Soạn bài Khóc Dương Khuê - Nguyễn Khuyến

Hướng dẫn soạn bài Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến, trả lời câu hỏi đọc hiểu bài Khóc Dương Khuê trang 31 sách giáo khoa Ngữ Văn 11 tập 1.
(404) 1346 04/08/2022

Thông qua hướng dẫn soạn bài Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến thuộc chuyên mục Soạn văn 11 của Đọc tài liệu, các em sẽ cảm nhận rõ hơn tình bạn cao quý của tác giả qua nỗi đau đớn, tiếc thương trước sự ra đi của người bạn tri kỉ là Dương Khuê.

Bài soạn không những tóm tắt ngắn gọn nhất những thông tin cơ bản về tác giả, tác phẩm mà còn đưa ra những gợi ý chi tiết cho các câu hỏi đọc hiểu phần soạn bài Khóc Dương Khuê. Dựa vào đó, các em sẽ có cơ sở để làm rõ, phân tích nội dung nghệ thuật của bài thơ.

Cùng tham khảo...

Soạn bài Khóc Dương Khuê - Nguyễn Khuyến

Hướng dẫn soạn bài Khóc Dương Khuê chi tiết

Gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu soạn bài Khóc Dương Khuê trang 32 SGK Ngữ văn 11 tập 1 với nhiều cách khác nhau từ soạn bài ngắn gọn nhất tới bài soạn đầy đủ, chi tiết nhất cho các em tham khảo.

Soạn bài Khóc Dương Khuê ngắn gọn nhất

Câu 1 trang 32 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Theo anh (chị), bài thơ này có thể chia thành mấy đoạn? Nội dung của mỗi đoạn là gì?

Trả lời:

Bài thơ có thể chia thành ba đoạn:

– Đoạn 1 (hai câu đầu): Nỗi đau đột ngột khi mất bạn.

– Đoạn 2 (từ câu 3 đến câu 22): Nhớ lại những kỷ niệm giữa hai người và thể hiện tâm trạng thời cuộc của nhà thơ.

– Đoạn 3 (phần còn lại): Nỗi đau mất bạn và tâm sự cô đơn vì thiếu tri kỷ.

Câu 2 trang 32 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Tình bạn thắm thiết, thủy chung giữa hai người được thể hiện như thế nào trong bài Khóc Dương Khuê?

Trả lời:

* Thể hiện ở những kỉ niệm có với nhau

- Cùng nhau thi đỗ làm quan.

- Cùng nhau dong chơi khắp chốn non nước.

- Cùng ngân nga hát ả đào.

- Cùng nhau uống rượu và bình luận thơ văn.

- Cùng nhau trải qua những buổi hoạn nạn, vật đổi sao rời.

* Thể hiện ở nỗi đau khi mất bạn 

- Chân tay rụng rời khi nghe tin bạn mất

- Rượu ngon không có bạn hiền

- Câu thơ hay không có người bình luận

- Đàn kia gảy cũng không ai thấu hiểu

=> Cho thấy tình cảm thắm thiết giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê. Cùng với tâm trạng lúc đột ngột, lúc ngậm ngùi, luyến tiếc, lúc lắng đọng thấm sâu chi phối tuổi già của tác giả.

Câu 3 trang 32 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Đây là một bài thơ có nghệ thuật tu từ đặc sắc. Hãy phân tích những biện pháp nghệ thuật tu từ thể hiện nỗi trống vắng của nhà thơ khi bạn qua đời.

Trả lời:

- Nghệ thuật nói giảm nói tránh “Bác Dương thôi đã thôi rồi”

- Nghệ thuật sử dụng các câu hỏi tu từ trong đoạn cuối bài thơ. Hàng loạt các câu thơ như: Làm sao bác vội về ngay; Vội vàng sao đã mải lên tiên, ... Để rồi lắng đọng trong những câu thơ hụt hẫng, chơi vơi

- Điệp từ không dùng rất hợp hoàn cảnh và đặc sắc. Chỉ một cặp lục bát mà chồng xếp 5 chữ không diễn tả thật đúng cái trống vắng khi mất bạn. Để rồi kết đọng trong tiếng khóc đáng thương của người bạn già tri kỉ. Câu thơ cuối buông nhẹ mà khơi gợi, xót đau, hờn tủi.

Nếu phần soạn bài ngắn gọn là chưa đủ với bạn, bạn có thể tham khảo thêm nội dung soạn bài đọc thêm Khóc Dương Khuê chi tiết, đầy đủ hơn phía dưới đây, và nhấn vào từng câu hỏi để có được nhiều hơn 1 cách trình bày câu trả lời.

Soạn bài Khóc Dương Khuê đầy đủ, chi tiết nhất

Bài 1 trang 32 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Theo anh (chị), bài thơ này có thể chia thành mấy đoạn? Nội dung của mỗi đoạn là gì?

Trả lời:

Bài thơ Khóc Dương Khuê có thể chia thành ba đoạn với nội dung từng đoạn như sau:

- Đoạn 1 (hai câu thơ đầu): Nỗi đau đột ngột khi mất bạn.

- Đoạn 2 (từ câu 3 đến câu 22): Những kỉ niệm tươi rói về tình bạn sống lại trong hồi tưởng của nhà thơ.

- Đoạn 3 (phần còn lại): Nỗi đau tắc nghẹn, hẫng hụt, chơi vơi khi đối diện với hiện thực phũ phàng (mất người tri âm, tri kỉ).

   Cách chia khác:

- 2 câu đầu: Tin đến đột ngột

- 12 câu tiếp theo: Sự hồi tưởng về những kỉ niệm thời xuân xanh, chưa thành đạt.

- 8 câu tiếp: Ấn tượng mới trong lần gặp cuối cùng, lúc cả hai đã mãn chiều xế bóng

- 16 câu còn lại: Nỗi đau khôn tả lúc bạn dứt áo ra đi.

Bài 2 trang 32 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Tình bạn thắm thiết, thủy chung giữa hai người được thể hiện như thế nào?

Trả lời:

Bác Dương thôi dã thôi rồi,

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.

- Câu thơ đọc lên nghe nhói đau, quặn thắt bởi cái sự không lành kia đến đột ngột quá. Câu lục ngắt nhịp 2/1/3 thể hiện đúng cái trường độ đứt đoạn của những tiếng nấc tắc nghẹn trong nỗi đau đến quá đỗi bất ngờ. Trong khi đó nhịp thơ dàn trải và đều đặn ở câu bát làm nỗi đau lan toả ra khắp không gian, trời đất. Một tượng đài đáng kính, đáng trọng trong lòng nhà thơ vừa mất đi một cách quá bàng hoàng khiến người trong cuộc choáng váng, tiếc nuối mà biết rằng không thể cưỡng lại được.

- Đau gắn với nhớ, càng nhớ càng đau. Hiện tại phũ phàng khơi gợi về những ngày tươi đẹp trong quá khứ đê rồi khi những ki niệm kia vụt tan thì hiện thực lại càng gợi sự đớn đau quặn thắt hơn. Câu thơ lặng lẽ trôi về quá khứ, dựng dậy cả một thời "quá khứ hoàng kim" của tình bạn, với mấy chục năm trời gắn bó:

+ Từ buổi đầu gặp gỡ ("thủa đăng khoa ngày trước") đến tận khi tóc bạc da mồi ("Bác già tôi cũng già rồi");

+ Có lúc thật phong lưu tài tử ("Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang") lại có khi chia sẻ cay đắng gian nan ("Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn"),...

=> Dường như nỗi đau mất bạn như đang muốn tựa vào quá khứ để níu giữ một cái đã vĩnh viễn mất đi. Nguyễn Khuyến không đối diện với quá khứ mà sống cùng nó, sống trong nó. Cái chết không thể chôn vùi được những giá trị tinh thần cao quý. Tình bạn nặng trĩu trong từng câu chữ. Cái tình không chỉ là yêu thương, quý mến,... mà là "kính yêu" - cái tình cúa hai trí thức lớn. Đoạn thơ hồi tướng không ồn ào mà đằm thắm, thiết tha, sâu lắng.

Để thấy được rõ hơn nỗi đau của tác giả khi nghe tin người bạn tri kỉ qua đời, các bạn học sinh có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Cảm nhận bài thơ Khóc Dương Khuê - Nguyễn Khuyến một cách hoàn chỉnh, từ đó tìm được câu trả lời ưng ý nhất cho câu hỏi bài 2.

Bài 3 trang 32 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Đây là một bài thơ có nghệ thuật tu từ đặc sắc. Hãy phân tích những biện pháp nghệ thuật tu từ thể hiện nỗi trống vắng của nhà thơ khi bạn qua đời.

Trả lời:

Bài thơ rất thành công trong nghệ thuật tu từ, nhất là nghệ thuật sử dụng các câu hỏi tu từ trong đoạn cuối của bài thơ. Phân tích bài thơ Khóc Dương Khuê có thể thấy hàng loạt các câu thơ như: Làm sao bác vội về ngay; Vội vàng sao đã mải lên tiên,... để rồi lắng đọng trong những câu thơ hụt hẫng, chơi vơi:

Rượu ngon không có bạn hiền,

Không mua không phải không tiền không mua.

Hư từ không dùng trong trường hợp này thật hợp và cũng thật sắc. Không mua rượu không phải vì không tiền, mà vì mất bạn. Không có tri kỉ thì độc ẩm chỉ tăng thêm nỗi xót xa. Chữ không tạo thành nghịch lí: Có tiền mà không mua. Chuyện uống rượu đối với nhà thơ đã thành "nghĩa tửu" bởi thế mà nó không chỉ còn là câu chuyện vật chất tầm thường nữa. Chỉ một cặp lục bát mà chồng xếp 5 chữ không diễn tả thật đúng cái trống vắng khủng khiếp khi mất bạn: Câu thơ không viết, câu thơ không biết đưa ai, chiếc giường treo không bạn, tiếng đàn ngơ ngẩn không tri âm. Ý thơ trống vắng, chơi vơi để rồi kết đọng trong tiếng khóc đáng thương của người bạn già tri kỉ:

Tuổi già hạt lệ như sương,

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!

Ngoài những nghệ thuật tu từ đặc sắc trên, bài thơ cũng sử dụng nhiều biện pháp tu từ khác như: nói giảm ("Bác Dương thôi đã thôi rồi"), nhân hóa ("nước mây man mác"), cách nói so sánh ("tuổi già giọt lệ như sương"), sử dụng lối liệt kê (có lúc, có khi, cũng có khi,...) nhằm tái hiện những kỉ niệm về tình bạn thân thiết và tấm lòng của nhà thơ với bạn.

Tác giả, tác phẩm

I. Tác giả Nguyễn Khuyến

Tác phẩm này cũng là một tác phẩm của Nguyễn Khuyến, vì vậy về phần giới thiệu tác giả, các em học sinh có thẻ tham khảo lại các thông tin cơ bản của tác giả qua phần soạn bài Câu cá mùa thu.

II. Tác phẩm Khóc Dương Khuê

- Bài "Khóc Dương Khuê" lúc đầu viết bằng chữ Hán (Văn đồng niên Vân Đình tiến sĩ Dương Thượng thư), sau đó được chính Nguyễn Khuyến dịch ra chữ Nôm và bản chữ Nôm lại có phần phổ biến hơn bản chữ Hán.

- Dương Khuê (1839 - 1902) người làng Vân Đình, tông Phương Đình, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Ứng Hoà, thuộc Hà Nội), đỗ tiến sĩ năm 1868, làm quan đến chức Tổng đốc Nam Định, Ninh Bình. Ông là bạn thân của Nguyễn Khuyến.

- Bài thơ

KHÓC DƯƠNG KHUÊ

Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.
Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau;
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời?
Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo;
Có khi tầng gác cheo leo,
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang;
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.
Có khi bàn soạn câu văn,
Biết bao đông bích, điển phần trước sau.
Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn,
Phận đấu thăng chẳng dám tham trời;
Bác già, tôi cũng già rồi,
Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!
Muốn đi lại tuổi già thêm nhác,
Trước ba năm gặp bác một lần;
Cầm tay hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can,
Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,
Tôi lại đau trước bác mấy ngày;
Làm sao bác vội về ngay,
Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời.
Ai chẳng biết chán đời là phải,
Vội vàng sao đã mải lên tiên;
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa;
Giường kia treo những hững hờ,
Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.
Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,
Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương;
Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!

- Nội dung chính: Khóc Dương Khuê nói lên nỗi lòng đau xót khôn nguôi của tác giả trước việc người bạn tri kỉ đã qua đời.

- Bố cục: Bố cục bài Khóc Dương Khuê có thể chia làm 3 đoạn:

+ Đoạn 1: hai câu đầu - Giới thiệu về sự ra đi đột ngột của Dương Khuê

+ Đoạn 2: từ câu 3 đến 22 - Nhớ lại những kỷ niệm giữa hai người và thể hiện tâm trạng thời cuộc của nhà thơ.

+ Đoạn 3: các câu còn lại - Nỗi đau mất bạn và tâm sự cô đơn vì thiếu tri kỷ.

Tổng kết

Bằng tài năng kiệt xuất, Nguyễn Khuyến đã để lại cho hậu thế một bài thơ khóc bạn chan chứa nước mắt, qua những lời diễn đạt chân tình thống thiết.

Qua nỗi đau đớn, tiếc thương trước sự ra đi của bạn, ta thấy được tình bạn cao quý của tác giả đối với người bạn tri kỉ lâu năm của mình.

   Xem thêmSơ đồ tư duy Khóc Dương Khuê

// Các em vừa tham khảo nội dung chi tiết bài soạn văn Khóc Dương Khuê do HocOn247 biên soạn. Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 11 bài Khóc Dương Khuê này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của tác phẩm. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Khóc Dương Khuê một cách tốt nhất.


TẢI VỀ

(404) 1346 04/08/2022