ. Các phong trào chống Pháp cũng lần lượt thất bại, người yêu nước thế hệ này nối tiếp thế hệ khác đã ngã xuống chiến trường. Nhưng "Súng giặc đất rền, lòng dân trời tỏ". Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu đã làm sáng tỏ chân lí đó. Ông khóc than cho Tổ quốc buổi đầu gặp thương đau:

Khốc là khóc nước nhà cơn bẩn loạn, hỏm mai vắng chúa; thua buồn nhiều nỗi khúc nhôi;

Than là than bờ cõi lúc qua phân, ngày tháng trông vua, ngơ ngẩn một phường trẻ dại.

(Văn tế Trương Định)

Ông căm uất chửi mắng vào mặt kẻ thù:

Tấc đất ngọn rau ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta;

Bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi ông cha nó.

(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)

- Tố cáo tội ác của kẻ thù, lên án những kẻ bán nước, cầu vinh

- Ca ngợi những người sĩ phu yêu nước, giữ niềm tin vào ngày mai, bất khuất trước kẻ thù, khích lệ lòng yêu nước, ý chí cứu nước:

Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền;

Theo bụng dân phái chịu tướng quân thù, gánh vác một vai khổ ngoại.

(Văn tế Trương Định)

c. Sắc thái Nam Bộ độc đáo trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu thể hiện rõ ở từng nhân vật trong tác phẩm của ông.

- Mỗi người dân Nam Bộ có thể bắt gặp mình ở các nhân vật của ông từ lời ăn tiếng nói, ở sự mộc mạc, chất phác đến tấm lòng nặng tình, nặng nghĩa, yêu thương rất mực và căm ghét đến điều. Họ sống vô tư, phóng khoáng, ít bị ràng buộc bởi những phép tắc, lễ nghi và sẵn sàng xả thân vì nghĩa. Họ nóng nảy, bộc trực nhưng lại rất đằm thắm, ân tình. Đó là những nét rất riêng trong vẻ đẹp chung của con người Việt Nam.

Cách trình bày 4

*Lí tưởng đạo đức:

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho yêu nước nên tình thần đạo đức và nhân nghĩa mang màu sắc Nho giáo. Tuy nhiên nét riêng đó chính là phong cách gần gũi, giản dị, dân dã nên được đông đảo người dân đón nhận. Lí tưởng đạo đức đó là:

Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.

Trung, hiếu, tiết hạnh là những chuẩn mực đạo đức , lễ nghĩa của đạo Nho. Trang nam nhi phải trung với vua, hiếu thảo với cha mẹ, phụ nữ phải có tứ đức. Nhưng sống và sáng tác trong thời đại phong ba bão táo, lại có những tư tưởng gần gũi, gắn bó với nhân dân nên tinh thần nhân nghĩa của ông đậm đà tính nhân dân và truyền thống dân tộc.

Nguyễn Đình Chiểu viết Lục Vân Tiên nhằm truyền đạo đức làm người chân chính qua những tấm gương: lòng thương cha, kính mẹ của Lục Vân Tiên, tình yêu chung thủy của Kiều Nguyệt Nga với Lục Vân Tiên, Hớn Minh, Tử Trực, ông Tiều, ông Ngư.. những con người nhân hậu, thủy chung, dám đấu tranh.

Nguyễn Đình Chiểu sáng tác thơ văn yêu nước ở thời kì đầu chống Pháp xâm lược bảo vệ Tổ quốc. Thơ văn yêu nước của ông là tiếng khóc than cho Tổ quốc buổi đầu gặp thương đau, đồng thời hết lòng ngợi ca những sĩ phu như Trương Định đã một lòng vì nước, vì dân. Ông dựng bức tượng đài bất tử về những người dân ấp, dân lân: "Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh" (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc). Ngay cả lúc bờ cõi đã chia đất khác, Nguyễn Đình Chiểu vẫn nuôi giữ một niềm tin vào ngày mai: "Một trận mưa nhuần rửa núi sông" (Xúc cảnh), vẫn kiên trì một thái độ bất khuất trước kẻ thù: "Sự đời thà khuất đôi tròng thịt – Lòng đạo xin tròn một tấm gương" (Ngư tiều y thuật vấn đáp)

* Lòng yêu nước, thương dân:

Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu được sáng tác trong hoàn cảnh đất nước đau thương, giặc Pháp xâm lược, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ.

Thơ văn ông ghi lại chân thực một thời đại đau thương của đất nước, khích lệ lòng căm thù giặc và ý chí cứu nước của nhân dân. Đồng thời nhiệt liệt biểu dương những anh hùng nghĩa sĩ đã chiến đấu, hi sinh cho Tổ Quốc:

“Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan,

Ngày xem ống khói chạy đen sì muốn ra cắn cổ”.

“Sự đời thà khuất đôi tròng thịt,

Lòng đạo xin tròn một tấm gương”.

Ông còn tố cáo tội ác xâm lăng gây bao thảm họa cho nhân dân. Ông khóc than cho đất nước gặp buổi đau thương. Ông căm uất chửi thẳng vào mặt kẻ thù. Ông dựng lên bức tượng đài bất tử về người nông dân nghĩa sĩ.

Như vậy, các tác phẩm đã ghi lại chân thực một thời đau thương của đất nước, khích lệ lòng căm thù giặc và ý chí cứu nước của nhân dân ta, đồng thời nhiệt liệt biểu dương những anh hùng, nghĩa sĩ đã chiến đấu, hi sinh vì Tổ quốc. Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đã đáp ứng xuất sắc những yêu cầu của cuộc sống và chiến đấu đương thời, có tác dụng động viên, khích lệ không nhỏ tình thần và ý chí cứu nước của nhân dân.

* Sắc thái Nam Bộ độc đáo trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu:

Thể hiện rõ ở từng nhân vật trong tác phẩm của ông: Lời ăn tiếng nói mộc mạc, bình dị, tâm hồn nồng hậu, chất phác. Họ sống vô tư, phóng khoáng, ít bị ràng buộc bởi những phép tắc, lễ nghi và sẵn sàng xả thân vì nghĩa. Họ nóng nảy, bộc trực nhưng lại rất đằm thắm, ân tình. Đó là những nét rất riêng của người dân Nam Bộ trong vẻ đẹp chung của con người Việt Nam.

Các sáng tác thiên về chất chuyện kể, mang màu sắc diễn xướng rất phổ biến trong văn học dân gian Nam Bộ.

Có nhiều đóng góp, nhất là văn chương trữ tình đạo đức. Bút pháp trữ tình xuất phát từ cõi tâm trong sáng, nhiệt thành, đầy tình yêu thương, nồng đậm hơi thở của cuộc sống.

Tham khảoThuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu

-/-

Bài 2 trang 59 SGK Ngữ văn 11 tập 1 được hướng dẫn trả lời và trình bày theo các cách khác nhau. Hãy vận dụng kết hợp với kiến thức của bản thân em để có những lựa chọn trình bày tối ưu nhất, dễ hiểu nhất khi soạn bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trong khi làm bài soạn văn 11 trước khi lên lớp.


(394) 1314 04/08/2022