Bài 1 trang 145 SGK Ngữ văn 9 tập 1
Hướng dẫn chi tiết trả lời bài 1 trang 145 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 1 phần trả lời câu hỏi đọc - hiểu văn bản, soạn bài Bếp lửa ngắn gọn nhất giúp các em ôn tập tốt kiến thức trước khi tới lớp.
Đề bài
Bài thơ là lời của nhân vật nào, nói về ai và về điều gì? Dựa vào mạch tâm trạng của nhân vật trữ tình, em hãy nêu bố cục của bài thơ.
Trả lời bài 1 trang 145 SGK Ngữ văn 9 tập 1
Câu trả lời tham khảo
Trả lời chi tiết
- Bài thơ là lời của người cháu (nhà thơ) xa quê nhớ về bà của mình trong những năm tháng đi du học ở Liên Xô. Nhà thơ nhớ da diết cái “bếp lửa” của bà và những kỉ niệm về bà, tình yêu thương tha thiết mà bà đã dành cho cháu trong những ngày gian khổ, qua đó nói lên lòng kính yêu và những suy ngẫm về bà:
“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm...”
Bài thơ được mở ra với hình ảnh bếp lửa, từ đó gợi về những kỉ niệm tuổi thơ sống bên bà tám năm ròng, làm hiện lên hình ảnh bà với sự chăm sóc, lo toan vất vả và tình yêu thương trìu mến dành cho đứa cháu. Từ kỉ niệm, đứa cháu nay đã trưởng thành suy ngẫm và thấu hiểu về cuộc đời bà, về lẽ sống giản dị mà cao quý của bà. Cuối cùng, người cháu muốn gửi niềm nhớ mong về với bà. Mạch cảm xúc của bài thơ là đi từ hồi tưởng này đến hiện tại, từ kỉ niệm đến suy ngẫm.
- Bố cục bài thơ.
+ Câu 1 - câu 3: Hình ảnh bếp lửa khơi nguồn cho dòng hồi tưởng cảm xúc về bà.
+ Câu 4 - câu 29: Hồi tưởng những kỉ niệm tuổi thơ sống bên bà và hình ảnh bà gắn liền với hình ảnh bếp lửa.
+ Câu 30 - câu 37: Suy ngẫm về bà và cuộc đời bà.
+ Câu 38 – câu 41: Lòng thương nhớ bà không nguôi.
Trả lời ngắn gọn
– Bài thơ là lời của người cháu kể về những kỉ niệm với người bà của mình
– Bố cục:
+ Phần 1 (khổ thơ đầu): Hình ảnh bếp lửa gợi nỗi nhớ về bà của người cháu.
+ Phần 2 (bốn khổ thơ tiếp theo): Những kí ức tuổi thơ khi còn sống cùng bà và hình ảnh bà gắn liền với bếp lửa.
+ Phần 3 (khổ thơ tiếp theo): Suy ngẫm của người cháu về cuộc đời bà.
+ Phần 4 (khổ thơ cuối): Tình cảm của cháu dành cho bà dù đã khôn lớn, đã rời xa vòng tay chở che của bà.
Tham khảo thêm cách trình bày khác cho nội dung câu hỏi bài 1 trang 145 SGK
Bài thơ là lời của nhân vật người cháu, nói về lòng kính yêu của cháu với bà. Bài thơ có bố cục như sau:
- Ba dòng thơ đầu: Hình ảnh bếp lửa khơi nguồn cho dòng hồi ức về bà.
- Bốn khổ tiếp theo: Hồi tưởng những kỉ niệm về tuổi thơ gắn liền với hình ảnh bếp lửa.
- Hai khổ tiếp theo: Những suy ngẫm của cháu về bà
- Khổ cuối: Tình cảm của người cháu đi xa không nguôi nhớ về bà.
Hoặc
a, Bài thơ là lời của người cháu về bà, tình cảm tha thiết yêu thương bà đã dành cho cháu trong tuổi thơ.
b, Bài thơ có bố cục bốn phần:
- Khổ thơ đầu: Hình ảnh bếp lửa đã khơi nguồn cho dòng hồi tưởng cảm xúc về bà
- Bốn khổ thơ tiếp theo: Hồi tưởng những kỉ niệm tuổi thơ sống bên bà, hình ảnh bà gắn với hình ảnh bếp lửa
- Hai khổ tiếp: Suy ngẫm về bà và cuộc đời bà
- Khổ cuối: Tình cảm của người cháu dành cho bà khi cháu trưởng thành, đi xa nhà.
-------------
Trên đây là gợi ý trả lời câu hỏi bài 1 trang 145 SGK ngữ văn 9 tập 1 được Đọc tài liệu biên soạn chi tiết giúp các em soạn bài Bếp lửa trong chương trình soạn văn 9 tốt hơn trước khi đến lớp.