Soạn bài Tự tình 2 - Hồ Xuân Hương

Soạn bài Tự tình 2 trang 18 SGK Ngữ văn 11 tập 1 chương trình chuẩn và nâng cao, hướng dẫn soạn văn 11 bài Tự tình 2 chi tiết nhất dành cho các em tham khảo
(404) 1347 04/08/2022

Qua tài liệu hướng dẫn soạn bài Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương, HocOn247 mong muốn hỗ trợ các em đạt được các mục tiêu cơ bản của bài học: cảm nhận được tâm trạng vừa buồn tủi vừa phẫn uất trước duyên phận éo le và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc ở Hồ Xuân Hương, thấy được tài năng thơ Nôm của Hồ Xuân Hương (thơ Đường luật viết bằng tiếng Việt, cách dùng từ ngữ, hình ảnh giản dị, giàu sức biểu cảm, táo bạo và tinh tế).

Bài soạn bao gồm có 2 nội dung chính: tóm tắt những kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm và gợi ý trả lời các câu hỏi đọc hiểu bài trong SGK (cả chương trình chuẩn và nâng cao). Cuối bài soạn sẽ là phần tổng kết đánh giá nội dung chính của bài thơ Tự tình (đặc sắc nội dung, nghệ thuật, ...).

Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng của tác phẩm này.

Cùng tham khảo...

Soạn bài Tự tình 2 - Hồ Xuân Hương

Tác giả, tác phẩm Tự tình 2

I. Tác giả Hồ Xuân Hương

- Hồ Xuân Hương (chưa rõ năm sinh, năm mất) quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An nhưng sống chủ yếu ở kinh thành Thăng Long

- Hồ Xuân Hương là thiên tài kì nữ nhưng cuộc đời gặp nhiều bất hạnh. Bà đi nhiều nơi và thân thiết với nhiều danh sĩ, có người nổi tiếng như Nguyễn Du. Cuộc đời, tình duyên của Hồ Xuân Hương nhiều éo le, ngang trái.

- Thơ Hồ Xuân Hương là thơ của phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà trữ tình, đậm chất dân gian từ đề tài, cảm hứng ngôn từ và hình tượng.

- Hồ Xuân Hương sáng tác cả chữ Hán và chữ Nôm nhưng thành công nhất ở chữ Nôm, bà được mệnh danh là “bà chúa thơ Nôm”.

- Theo giới nghiên cứu, hiện có khoảng trên dưới 40 bài thơ Nôm tương truyền là của Hồ Xuân Hương. Nữ sĩ còn có tập thơ Lưu hương kí (phát hiện năm 1964) gồm 24 bài chữ Hán và 26 bài chữ Nôm.

II. Tác phẩm Tự tình 2

- Bài thơ “Tự tình II” nằm trong chùm thơ Tự tình gồm 3 bài của Hồ Xuân Hương.

- Bài thơ

Tự tình (Bài II)

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non

Chén rượu hương đưa, say lại tỉnh

Mảnh tình san sẻ tí con con.

Xiên ngang mặt, đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con!

- Thể thơ: Bài thơ Tự tình 2 thuộc thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật

- Nội dung chính: tâm trạng, thái độ của Hồ Xuân Hương: vừa buồn tủi vừa phẫn uất trước tình cảnh éo le, vừa cháy bỏng khao khát được hạnh phúc.

- Bố cục: Bố cục của bài thơ Tự tình hai tuân thủ theo bố cục của một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luậthai câu đề, hai câu thực, hai câu luận và hai câu kết.

Hoặc có thể chia bố cục bài thơ Tự tình - Hồ Xuân Hương theo nội dung các câu thơ:

- Cách chia bố cục 1:

+ Hai câu đề: Giới thiệu về hình ảnh người vợ lẽ

+ Hai câu thực: Cách giải quyết nỗi tâm tư của người vợ lẽ

+ Hai câu luận: Khát khao tìm đến hạnh phúc của người phụ nữ

+ Hai câu kết: Quy luật khắc nghiệt của thời gian và tuổi trẻ

- Cách chia bố cục 2:

+ Phần 1 (4 câu đầu): thể hiện nỗi lòng cô đơn, buồn tủi, khát vọng hạnh phúc.

+ Phần 2 (4 câu tiếp): Tâm trạng tuyệt vọng của cảnh đời lẽ mọn.

Hướng dẫn soạn bài Tự tình 2

I. Soạn bài Tự tình 2 ngắn nhất

Bài 1 trang 19 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Bốn câu thơ đầu cho thấy tác giả đang ở trong hoàn cảnh và tâm trạng như thế nào? (Chú ý không gian, thời gian, giá trị biểu cảm của các từ ngữ: văng vẳng, dồn, trơ, cái hồng nhan, say lại tỉnh, mối tương quan giữa hình tượng trăng sắp tàn (bóng xế) mà vẫn khuyết chưa tròn với thân phận nữ sĩ.)

Trả lời:

– Thời gian: Đêm khuya.

– Không gian: trống trải, mênh mông rợn ngợp.

– Lòng người: trơ trọi, từ “trơ” đi liền với “cái hồng nhan” cùng biện pháp đảo ngữ gợi cảm giác xót xa, bẽ bàng.

– Hình ảnh tương phản: Cái hồng nhan ( nhỏ bé- hữu hạn) đối lập với nước non ( to lớn – vô hạn)

→ Tô đậm tâm trạng cô đơn, lẻ loi.

– Cụm từ “say lại tỉnh” gợi lên cái vòng luẩn quẩn, càng buồn, càng cảm nhận được nỗi đau của thân phận.

– Hình ảnh “Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn” là hình tượng chứa hai lần bi kịch: trăng sắp tàn ( bóng xế) mà vẫn khuyết chưa tròn. Đó là sự tương đồng với người phụ nữ.

=> Ngoại cảnh cũng chính là tâm cảnh: Trăng = Người (Trăng sắp tàn mà vẫn chưa tròn – Tuổi cuân trôi qua mà hạnh phúc không trọn vẹn).

Bài 2 trang 19 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Hình tượng thiên nhiên trong câu 5 và 6 góp phần diễn tả tâm trạng, thái độ của nhà thơ trước số phận như thế nào?

Trả lời:

“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám.

Đâm tọac chân mấy, đá mấy hòn.”

- Thiên nhiên như nổi loạn, không chấp nhận đứng yên.

- Hình ảnh thiên nhiên tượng trưng cho niềm phẫn uất và sự phản kháng quyết liệt của Hồ Xuân Hương. Nữ sĩ mạnh mẽ tìm mọi cách để vượt lên trên số phận.

Bài 3 trang 19 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Hai câu thơ kết nói lên tâm sự gì của tác giả?

Trả lời:

Hai câu kết là tâm trạng chán chường, buồn tủi của nhân vật trữ tình:

– Cụm từ “xuân đi xuân lại lại”: Xuân của tự nhiên qua đi rồi sẽ trở lại nhưng tuổi xuân của người thì không. Từ “lại” thứ nhất là thêm một lần nữa, còn từ “lại” thứ hai mang nghĩa trở lại. Mùa xuân trở lại nhưng tuổi xuân lại qua đi.

– Nghệ thuật tăng tiến “mảnh tình – san sẻ – tí – con con” nhấn mạnh sự nhỏ bé dần, sự ít ỏi, sự sẻ chia trong hạnh phúc cuộc đời của Hồ Xuân Hương làm cho nghịch cảnh càng éo le hơn: mảnh tình vốn đã ít, đã bé, đã không trọn vẹn lại còn phải “san sẻ” thành ra chẳng còn gì (tí con con) nên càng xót xa, tội nghiệp.

Bài 4* trang 19 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Bài thơ Tự tình 2 vừa nói lên bi kịch vừa cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương. Anh (chị) hãy phân tích điều đó.

Trả lời:

– Bài thơ vừa nói lên bi kịch, của tuổi xuân, của duyên phận. Trong quang thời gian đẹp nhất của người con gái lại phải mang thân phận vợ lẽ, chăn đơn gối chiếc. Phải sống trong cảnh chồng chung, phải san sẻ tình cảm của mình cho người khác.

– Hồ Xuân Hương vẫn luôn khát khao hạnh phúc, gồng mình lên để chống lại sự nghiệt ngã của số phận.

II. Soạn bài Tự tình 2 chi tiết

Bài 1 trang 19 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Bốn câu thơ đầu cho thấy tác giả đang ở trong hoàn cảnh và tâm trạng như thế nào?

Trả lời:

- Bài thơ mở ra bằng một hoàn cảnh tâm trạng khá đặc trưng:

 Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

   Trơ cái hồng nhan với nước non

+ Thời gian: đêm khuya

+ Không gian: trống trải, mênh mông, văng vẳng tiếng trống cầm canh.

=> Câu thơ đầu của bài thơ đã gợi buồn. Cái buồn gợi ra từ sự tĩnh lặng của đêm khuya. Tiếng trống không gần (văng vẳng) mà vẫn nghe thấy cái nhịp vội vàng, gấp gáp, ấy là vì tiếng trống gợi bước đi của thời gian, gợi sự tàn phá và nó là tiếng trống được cảm nhận bằng tâm trạng. Chính vì thế mà trong cái nhịp gấp gáp, liên hồi của tiếng trống canh ta như nghe thấy cả bước đi dồn dập của thời gian và sự rối bời trong tâm trạng của nhân vật trữ tình.

- Câu thơ thứ hai gợi cảm nhận về sự bẽ bàng của thân phận một cách dữ dội hơn:

+ Phép đảo ngữ như cố tình khoét sâu thêm vào cái sự bẽ bàng của tâm trạng. "Trơ" là tủi hổ, là chai lì, không còn cảm giác. Thêm vào đó, hai chữ "hồng nhan" (chỉ dung nhan người thiếu nữ) lại đi với từ "cái" thật là rẻ rúng, mỉa mai. Cái "hồng nhan" trơ với nước non đúng là không chỉ gợi sự dãi dầu mà đậm hơn có lẽ là ở sự cay đắng. Câu thơ chỉ nói đến hồng nhan mà lại gợi ra cả sự bạc phận của chủ thể trữ tình. Nhịp câu thơ 1/3/3 cũng như vậy, cứ chì chiết, càng khơi sâu vào sự bẽ bàng khôn tả.

+ Tuy nhiên câu thơ không hẳn chỉ có nỗi đau, mà nó còn thể hiện cả bản lĩnh của nhân vật trữ tình. Bản lĩnh ấy thể hiện ở ngay trong chữ "trơ" như là một sự thách thức vậy. Từ "trơ" kết hợp với "nước non" thể hiện sự bền gan, sự thách đố. Nó gợi cho ta nghĩ đến một câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong bài Thăng Long thành hoài cổ - "Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt".

- Nếu hai câu đề bài thơ Tự tình 2 làm nhiệm vụ dẫn dắt người đọc vào hoàn cảnh tâm trạng thì hai câu thực nói rõ hơn thực cảnh và thực tình của Hồ Xuân Hương:

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,

   Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

Cảnh tình Xuân Hương thể hiện qua hình tượng chứa đựng hai lần bi kịch: Trăng sắp tàn (bóng xế) mà vẫn "khuyết chưa tròn". Cùng với đó tuổi xuân đã trôi qua mà nhân duyên không trọn vẹn. Hương rượu chỉ càng gợi thêm sự cô đơn và cái bẽ bàng của phận hẩm duyên. Cụm từ "say lại tỉnh" gợi lên cái vòng luẩn quẩn, tình duyên trở thành một trò đùa của con tạo.

Bài 2 trang 19 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Hình tượng thiên nhiên trong câu 5 và 6 góp phần diễn tả tâm trạng, thái độ của nhà thơ trước số phận như thế nào?

Trả lời:

Hình tượng thiên nhiên trong hai câu luận dường như cũng mang cả nỗi niềm phẫn uất của con người:

 Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,

   Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

Những sinh vật bé nhỏ như đám rêu kia mà vẫn không chịu phận nhỏ bé, hèn mọn, không chịu yếu mềm. Tất cả như đang muốn bứt thoát hẳn lên: Rêu phải mọc "xiên ngang mặt đất", đá đã rắn chắc lại phải rắn chắc hơn, lại phải nhọn hoắt để "đâm toạc chân mây".

Biện pháp nghệ thuật đảo ngữ càng làm nổi bật sự phẫn uất của đá, của rêu và cũng là sự phẫn uất của tâm trạng con người. Cùng với biện pháp đảo ngữ là sự kết hợp giữa những động từ mạnh (xiên, đâm) với các bổ ngữ độc đáo (ngang, toạc) thể hiện rất rõ sự bướng bỉnh và ngang ngạnh.

Đá, rêu như đang oán hờn, như đang phản kháng quyết liệt với tạo hoá. Có thể nói, trong hoàn cảnh bi thảm nhất, thơ Hồ Xuân Hương vẫn ẩn chứa mạnh mẽ một sức sống, một khát khao.

Bài 3 trang 19 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Hai câu thơ kết bài thơ Tự tình 2 nói lên tâm sự gì của tác giả?

Trả lời:

Hai câu kết là tâm trạng chán chường, buồn tủi:

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

   Mảnh tình san sẻ tí con con!

- "Ngán" là chán ngán, là ngán ngẩm. Xuân Hương ngán nỗi đời éo le, bạc bẽo bởi xuân đi rồi xuân lại lại, tạo hoá đang chơi một vòng quay nhàm chán như chính chuyện duyên tình của con người.

- Từ xuân vừa chỉ mùa xuân, vừa được dùng với nghĩa chỉ tuổi xuân. Với thiên nhiên, xuân đi rồi xuân lại nhưng với con người thì tuổi xuân đã qua không bao giờ trở lại.  Hai từ "lại" trong cụm từ "xuân đi xuân lại lại" cũng mang hai nghĩa khác nhau. Từ "lại" thứ nhất là thêm một lần nữa, trong khi đó, từ "lại" thứ hai nghĩa là trở lại. Mùa xuân trở lại nhưng tuổi xuân lại qua đi, đó là cái gốc sâu xa của sự chán ngán.

- Trong câu thơ cuối, nghệ thuật tăng tiến làm cho nghịch cảnh của nhân vật trữ tình càng éo le hơn: mảnh tình - san sẻ - tí - con con. Mảnh tình - vốn đã ít, đã bé, đã không trọn vẹn lại còn phải "san sẻ" thành ra gần như chẳng còn gì (tí con con) nên càng xót xa, tội nghiệp. Câu thơ nói lên cả nỗi lòng của người phụ nữ trong xã hội xưa, khi cảnh chồng chung vợ chạ đối với họ không phải là xa lạ.

Bài 4* trang 19 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Bài thơ vừa nói lên bi kịch vừa cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương. Anh (chị) hãy phân tích điều đó.

Trả lời:

Bi kịch trong bài thơ là bi kịch của tuổi xuân, của duyên phận. Xuân đi rồi xuân đến, thời gian của thiên nhiên, của trời đất cứ tuần hoàn mà tuổi xuân của con người cứ mãi qua đi không trở lại. Trong hoàn cảnh ấy, sự nhỡ nhàng, sự dở dang của duyên tình càng làm tăng thêm sự xót xa. Rơi vào hoàn cảnh ấy, với nhiều người có thể không tránh khỏi sự tuyệt vọng, thậm chí phó mặc, buông xuôi. Thế nhưng, Xuân Hương không thế. Trước sự trớ trêu của số phận, người phụ nữ luôn khát khao hạnh phúc vẫn muốn cưỡng lại sự nghiệt ngã của con tạo. Sự phản kháng và khát khao ấy ở Hồ Xuân Hương làm nên ý nghĩa nhân văn sâu sắc cho tác phẩm.

Tham khảo thêm: Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của Tự tình 2

Soạn bài Tự tình 2 phần Luyện tập

(Bài tập cơ bản)

Đọc Tự tình (I) dưới đây, nêu nhận xét về sự giống và khác nhau giữa hai bài Tự tình (I)Tự tình (II).

 Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom,

 Oán hận trông ra khắp mọi chòm.

 Mõ thảm không khua mà cũng cốc,

 Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om?

 Trước nghe những tiếng thêm rền rĩ,

 Sau giận vì duyên để mõm mòm.

 Tài tử văn nhân ai đó tá?

 Thân này đâu đã chịu già tom!

Trả lời:

- Giống nhau:

+ Thể thơ: Thơ Nôm đường luật

+ Hai bài thơ đều cùng bộc lộ một tâm trạng: Nỗi buồn tủi, xót xa và phẫn uất trước cảnh duyên phận hẩm hiu.

+ Về mặt hình thức, cả hai bài thơ cùng cho thấy tài năng sử dụng tiếng Việt sắc sảo, tài hoa của Hồ Xuân Hương, nhất là khả năng sử dụng độc đáo các định ngữ và bổ ngữ như: mõ thảm, chuông sầu, tiếng rền rĩ, duyên mõm mòm, già tom (Tự tình, bài I), xiên ngang, đâm toạc (Tự tình, bài II). Hồ Xuân Hương cũng rất thành công khi sử dụng một cách điêu luyện các biện pháp nghệ thuật như: đảo ngữ, tăng tiến,...

- Khác nhau:

+ Cảm xúc trong Tự tình I là nỗi niềm của nhà thơ trước duyên phận hẩm hiu, nhiều mất mát, trước lẽ đời đầy nghịch cảnh, đồng thời là sự vươn lên của chính bản thân, thách đố lại duyên phận.

+ Còn ở Tự tình II, cũng là sự thể hiện của bi kịch duyên phận muộn màng, cố gắng vươn lên nhưng cuối cùng cũng không thoát được bi kịch. Chính vì thế bi kịch như được nhân lên, phẫn uất hơn. Sự khác nhau đó chính là do cảm xúc chủ đạo trong từng bài thơ.

Soạn bài Tự tình II Soạn văn Tự tình 2 nâng cao (trang 44 SGK)

Bài 1 - Trang 44 SGK Ngữ văn 11 nâng cao

Phân tích ý nghĩa của hai câu thơ đầu và giá trị biểu cảm của các từ ngữ: dồn, trơ, cái hồng nhan.

Trả lời:

Ý nghĩa hai câu đầu: trong đêm khuya, người phụ nữ cảm thấy cô đơn trước sự dồn đuổi của thời gian.

+ “Trống canh dồn”: Tiếng trống báo hiệu thời gian của một đêm sắp hết, ngày mới sắp bắt đầu ⇒ gợi nên nỗi lo âu, thảng thốt, tuyệt vọng.

+ “Trơ, cái hồng nhan”: “Hồng nhan” chỉ nhan sắc của người phụ nữ và cũng là chỉ thân phận của người phụ nữ ⇒ gợi sự rẻ rúng, mỉa mai số phận của người phụ nữ. “Trơ”: trơ trọi, cô đơn, không người đoái hoài ⇒ gợi nỗi đau và sự thách thức.

Bài 2 - Trang 44 SGK Ngữ văn 11 nâng cao

Hai câu 3 - 4 biểu hiện tâm sự gì của tác giả?

Trả lời:

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

− Trong trạng thái cô đơn, trơ trọi, người phụ nữ làm gì cho khuây được nỗi cô đơn, trống trải ? Đem rượu ra uống cho quên mối sầu là giải pháp thường thấy. Thế nhưng rượu cũng không làm khuây được nỗi cô đơn, bởi vì uống say rồi lại tỉnh, không ai say mãi triền miên: sự cô đơn vô vọng, không cách gì khuây khoả được, càng uống lại càng tỉnh.

- Vầng trăng bóng xế: “vầng trăng” chỉ hạnh phúc, “bóng xế” ý nói đến tuổi tác, “khuyết chưa tròn” là hạnh phúc chưa tròn đầy ⇒ diễn tả tâm trạng thương thân của người phụ nữ duyên phận hẩm hiu, chờ đợi hạnh phúc nhưng vẫn không tròn đầy.

=> Dù hiểu theo cách nào đi nữa thì hai câu thơ cũng là sự diễn đạt rất tài tình tâm trạng thương thân của người phụ nữ duyên phận hẩm hiu. Biết bao chờ đợi hạnh phúc vẫn không tròn đầy.

Bài 3 - Trang 44 SGK Ngữ văn 11 nâng cao

Nhận xét đặc điểm về cú pháp hai câu 5 - 6. Hình ảnh thiên nhiên dữ dội trong hai câu này nói gì về cá tính của Hồ Xuân Hương?

Trả lời:

- Động từ mạnh: Xiên ngang, đâm toạc -> Tả cảnh thiên nhiên kì lạ phi thường, đầy sức sống: Muốn phá phách, tung hoành - cá tính Hồ Xuân Hương: mạnh mẽ, quyết liệt, tìm mọi cách vượt lên số phận.

- Phép đảo ngữ và nghệ thuật đối: Sự phẫn uất của thân phận rêu đá, cũng là sự phẫn uất, phản kháng của tâm trạng nhân vật trữ tình.

- Về nghĩa đen: từng đám rêu xiên ngang mặt đất - Mấy hòn đá đâm toạc chân mây.

- Nghĩa bóng: những sự vật như đang cựa quậy, bứt phá mãnh liệt để thoát ra khỏi thế giới nhỏ hẹp.

- Nghệ thuật: phép đảo ngữ: Từng đám rêu ⇒ rêu từng đám và Rêu từng đám xiên ngang mặt đất ⇒ Xiên ngang mặt đất rêu từng đám.

- Tác dụng: Làm nổi bật lên cảm xúc của nhân vật trữ tình; cảnh vật và sự vật đã được tâm trạng hóa, thể hiện khao khát muốn thoát ra khỏi thế giới tù túng, chật hẹp của cảnh lẽ mọn nói riêng và số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến của nhân vật trữ tình.

Bài 4 - Trang 44 SGK Ngữ văn 11 nâng cao

Thái độ của nhà thơ đối với số phận được thể hiện như thế nào trong bài thơ ?

Trả lời:

Bài thơ bày tỏ nỗi lòng của tác giả trước duyên phận hẩm hiu. Bài thơ là khúc tâm tình của người phụ nữ có số phận cô đơn, dang dở, đang chống chọi với nỗi cô đơn; khi uống rượu, khi khát khao tung phá nhưng rồi lại chán ngán với số phận đã an bài: “Mảnh tình san sẻ tí con con”. Bài thơ là sự đồng cảm sâu sắc với những số phận hẩm hiu, dở dang.

Bài 5 - Trang 44 SGK Ngữ văn 11 nâng cao

Hãy phân tích nghệ thuật dùng từ ngữ, hình ảnh gây ấn tượng mạnh trong bài thơ.

Trả lời:

Trong Tự tình, nhà thơ đã dùng nhiều từ ngữ và hình ảnh gây ấn tượng mạnh, đó là các từ thuần Việt giàu hình ảnh, màu sắc với sắc thái đặc tả mạnh, như các động từ dồn, trơ, xế, đâm toạc, xiên ngang, đi, lại lại, san sẻ…, các tính từ say, tỉnh, khuyết, tròn… Các từ ngữ này có khả năng biểu lộ chính xác và tinh tế trạng thái tâm trạng của nhân vật trữ tình. Đó là sự cô đơn, là khát khao được sống, được hạnh phúc. Tâm trạng uất ức bị dồn nén dường như được thoát ra, trải ra cùng những hình ảnh, những từ ngữ táo bạo ấy.

Bài 6 - Trang 44 SGK Ngữ văn 11 nâng cao

Viết một đoạn văn bày tỏ suy nghĩ của em về số phận người phụ nữ trong xã hội Việt Nam xưa?

Gợi ý cách làm:

Người viết cần dựa vào bài thơ, hình dung một số phận phụ nữ cô đơn, lẽ mọn với khát khao hạnh phúc dở dang: “Mảnh tình san sẻ tí con con”. Những số phận như thế rất phổ biến trong xã hội cũ, có thể tìm thấy bóng dáng những số phận ấy trong Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm. Trong xã hội trọng nam khinh nữ những số phận như thế vốn khó đổi thay trong thực tế. Nhưng các nhà văn, nhà thơ nhân đạo luôn luôn dành cho họ lòng đồng cảm sâu sắc.

Tham khảo một số đoạn văn mẫu: 

(1) Đất nước Việt Nam — đất nước của những câu hát ru ngọt ngào, đất nước của cánh cò trắng bay, đất nước của bàn tay mẹ tảo tần quà bao năm tháng… và từ trong cái nguồn mạch dạt dào ấy, người phụ là đề tài chưa bao giờ vơi cạn trong nguồn cảm hứng của người nghệ sĩ, qua nhiều thời đại khác nhau. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện diện ở nhiều vị trí trong cuộc đời và đã để lại nhiều hình ảnh bóng sắc trong văn thơ hiện đại. Nhưng thật đáng tiếc thay, trong xã hội phong kiến, người phụ nữ lại phải chịu một số phận đầy bị kịch và đáng thương. "Phận đàn bà” trong xã hội phong kiến cũ đau đớn, bạc mệnh, tủi nhục không kể xiết. Lễ giáo phong kiến khắt khe như sợi giây oan nghiệt trói chặt người phụ nữ. Người phụ nữ trong xã hội suy tàn ngày ấy luôn tìm đến cái chết để bảo vệ nhân phẩm của mình. Đó là những đau khổ mà người phụ nữ trong thời đại phong kiến. Họ đẹp, đẹp cả về ngoại hình và nhân cách. Thế nhưng cuộc sống của họ không do họ làm chủ, phải sống kiếp sống lênh đênh, trôi dạt, không định trước được tương lai của mình. Tuy nhiên, họ vẫn vượt lên nhưng đau đớn, tủi nhục ấy, để kiếm tìm hạnh phúc cho mình.

      (2) Đến với nền văn học Việt Nam, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước một kho tàng đồ sộ, phong phú trong đó có nhiều thể loại, nhiều nội dung khác nhau. Những tác phẩm viết về người phụ nữ trong xã hội cũ đã để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc sâu đậm. Với cách thể hiện giản dị mà tinh tế, những tác phẩm văn học dân gian và văn học trung đại đem lại cho chúng ta biết bao suy nghĩ cùng sự đồng cảm với số phận bất hạnh, đặc biệt là người phụ nữ. Cuộc sống của họ luôn chịu những thiệt thòi, nhiều mất mát và hi sinh. Bởi họ sống trong một chế độ phong kiến bất công với bao thành kiến lạc hậu. Chúng ta đã từng rất tự hào với kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du là “Truyện Kiều”. Trong đó, tác giả đã khắc họa tài sắc tuyệt đỉnh của Thúy Kiều, một người con gái với đầy đủ mọi tài năng: cầm, kì, thi, họa; một sắc đẹp sánh tựa vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên (hoa ghen, liễu hờn). Với việc miêu tả như thế, nhà thơ đã cảnh báo trước số phận của Thúy Kiều. Một tương lai đầy bất trắc, một cuộc sống đầy sóng gió sẽ đến với Kiều. Đúng vậy, cuộc đời Kiều luôn phải đối mặt với bao biến cố ghê gớm, chịu đựng bao sự vùi dập của các thế lực phong kiến tàn bạo, tiêu biểu là thế lực quan lại và đồng tiền. Kiều phải hi sinh tình yêu đẹp đẽ, sâu đậm của mình để bán mình chuộc cha, đặt chữ hiếu lên hàng đầu… Từ đó, cuộc đời nàng bước vào kiếp đoạn trường với 15 năm chìm nổi lênh đênh. Nhưng từ trong chính sự vùi dập tàn bạo của các thế lực phong kiến đó, Kiều không bao giờ buông xuôi phó mặc mà luôn ý thức sâu sắc giá trị nhân phẩm của mình, điều đó tạo nên vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật, sống mãi cùng thời gian.

Luyện tập nâng cao

Hãy nhận xét về cách biểu hiện chủ thể trong thơ trung đại qua hai bài Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du và Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương.

Gợi ý:

Hai bài thơ đều thể hiện sự nhận thức về bản thân với những nỗi xót xa về số phận của người phụ nữ: tài hoa mệnh bạc. Đồng thời qua đó muốn gửi gắm ước vọng về cuộc sống công bằng, về khát khao tình yêu, hạnh phúc.

Hai bài thơ Đọc Tiểu Thanh ký và Tự tình (II) , chủ thể cái tôi của tác giả không xuất hiện trực tiếp.

- Bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí

+ Câu 2: ai viếng không nói nhưng người đọc hiểu ngầm là tác giả.

+ Câu 3: ai xót cũng không rõ

+ Câu 6: nguyên tác tự xưng ngã = tôi, ta -> bản dịch chuyển

- Bài thơ Tự tình II:

+ Câu 3: không nói ai say lại tỉnh và câu 7 không nói ai ngán nỗi -> câu thiếu chủ ngữ -> xét về góc độ ngữ pháp.

+ Xét về góc độ tự nhiên con người không nhất thiết khi nào cũng phải xưng tôi, ta, nhất là khi bộc bạch nỗi niềm cảm xúc của mình có thể tỉnh lược => tạo thành đặc điểm cú pháp thơ.

+ Một đặc điểm cú pháp của thơ: đảo trang (câu 6 bài Đọc Tiểu Thanh kí và câu 2,5,6 bài Tự tình) -> gây ấn tượng mạnh mẽ hơn.

Tổng kết bài thơ Tự tình 2- Hồ Xuân Hương

Ghi nhớ

Tự tình (bài II) thể hiện tâm trạng thái độ của Hồ Xuân Hương trước duyên phận hẩm hiu: vừa đau buồn, vừa phẫn uất, gắng gượng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bị kịch. Bài thơ cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và tài năng độc đáo của “Bà Chúa Thơ Nôm” trong nghệ thuật sử dụng từ ngữ và xây dựng hình tượng.

Giá trị nội dung và nghệ thuật

Giá trị nội dung và nghệ thuật của bài Tự tình 2 - Hồ Xuân Hương như sau:

- Giá trị nội dung: Bài thơ Tự tình 2 cũng chính là nỗi lòng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy bất công.

- Giá trị nghệ thuật: Sử dụng từ ngữ độc đáo, sắc nhọn, tả cảnh sinh động đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ.

Xem nhiều hơnPhân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của Tự tình 2 (Hồ Xuân Hương)

Văn mẫu Tự tình 2

Một số đề bài văn mẫu Tự tình 2 và các đề đọc hiểu, các em học sinh có thể tham khảo thêm để mở rộng kiến thức đối với bài thơ giàu cảm xúc này.

-/-

Trên đây là nội dung chi tiết bài soạn bài Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương do HocOn247 biên soạn gửi tới các em tham khảo. Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 11 bài Tự tình 2 này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Tự tình 2 một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.

TẢI VỀ

(404) 1347 04/08/2022