Soạn bài Hai đứa trẻ (Thạch Lam)
Hướng dẫn soạn bài Hai đứa trẻ của Thạch Lam để cảm nhận rõ ràng nhất tình cảm xót thương của Thạch Lam đối với những con người sống nghèo khổ, quẩn quanh và sự cảm thông, trân trọng của nhà văn trước mong ước của họ về một cuộc sống tươi sáng hơn. Qua tác phẩm, các em cũng sẽ thấy được một vài nét độc đáo trong bút pháp nghệ thuật của Thạch Lam.
Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa Ngữ văn 11 tập 1 dưới đây bạn không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng của tác phẩm này.
Cùng tham khảo...
Soạn bài Hai đứa trẻ ngắn gọn nhất
Hướng dẫn trả lời câu hỏi đọc hiểu bài Hai đứa trẻ ngắn gọn nhất (Thạch Lam) trang 70 SGK Ngữ văn 11 tập 1.
Câu 1 trang 101 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Cảnh vật trong truyện được miêu tả trong thời gian và không gian như thế nào?
Trả lời:
Không gian và thời gian được miêu tả trong truyện:
+ Buổi chiều tà (phương Tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây hồng như hòn than sắp tàn
+ Nền thiên nhiên của ngày tàn, đời sống phố huyện nghèo thu hẹp dần không gian
+ Quang cảnh phố huyện nghèo đói, nhỏ bé, phiên chợ tàn, góc chợ đơn xơ lụp xụp
Câu 2 trang 101 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Thạch Lam miêu tả cuộc sống và hình ảnh những người dân phố huyện ra sao?
Trả lời:
- Cuộc sống của phố huyện vào buổi chiều thật tẻ nhạt, lặp đi lặp lại. Đó là cuộc sống nghèo đói, buồn tẻ, quẩn quanh, bế tắc…
- Con người: những đứa trẻ nhặt rác, mẹ con chị Tí, bác Siêu, gia đình bác xẩm, bà cụ Thi điên, chị em Liên. => Nhếc nhác, lam lũ, mỏi mòn, héo hắt. Mong đợi gì tươi sáng hơn cho cuộc sống hiện tại.
=> Tác giả đã vẽ ra một bức tranh có cuộc sống và hình ảnh con người hiện lên thật sinh động đây là những con người đang phải bươn trải và lo cho cuộc sống của mình.
Câu 3 trang 101 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Phân tích tâm trạng Liên, An trước khung cảnh thiên nhiên và bức tranh đời sống phố huyện.
Trả lời:
- Trước bức tranh thiên nhiên nơi phố huyện, Liên cảm thấy “buồn man mác”, cảm nhận được cái "mùi ẩm mốc bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi cát bụi quen thuộc "là" cái mùi riêng của đất, của quê hương này". Hòa hợp, gần gũi với thiên nhiên và dường như có cả sự giao cảm, hòa hợp với thiên nhiên phố huyện "tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu".
- Trước bức tranh đời sống nơi phố huyện, tâm trạng Liên: “động lòng thương” với những kiếp người nhỏ nhoi, sống lay lắt trong bóng tối cơ cực, đói nghèo mà kì thực chính cuộc sống của chúng cũng buồn tẻ và vô vị như thế. Liên và An chắc cũng mơ màng nhận ra điều ấy, phải chăng chính vì thế mà đêm nào hai chị em cũng cố thức để đợi chuyến tàu muộn của đêm.
Câu 4 trang 101 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Hình ảnh đoàn tàu trong truyện đã được miêu tả như thế nào? Vì sao chị em Liên và An cố thức để được nhìn chuyến tàu đêm đi qua phố huyện?
Trả lời:
Phố huyện lúc chuyến tàu đêm qua:
– Hình ảnh con tàu được lặp lại 10 lần trong tác phẩm.
– Chuyến tàu đêm qua phố huyện là niềm vui duy nhất trong ngày của hai chị em Liên:
+ Chuyến tàu mang đến một thế giới khác: ánh sáng xa lạ, các toa đèn sáng trưng, âm thanh náo nức, tiếng hành khách ồn ào… hoàn toàn đối lập với cuộc sống buồn tẻ, quẩn quanh và đầy bóng tối nơi phố huyện.
+ Chuyến tàu còn gợi nhớ về những ký ức tuổi thơ tươi đẹp của hai chị em: “Một Hà Nội xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo”.
→ Chuyến tàu trở thành nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của hai chị em Liên. Nó biểu tượng cho một cuộc sống nhộn nhịp, vui vẻ, hiện đại. Dù chỉ trong giây lát nhưng nó đưa cả phố huyện thoát ra khỏi cuộc sống tù đọng, bế tắc.
=> Qua tâm trạng đợi tàu của Liên, Thạch Lam như muốn lay tỉnh những con người đang buồn chán, sống quẩn quanh, bế tắc ấy hãy cố vươn tới điều gì đó tốt đẹp hơn.
Câu 5 trang 101 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Anh chị có nhận xét gì về nghệ thuật miêu tả và giọng văn của Thạch Lam?
Trả lời:
Nghệ thuật miêu tả và giọng văn của Thạch Lam trong truyện:
– Nghệ thuật miêu tả đặc sắc: Thạch Lam thành công trong việc miêu tả sinh động những biến đổi tinh tế của cảnh vật và tâm trạng của con người.
– Giọng văn nhẹ nhàng, thấm đợm chất thơ trữ tình; lời văn bình dị nhưng vẫn luôn ẩn chứa một niềm xót thương đối với những con người nghèo khổ, sống lam lũ, quẩn quanh.
Câu 6 trang 101 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Qua truyện ngắn Hai đứa trẻ, Thạch Lam muốn phát biểu tư tưởng gì?
Trả lời:
– Thạch Lam muốn thể hiện nhẹ nhàng, thấm thía niềm xót thương đối với những kiếp người sống quẩn quanh ở phố huyện trước Cách mạng
– Tác giả thể hiện sự trân trọng đối với ước mong vươn tới cuộc sống tốt đẹp của họ
– Truyện thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc, trân trọng.
Xem thêm: Sơ đồ tư duy Hai đứa trẻ
Soạn bài Hai đứa trẻ chi tiết
Hướng dẫn trả lời câu hỏi đọc hiểu soạn văn Hai đứa trẻ chi tiết (Thạch Lam) trang 70 SGK Ngữ văn 11 tập 1.
Bài 1 trang 101 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Cảnh vật trong truyện được miêu tả trong thời gian và không gian như thế nào?
Trả lời:
- Không gian trong tác phẩm là khung cảnh nơi một phố huyện nghèo trước Cách mạng tháng Tám với những chi tiết thơ mộng, chứa chan tình cảm (một buổi chiều êm ả như ru). Đây là một không gian thực. Ngoài ra, trong truyện còn đề cập đến không gian hồi tưởng của chị em Liên – đó là không gian cuộc sống gia đình Liên và An còn ở Hà Nội; và không gian mở tưởng – nơi Hà Nội xa xăm, tấp nập, sáng rực, huyên náo và hạnh phúc.
- Thời gian là "một buổi chiều tàn" ở thực tại, có tiếng trống thu không, ếch nhái kêu ran ngoài đồng; ở chợ mọi người đang chuẩn bị ra về sau buổi buôn bán. Tiếp theo đó là bóng tối của màn đêm bao phủ "một đêm tối tịch mịch".
- Cảnh vật xơ xác, vương vãi trên đất những thức rác rưởi, vỏ thị, vỏ bưởi, lá nhãn… lũ trẻ thì tranh nhau nhặt nhạnh, bòn mót.
Bài 2 trang 101 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Thạch Lam miêu tả cuộc sống và hình ảnh những người dân phố huyện ra sao?
Trả lời:
- Cuộc sống của phố huyện vào buổi chiều thật tẻ nhạt, khi chợ vãn lúc này chỉ còn rác và hình ảnh hai chị em Liên và An, những hình ảnh đèn thắp sáng nhỏ trong quán của Liên thấp thoáng hiện lên.
- Lúc này con người xuất hiện chỉ là điểm tô thêm cho cuộc sống ở nơi đây, những người còn lại duy nhất lúc này là những người đang bươn trải kiếm sống những người bán hàng về muộn, họ đang thu xếp hàng hóa và tranh thủ nói với nhau dăm ba câu chuyện để tiếp tục những câu truyện đang dở.
- Chị Tí mò cua bắt tép, tối đến dọn hàng nước dưới gốc bàng; dọn hàng từ chập tối cho đến đêm “chả kiếm được bao nhiêu?”. Thằng cu bé con chị Tí - xách điếu đóm và khiêng hai cái ghế trên lưng ở trong ngõ đi ra trông thật tội nghiệp.
- Bà cụ Thi hơi điên, cười khanh khách, ngửa cổ ra đằng sau, uống một hơi cạn sạch cút rượu, lảo đảo lần vào bóng tối.
- Vợ chồng bác xẩm “tiếng đàn bầu bần bật”, thằng con bò ra đất…
- Bác phở Siêu gánh hàng đi trong đêm, tiếng đòn gánh kĩu kịt, bóng bác mênh mang,… Phở của bác là món quà xa xỉ mà chị em Liên không bao giờ mua được.
=> Con người phố huyện âm thầm, lạnh lẽo: “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ?". Cách viết nhẹ nhàng, đầy xót thương, thấm một nỗi buồn thấm thía. Đó là tình cảm nhân đạo của Thạch Lam.
Bài 3 trang 101 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Phân tích tâm trạng Liên, An trước khung cảnh thiên nhiên và bức tranh đời sống phố huyện.
Trả lời:
- Ngồi trước cửa hàng, chị em Liên cảm nhận về buổi chiều quê bằng những cảm giác rất riêng, vừa buồn, vừa gắn bó.
+ Có lẽ chính bởi thế mà Liên mới cảm thấy cái "mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi cát bụi quen thuộc" là "cái mùi riêng của đất, của quê hương này".
+ Hoà hợp, gần gũi với thiên nhiên, hai đứa trẻ đã phát hiện ra bao biến thái tinh vi của nó: "An và Liên lặng ngước mắt lên nhìn các vì sao để tìm sông Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông". Tâm hồn của chúng dường như có sự giao cảm, giao hoà với cây cỏ quê hương: "Qua kẽ lá của cành bàng, ngàn sao vẫn lấp lánh; một con đom đóm bám vào dưới mặt lá, vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy rồi hoa bàng rụng xuống vai Liên khe khẽ, thỉnh thoáng từng loạt một. Tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu".
- An và Liên lặng lẽ quan sát những gì đang diễn ra ở phố huyện với một cảm giác buồn mênh mang. Chúng xót xa, cảm thông chia sẻ với những kiếp người nhỏ nhoi sống lay lắt trong bóng tối cơ cực, đói nghèo mà kì thực chính cuộc sống của chúng cũng buồn tẻ và vô vị như thế. Liên và An chắc cũng mơ màng nhận ra điều ấy, phải chăng chính vì thế mà đêm nào hai chị em cũng cố thức để đợi chuyến tàu muộn của đêm.
Bài 4 trang 101 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Hình ảnh đoàn tàu trong truyện đã được miêu tả như thế nào? Vì sao chị em Liên và An cố thức để được nhìn chuyến tàu đêm đi qua phố huyện?
Trả lời:
- Đoàn tàu trong truyện được tác giả miêu tả với những chi tiết vừa thực vừa biểu trưng, nó biểu trưng cho khát vọng vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
+ Bắt đầu từ xa, khi xuất hiện ánh đèn ghi phía xa xa rồi đến âm thanh “tiếng còi” vọng lại… rồi con tàu vụt qua trong giây lát, chấm nhỏ của chiếc đèn xanh rồi đêm tối lại bao bọc xung quanh. Cách miêu tả này đã diễn tả được tâm trạng chờ đợi chuyến tàu của chị em Liên và những người dân nơi đây.
+ Liên và An háo hức chờ đợi chuyến tàu để được sống lại những ngày quá khứ tươi đẹp và cũng là để thoát khỏi trong giây lát cuộc sống đơn điệu đến đáng sợ. Chuyến tàu là cứu cánh tinh thần cho những con người nơi đây.
- Sở dĩ chị em Liên cố thức chỉ để chờ được trông thấy một chuyến tàu đêm đi ngang qua vì hình ảnh chuyến tàu đêm gợi ra những niềm khát vọng xa xôi, hợp với tâm lí những đứa trẻ đang phải chịu cuộc sống tù túng, nhàm chán, vô nghĩa.
+ Đợi tàu là đợi ánh sáng. Con tàu từ Hà Nội về mang theo. Con tàu gợi nhớ kỷ niệm tuổi thơ: ngày bố còn đi làm, mẹ nhiều tiền được hưởng những thức quà ngon lạ, được đi chơi bờ hồ, uống những cốc nước lạnh xanh đỏ.
+ Đợi tàu là đợi những mơ tưởng. Với Liên, trong ký ức và hiện tại “Hà Nội xa xăm. Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua”. Thế giới ấy khác hẳn đối với cuộc đời của Liên, của dân nghèo phố huyện, khắc hẳn vầng sáng ngọn đèn chị Tí và ánh lửa của bác Siêu.
Bài 5 trang 101 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Anh chị có nhận xét gì về nghệ thuật miêu tả và giọng văn của Thạch Lam?
Trả lời:
- Nghệ thuật tả cảnh: tài năng quan sát và sự tinh tế trong những trang văn miêu tả đầy chất thơ
- Đây là một truyện ngắn miêu tả rất tinh tế sự biến đổi của cảnh vật và diễn biến tâm trạng của nhân vật (nhất là nhân vật Liên). Cách miêu tả này góp phần quan trọng vào việc tạo nên không khí cho tác phẩm.
- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật không thiên về hành động hay suy tư triết lí mà thiên về cảm giác, cảm xúc.
- Giọng văn nhẹ nhàng, điềm tĩnh, khách quan; lời văn bình dị, tâm tình, thuyết phục nhưng luôn ẩn hiện một tình cảm xót thương đối với những con người nghèo khổ, phải sống quanh quẩn, lam lũ, tối tăm. Giọng văn góp phần tích cực vào việc tạo nên một truyện ngắn giàu sắc thái trữ tình và đậm chất thơ.
Bài 6 trang 101 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Qua truyện ngắn Hai đứa trẻ, Thạch Lam muốn phát biểu tư tưởng gì?
Trả lời:
Qua bức tranh hiện thực phố huyện nghèo, nhà văn thể hiện sự cảm thông sâu sắc đối với con người vô danh. Cuộc sống nghèo không đáng sợ bằng cuộc sống đơn điệu và tẻ nhạt, không ước mơ. Những con người nghèo khó nơi phố huyện ấy dù nhọc nhằn đến đâu cũng vẫn ước mơ và hy vọng. Họ vẫn dọn hàng, vẫn chờ khách dù biết bán hàng chẳng được bao nhiêu. Và họ đợi chuyến tàu với biết bao nhiêu hy vọng.
Qua việc tả cảnh kiên trì hàng đêm chờ tàu qua rồi mới dọn hàng, mới đi ngủ của những con người ấy, nhà văn muốn thể hiện một tư tưởng nhân văn. Đó là khẳng định sự bất diệt của khát vọng, ước mơ. Cuộc sống dù nghèo khổ, tăm tối và bế tắc đến đâu cũng không thể dập tắt được hy vọng và khát vọng của con người. Tác phẩm đã thể hiện tình thương yêu vô bờ và sự trân trọng của nhà văn đối với những thân phận nhỏ bé trong xã hội.
Soạn bài Hai đứa trẻ nâng cao
Câu 1: Bức tranh phố huyện trong truyện ngắn được nhà văn miêu tả theo trình tự nào? Hãy nêu nội dung bao quát của từng đoạn đã đánh số. Bức tranh ấy được nhìn qua con mắt của ai? Điều này có ý nghĩa gì?
Trả lời
Bức tranh phố huyện trong truyện ngắn được nhà văn miêu tả theo trình tự thời gian từ lúc tiếng trống thu không báo hiệu đã chiều, đến lúc đêm khuya khi đoàn tàu đi khuất và phố huyện chìm hẳn vào sự tịch mịch, yên tĩnh.
Nội dung bao quát của từng đoạn đánh số:
Đoạn 1: Cảnh phố huyện lúc chiều xuống
Đoạn 2: Cảnh phố huyện về đêm
Đoạn 3: Cảnh chuyến tàu đêm đi qua phố huyện
Bức tranh về cảnh phố huyện được nhìn qua con mắt của Liên. Điều này làm cho hiện thực được nhắc đến trong truyện được được chân thực, tự nhiên và sinh động hơn.
Câu 2: Nhận xét về nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật của Thạch Lam trong truyện ngắn này. (Chú ý mối quan hệ giữa ngoại cảnh - phố huyện lúc chiều tối- và nhận tâm nhân vật cảm xúc, tâm trạng của chị em Liên).
Trả lời
Nhận xét về nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật của Thạch Lam trong truyện ngắn: Khi chiều vừa buông thì người man mác buồn; lúc đêm phủ xuống thì nhân vật trở nên khắc khoải: đến cảnh khuya về với chuyến tàu vụt đi qua thì người tiếc nuối, mơ tưởng, khát khao. Có một điều cần hết sức lưu ý về dụng ý nghệ thuật miêu tả của nhà văn Thạch Lam có vẻ “không nhất quán” về lô-gích nhưng thật ra, ông rất tài tình trong việc thấu đạt tâm lí con người trước những biến động của ngoại cảnh (Người huồn cành có vui đâu bao giờ... là thủ pháp của văn chương trung đại, có vẻ không còn đúng nữa với văn học hiện đại?). Ông pha trộn buồn vui, tả cái rất khó tả về nhiều sắc thái tương phản từ ngoại cảnh đến nội tâm. Ánh sáng hoà nhập khó phân biệt với bóng tối; sự huyên náo, ồn ào phút chốc bỗng dưng im lặng mênh mang; đang buồn nao nao chợt len lỏi một chút vui cuộc sống; đang kể chuyện trước mắt thì xa xôi hồi nhớ chen ngang; những nghèo nàn lầm lụi bỗng dưng thấy êm đềm thi vị. Điều ấy chứng tỏ sự trải nghiệm, điệu tâm hồn và tài năng miêu tả bậc thầy của nhà văn. Người đọc tưởng như tác giả hoá thân vào tâm trạng, cảnh ngộ của nhân vật, truyện mà cứ như là “nhật kí” của chị em Liên.
Câu 3: Các chi tiết miêu tả ánh sáng, nhất là chi tiết ngọn đèn con nơi hàng nước chị Tí, có ý nghĩa gì?
Trả lời
Ánh sáng lẫn vào bóng tối và ngược lại. Không gian phố huyện có nhiều quầng sáng nhưng cũng nhiều khoảng tối, đến những hòn đá trên đường vào làng cũng mấp mô thêm bởi “một bên sáng, một bên tối”... Nhưng ánh sáng thì le lói với những “khe sáng”, “chấm sáng”, “hột sáng”, “vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy”,... còn bóng đêm thì đặc “tối hết cả, con đường ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng càng sẫm đen hơn nữa”, tôi đến mức tiếng trông cầm canh “không vang động ra xa, rồi chìm ngay vào bóng tối”.
Bóng tối như một biểu tượng gợi một nỗi cảm thương những phận đời chìm khuất, bé nhỏ, le lói, bị bỏ quên nơi ga xép buồn thiu.
Câu 4: Việc hai chị em Liên đêm đêm háo hức chờ đón đoàn tàu giúp ta hiểu thêm gì về tâm trạng và cảnh ngộ của họ?
Trả lời
Bức tranh phố huyện khi chuyến tàu qua có một sự tương phản nổi bật giữa hình ảnh đoàn tàu và hình ảnh của sự trở lại trạng thái lặng lẽ, tối tăm, không thay đổi. Đoàn tàu như “một chút thế giới khác đi qua” trong chốc lát rồi lại mang đi tất cả những gì nó chưa kịp đem đến trong chốc lát. Chuyến tàu đi qua mang chút “Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo” rồi “mất dần trong bóng tối, lắng tai cũng không nghe thấy nữa”, trả phố huyện về với “tịch mịch và đầy bóng tối”. Ánh sáng đoàn tàu hoá ra làm cho nỗi buồn càng thấm thía hơn.
Câu 5: Lời văn Thạch Lam trong truyện ngắn có đặc điểm gì nổi bật? Hãy chọn và phân tích một số trường hợp tiêu biểu trong cách dùng từ, đặt câu, cách tạo âm điệu của tác giả để làm rõ các đặc điểm đó.
Trả lời
Câu văn dưới ngòi bút của Thạch Lam thanh nhẹ, trong sáng, giàu hình ảnh và gợi cảm. Ví dụ, cảnh phố huyện lúc chiều tàn: "Phía tây, đỏ rực như lửa cháy (...). Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran nơi đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào... Đây là cảnh đầu đêm nơi phố huyện: “Trời đã bắt đầu đêm một mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát . Đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối...". Nói về câu văn Thạch Lam, Nguyễn Tuân, nhận xét: "Bằng sáng tác văn học. Thạch Lam đã làm cho tiếng nói Việt Nam gọn khẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại ra, và tươi đậm hơn".
Câu 6: Theo anh (chị), viết truyện Hai đứa trẻ, Thạch Lam muốn bày tỏ những tình cảm gì đối với cuộc sống, con người nơi phố huyện?
Trả lời
Thông qua truyện ngắn Hai đứa trẻ, Thạch Lam muốn bày tỏ sự thương cảm sâu xa đối với những kiếp sống tối tăm, mòn mỏi và thái độ nâng niu, trân trọng của ông đối với những tâm hồn trẻ thơ nơi phố huyện.
Soạn bài Hai đứa trẻ phần Luyện tập
Bài 1 luyện tập trang 101 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Anh chị có ấn tượng sâu sắc nhất với nhân vật nào với chi tiết nghệ thuật nào trong truyện "Hai đứa trẻ"? Vì sao?
Trả lời:
Truyện có nhiều nhân vật và chi tiết gợi ấn tượng sâu sắc. Có thể chọn:
- Một trong các nhân vật: chị Tí, Liên, An, bác Siêu, bà cụ Thi,...
- Một trong các chi tiết: đoàn tàu, bóng tối và ánh sáng, âm thanh, hình ảnh Hà Nội xa xăm trong tưởng tượng của Liên,...
Điều quan trọng là đưa ra được những lí giải hợp lí. Lí giải cần gắn với chủ đề tư tưởng của truyện.
Bài 2 trang 101 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Hãy nêu những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Thạch Lam qua truyện Hai đứa trẻ.
Trả lời:
Hai đứa trẻ là một trong những truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Thạch Lam, điều đó thể hiện ở:
- Những trang viết vừa đậm đà yếu tố hiện thực vừa phảng phất chất lãng mạn, chất thơ.
- Đặc biệt, truyện tiêu biểu cho loại truyện tâm tình của Thạch Lam (cái tình người chân chất nhẹ nhàng thấm sâu khắp thiên truyện; tập trung chú ý tới thế giới nội tâm của nhân vật, lối kể chuyện thú thỉ như tâm sự với người đọc).
Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm
I. Tác giảThạch Lam
1. Cuộc đời
- Thạch Lam (1910 - 1942), bút hiệu của Nguyễn Tường Vinh (về sau đổi thành Nguyễn Tường Lân) là nhà văn thuộc nhóm Tự lực văn đoàn. Ông sinh trưởng trong một gia đình công chức gốc quan lại ở Hà Nội.
- Thuở nhỏ, Thạch Lam sống tại quê ngoại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, sau đó chuyển sang Thái Bình.
- Ông học ở Hà Nội, đỗ tú tài rồi đi làm báo viết văn và nổi danh ở lĩnh vực truyện ngắn.
2. Sự nghiệp
Các tác phẩm tiêu biểu:
- Tập truyện ngắn: Gió đầu mùa (1937), Sợi tóc (1942).
- Tiểu thuyết: Ngày mới (1939)
- Tập tiểu luận: Theo dòng (1941)
- Tùy bút: Hà Nội băm sáu phố phường (1943)
3. Phong cách
- Ông luôn dành sự chú ý cho việc khai thác tâm trạng nhân vật. Do vậy, cốt truyện trong tác phẩm của ông thường lỏng lẻo.
- Cách kể của Thạch Lam là thường xuyên gửi điểm nhìn sang nhân vật để họ tự bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của mình.
- Văn của ông ý nhị, giàu cảm xúc, mỗi truyện của ông hệt như một bài thơ trữ tình.
- Giọng kể trong truyện Thạch Lam trong sáng, sâu sắc, chứa đựng cái nhìn sâu sắc, điềm đạm về cuộc đời.
4. Quan niệm về văn chương
- Thạch Lam quan niệm “Có hai lối quan sát: một lối quan sát bề ngoài và một lối quan sát bề trong. Trông bề ngoài thì chỉ thấy được cái trạng thái sự vật của một cảnh tượng (...) Người ta có thể tập nghe cho tinh tường, tập trông cho chu đáo, nhưng không có con mắt của linh hồn thì không bao giờ soi thấu được cái bí mật của tâm lí”.
- Chú trọng hơn đến thế giới bên trong của con người, ông viết: “Cần hơn là sự quan sát bề trong, khiến nghệ sĩ có thể hiểu được cái ý nghĩa giấu kín của sự vật, cái trạng thái tâm lí của một cử chỉ hay một lời nói”.
- Từ đó, ông yêu cầu nghệ sĩ “phải biết suy xét tâm hồn mình. Qua tâm hồn ta, chúng ta có thể đoán biết được tâm hồn mọi người. Và chỉ khi nào chúng ta hiểu biết được những trạng thái tâm lí của mình một cách sâu sắc, chúng ta mới hiểu biết được trạng thái tâm lý người ngoài”.
- Nhưng để thành nghệ sĩ giỏi thì nhà văn cần phải tạo ra những nhân vật thật và hoạt động, ngoài những tính cách và đặc điểm của cái địa vị xã hội, tìm đến được cái bí mật không tả được ở trong mỗi con người”.
- Ngoài ra, nhà văn còn phải chú ý đến môi trường xung quanh khi khắc họa nhân vật. Chỉ khi ấy nhà nghệ sĩ mới có thể “diễn tả đúng tâm lí một người”.
- Thạch Lam là nhà văn của những điều bình thường, nhỏ nhặt trong cuộc sống. Ông đề cao khả năng quan sát nội tâm và sự giản dị trong cách viết: “Bỏ hết những cái sáo, những cái kêu to mà trống rỗng, những cái giả dối đẹp đẽ, đi tìm cái giản dị, cái sâu sắc và cái thật, bằng cách quan sát và rung động đúng, đó là công việc các nghệ sĩ phải làm. Chúng ta cứ là chúng ta, với cái tâm hồn và bản ngã thật của chúng ta”. Chỉ khi tiếp cận được tâm hồn chân thật ấy nhà văn mới xây dựng được nhân vật có sức sống vượt qua sự giới hạn của ngôn từ.
II. Tác phẩm Hai đứa trẻ
1. Hoàn cảnh sáng tác
- Tác phẩm được sáng tác trong những ngày tháng Thạch Lam sống tại phố huyện Cẩm Giàng, nhà văn đồng cảm và thương xót với cuộc sống của người dân nơi đây.
- Tác phẩm được in trong tập truyện ngắn Nắng trong vườn (1938)
2. Nội dung chính
- Tác phẩm là câu chuyện về cuộc sống của hai chị em Liên và An trong một phố huyện nghèo, buồn bã. Qua đó, nói lên lòng xót thương đối với những kỷ niệm và ước mơ bình dị, cảm động của những em bé nơi phố huyện nghèo ngày xưa.
3. Bố cục
Tác phẩm có thể chia làm 3 phần:
- Phần 1: từ đầu đến "...cười khanh khách" => cảnh phố huyện lúc chiều xuống
- Phần 2: tiếp đến "...cảm giác mơ hồ không hiểu nổi" => cảnh phố huyện về đêm
- Phần 3: còn lại => cảnh chuyến tàu đêm đi qua phố huyện
4. Một số ý kiến đánh giá về tác phẩm
Một số ý kiến về chủ đề của truyện ngắn Hai đứa trẻ:
- Hai đứa trẻ chịu nhiều thăng trầm trên các chặng đường phê bình, tiếp nhận. Vũ Ngọc Phan tiêu biểu cho những ý kiến đánh giá thấp tác phẩm khi gọi Hai đứa trẻ là một truyện ngắn “tầm thường”.
- Năm 1957, với bài viết Thạch Lam, Nguyễn Tuân là người đã đề xuất những ý kiến xác thực đầu tiên về Hai đứa trẻ: “Truyện có một hương vị thật man mác. Nó gợi một nỗi niềm thuộc về quá vãng, đồng thời cũng đóng lên một cái gì còn ở trong tương lai... Nơi cái thế giới quan của đôi trẻ ở một phố quê, hình ảnh đoàn tàu và cái tiếng còi tàu đã thành một thói quen của cảm xúc và của ước vọng. Đọc Hai đứa trẻ, thấy bận bịu vô hạn về một tấm lòng quê hương êm mát và sâu kín”.
- Đỗ Đức Hiểu viết: “Có thể thấy ở Hai đứa trẻ, truyện của xung đột giữa bóng tối và ánh sáng, bóng tối hay nghèo nàn và cô đơn, ánh sáng chỉ là ước mơ thoáng qua, mở đầu truyện, ánh sáng tắt dần. Kết thúc truyện bóng tối tràn ngập phố huyện, hay tràn ngập thế giới. Và có thể thấy ở đây triết lí của Thạch Lam về thân phận con người. Diễn biến truyện là sự tranh chấp bóng tối ánh sáng”.
-/-
---Tổng kết---
- Bằng cốt truyện nhẹ nhàng mà sâu lắng, cách kể chuyện hấp dẫn, bút pháp lãng mạn và hiện thực, miêu tả tâm lý nhân vật sâu sắc, nhà văn đã thổi một làn gió mộc mạc chân quê, một làn gió xưa man mác vào lòng người đọc về những kiếp người sống trong miền đời bị trôi lãng.
Có thể bạn quan tâm: Tuyển tập các đề văn về truyện ngắn Hai đứa trẻ
// Trên đây là nội dung chi tiết bài soạn văn Hai đứa trẻ của Thạch Lam do HocOn247 biên soạn gửi tới các em. Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 11 bài Hai đứa trẻ này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.