Soạn bài Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh
Muốn soạn bài Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh? Bạn đừng bỏ qua bài viết này...
Không chỉ hướng dẫn trả lời các câu trong sách giáo khoa, bài soạn này còn giúp bạn nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học này.
Cùng tham khảo....
Hướng dẫn soạn bài Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh chi tiết
Hướng dẫn trả lời câu hỏi trang 63 sách giáo khoa Ngữ Văn 9 tập 1:
Đọc hiểu văn bản
1 - Trang 63 SGK
Thói ăn chơi xa xỉ của chúa Trịnh và các quan lại hầu cận được miêu tả thông qua những chi tiết nào? Hãy nhận xét về lời văn ghi chép sự việc của tác giả. Tại sao kết thúc đoạn văn miêu tả này, tác giả lại nói: "... kẻ thức giả biết đó là triệu bất tường" ?
Trả lời
Chúa cho xây dựng nhiều cung điện, đình đài ở các nơi để thỏa ý thích đi chơi, ngắm cảnh đẹp: Li cung Thụy Liên trên Tây Hồ, núi Từ Trầm, núi Dũng Thủy. Việc xây dựng đình đài cứ làm liên tục, hao tiền tốn của nhà nước vô cùng.
- Những cuộc chơi ở Tây Hồ được tác giả miêu tả tỉ mỉ diễn ra thường xuyên (mỗi tháng ba bốn lần), nhiều người hầu hạ (binh lính, thị thần, các quan hỗ tụng), nhiều trò giải trí tốn kém, lố lăng (bày trò mua bán quanh bờ hồ, bọn nhạc công hoà nhạc giúp vui).
- Chúa cho lệnh thu lấy những vật quý trong thiên hạ “trân cầm dị thú, cổ mộc, quái thạch, chậu hoa cây cảnh" đem về để tô điểm phủ Chúa.
Các chi tiết về cảnh vật và sự việc đưa ra được tác giả miêu tả và thuật lại một cách cụ thể, chân thực và khách quan, thể hiện đầy đủ bộ mặt ăn chơi xa xỉ của Chúa Trịnh và bọn quan lại hầu cận.
- Kết thúc đoạn văn, tác giả lại nói,... kẻ thức giả biết đó là triệu chứng bất thường. Cảnh là cảnh thực ở những khu vườn rộng đầy chim quý, thú lạ, cổ thụ lâu năm, đá có hình thù kì lạ... được tô điểm như bến bề, đầu non nhưng âm thanh lại gợi cảm giác ghê rợn: Mỗi khi đêm thanh cảnh vắng, tiếng chim kêu vượn hót vang khắp bốn bề hoặc nửa đêm ồn ào như trận mưa sa gió táp, vỡ tổ tan đàn...
Đây không còn là cảnh vui tươi yên bình mà tác giả xem đó là điềm chẳng lành như báo trước sự suy vong của một triều đại chỉ biết ăn chơi hưởng lạc trên mồ hôi, nước mắt của dân lành.
2 - Trang 63 SGK
Bọn quan lại hầu cận trong phủ chúa đã nhũng nhiễu dân bằng những thủ đoạn nào ? Tìm hiểu ý nghĩa đoạn văn cuối bài: "Nhà ta ở phường Hà Khẩu... cũng vì cớ ấy".
Trả lời
Thời Chúa Trịnh Sâm, bọn hoạn quan hầu cận trong phủ chúa rất được sủng ái bởi chúng có thể giúp chúa đắc lực trong việc bày các trò ăn chơi, hưởng lạc. Do thế, chúng cũng ỷ thế nhà chúa mà hoành hành, tác oai tác quái trong nhân dân. Bọn quan hầu cận trong phủ Chúa thừa gió bẻ măng, nhũng nhiễu người dân để dậm doạ lấy tiền. Thủ đoạn của chúng là hành động vừa ăn cướp, vừa la làng, người dân như thế là bị cướp của tới hai lần, bằng không thì cũng phải tự tay hủy bỏ của quý của mình. Đó là điều hết sức vô lí, bất công. Bọn hoạn quan vừa vơ vét để ních đầy túi tham, vừa được tiếng mẫn cán trong việc nhà chúa.
- Kết thúc đoạn văn miêu tả thủ đoạn của bọn hoạn quan này, tác giả kể lại một sự việc đã từng xảy ra ngay tại gia đình mình: Bà mẹ của tác giả đã phải sai chặt đi một cây lê và hai cây lựu quý, rất đẹp trong vườn nhà mình để tránh tai họa. Cách dẫn dắt câu chuyện như thế đã làm gia tăng đáng kể sức thuyết phục.
3* - Trang 63 SGK
Theo em, thể văn tuỳ bút trong bài có gì khác so với thể truyện mà các em đã học ở bài trước ?
Trả lời
Thể loại tùy bút nhằm ghi chép về những con người, những sự việc cụ thể, có thực, qua đó tác giả bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ, nhận thức, đánh giá của mình về con người và cuộc sống. Sự ghi chép ở đây là tùy theo cảm hứng chủ quan, có thể tản mạn, không cần gò bó theo hệ thống, kết cấu gì nhưng vẫn tuân theo một tư tưởng, cảm xúc chủ đạo (Ví dụ: Ở bài này là thái độ phê phán thói ăn chơi xa xỉ và tệ nhũng nhiễu nhân dân của bọn vua chúa và lũ quan lại hầu cận). Lối ghi chép của tùy bút giàu chất trữ tình hơn ở các loại ghi chép khác (ví dụ như bút kí, kí sự).
Còn thể loại truyện phản ánh cuộc sống thông qua số phận con người, có cốt truyện, nhân vật, theo một nghệ thuật diễn đạt nhất định, ví dụ: Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.
Luyện tập
Yêu cầu: Căn cứ vào bài Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh và cả bài đọc thêm dưới đây, hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày những điều em nhận thức được về tình trạng của đất nước ta vào thời vua Lê - chúa Trịnh cuối thế kỉ XVIII.
Trả lời
Đoạn văn tham khảo
Qua bài Chuyện cũ trong phủ Chúa Trịnh và bài đọc thêm có thể thấy được một bức tranh hiện thực đất nước ta vào thời vua Lê – chúa Trịnh (cuối thế kỉ XIII). Đó là thời kì chế độ phong kiến mục rỗng, thối nát. Vua chúa chỉ lo ăn chơi hưởng lạc, không chăm lo đến kinh tế. Bọn quan lại được vua chúa sùng ái thì ra sức vơ vét của dân. Đời sống nhân dân loạn lạc đói kém, vô cùng cơ cực. Đứng trước cảnh đất nước loạn lạc, người dân đói khổ, tác giả đã ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe. Những chi tiết đối lập giữa vua quan và nhân dân đã gây nên sự căm phẫn với những người đứng đầu đất nước thời đó và sự cảm thông, thương xót với số phận những người nông dân nhỏ bé.
Soạn bài Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh ngắn nhất
Nội dung dưới đây sẽ giúp các em nắm được các ý chính, qua đó áp dụng để tự hoàn thành bài soạn của mình một cách tốt nhất:
Đọc - hiểu văn bản
Bài 1 trang 63 SGK Ngữ văn 9 tập 1
- Thói ăn chơi xa xỉ của chúa Trịnh và các quan lại hầu cận được miêu tả qua những chi tiết:
- Xây dựng đền đài liên miên
- Bọn nội thần bày trò lố lăng, tốn kém: giải trò mua bán, bài trí dàn nhạc khắp nơi
- Thói ngao du vơ vét sản vật quý của dân
- Lời văn ghi chép sự việc của tác giả mang tính khách quan, không thể hiện quá nhiều, bởi những sự việc mà tác giả kể lại đã đủ bóc trần bản chất xã hội và cho người đọc thấy được thái độ của tác giả.
- Kết thúc đoạn văn miêu tả này, tác giả nói : “… kẻ thức giả đó biết là triệu bất tường”, đây chính là lời dự báo về một thảm họa ắt sẽ xảy ra nếu xã hội vẫn cứ hỗn loạn như thế này.
Bài 2 trang 63 SGK Ngữ văn 9 tập 1
Bọn quan lại hầu cận trong phủ chúa: làm càn tác oai tác quái trong dân gian
- Hoạn quan, quan lại tham lam, mượn tay nhà chúa để vơ vét của cải trong dân chúng
- Chúng thấy ở đâu có chim tốt khướu hay, chậu hoa cây cảnh thì biên hai chữ “phụng thủ”
- Thủ đoạn: vừa ăn cắp vừa la làng
- Người dân bị cướp bóc, không thì phải tự tay hủy bỏ của quý của mình
→ Hiện trạng vô lí, bất công
- Chính gia đình tác giả cũng phải tự tay chặt cây lê, và hai cây lựu trắng quý hiếm tránh tai vạ
→ Đoạn văn được tác giả kể lại một cách một cách sinh động, chân thực. Cảm xúc của tác giả được gửi gắm một cách kín đáo.
Bài 3 trang 63 SGK Ngữ văn 9 tập 1
Theo em, sự khác nhau giữa thể tùy bút và thể truyện là:
- Thể truyện: thường phải có cốt truyện và nhân vật, có thể là thật hoặc do tác giả tưởng tượng. Nhân vật trong truyện được xây dựng qua ngoại hình, tính cách, tâm lí,… Truyện thường phản ánh hiện thực qua bức tranh mở rộng của đời sống qua những sự kiện, biến cố xảy ra trong cuộc đời của nhân vật.
- Thể tùy bút: ghi chép tùy hứng, tản mạn những sự việc có thật, nhưng không theo một cốt truyện nào. Qua đó, người viết chú trọng bộc lộ thái độ, cảm xúc, suy tư, nhận thức, đánh giá của mình về con người và cuộc sống.
Luyện tập
Bài luyện tập trang 63 SGK Ngữ văn 9 tập 1
Đất nước vào thời vua Lê - chúa Trịnh cuối thế kỉ XVIII rơi vào tình cảnh khốn cùng, hỗn độn. Vua chúa ăn chơi, hưởng lạc, sống cuộc sống xa hoa. Phủ chúa đầy những loại chim quý, thú lạ, cây cổ thụ… những Người đứng đầu triều đình, không chăm lo việc triều chính, bỏ mặc dân chúng. Bọn quan lại ỷ vào điều đó hành động, nhũng nhiễu. Đến cả những nhà giàu cũng không yên với chúng. Nhân dân khắp chốn làm than, đói khổ.
Kiến thức cơ bản
1. Chuyện cũ trong Phủ Chúa Trịnh ghi chép về cuộc sống ở phủ Chúa thời Trịnh Vương Trịnh Sâm. Lúc mới lên ngôi, Trịnh Vương (1742 – 1782) là con người “cứng rắn, thông minh, quyết đoán, sáng suốt, trí tuệ hơn người nhưng sau khi đã dẹp yên được các phe phái chống đối, lập lại kỉ cương thì “dần dần sinh bụng kiêu căng, xa xỉ, phi tần thị nữ kén vào rất nhiều, mặc ý vui chơi thoả thích”. Chúa say mê Đặng Thị Huệ, đắm chìm trong cuộc sống xa hoa, ăn chơi hưởng lạc, phế con trưởng, lập con thứ, gây nên rất nhiều biến động, các vương tử tranh quyền lực, đảnh giết lẫn nhau. Trịnh Vượng mất năm 1782, ở ngôi Chúa 16 năm.
2. Phạm Đình Hổ sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng, cha đỗ cử nhân, làm quan dưới triều Lê. Từ nhỏ, ông từng ôm ấp mộng văn chương. Cuối đời Lê Chiêu Thống, ông vào học trường Quốc tử giám, thi đỗ sinh đồ nhưng gặp lúc thời loạn nên phải về quê dạy học. Năm 1821, Vua Minh Mạng ra Bắc, ông có dâng một số trước tác lên nhà Vua và được bổ làm quan. Ít lâu sau, ông xin nghỉ. Đến 1826, Minh Mạng lại triệu Phạm Đình Hổ vào Huế làm Tế tửu Quốc tử giảm, rồi Thị Giảng học sĩ. Phạm Đình Hồ để lại nhiều tác phẩm. Về khảo cứu có Bang Giao điển lệ, Lê Triểu hội điển, An Nam Chí, Ô Châu Lục..., về sáng tác văn chương có Đông Dã học ngôn thi tập, Tùng, cúc, trúc, mai tứ hữu, Vũ trung tùy bút; Tang thương ngẫu lục (viết chung với Nguyễn Án). Giá trị nhất là hai tác phảm kí sự bằng văn xuôi: Vũ trung tùy bút và Tang thương ngẫu lục. Thơ ông chủ yếu là kí thác tâm sự bất đắc chí của một nho sĩ sinh không gặp thời:
...Sầu xâm khách chẩm phi quan lệ,
Ngũ vận ngâm thành tự diệc ban.
Dịch nghĩa:
... “Nỗi buồn thấm vào gối khách tha hương, không phải giọt nước mắt,
Ngâm vần thơ ngâm lên, chữ nào chữ ấy đều có vết hoen nước mắt cả.”
Bài văn cho thấy đời sống xa hoa vô độ của bọn vua chúa, quan lại phong kiến thời Lê - Trịnh suy tàn.
Xem thêm tóm tắt bài Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh
3. Hoàn cảnh sáng tác
Đoạn trích nằm trong tác phẩm Vũ trung tùy bút, viết khoảng đầu đời Nguyễn (đầu thế kỉ XIX), là tác phẩm văn xuôi ghi lại một cách sinh động, hấp dẫn hiện thực đen tối của lịch sử nước ta, vừa là tài liệu quý giá về sử học, địa lí, xã hội học
4. Giá trị nội dung
“Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh” phản ánh đời sống sa hoa của vua chúa và sự nhũng nhiễu của bọn quan lại thời Lê- Trịnh, đưa đến một góc nhìn chân thực, phơi bày thực trạng đen tối của xã hội Việt Nam dưới thời vua Lê – chúa Trịnh.
5. Giá trị nghệ thuật
Phạm Đình Hổ thành công ở thể loại tùy bút, sự ghi chép rất chân thực, sinh động mà lại giàu chất trữ tình. Cùng với đó là các chi tiết miêu tả chọn lọc kĩ càng, đắt giá, giàu sức thuyết phục, tả cảnh đẹp vô cùng tỉ mỉ nhưng lại nhuốm màu u ám, mang tính dự báo. Giọng điệu gần như khách quan nhưng cũng rất khéo léo thể hiện thái độ đó là sự lên án bọn vua quan qua thủ pháp liệt kê.
Nghe nội dung bài Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh
- Nguồn: Sưu tầm
Ghi nhớ
Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh phản ánh đời sống xa hoa của vua chúa và sự nhũng nhiễu của bọn quan lại thời Lê - Trịnh bằng một lời văn ghi chép sự việc cụ thể, chân thực, sinh động.
Tham khảo thêm Phân tích tác phẩm Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh
// Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn bài Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh này sẽ giúp các bạn ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học. Chúc bạn luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.
[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.