Soạn bài Lẽ ghét thương (Nguyễn Đình Chiểu)

Soạn bài Lẽ ghét thương (trích Truyện Lục Vân Tiên) của Nguyễn Đình Chiểu, trả lời câu hỏi đọc hiểu soạn Lẽ ghét thương trang 45 SGK Ngữ Văn 11 tập 1.
(403) 1344 04/08/2022

Bài soạn Lẽ ghét thương do HocOn247 tổng hợp và biên soạn lại nhằm mục đích cung cấp cho các em những kiến thức cơ bản nhất về tác giả Nguyễn Đình Chiểu cũng như tìm hiểu sâu hơn nội dung, nghệ thuật của tác phẩm Lẽ ghét thương. Dưới đây là nội dung chi tiết bài soạn:

Soạn bài Lẽ ghét thương (SGK trang 48)

Đầu tiên, Đọc tài liệu sẽ mang tới cho các em bài soạn đoạn trích Lẽ ghét thương ngắn gọn nhất để các em có thể nắm được các nội dung chính trong bài một cách tổng quan và dễ dàng nhất đối với văn bản này trong chương trình soạn văn 11.

Soạn bài Lẽ ghét thương ngắn gọn nhất

Câu 1 trang 48 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Anh (chị) hãy đọc các chú thích, tìm điểm chung giữa các đời vua mà ông Quán ghét và những con người mà ông Quán thương. Từ đó hãy nhận xét về cơ sở của lẽ ghét thương theo quan điểm đạo đức của Nguyễn Đình Chiểu?

Trả lời:

- Ông Quán ghét những nhân vật nổi tiếng tàn ác: Kiệt Trụ mê dâm, U Lệ đa đoan, Ngũ Bá phân vân, Thúc Quý phân băng. Đó là những kẻ đã bày ra “chuyện tầm phào”, ăn chơi sa đọa, đẩy người dân vào cảnh cùng cực.

- Đối tượng “thương” là những bậc hiền tài, có đức có tâm một lòng giúp đời, giúp dân. Đó là: Khổng Tử, Nhan Tử, Gia Cát, Đổng Tử, Đào Tiềm, Hàn Dũ, Liêm, Lạc.

Câu 2 trang 48 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Anh (chị) có nhận xét gì về cách dùng phép đối và phép điệp ở cặp từ ghét, thương trong đoạn thơ này? Tìm hiểu giá trị nghệ thuật của biện pháp tu từ?

Trả lời:

Đoạn trích khá thành công trong việc sử dụng cặp đối nghĩa ghét – thương. Từ ghét và thương đều được lặp lại 12 lần, sắp đặt sóng đôi, đăng đối khá linh hoạt (hay ghét – hay thương; thương ghét – ghét thương…) để qua đó giúp biểu hiện nổi bật và phân minh hai tình cảm trong tâm hồn tác giả. Với nhà thơ, ghét và thương rành rọt, không lẫn lộn và đều sâu nặng, không nhạt nhòa, chung chung. Việc lặp lại hai từ này cũng giúp tăng thêm cường độ cảm xúc trong: yêu thương và căm ghét đều đạt đến sự tột cùng, mãnh liệt.

Câu 3 trang 48 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Dựa vào cảm xúc của tác giả, hãy giải thích câu thơ ở phần đầu đoạn trích: Vì chưng hay ghét cũng là hay thương.

Trả lời:

Vì chưng hay ghét cũng là hay thương

Câu thơ mang tính chất triết lí đạo đức mà giàu chất trữ tình và dạt dào cảm xúc. Thương và ghét là hai tình cảm có mối quan hệ khăng khít với nhau trong tâm hồn nhà thơ. Tình cảm thương, ghét cứ đan xen nối tiếp nhau, hòa cùng một nhịp với cuộc đời, với nhân dân.

=> Đó là đỉnh cao tư tưởng và tình cảm của Nguyễn Đình Chiểu.

Luyện tập trang 48 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Theo anh (chị), câu thơ nào trong đoạn trích có thể thâu tóm toàn bộ ý nghĩa tư tưởng và tình cảm của cả đoạn? Hãy viết đoạn văn trình bày cảm nhận của mình về câu thơ đó.

Trả lời:

Câu thơ thâu tóm toàn bộ ý nghĩa tư tưởng và tình cảm của cả đoạn:

Vì chưng hay ghét cũng là hay thương

+ Yêu thương và căm ghét có mối quan hệ khăng khít như hai mặt của một vấn đề.

+ Càng xót thương cảnh người dân lầm than, người tài bị vùi dập thì tác giả càng căm ghét những kẻ hại dân bán nước.

+ Sự yêu ghét rạch ròi, phân minh trong trái tim của tác giả.

+ Phía sau lẽ ghét thương đó chính là tình thương dân, thương đời sâu sắc, bao la.

Để xem thêm nhiều hơn các cảm xúc khác trong bài thơ, các em học sinh có thể tham khảo văn mẫu Cảm nhận về đoạn trích Lẽ ghét thương để biết được cảm xúc bao quát cả bài của tác giả Nguyễn Đình Chiểu.

Với phần soạn văn đoạn trích Lẽ ghét thương ngắn gọn nhất phía trên các em có thể nắm được những nội dung cơ bản nhất của bài học. Tuy nhiên đối với một văn bản học chính, các em cần có được nhiều nội dung chi tiết hơn để có thể vận dụng, sử dụng trong việc làm các bài làm văn trong các đề kiểm tra, đề thi. Vì vậy mà Đọc tài liệu cung cấp thêm nội dung soạn Lẽ ghét thương đầy đủ, chi tiết dưới đây, mời các em tham khảo thêm.

Soạn bài Lẽ ghét thương chi tiết

(Các em bấm vào câu hỏi cụ thể để xem nhiều cách trình bày khác nhau cho cùng 1 ý trả lời cho câu hỏi nhé!)

Bài 1 trang 48 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Anh (chị) hãy đọc các chú thích, tìm điểm chung giữa các đời vua mà ông Quán ghét và những con người mà ông Quán thương. Từ đó hãy nhận xét về cơ sở của lẽ ghét thương theo quan điểm đạo đức của Nguyễn Đình Chiểu?

Trả lời:

- Vì chưng hay ghét cũng là hay thương ý nói: Biết ghét là vì biết thương. Vì thương dân nên ghét những kẻ làm hại dân. Đây là câu nói có tính chất khái quát tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu trong cả đoạn trích. Tác giả đã lí giải căn nguyên chuyện "ghét - thương" của mình trong đoạn trích Lẽ ghét thương này..

- Ông Quán ghét những kẻ đã bày ra “chuyện tầm phào”. Đó là những nhân vật nổi tiếng tàn ác: Kiệt Trụ mê dâm, U lệ đa đoan, Ngũ bá phân vân, thúc quý phân băng. Hai nhân vật nổi tiếng tàn bạo trong lịch sử phong kiến Trung Hoa thời cổ đại.

Điểm chung: chúng đều là những kẻ thì ăn chơi, hưởng thụ sa đoạ, say sưa tranh giành quyền lục, tất cả bọn chúng đều đẩy nhân dân vào cuộc sống vô cùng khổ cực. Ông Quán ghét những kẻ làm nhân dân phải chịu khổ cực. Căn nguyên của cái ghét ở đây là do lòng thương dân, vì dân, ghét những kẻ hại dân, làm cho nhân dân sa hầm sẩy hang, chịu lầm than, nhọc nhằn…

- Đối tượng “thương” là nhân vật cụ thể, những bậc hiền tài một lòng giúp đời, giúp dân. Đó là: Khổng Tử, Nhan Tử, Gia Cát, Đổng Tử, Đào Tiềm, Hàn Dũ, Liêm, Lạc.

Điểm chung: Họ đều là những con người nổi tiếng về tài và đức, song lại gặp chuyện không may mắn. Họ đều là người có nhân cách cao cả, đều hết lòng thương yêu dân chúng, sống trọn đạo bề tôi, giữ vững phẩm cách của nhà Nho. Đối tượng “thương” đều là những người tài đức vẹn toàn. Thái độ thương ở đây bao gồm cả sự cảm thông, trân trọng, kính phục của tác giả và cũng là sự tự thương mình của ông Đồ Chiểu.

Bài 2 trang 48 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Anh (chị) có nhận xét gì về cách dùng phép đối và phép điệp ở cặp từ ghét, thương trong đoạn thơ này? Tìm hiểu giá trị nghệ thuật của biện pháp tu từ?

Trả lời:

Để thể hiện lẽ ghét thương của mình, nhà thơ đã có dụng ý khi dùng phép đối và phép điệp ở các cặp từ ghét, thương. Điệp từ ghét được lặp lại 8 lần trong đoạn thơ nhằm mục đích nhấn mạnh đến sự sâu sắc và mãnh liệt của tình cảm. Đó là thái độ phủ định của ông Quán, đồng thời cũng là của Nguyễn Đình Chiếu đối với những loại người này trong xã hội. Điệp từ thương được lặp lại 8 lần trong đoạn thơ mục đích cũng là nhấn mạnh đến thái độ đồng cảm sâu sắc của ông Quán đối với những người có tài nhưng lận đận và không được xã hội trọng dụng.

Như vậy, lối dùng điệp từ dồn dập, từ ghét được lặp đến tám lần ở mười câu liền nhau, từ thương cũng 8 lần như thế ở mười bốn câu, rất có hiệu quả trong việc diễn đạt thái độ ghét thương dứt khoát, mãnh liệt của tác giả. Tất cả những điều ghét thương trong cuộc sống thường xuyên dội vào tâm tư Đồ Chiểu, con người nặng tình với dân, với đời, từng làm ông phải xót xa. Cho nên nói chuyện đạo lí, dẫn từ kinh sử mà giọng lại không cầm được buồn giận, đắng cay. Nhiều chữ dùng tuy mộc mạc, nhưng đầy sức mạnh và giàu cảm xúc, tưởng như còn nóng hổi hơi thở của cuộc sống như: ghét cay ghét đắng, sa hầm xẩy hang, lằng nhằng rối dân, phui pha, ngùi ngùi,..

Đoạn trích khá thành công trong việc sử dụng cặp từ đối nghĩa ghét – thương. Từ ghét và thương đều được lặp lại 12 lần, sắp đặt sóng đôi, đăng đối khá linh hoạt. (hay ghét – hay thươngthương ghét – ghét thươngghét ghét – thương thương; lại ghét – lại thương). Phép lặp cũng như sự vận dụng linh hoạt hai từ ghét – thương đã giúp biểu hiện nổi bật và phân minh hai tình cảm trong tâm hồn tác giả. Trong trái tim tác giả, ghét và thương rành rọt, không mập mờ, lẫn lộn và đều sâu nặng, không nhạt nhòa, chung chung. Việc lặp lại hai từ này cũng làm tăng cường độ của cảm xúc: yêu thương và căm ghét đều đạt đến độ tột cùng, đều hết sức nồng nhiệt.

Bài 3 trang 48 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Dựa vào cảm xúc của tác giả, hãy giải thích câu thơ ở phần đầu đoạn trích: Vì chưng hay ghét cũng là hay thương.

Trả lời:

    Yêu và ghét là hai tình cảm có mối quan hệ khăng khít không thể tách rời trong tâm hồn của nhà thơ. Bởi thương đến xót xa trước cảnh nhân dân phải chịu lầm than, khổ cực, thương những con người tài đức mà bị vùi dập, phải mai một tài năng, nên Nguyễn Đình Chiểu càng căm ghét sâu sắc những kẻ làm hại dân, hại đời, đẩy con người vào những cảnh ngộ éo le, oan nghiệt. Trong trái tim yêu thương mênh mông của nhà thơ, hai tình cảm yêu, ghét

cứ đan cài, nối tiếp nhau hòa cùng nhịp đập với cuộc đời, với nhân dân, bởi "Vì chưng hay ghét cũng là hay thương". Đó chính là đỉnh cao tư tưởng và tình cảm của Nguyễn Đình Chiểu.

Luyện tập trang 48 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Theo anh (chị), câu thơ nào trong đoạn trích có thể thâu tóm toàn bộ ý nghĩa tư tưởng và tình cảm của cả đoạn? Hãy viết đoạn văn trình bày cảm nhận của mình về câu thơ đó.

Trả lời:

Câu thơ thâu tóm toàn bộ ý nghĩa tư tưởng và tình cảm của cả đoạn trích là câu:

   "Vì chưng hay ghét cũng là hay thương"

Yêu và ghét là hai tình cảm có mối quan hệ khăng khít không thể tách rời trong tâm hồn của nhà thơ. Bởi thương đến xót xa trước cảnh nhân dân phải chịu lầm than, khổ cực, thương những con người tài đức mà bị vùi dập, phải mai một tài năng, chí nguyện nên Nguyễn Đình Chiểu càng căm ghét sâu sắc những kẻ làm hại dân, hại đời, đẩy con người vào những cảnh ngộ éo le, oan nghiệt. Trong trái tim yêu thương mênh mông của nhà thơ, hai tình cảm yêu, ghét cứ đan cài, nối tiếp nhau hoà cùng nhịp đập với cuộc đời, với nhân dân, bởi "Vì chưng hay ghét cũng là hay thương". Đó chính là đỉnh cao tư tưởng và tình cảm của Nguyền Đình Chiểu vậy.

Đoạn thơ mang tính chất triết lí đạo đức mà không hề khô khan, cứng nhắc, trái lại vẫn giàu chất trữ tình và dạt dào cảm xúc. Những cảm xúc sâu sắc và nồng đượm đó xuất phát từ cõi tâm trong sáng, cao cả của nhà thơ, từ một trái tim nặng trĩu tình đời, tình người tha thiết.

Để bổ sung thêm kiến thức nâng cao chocác em tìm hiểu thêm kiến thức mở rộng, Đọc tài liệu cung cấp thêm phần soạn bài Lẽ ghét thương chương trình nâng cao. Nội dung soạn đoạn trích Lẽ ghét thương nâng cao sẽ được trình bày ngắn gọn và bao gồm các ý chính mà không triển khai quá dài dòng, các em cùng theo dõi dưới đây nhé.

Soạn bài Lẽ ghét thương nâng cao

Câu 1: Câu nói của nhân vật ông Quán “Vì chưng hay ghét cũng vì hay thương” cho thấy giữa ghét và thương có mối quan hệ như thế nào?

Trả lời

Câu nói của ông Quán cho thấy giữa thương và ghét tưởng chừng đối lập mà lại có mối quan hệ thống nhất, khăng khít với nhau, vì bởi thương dân cơ cực lầm than, các bậc hiền tài không được trọng dụng mà ghét bọn vua chúa ăn chơi, sa đọa, làm khổ nhân dân.

Câu 2: Lời ông Quán nói về kinh sử cho thấy ông ghét loại người nào, vì lí do gì? Qua đó, có thể hiện thực chất tư tưởng của ông Quán là gì?

Trả lời

Lời ông Quán nói về kinh sử cho thấy ông ghét những đời vua đời Kiệt, Trụ, U, Lệ, Ngũ bá, thúc quý. Vì các triều đại này chính sự suy tàn, vua chúa ăn chơi, ham mê tửu sắc, không chăm lo đến đời sống của nhân dân.

Qua đó ta thấy được thực chất tư tưởng của ông Quán là vì thương nhân dân cơ cực mà ghét những kẻ đã gây nên đau thương cho cho họ.

Câu 3: Ông Quán thương những ai, những người ấy có đặc điểm chung nào? Điều đó cho thấy ông quan tâm đến những lớp người nào trong xã hội?

Trả lời

Ông Quán thương Khổng Tử, Nhan Tử, Gia Cát Lượng, Đổng Trọng Thư, Nguyên Lượng (Đào Tiềm), Hàn Dũ, Thầy Liêm, Lạc (Trình Hạo, Trình Di). Họ là những bậc hiền nhân, nhân cách và tài năng ngời sáng, có đức, có chí giúp đân, giúp đời nhưng đều không đạt được sở nguyện.

Điều này cho thấy ông quan tâm đến những tầng lớp trí thức, bậc hiền nhân trong xã hội.

Câu 4: Những chuyện sử sách Trung Quốc mà ông Quán nói đến cho thấy nhà thơ suy nghĩ gì khi viết Truyện Lục Vân Tiên?

Trả lời

Tác giả mượn những chuyện trong sử sách để nói về thực tại xã hội đương thời, muốn gửi đến độc giả những tư tưởng yêu – ghét.

Câu 5: Chỉ ra các phương tiện ngôn ngữ trong lời của ông Quán như: điệp ngữ, thành ngữ, tiểu đối, từ láy. Phân tích tác dụng của chúng trong việc tạo nên giọng điệu truyền cảm của ông Quán trong đoạn trích.

Trả lời

- Điệp ngữ: ghét – thương (lặp lại 12 lần)

- Phép đối:

+ Đối đoạn: 10 câu nói về lẽ ghét với 14 câu nói về lẽ thương

+ Tiểu đối:

  • Vì chưng hay ghét/ cũng vì hay thương
  • Sa hầm/ sẩy hang
  • Sớm đầu/ tối đánh
  • Sớm dâng lười biểu/ tối đày đi xa

- Từ láy: lằng nhằng, phui pha, ngùi ngùi

=> Tác dụng: tăng cường độ cảm xúc, biểu hiện sự trong sáng, phân minh, sâu sắc trong tâm hồn tác giả.

Tác giả, tác phẩm đoạn trích Lẽ ghét thương

I. Tác giả Nguyễn Đình Chiểu

- Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) sinh tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, Gia Định (nay thuộc TPHCM)

- Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu khá lận đận. Ông ra đời ở quê mẹ, lớn lên và theo đuổi nghiệp khoa cử vào lúc xã hội loạn lạc, đất nước rơi vào họa xâm lăng, bản thân lại mù loà từ năm 25 tuổi. Bỏ dở nghiệp thi cử, ông chuyển sang học thuốc, làm nghề bốc thuốc chữa bệnh và mở trường dạy học.

- Quá trình sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu có thể chia thành hai giai đoạn:

+ Trước khi Pháp đánh chiếm Gia Định: chủ yếu có truyện thơ Lục Vân Tiên.

+ Sau khi Pháp đánh chiếm Gia Định: Gồm nhiều thơ, văn tế và hai truyện thơ dài: Chạy Tây, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Thơ điếu Trương Định (12 bài), Thơ điếu Phan Tòng (10 bài), Văn tế sĩ dân Lục tỉnh trận vong... Hai truyện thơ dài là Dương Từ - Hà Mậu (viết trước 1859) và Ngư Tiều y thuật vấn đáp.

II. Tác phẩm

1. Truyện Lục Vân Tiên

- Hoàn cảnh sáng tác: Nguyễn Đình Chiểu sáng tác truyện Lục Vân Tiên vào khoảng những năm 50 của thế kỉ XIX, khi ông đã bị mù, về dạy học và chữa bệnh cho nhân dân ở Gia Định.

- Thể loại: Truyện Lục Vân Tiên là truyện thơ, được viết dưới hình thức thơ lục bát. Truyện Nôm là thể loại văn học khá phát triển trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỉ XVIII – XIX. Đó là những thành tựu đáng tự hào của nền văn học dân tộc.

- Nội dung chính: Cốt truyện Lục Vân Tiên xoay quanh cuộc xung đột giữa thiện và ác, nhằm đề cao tinh thần nhân nghĩa, thể hiện lí tưởng của tác giả và nhân dân về một xã hội tốt đẹp mà ở đó mọi quan hệ giữa con người với con người đều thắm đượm một tình cảm yêu thương, thân ái. Truyện Lục Vân Tiên đậm đà chất Nam Bộ, ngôn ngữ thơ bình dị, nôm na, đi ra từ lời ăn tiếng nói bình thường của người bình dân. Nhân vật chủ yếu được khắc họa qua hành động, ngôn ngữ.

- Tóm tắt cốt truyện: Nhân vật chính của tác phẩm là Lục Vân Tiên, một chàng trai văn võ song toàn. Chàng đã đánh tan bọn cướp cứu Kiều Nguyệt Nga. Nguyệt Nga nguyện lấy chàng để trả nghĩa. Trên đường đi thi, Lục Vân Tiên nghe tin mẹ mất, chàng phải quay về chịu tang. Chàng khóc thương mẹ đến mù cả hai mắt. Chàng bị Trịnh Hâm ghen ghét đố kị, lừa đẩy chàng xuống sông nhưng chàng được cứu thoát. Võ Thể Loan đã hứa gả con gái cho chàng nay thấy chàng bị mù liền trở mặt, đẩy chàng vào hang sâu. Chàng đã được thần Phật cứu giúp, mắt sáng trở lại, rồi đỗ trạng nguyên, được cử đi đánh giặc Ô Qua. Kiều Nguyệt Nga quyết chung thuỷ với Vân Tiên. Thái sư bắt nàng đi cống cho giặc. Nàng nhảy xuống sông tự vẫn ôm theo bức hình Vân Tiên. Nàng được cứu sống, lại bị cha con Bùi Kiệm ép duyên, nàng bỏ trốn. Tác phẩm kết thúc có hậu, Vân Tiên thắng trận trở về gặp Nguyệt Nga, hai người kết nghĩa vợ chồng.

2. Đoạn trích Lẽ ghét thương

- Vị trí: Lẽ ghét thương là trích đoạn từ câu 473 đến câu 504 trong tổng số 2082 câu thơ của truyện Lục Vân Tiên.

- Nội dung chính: Đoạn trích là lời của ông Quán nói với bốn chàng nho sinh (Vân Tiên, Tử Trực, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm) khi họ cùng đến uống rượu, làm thơ trong quán cơm của ông trước khi vào thi.

- Ý nghĩa nhan đề Lẽ ghét thương: Từ “ghét” “thương” ở đây cũng không đơn giản là chỉ tình cảm đối với một ai đó. Chuyện ghét thương được nhìn nhận bằng quyền lợi của nhân dân. Quan điểm yêu ghét của ông Quán chính là quan điểm của tác giả, nhà thơ, nhà văn, ông đồ Nguyễn Đình Chiểu.

- Bố cục: Đoạn trích có thể chia thành 2 đoạn

+ Đoạn 1: “Quán rằng …. rối dân”: ghét những tên vua chúa hại dân, hại nước.

+ Đoạn 2: “Thương là thương …lại thương”: thương những bậc hiền tài chịu số phận lận đận chí lớn không thành, không được trọng dụng.

III. Tổng kết

Ghi nhớ

Đoạn trích Lẽ ghét thương nói lên những tình cảm yêu, ghét rất phân minh, mãnh liệt và tấm lòng thương dân sâu sắc của Nguyễn Đình Chiểu. Lời thơ mộc mạc, chân chất nhưng đậm đà cảm xúc.

Mặc dù chỉ có 32 câu thơ nhưng đoạn trích đã thể hiện được một phần tư tưởng chung của truyện Lục Vân Tiên. Mượn lời của ông Quán, nhà văn đã thể hiện được quan điểm đạo đức của mình về lẽ ghét thương. Nội dung đoạn thơ mang tính triết lý nhưng vẫn dào dạt cảm xúc.

>> Để cảm nhận rõ nét hơn những giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm, mời các em tham khảo thêm một số đề văn mẫu sau đây:

-/-

Với những cách trả lời câu hỏi trang 45 SGK Ngữ văn 12 tập 1, hi vọng các em học sinh sẽ lựa chọn được cho mình cách soạn bài Lẽ ghét thương (Nguyễn Đình Chiểu) phù hợp nhất. Chúc các em học tốt.


TẢI VỀ

(403) 1344 04/08/2022