Soạn bài viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội

Hướng dẫn soạn bài viết bài làm văn số 1 lớp 11 - Nghị luận xã hội, gợi ý cách làm và dàn ý 3 đề bài mẫu trang 14 SGK Ngữ Văn lớp 11 tập 1.
(402) 1340 04/08/2022

Bài soạn Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội lớp 11 được biên soạn nhằm giúp các em vận dụng kiến thức và kĩ năng đã học về văn nghị luận, viết được bài nghị luận xã hội có nội dung sát thực tế đời sống và học tập của học sinh phổ thông. Thông qua việc hướng dẫn cách làm một số đề nghị luận xã hội mẫu trong SGK, HocOn247 hi vọng các em sẽ củng cố được kĩ năng làm văn nghị luận của mình và đạt điểm cao trong bài viết lần này.

A - Hướng dẫn chung khi viết bài làm văn số 1 - Nghị luận xã hội

1. Nghị luận xã hội là gì?

Nghị luận xã hội là những bài văn bàn về xã hội, chính trị, đời sống. Đề tài của dạng bài nghị luận xã hội gồm tất cả những vấn đề về tư tưởng, đạo lí, lối sống đẹp, một hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực trong cuộc sống hàng ngày, vấn đề thiên nhiên môi trường, vấn đề hội nhập, toàn cầu hoá…

2. Cách làm bài văn nghị luận xã hội

Để làm tốt dạng văn nghị luận xã hội, các em cần nắm vững một số vấn đề sau :

- Biết phát huy mọi loại kiến thức trong nhà trường cũng như trong cuộc sống để so sánh, phát triển, vận dụng vào bài viết sao cho phong phú, sâu sắc, đầy đủ, cô đúc nhất.

- Chủ động, mạnh dạn trong khi viết bài, vì không giống với nghị luận văn học, nói chung người viết có thể dựa vào bài học có sẵn, hoặc được thầy cô giáo hướng dẫn, bài nghị luận xã hội hoàn toàn buộc người viết phải chủ động đề xuất chính kiến của mình, có thể đúng hay chưa đúng, được số đông chấp nhận hay không chấp nhận, miễn là nó thuyết phục được người đọc bằng những lí lẽ xác đáng.

3. Dàn ý bài văn nghị luận xã hội

Cấu trúc chung của một bài văn nghị luận xã hội:

- Mở bài: Giới thiệu và nêu vấn đề cần nghị luận

- Thân bài: Lần lượt triển khai các luận điểm, luận cứ làm sáng tỏ vấn đề, bàn luận mở rộng về ý kiến

- Kết bài:

+ Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân và cho mọi người.

+ Thâu tóm nội dung cơ bản, tiếp tục gợi mở suy nghĩ cho người đọc, hoặc nêu cảm nghĩ riêng của người viết.

B - Gợi ý cách làm một số đề bài mẫu Viết bài làm văn số 1 lớp 11

Soạn viết bài làm văn số 1 lớp 11 Đề số 1

Đề bài: Đọc truyện "Tấm Cám", anh (chị) suy nghĩ gì về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay?

* Dàn ý tham khảo:

1. Mở bài

- Giới thiệu về Truyện cổ tích: gửi gắm những ước mơ khát vọng.

- Giới thiệu truyện Tấm Cám

- Đưa ra vấn đề cần bàn luận

2. Thân bài  

a) Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu trong tác phẩm “Tấm Cám”.

* Trước khi Tấm thành hoàng hậu

+ Hoàn cảnh của Tấm: mồ côi mẹ, cha mất sớm, phải ở với mẹ con Cám.

+ Mẹ con Cám luôn bắt nạt Tấm: tước đoạt mọi quyền lợi cả về vật chất lẫn tinh thần của Tấm.

+ Cuộc đấu tranh thiện ác: Tấm thụ động, chưa biết đấu tranh.

* Sau khi Tấm trở thành hoàng hậu:

+ Mẹ con cám rắp tâm hãm hại, lừa giết Tấm, giết cả những kiếp hóa thân của Tấm.

+ Nhận xét:

- Mẹ con Cám là đại diện cho cái ác => cái ác càng lúc càng lộ liễu, tàn nhẫn, nhiều thủ đoạn.

- Tấm là đại diện cho cái thiện => Cái thiện luôn bị cái ác chèn ép, hãm hại.

* Hành trình trỗi dậy đấu tranh của Tấm:

+ Ban đầu, Tấm nhu nhược, bị động, chỉ biết trông chờ vào Bụt.

+ Về sau, Tấm tự vươn lên, tự đấu tranh để giành hạnh phúc: phân tích ý nghĩa những lần hoá thân của Tấm.

=> Quá trình đấu tranh với cái ác của Tấm gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ

* Kết quả:

+ Thiện thắng ác

+ Kẻ xấu bị trừng phạt, người tốt hưởng hạnh phúc.

b) Suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu trong xã hội xưa và nay:

+ Trong xã hội xưa:

- Cái ác thường có thế lực mạnh, bất chấp thủ đoạn để hãm hại cái thiện.

- Cái thiện không đơn độc mà luôn được sự giúp đỡ của mọi người.

- Cái thiện phải tự trưởng thành, tự đấu tranh để giành hạnh phúc. Trong cuộc đấu tranh đó, cái thiện có thể phải trải qua nhiều thử thách, nhưng kết quả cuối cùng cái thiện luôn chiến thắng cái ác, cái ác luôn bị trừng phạt.

- Ví dụ thêm qua các truyện cổ tích khác: Thạch Sanh, Sọ Dừa,…

+ Trong xã hội ngày nay:

- Cái thiện và cái ác vẫn song song tồn tại

+ Cái ác: những việc làm xấu xa, tổn hại đến tính mạng, nhân phẩm, danh dự của người khác, thói tiêu cực như lười biếng, gian lận, dối trá, lừa lọc,…

+ Cái thiện: những người hiền lành, lương thiện, sống chan hoà vì cộng đồng, những phẩm chất tốt đẹp,…

- Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu trong xã hội vẫn còn mãi như một quy luật tất yếu.

- Cái ác càng nhiều thủ đoạn, càng thâm hiểm hơn.

- Cái thiện phải xây dựng được vị trí xã hội vững chắc, lập trường vững vàng, phải đoàn kết để chống cái ác.

c) Rút ra bài học cho bản thân:

- Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu không chỉ tồn tại trong xã hội xưa và nay mà còn tồn tại trong bản thân mỗi người.

- Ý thức của mỗi người trong việc chống lại cái xấu, tiêu cực

+ tư tưởng: luôn đứng về lẽ phải

+ hành động: bảo vệ cái tốt, bài trừ những cái xấu

+ tuyên truyền những bài học đạo đức về thiện và ác.

3. Kết bài

- Cần xây dựng nhân cách tốt đẹp để vững vàng trước những tác động xấu.

- Kiên quyết đấu tranh chống cái xấu, cái ác trong xã hội.

Văn mẫu: Suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác xưa và nay qua Tấm Cám

Soạn viết bài làm văn số 1 lớp 11 Đề số 2

Đề bài: Bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề mà tác giả Thân Nhân Trung đã nêu trong Bài kí để danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba - 1442:

"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia", nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp.

* Dàn ý tham khảo:

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Giới thiệu vấn đề “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia

2. Thân bài

a. Giải thích câu nói “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”

- Hiền tài: là người vừa có tài vừa có đức. Hiền tài là người tài giỏi, là người có tài cao, học rộng, hiểu biết sâu xa,….

- Nguyên khí: là sức mạnh vật chất, tinh thần, tiềm tàng của con người, là sức mạnh tiềm ẩn và quyết tâm của con người sẽ quyết định thành tích của người đó.

b. Ý nghĩa của câu nói “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”

- Những người học rộng tài cao là khí chất ban đầu, làm nên sự sống còn và phát triển của đất nước.

- Hiền tài có vai trò quan trọng trong sự thịnh suy của đất nước.

- Những người tài giỏi là nhân tố quan trọng để xây dựng đất nước.

c. Những việc người xưa đã làm để thể hiện sự coi trọng nhân tài

- Đề cao danh tiếng, phong chức tước, đề cao ở bảng vàng,….

- Khắc bia để lưu tên

- Khuyến khích noi gương người tài, ngăn ngừa kẻ xấu

- Học tập người tài những điều hay

d. Bài học từ câu nói “ Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”

- Phải biết quý trọng nhân tài

- Những người tài giỏi luôn là người có vai trò quan trọng đối với sự thịnh suy của đất nước

- Phát huy quan điểm của nhà nước, giáo dục là quốc sách, trọng dụng nhân tài

e. Bài học cho mỗi cá nhân trong việc học tập và làm việc để phục vụ đất nước.

3. Kết bài:

- Nêu cảm nghĩ về câu nói “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.

- Câu nói “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” là một câu nói hết sức có ý nghĩa và luôn đúng trong mọi thời đại.

Văn mẫu tham khảo: Ý kiến của em về vấn đề hiền tài là nguyên khí của quốc gia

Soạn viết bài làm văn số 1 lớp 11 Đề số 3

Đề bài: Viết bài nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về phương châm Học đi đôi với hành.

* Dàn ý tham khảo

1. Mở bài:

- Giới thiệu vấn đề cần bàn luận và câu tục ngữ "Học đi đôi với hành"

- Suy nghĩ về mối quan hệ giữa học và hành (chặt chẽ, mật thiết).

2. Thân bài:

* Giải thích ý nghĩa của học và hành

- Học là gì?

+ Học là lãnh hội, tiếp thu kiến thức, lý thuyết từ thầy cô, trường lớp, tiếp thu những điều hay, có ích trong cuộc sống và xã hội.

+ Học còn là nền tảng cho việc áp dụng vào thực tế đạt hiệu quả.

+ Nhân bất học bất tri lí: người không học là người không có kiến thức, con người đó sẽ không tồn tại được trong xã hội và sẽ bị đắm chìm trong sự ngu dốt.

- Hành là gì?

+ Hành là vận dụng những điều học được vào thực tế, hành còn là mục đích của việc học.

+ Việc thực hành giúp ta nắm chắc kiến thức hơn, nhớ lâu hơn và hiểu sâu hơn những điều được học.

- Vì sao cần phải học đi đôi với hành?

+ Có học lí thuyết mà không thực hành thì sẽ không hiểu được vấn đề, gây hậu quả lãng phí.

+ Còn hành mà không học lí thuyết thì sẽ không đạt được kết quả cao.Vô tình trở thành kẻ phá hoại.

=> Tác dụng của việc “học đi đôi với hành”

- Từ đó nêu ra phương pháp học đúng đắn: kết hợp giữa học và hành.

- Khẳng định được trong xã hội hiện đại ngày nay, việc học luôn phải đi đôi với hành vì nếu chúng không đi đôi với nhau thì công việc của chúng ta sẽ không đạt kết quả tốt.

3. Kết bài

Khẳng định phương pháp học đi đôi với hành luôn đúng ở mọi thời đại. Thực hiện việc học và hành sao cho hiệu quả.

Văn mẫu em có thể tham khảo: Nghị luận về phương châm Học đi đôi với hành

-/-

Trên đây là hướng dẫn soạn bài viết bài làm văn số 1 lớp 11 chi tiết nhất mà các em cần tham khảo, hướng dẫn lập dàn ý các để trên đây sẽ là cơ sở giúp các em hoàn thiện bài viết số 1 lớp 11 tốt nhất!


TẢI VỀ

(402) 1340 04/08/2022