Bài 2 trang 51 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Trả lời câu hỏi bài 2 trang 51 SGK Ngữ văn 9 tập 1, soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương ngữ văn 9: Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong hoàn cảnh nào...
(418) 1392 04/08/2022

Hướng dẫn chi tiết trả lời bài 2 trang 51 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 1 phần trả lời câu hỏi đọc - hiểu, soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương ngắn gọn nhất giúp các em chuẩn bị tốt kiến thức trước khi tới lớp.

Đề bài

Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong hoàn cảnh nào? Ở từng hoàn cảnh, Vũ Nương bộc lộ những đức tính gì?

Trả lời bài 2 trang 51 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Tham khảo một số cách trình bày mà Đọc tài liệu biên tập dưới đây:

Cách trình bày 1

Tác giả đã đặt nhân vật Vũ Nương vào nhiều hoàn cảnh khác nhau với từng hoàn cảnh, tác giả lại sử dụng những lời lẽ đẹp đẽ để thể hiện tính cách đáng yêu, đáng quý trong cách cư xử của nàng.

- Cảnh 1: Trong cuộc sống vợ chồng bình thường: Nàng đã xử sự như thế nào trước tính hay ghen của Trường Sinh? ("Giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hoà").

- Cảnh 2: Khi tiễn chồng đi lính: Lời dặn dò đầy tình nghĩa của Vũ Nương: không trông mong vinh hiển, chỉ cầu cho chồng bình an trở về, cảm thông những nỗi vất vả, gian lao của chồng, nói lên nỗi khắc khoải nhớ nhung của mình.

- Cảnh 3: Khi xa chồng: Vũ Nương là người thủy chung, yêu chồng tha thiết, nỗi buồn nhớ cứ dài theo năm tháng. Nàng còn là mẹ hiền, dâu thảo, một mình vừa nuôi con nhỏ, vừa tận tình chăm sóc mẹ già những lúc yếu đau, lo thuốc thang, cầu khấn thần phật, và lúc nào cũng dịu dàng, ân cần "lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn". Trong lời trăn trối của bà mẹ chồng, thể hiện sự ghi nhận nhân cách và đánh giá cao công lao của nàng đối với gia đình nhà chồng. “Nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình”.

- Cảnh 4: Khi bị chồng nghi oan: Ở đây có ba lời thoại của Vũ Nương:

+/ Lời thoại 1: Phân trần để chồng hiểu rõ tấm lòng mình. Vũ Nương nói đến thân phận mình, tình nghĩa vợ chồng và khẳng định tấm lòng thủy chung, trong trắng, cầu xin chồng đừng nghi oan. Qua đó ta thấy nàng đã hết lòng tìm cách hàn gắn cái hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ tan vỡ.

+/ Lời thoại 2: Nói lên nỗi đau đớn, thất vọng khi không hiểu vì sao lại bị đối xử bất công, bị "mắng nhiếc,... và đánh đuổi đi, không có quyền được tự bảo vệ, ngay cả khi có “họ hàng làng xóm bênh vực và biện bạch cho”. Hạnh phúc gia đình (“thú vui nghị gia nghi thất”), niềm khao khát của cả đời nàng đã tan vỡ, tình yêu không còn ("bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió..."), cả nỗi đau khổ chờ chồng đến thành hoá đá trước đây cũng không còn có thể làm lại được nữa (đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa").

+/ Lời thoại 3: Thất vọng đến tột cùng, cuộc hôn nhân đã đến độ không thể nào hàn gắn được, Vũ Nương đành mượn dòng nước con sông quê hương để giải tỏ tấm lòng trong trắng của mình, nàng “tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang, ngửa mặt lên trời mà than rằng...”. Lời than như một lời nguyền, xin thần sông chứng giám nỗi oan khuất và tiết sạch giá trong của nàng. Tình tiết được sắp xếp đầy kịch tính. Vũ Nương bị dồn đẩy đến bước đường cùng. Hành động tự trẫm mình của nàng là một hành động quyết liệt cuối cùng để bảo toàn danh dự, có nỗi tuyệt vọng nhưng cũng có sự chỉ đạo của lí trí, không phải là hành động bột phát trong cơn nóng giận.

Sau khi phân tích qua cả bốn tình huống, ta thấy Vũ Nương là một người phụ nữ xinh đẹp, nết na, hiền thục, lại đảm đang, tháo vát, thờ kính mẹ chồng rất mực hiếu thảo, một dạ thủy chung với chồng, hết lòng vun đắp hạnh phúc gia đình. Một con người như thế đáng ra phải được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, vậy mà lại phải chết một cách oan uổng, đau đớn.

Cách trình bày 2

Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong các hoàn cảnh khác nhau. Trong hoàn cảnh nào nàng cũng thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của mình.

  • Trong cuộc sống vợ chồng bình thường nàng luôn “giữ gìn khuôn phép, không lúc nào để vợ chồng phải đến thất hòa”. Lời dặn dò khi chồng đi lính thật ân tình, đằm thắm, làm mọi người xúc động.
  • Khi chồng đăng lính, nàng không nguôi thương nhớ và chỉ mong chồng bình yên trở về. Khi xa chồng, Vũ Nương là người vợ thủy chung yêu chồng tha thiết. Nỗi buồn nhớ của nàng cứ dài theo năm tháng. Nàng còn là người mẹ hiền, dâu thảo, một mình vừa nuôi con nhỏ, vừa tận tình chăm sóc mẹ chồng yếu đau. Lời trăng trối của bà mẹ chồng trước khi chết thể hiện sự ghi nhận nhân cách và đánh giá cao công lao của nàng đối với gia đình.
  • Khi chồng nghi oan cho minh, nàng cô" tìm cách thanh minh, nhưng không kết quả. Nàng đã tìm đến cái chết để giải thoát. Nhìn chung trong các hoàn cảnh, Vũ Nương thể hiện là người phụ nữ đẹp người, đẹp nết, có đủ các phẩm chất mà xã hội phong kiến đòi hỏi ở người phụ nữ: công, dung, ngân, hạnh. Nàng chỉ có một mục đích duy nhất là vun đắp cho hạnh phúc gia đình. Những ngươi như nàng lẽ ra phải được hưởng hạnh phúc, nhưng lại phải chết một cách oan uổng, đau đớn. Hành động tự trẫm mình của nàng là một hành động quyết liệt cuối cùng để bảo toàn danh dự.

Tóm lại, qua các hoàn cảnh, nhân vật Vũ Nương hiện lên là một người phụ nữ hiền thục, một người vợ thuỷ chung, yêu thương chồng con hết mực, một người con dâu hiếu thảo, hết lòng vì cha mẹ, gia đình, đồng thời cũng là người phụ nữ coi trọng danh dự, phẩm hạnh, quyết bảo vệ sự trong sạch của mình.

Cách trình bày 3

Tác giả khắc họa vẻ đẹp tâm hồn Vũ Nương, đặt nhân vật vào những hoàn cảnh khác nhau để miêu tả

- Trong mối quan hệ vợ chồng trong cuộc sống hằng ngày, nàng không để xảy ra mối bất hòa

- Tiếp đến, tác giả đặt Vũ Nương vào trong tình huống chia li: khi tiễn chồng đi lính, nàng bày tỏ sự thương nhớ, mong chồng bình yên

- Khi vắng chồng, Vũ Nương là một người vợ thủy chung, người mẹ hiền, dâu thảo, hết lòng vì gia đình

  • Chăm sóc bé Đản
  • Lo thuốc thang cho mẹ chồng khi đau ốm, lo ma chay chu đáo khi mẹ chồng mất

- Khi bị nghi oan, Vũ Nương cố thanh minh để chồng hiểu nhưng không được

  • Nàng chọn cái chết để minh oan cho tấm lòng trinh bạch của mình

→ Nhân vật Vũ Nương là người vợ thủy chung, yêu thương chồng con hết mực

- Nhân vật Vũ Nương hiện lên là người phụ nữ hiền thục, một người vợ thủy chung, yêu thương chồng con, phụ nữ coi trọng danh dự, nhân phẩm trong sạch của mình.

-------------

Các em vừa tham khảo cách trả lời bài 2 trang 51 SGK ngữ văn 9 tập 1 được HocOn247 tổng hợp và biên soạn giúp em chuẩn bị bài và soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương tốt hơn trước khi đến lớp.

Còn rất nhiều những bài tập khác thuộc chương trình soạn văn 9 đã được chúng tôi biên soạn. Hãy thường xuyên truy cập vào trang để cập nhật nhé.


(418) 1392 04/08/2022