Bài 3 trang 136 SGK Ngữ văn 11 tập 1
HocOn247 hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 3 trang 136 sách giáo khoa Ngữ văn 11 tập 1 phần soạn bài Một số thể loại văn học: Thơ, truyện chi tiết nhất cho các em tham khảo.
Đề bài:
Tóm lược đặc trưng của truyện, các kiểu loại truyện và yêu cầu về đọc truyện.
Trả lời bài 3 trang 136 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Để soạn bài Một số thể loại văn học: Thơ, truyện tối ưu nhất, HocOn247 tổng hợp nhiều cách trả lời khác nhau cho nội dung câu hỏi bài 3 trang 136 SGK Ngữ văn lớp 11 tập 1 như sau:
Cách trình bày 1
* Cùng với sự phát triển của lịch sử của văn học, truyện cũng có những kiểu loại khác nhau.
– Văn học dân gian có nhiều kiểu truyện: thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích khác nhau.
– Văn học trung đại có loại truyện viết bằng chữ Hán và loại truyện viết bằng chữ Nôm.
– Trong văn học hiện đại, người ta phân ra thành truyện ngắn, truyện vừa và truyện dài (tiểu thuyết).
+ Truyện ngắn thường ít nhân vật, sự kiện, nó hướng tới một vài mảnh nhỏ của cuộc sống, có thể kể về cả cuộc đời hoặc một đoạn đời,… nhưng nó vẫn đặt ra những vấn đề lớn lao, thể hiện tư tưởng nhân sinh sâu sắc.
+ Tiểu thuyết là một thể loại tự sự cỡ lớn. Có nhiều loại tiểu thuyết: tiểu thuyết phiêu lưu, tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, tiểu thuyết sử thi ghi lại sự tích anh hùng, nhưng nhiều nhất là tiểu thuyết về những số phận cá nhân trong cuộc đời thường.
* Các yêu cầu về đọc truyện:
– Tìm hiểu bối cảnh xã hội, hoàn cảnh sáng tác để có cơ sở cảm nhận các tầng lớp nội dung và ý nghĩa của truyện.
– Phân tích diễn biến của cốt truyện qua các phần mở đầu, vận động, kết thúc, với các tình tiết, sự kiện, biến cố cụ thể. Làm rõ giá trị của các yếu tố trong đó trong việc phản ánh hiện thực cuộc sống và khắc họa bản chất, tính cách các nhân vật. Chú ý tới nghệ thuật tự sự: người kể chuyện ở ngôi thứ nhất hay ở ngôi thứ ba; điểm nhìn trần thuật; cách sắp xếp các tình tiết, sự kiện; thủ pháp kể chuyện, miêu tả; giọng điệu lời văn,…
Cách trình bày 2
Đặc trưng của truyện:
– Truyện phản ánh hiện thực trong tính khách quan của nó
– Truyện có cốt truyện, nhân vật, tình huống, mâu thuẫn diễn ra trong hoàn cảnh không gian và thời gian
– Ngôn ngữ truyện có kể chuyện, lời nhân vật…
– Thể loại: sáng tác dân gian (ngụ ngôn, truyện cười, truyền thuyết, cổ tích..), truyện trung đại, truyện hiện đại (truyện ngắn, tiểu thuyết và truyện thơ…)
* Yêu cầu khi đọc – hiểu truyện:
– Đọc truyện cần biết hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh sáng tác để hiểu tư tưởng, chủ đề của tác phẩm
– Hiểu cốt truyện, diễn biến của tình tiết chính
– Nắm được tính cách của nhân vật từ đó hiểu tư tưởng, đặc điểm nghệ thuật của truyện.
Cách trình bày 3
* Cùng với sự phát triển lịch sử của văn học, truyện cũng có những kiểu loại khác nhau.
- Văn học dân gian có nhiều kiểu truyện: Thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn.
- Văn học trung đại có loại truyện viết bằng chữ Hán và loại truyện viết bằng chữ Nôm (chia theo hình thức văn tự).
- Trong văn học hiện đại, theo quy mô văn bản và dung lượng hiện thực, người ta phân ra truyện ngắn, truyện vừa và truyện dài (tiểu thuyết).
+ Truyện ngắn thường ít nhân vật, sự kiện, nó hướng tới một vài mảnh nhỏ của cuộc sống, có thế kể về cả cuộc đời hoặc một đoạn đời,... Nhưng trong phạm vi hẹp vẫn có thể đặt ra những vấn đề lớn lao, thể hiện những tư tướng nhân sinh sâu sắc. (Truyện ngắn là thể tự sự cỡ nhỏ, có cốt truyện, nhân vật, không gian, thời gian, lời kể. Truyện ngắn được phép hư cấu tưởng tượng, khác với bản tin hay phóng sự điều tra. Truyện ngắn thường là một "lát cắt" của cuộc đời, một "mảnh nhỏ" của tâm hồn nhân vật).
+ Không có sự phân biệt rạch ròi giữa truyện vừa và truyện dài (tiểu thuyết). Tiểu thuyết là một thể loại tự sự cỡ lớn. Có nhiều loại tiểu thuyết: Tiểu thuyết phiêu lưu, tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, tiểu thuyết sử thi ghi lại sự tích anh hùng - nhưng nhiều nhất là tiểu thuyết về những số phận cá nhân trong cuộc đời thường: Một cuộc sống không thi vị hoá với mọi yếu tố ngổn ngang bề bộn, từ cao cả đến thấp hèn ti tiện. Nhân vật thường "nếm trải" bao nhiêu dằn vặt khổ đau của cuộc đời. Với khả năng phán ánh đời sống một cách toàn vẹn, sinh động, đổng thời đi sâu khám phá số phận cá nhân, sử dụng linh hoạt hư cấu, điển hình hoá, tổng hợp thủ pháp của các thể loại văn học, nghệ thuật khác, mang tính đa dạng về màu sắc thấm mĩ, tiểu thuyết được coi là "hình thái chủ yếu của nghệ thuật ngôn từ" (Cô-gi-nốp).
* Yêu cầu khi đọc - hiểu truyện:
- Đọc truyện cần biết hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh sáng tác để lấy cơ sở cảm nhận đúng nội dung truyện.
- Hiểu cốt truyện, diễn biến của tình tiết chính
- Nắm được tính cách của nhân vật từ đó hiểu tư tưởng, đặc điểm nghệ thuật của truyện
Cách trình bày 4
Đặc trưng của truyện
Khác với thơ ca in đậm dấu ấn chủ quan, truyện phản ánh đời sống trong tính khách quan của nó, qua con người, hành vi, sự kiện được miêu tả và được kể lại bởi người kể chuyện (trần thuật) nào đó. Ở đây, cốt truyện với một chuỗi các tình tiết, sự kiện, biến cố xảy ra liên tiếp tạo nên sự vận động của hiện thực được phản ánh, góp phần khắc họa tính cách nhân vật, số phận từng cá nhân. Nhân vật được miêu tả chi tiết và sinh động trong mối quan hệ với hoàn cảnh, với môi trường xung quanh. Truyện không bị gò bó về không gian, thời gian, có thể đi sâu vào tâm trạng con người, những cảnh đời cụ thể.
Truyện sử dụng nhiều hình thức ngôn ngữ khác nhau. Ngoài ngôn ngữ người kể chuyện còn có ngôn ngữ nhân vật. Bên cạnh lời đối đáp còn có lời độc thoiaj nội tâm. Lời kể khi thì ở bên ngoài khi thì nhập tâm vào nhân vật. Ngôn ngữ kể chuyện gần với ngôn ngữ đời sống.
Các kiểu loại truyện
Trong văn học dân gian truyện có nhiều thể loại: thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn. Văn học trung đại có truyện bằng chữ Hán và truyện thơ Nôm. Trong văn học hiện đại, theo quy mô văn bản và dung lượng hiện thực người ta phân ra thành truyện ngắn, truyện dài, truyện vừa.
Truyện ngắn thường ít nhân vật, sự kiện, nó hướng tới mảnh nhỏ cuộc sống, có thể kể cả cuộc đời hay một đoạn đời, một chốc lát của nhân vật nhưng vẫn đặt ra được những vấm đề lớn lao, thể hiện những tư tưởng nhân sinh sâu sắc.
Truyện vừa là thể loại văn xuôi cỡ trung bình. Không có sự phân biệt rạch ròi giữa truyện dài và truyện vừa.
Yêu cầu về đọc truyện
Tìm hiểu bối cảnh xã hội, hoàn cảnh sáng tác để có cơ sở cảm nhận các tầng lớp nội dung và ý nghĩa của truyện.
Phân tích diễn biến của cốt truyện qua các phần mở đầu, vận động, kết thúc với các tình tiết, sự kiện, biến cố cụ thể. Làm rõ giá trị cảu các yếu tố đó trong việc phản ánh hiện thực cuộc sống, khắc họa bản chất, tính cách các nhân vật. Chú ý tới nghệ thuật tự sự.
Phân tích các nhân vật trong dòng lưu chuyển của cốt truyện. Tập hợp thành hệ thống và làm rõ ý ngĩa các chi tiết miêu tả nhân vật về ngoại hình, hành động, nội tâm, ngôn ngữ. Tìm hiểu mối quan hệ giữa nhân vật này với nhân vật khác.
Truyện đặt ra vấn đề gì, có ý nghĩa tư tưởng như thế nào? Xác định giá trị của truyện ở các phương diện.
-/-
Bài 3 trang 136 SGK Ngữ văn 11 tập 1 được hướng dẫn trả lời và trình bày theo các cách khác nhau. Hãy vận dụng kết hợp với kiến thức của bản thân em để có những lựa chọn trình bày tối ưu nhất, dễ hiểu nhất khi soạn bài Một số thể loại văn học: Thơ, truyện trong khi làm bài soạn văn 11 trước khi lên lớp.