Soạn bài Tình yêu và thù hận (Uy-li-am Sếch-xpia)

Soạn bài Tình yêu và thù hận của Uy-li-am Sếch-xpia giúp em nắm vững nội dung tác phẩm và trả lời câu hỏi đọc hiểu trang 201 SGK Ngữ văn lớp 11 tập 1.
(395) 1318 04/08/2022

Tài liệu hướng dẫn soạn bài Tình yêu và thù hận (Uy-li-am Sếch-xpia) giúp em cảm nhận được tình yêu cao đẹp bất chấp thù hận giữa hai dòng họ của Rô-mê-ô và Giu-li-ét. Qua việc trả lời các câu hỏi soạn bài, các em cũng sẽ phân tích được diễn biến tâm trạng nhân vật qua ngôn ngữ đối thoại trong đoạn trích, hiểu được rằng tình yêu chân chính tạo ra tình cảm và nhân cách trong sáng, nâng đỡ, cổ vũ con người vượt qua thù hận.

  Cùng tham khảo ngay...

Soạn bài Tình yêu và thù hận (Uy-li-am Sếch-xpia)

Soạn bài Tình yêu và thù hận ngắn gọn nhất

Gợi ý trả lời các câu hỏi đọc hiểu và luyện tập soạn Tình yêu và thù hận ngắn gọn nhất trang 201 SGK Ngữ văn 11 tập 1.

Đọc - hiểu văn bản

Câu 1 trang 201 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Đoạn trích có mười sáu lời thoại. Sáu lời thoại đầu có gì khác biệt với những lời thoại sau? Hình thức của những lời thoại đó là gì?

Trả lời:

+ 6 lời thoại đầu, về hình thức là những lời thoại của từng người. Họ nói về nhau chứ không nói với nhau -> lời độc thoại nội tâm bày tỏ nỗi lòng suy nghĩ của nhân vật.

+ 10 lời thoại sau là lời đối thoại giữa hai người. Những lời đối thoại ấy vẫn là lời trực tiếp thể hiện tình cảm. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật cũng đầy chất thơ.

Câu 2 trang 201 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Tìm những cụm từ chứng minh tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-et diễn ra trong bối cảnh hai dòng họ thù địch.

Trả lời:

- Những cụm từ chứng tình yêu của Rô-me-ô và Giu-li-ét diễn ra trong bối cảnh hai dòng họ thù địch:

+ Lời thoại của Rô-mê-ô: nàng tiên lộng lẫy, nàng tiên kiều diễm, nàng tiên yêu quý của tôi ơi, đôi cánh nhẹ nhàng của tình yêu; tôi thù ghét cái tên tôi, vì nó là kẻ thù của em,...

+ Lời thoại của Giu-li-ét:... em sẽ không còn là con cháu nhà Ca-piu-lét nữa. Chàng ơi! Hãy mang tên họ nào khác đi... chàng hãy vứt bỏ tên họ của chàng đi. Chỉ có tên họ chàng là thù địch của em như thế nào ...

Câu 3 trang 201 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Phân tích diễn biến tâm trạng của Rô-mê-ô qua hình thức so sánh liên tưởng trong lời thoại đầu tiên của nhân vật này.

Trả lời:

Diễn biến tâm trạng của Romeo qua lời thoại đầu tiên:

+ Căm ghét hủ tục mê tín buộc Juliet phải trở thành cô gái đồng trinh.

+ Say mê vẻ đẹp còn tuyệt vời hơn cả tạo hóa của Juliet.

Câu 4 trang 201 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Phân tích diễn biến tâm trạng của Giu-li-et để làm rõ tác giả đã miêu tả tuyệt vời tâm trạng người thiếu nữ đang yêu.

Trả lời:

Tâm trạng Giu-li-et:

+ Thông qua lời độc thoại nội tâm

+ Nàng bộc lộ nỗi lòng của mình “hãy thề yêu em đi”, “chỉ có dòng họ chàng là thù địch của em”

+ Tình yêu thể hiện mãnh liệt, không giấu diếm

+ Nàng đối đáp với Ro-me-o chắc chắn tin vào tình yêu của chàng dành cho mình

+ Nỗi lo lắng giằng xé tâm can Giu-li-et

+ Chấp nhận tình yêu và hướng về Ro-me-o

→ Ngôn ngữ sống động đầy chất thơ, nhà văn thể hiện được diễn biến nội tâm phức tạp của người đang yêu

=> Tình yêu mãnh liệt trong trắng vượt lên sự thù hận truyền kiếp của hai dòng họ.

Câu 5 trang 201 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Chứng minh rằng vấn đề "Tình yêu và thù hận" đã được giải quyết xong trong mười sáu lời thoại này.

Trả lời:

- Vấn đề thù hận: Thù hận không xuất hiện như một thế lực cản trở tình yêu mà thù hận chỉ hiện qua dòng suy nghĩ của các nhân vật, song không phải là động lực chi phối hành động của nhân vật.

- Tình yêu của hai người có thể vượt qua được hận thù thể hiện trong lời thoại thứ 13 và 15 trong đoạn trích

- Tình yêu trong sáng diễn ra trên cái nền của thù hận. Thù hận bị đẫy lùi chỉ còn lại tình đời, tình người bao la, phù hợp với lí tưởng nhân văn.

Như vậy, có thể nói vấn đề tình yêu và thù hận đã được giải quyết dứt khoát qua 16 lời thoại.

Soạn bài Tình yêu và thù hận phần Luyện tập

Câu 1 luyện tập trang 201 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Qua đoạn trích "Tình yêu và thù hận", chứng minh rằng: "Ca ngợi tình yêu chân chính của con người cũng chính là khẳng định con người".

Trả lời:

- Bình luận câu nói trên: tình yêu là vấn đề muôn thuở của văn học, của con người trong mọi thời đại, trong mọi nền văn học. Nói đến con người là nói đến khát vọng tình yêu bởi vì tình yêu là tình cảm thiêng liêng, thể hiện con người và tâm hồn con người một cách sinh động và chính xác nhất. Cho nên, ca ngợi tình yêu chân chính của con người cũng là khẳng định con người. Đây là một ý kiến đúng đắn.

- Phân tích và chứng minh câu nói trên qua đoạn trích Tình yêu và thù hận. Phân tích tình yêu say đắm của hai nhân vật qua diễn biến câu chuyện và qua các lời thoại.

Câu 2 luyện tập trang 201 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Nhập vai Rô-mê-ô và Giu-li-ét, trình bày lại cảnh gặp gỡ qua hình thức một màn kịch ngắn.

Gợi ý: Tham khảo kịch bản sau:

Giu-li-ét (nói một mình): Ôi chao!

Rô-mê-ô: Nàng đã lên tiếng! Hỡi nàng tiên lộng lẫy, hãy nói nữa đi! Bởi đêm nay, nàng tỏa ánh hào quang trên đầu ta như một sứ giả nhà trời có cánh, cưỡi những áng mây lững lờ lướt nhẹ trên không trung, khiến những kẻ trần tục phải cố ngước mắt lên mà chiêm ngưỡng !

Giu-li-ét: Ôi, Rô-mê-ô, chàng Rô-mê-ô! Sao chàng lại là Rô-mê-ô nhỉ? Chàng hãy khước từ cha chàng và từ chối dòng họ của chàng đi! Hoặc nếu không thì chàng hãy thề là yêu em đi; em sẽ không còn là con cháu nhà Ca-piu-lét nữa!
Rô-mê-ô (nói một mình): Mình cứ lắng nghe thêm nữa hay lên tiếng nhỉ ?

Giu-li-ét: Chỉ có tên họ chàng là thù địch với em thôi. Nếu chẳng phải là người dòng họ Môn-ta-ghiu thì chàng cũng vẫn là chàng… Chàng ơi, hãy mang tên họ nào khác đi! Cái tên nó có nghĩa gì đâu! Bông hồng kia, giá chúng ta gọi nó bằng một tên khác thì hương thơm cũng vẫn ngọt ngào. Vậy nếu chàng Rô-mê-ô chẳng mang tên Rô-mê-ô nữa thì mười phân chàng cũng vẫn vẹn mười. Rô-mê-ô chàng ơi, chàng hãy vứt bỏ tên họ của chàng đi ! Chàng hãy đem tên họ ấy, nó đâu phải là xương thịt của chàng, đổi lấy cả em đây !

Rô-mê-ô

(nói to): Đúng là miệng nàng nói đấy nhé! Chỉ cần nàng gọi tôi là người yêu, tôi sẽ thay tên đổi họ. Từ nay, tôi sẽ không còn là Rô-mê-ô nữa !

Giu-li-ét: Rô-mê-ô chàng ơi! Sao chàng lại vào được chốn này và vào làm gì thế? Tường vườn này cao, rất khó vượt qua và sẽ là nơi tử địa nếu chàng bị người nhà em bắt gặp nơi đây.

Rô-mê-ô: Tôi vượt được tường cao là nhờ đôi cánh nhẹ nhàng của tình yêu. Mấy bức tường đá làm ngăn sao được tình yêu?! Mà cái gì tình yêu có thể làm là tình yêu dám làm. Vậy người nhà em ngăn sao nổi tôi ?!

Giu-li-ét: Chàng ơi, em lo sợ quá! Nếu bắt gặp, họ sẽ giết chết chàng!

Rô-mê-ô: Giu-li-ét nàng ơi! Ánh mắt của nàng còn nguy hiểm cho tôi hơn hai chục lưỡi kiếm của họ. Nàng hãy nhìn tôi âu yếm là tôi chẳng ngại gì lòng hận thù của họ nữa đâu !

Giu-li-ét: Em chẳng đời nào muốn họ bắt gặp chàng, Rô-mê-ô ạ! Chàng hãy mau mau rời khỏi nơi này! Chúng ta sẽ gặp nhau sau nhé chàng !

Soạn bài Tình yêu và thù hận chi tiết

Gợi ý trả lời các câu hỏi đọc hiểu và luyện tập soạn bài Tình yêu và thù hận chi tiết trang 201 SGK Ngữ văn 11 tập 1.

Đọc - hiểu văn bản

Bài 1 trang 201 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Đoạn trích có mười sáu lời thoại. Sáu lời thoại đầu có gì khác biệt với những lời thoại sau? Hình thức của những lời thoại đó là gì?

Trả lời:

- Từ lời thoại 1 đến lời thoại 7 là độc thoại của hai nhân vật. Tác giả để hai nhân vật tự nhiên bộc lộ tình cảm của mình, qua đó thể hiện mối tình say đắm của hai người.

- Từ lời thoại 8 đến lời thoại 16 là lời đối thoại giữa hai người. Những lời đối thoại ấy vẫn là lời trực tiếp thể hiện tình cảm. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật cũng đầy chất thơ. Rômêô đã dùng một loạt hình ảnh so sánh tuyệt vời nhất để miêu tả vẻ đẹp của nàng Giuliet. “Nguyên là hai ngôi sao đẹp nhất bầu trời có việc phải đi vắng đã tha thiết nhờ mắt nàng lấp lánh chờ đến lúc sao về”.

Vượt lên mọi ràng buộc, mọi quy định của gia đình quý tộc, nàng Giuliet dám nói lên một cách thành thực tình yêu chân thành say đắm của mình, “Chàng Môngtaghiu tuấn tú ơi, em yêu chàng say đắm; … ngờ em là kẻ trăng hoa”. Lời nói của Giuliet cũng là lời tuyên ngôn của những người trẻ tuổi.

Lời thề hẹn của họ đã chứng tỏ những thế lực và xiềng xích của những hủ tục, thành kiến của mối quan hệ phong kiến đã dần mất tác dụng. Nó đang bị phá bỏ hoặc tự tan rã. Thời đại trung cổ đã qua đi, con người đã được giải phóng khỏi những quy tắc hà khắc vô lí. Bút pháp lãng mạn và chất liệu hiện thực đã tạo nên một mối tình đẹp và Rô-mê-ô và Giu-li-et.

Bài 2 trang 201 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Tìm những cụm từ chứng minh tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-et diễn ra trong bối cảnh hai dòng họ thù địch.

Trả lời:

Tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-et diễn ra trong hai hoàn cảnh dòng họ có mối thù hận truyền kiếp. Tính chất thù hận của hai dòng họ được phản ánh trong lời thoại của Giu-li-et và Rô-mê-ô. Cả hai đều nhận thức được cái tình cảnh oái oăm, cái hoàn cảnh thù địch mà họ bị đặt vào.

- Lời thoại của Rô-mê-ô: nàng tiên lộng lẫy, nàng tiên kiều diễm, nàng tiên yêu quý của tôi ơi, đôi cánh nhẹ nhàng của tình yêu; tôi thù ghét cái tên tôi, vì nó là kẻ thù của em,...

- Lời thoại của Giu-li-ét: ...em sẽ không còn là con cháu nhà Ca-piu-lét nữa. Chàng ơi! Hãy mang tên họ nào khác đi... chàng hãy vứt bỏ tên họ của chàng đi. Chỉ có tên họ chàng là thù địch của em như thế nào...

Bài 3 trang 201 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Phân tích diễn biến tâm trạng của Rô-mê-ô qua hình thức so sánh liên tưởng trong lời thoại đầu tiên của nhân vật này.

Trả lời:

- Đây là lời thoại dài nhất và là lời thoại độc thoại nội tâm của nhân vật. Lời thoại được viết rất trau chuốt với nhiều hình ảnh đẹp, nhiều liên tưởng độc đáo, thú vị, những so sánh bất ngờ, táo bạo. Tất cả nhằm bộc lộ tâm trạng yêu đương nồng cháy, đam mê, ngỡ như không có gì cản được của Rô-mê-ô khi trèo tường đến bên dưới phòng ngủ của Giu-li-ét.

- Trong tâm trạng đó, Rô-mê-ô chỉ còn nhìn thấy một điều đó là Giu-li-ét đẹp như một nàng tiên lộng lẫy át cả vẻ đẹp của trăng sao trên bầu trời; chỉ còn biết làm một việc duy nhất là tìm những lời đẹp đẽ nhất, những hình ảnh rực rỡ nhất để ca ngợi nhan sắc tuyệt mĩ của nàng.

- Đây là tâm trạng của chàng trai mà tình yêu đầy ắp trong tim, đã trào ra và tuôn chảy ào ạt như một khúc nhạc ái tình nồng nàn, ngây ngất, đắm say.

Bài 4 trang 201 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Phân tích diễn biến tâm trạng của Giu-li-et để làm rõ tác giả đã miêu tả tuyệt vời tâm trạng người thiếu nữ đang yêu.

Trả lời:

Tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-et nảy sinh trong một hoàn cảnh rất éo le, đó là mối hận thù truyền kiếp của hai dòng họ. Vì thế tâm trạng của Giu-li-et sau buổi găp gỡ diễn biến rất phức tạp. Nó diễn biến qua các chặng sau:

+ Thổ lộ tình yêu mãnh liệt với Rô-mê-ô và những lo lắng tình yêu của mình sẽ gặp trở ngại.

+ Vô tình thổ lộ tình yêu của mình vì không biết Rô-mê-ô đang đứng trong vườn. Nàng lo lắng cho người yêu.

+ Nàng tin tưởng vào tình yêu của Rô-mê-ô và luôn lo lắng cho sự an nguy của chàng.

Giu-li-et cũng yêu Rô-mê-ô tha thiết, nhưng với trái tim phụ nữ nhạy cảm nàng lo lắng cho mối tình đầy ngang trái của mình. Song tâm trạng của Giu-li-et cho thấy nàng là một cô gái có trái tim biết yêu say đắm, nàng sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để giành lấy tình yêu cho mình.

Bài 5 trang 201 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Chứng minh rằng vấn đề "Tình yêu và thù hận" đã được giải quyết xong trong mười sáu lời thoại này.

Trả lời:

Vấn đề thù hận dòng họ: thái độ của Rô-mê-ô rất kiên quyết. Ba trên năm lời đối thoại của Rô-mê-ô thể hiện thái độ dứt khoát của chàng trong việc giải quyết dứt điểm vấn đề thù hận: Tôi sẽ thay đổi tên họ; sẽ xé nát cái tên đó vì nó là kẻ thù của em; chẳng phải Rô-mê-ô cũng chẳng phải Môn-ta-ghiu, nếu em không ưa tên họ đó.

Tình yêu có sức mạnh to lớn, có thể vượt qua được hận thù thể hiện trong lời thoại thứ 13 và 15 trong đoạn trích. Các câu như cái gì tình yêu có thể làm là tình yêu dám làm; em hãy nhìn tôi âu yếm là tôi chẳng ngại gì lòng thù hận của dòng họ nữa đâu thể hiện ý chí vượt qua tất cả để đến với tình yêu của Rô-mê-ô.

=> Tình yêu trong sáng diễn ra trên cái nền của thù hận. Thù hận bị đẩy lùi chỉ còn lại tình đời, tình người bao la, phù hợp với lí tưởng nhân văn.

Như vậy, có thể nói vấn đề tình yêu và thù hận đã được giải quyết dứt khoát qua 16 lời thoại, và trên tinh thần các lời thoại đó của hai nhân vật Rô-mê-ô và Giu-li-ét thì tình yêu đã chiến thắng hận thù. Đó là bản chất, sức mạnh, vẻ đẹp của tình yêu con người mà Uy-li-am Sếch-xpia đã ca ngợi trong đoạn trích cũng như trong toàn bộ vở kịch.

Soạn bài Tình yêu và thù hận phần Luyện tập

Bài 1 luyện tập trang 201 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Qua đoạn trích "Tình yêu và thù hận", chứng minh rằng: "Ca ngợi tình yêu chân chính của con người cũng chính là khẳng định con người".

Trả lời:

- Giải thích câu nói:

Nhận xét: "Ca ngợi tình yêu chân chính của con người cũng chính là khẳng định con người" cần được hiểu một cách thấu đáo. Có thể nói, trước hết, tình yêu có sức mạnh nối kết con người lại với nhau, xoá đi mọi thành kiến lạc hậu hay hận thù chia rẽ con người. Tình yêu sau nữa còn nâng đỡ, cổ vũ cho con người, tạo nên lẽ sống: "Sống là yêu thương". Tình yêu, do đó, thực hiện chức năng bảo vệ và gìn giữ cho cuộc sống, giúp cuộc sống phát triển. Song đó phải là tình yêu chân chính.

Tình yêu là vấn đề muôn thuở của văn học, của con người trong mọi thời đại, trong mọi nền văn học. Nói đến con người là nói đến khát vọng tình yêu bởi vì tình yêu là tình cảm thiên liêng, thể hiện con người và tâm hồn con người một cách sinh động và chính xác nhất. Cho nên, ca ngợi tình yêu chân chính của con người cũng là khẳng định con người. Đây là một ý kiến đúng đắn.

- Phân tích và chứng minh câu nói trên qua đoạn trích Tình yêu và thù hận. Phân tích tình yêu say đắm của hai nhân vật qua diễn biến câu chuyện và qua các lời thoại.

+ Tình yêu của hai người dành cho nhau rất nồng thắm: qua những lời hội thoại của hai người, qua diễn biến tâm lí của cả hai.

+ Tình yêu đó của họ đã vượt lên trên những hận thù gia tộc để quyết tâm đến với nhau.

>> Tham khảo bài văn mẫu: Chứng minh Ca ngợi tình yêu chân chính của con người cũng chính là khẳng định con người

Bài 2  trang 201 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Nhập vai Rô-mê-ô và Giu-li-ét, trình bày lại cảnh gặp gỡ qua hình thức một màn kịch ngắn.

Tham khảo lại phần kịch bản ở phần hướng dẫn soạn bài Tình yêu và thù hận ngắn nhất phía trên.

Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm

I. Tác giả

- Uy-li-am Sếch-xpia (1563 - 1616) là nhà thơ, nhà viết kịch thiên tài của nước Anh và của nhân loại thời Phục hưng. Ông sinh ra tại thị trấn Xtơ-rét-phớt Ê-vơn miền Tây Nam nước Anh.

- Năm 1578: khi nhà sa sút, ông phải thôi học

- Năm 1585, ông lên thủ đô kiếm sống và giúp việc cho đoàn kịch. Lúc này nước Anh đang trong gia đoạn phồn thịnh, là mảnh đất thuận lợi cho lí tưởng nhân văn phát triển.

- Ông đã từ một chân giữ ngựa ở rạp hát đến người nhắc vở rồi diễn viên và cuối cùng trở thành nhà viết kịch nổi tiếng.

- Ông đã để lại 37 vở kịch gồm: kịch lịch sử, bi kịch và hài kịch mà phần lớn là kiệt tác của văn học nhân loại

- Tác phẩm của ông là tiếng nói của lương tri tiến bộ, của khát vọng tự do, của lòng nhân ái bao la và của niềm tin bất diệt vào khả năng hướng thiện và khả năng vươn dậy để khẳng định cuộc sống con người.

II. Tác phẩm

Rô-mê-ô và Giu-li-et là vở kịch nổi tiếng đầu tiên của tác giả, được viết vào khoảng những năm 1584 -1585, gồm 5 hồi bằng thơ xen lẫn văn xuôi, dựa trên câu chuyện có thật về mối thù hận của hai dòng họ Môn-ta-ghiu và Ca-piu-lét, tại Vê-rô-na (Italia) thời trung cổ.

- Đoạn trích Tình yêu và thù hận thuộc hồi 2 lớp 2 của vở kịch Rô-mê-ô và Giu-li-et.

- Tóm tắt vở kịch:

Rô-mê-ô và Giu-li-ét được viết vào khoảng 1594-1595, dựa trên một cốt truyện có sẵn kể về một mối tình oan trái vốn là câu chuyện có thật, từng xảy ra ở Ý thời Trung Cổ. Câu chuyện bắt đầu tại thành Vê-rô-na, hai dòng họ Môn-ta-ghiu và Ca-piu-lét có mối hận thù lâu đời. Rô-mê-ô - con trai họ Môn-ta-ghiu và Giu-li-ét - con gái họ Ca-piu-lét đã yêu nhau say đắm ngay từ cái nhìn đầu tiên tại buổi dạ tiệc tổ chức tại nhà Ca- piu-lét (do là dạ tiệc hoá trang nên Rô-mê-ô mới có thể trà trộn vào trong đó). Đôi trai gái này đã đến nhà thờ nhờ tu sĩ Lâu-rân bí mật làm lễ cưới. Đột nhiên xảy ra một sự việc: do xung khắc, anh họ của Giu-li-ét là Ti-bân đã giết chết người bạn rất thân của Rô-mê-ô là Mơ-kiu-xi-ô. Để trả thù cho bạn, Rô-mê-ô đã đâm chết Ti-bân. Mối thù giữa hai dòng họ càng trở nên sâu sắc. Vì tội giết người nên Rô-mê-ô bị trục xuất khỏi Vê-rô-na và bị đi đày biệt xứ. Tưởng như mối tình của Rô-mê-ô và Giu-li-ét bị tan vỡ khi Rô-mê-ô đi rồi, Juliet bị cha mẹ ép gả cho bá tước Pa-rít. Giu-li-ét cầu cứu sự giúp đỡ của tu sĩ Lâu-rân. Tu sĩ cho nàng uống một liều thuốc ngủ, uống vào sẽ như người đã chết, thuốc có tác dụng trong vòng 24 tiếng. Tu sĩ sẽ báo cho Rô-mê-ô đến hầm mộ cứu nàng trốn khỏi thành Vê-rô-na. Đám cưới giữa Giu-li-ét và Pa-rít trở thành đám tang. Xác Giu-li-ét được đưa xuống hầm mộ. Tu sĩ chưa kịp báo cho Rô-mê-ô thì từ chỗ bị lưu đày nghe tin Giu-li-ét chết, Rô-mê-ô đau đớn trốn về Vê-rô-na. Trên đường về chàng kịp mua một liều thuốc cực độc dành cho mình. Tại nghĩa địa, gặp Pa-rít đến viếng Giu-li-ét, Rô-mê-ô đâm chết Pa-rít rồi uống thuốc độc tự tử theo người mình yêu. Rô-mê-ô vừa gục xuống thì thuốc của Giu-li-ét hết hiệu nghiệm. Nàng tỉnh dậy và nhìn thấy xác Rô-mê-ô bên cạnh đã tuyệt vọng, Giu-li-ét rút dao tự vẫn. Cái chết tang thương của đôi bạn trẻ đã thức tỉnh hai dòng họ. Bên xác hai người, hai dòng họ đã quên mối thù truyền kiếp và bắt tay nhau đoàn tụ, nhưng câu chuyện tình yêu ấy vẫn mãi sẽ là nỗi đau rất lớn trong lòng những người biết đến họ.

Tổng kết

  • Rô-mê-ô vù Giu-li-ét là một trong số những vở kịch nổi tiếng nhất của Sếch- xpia. Dựa vào câu chuyện về món nợ máu truyền kiếp của haị dòng họ Môn-ta-ghiu yà Ca-piu-lét xảy ra thời trung cổ, tại thành phố Vê-rô-na (I-ta-li-a), Sếch-xpia đã xây dựng thành một bi kịch tình yêu và cho ra mắt công chúng lần đầu tiên vào năm 1595.
  • Thông qua câu chuyện tình yêu vượt lên trên thù hận của Rô-mê-ô và Giu-li-ét, tác giả ca ngợi và khẳng định vẻ đẹp của tình người, tình đời theo lí tưởng của chủ nghĩa nhân văn.

//Trên đây là nội dung chi tiết bài soạn Tình yêu và thù hận của Uy-li-am Sếch-xpia do HocOn247 tổng hợp và biên soạn. Hi vọng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 11 bài Tình yêu và thù hận này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Tình yêu và thù hận một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.


TẢI VỀ

(395) 1318 04/08/2022