Bài 1 trang 147 SGK Ngữ văn 9 tập 1
Tài liệu hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 1 trang 147 SGK Ngữ văn 9 tập 1 phần trả lời câu hỏi Một số phép tu từ từ vựng, soạn bài Tổng kết về từ vựng tiếp theo 3 chi tiết và đầy đủ nhất.
Đề bài
Ôn lại các khái niệm: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, hoán dụ, nói quá, nói giảm nói tránh, điệp ngữ, chơi chữ.
Trả lời bài 1 trang 147 SGK Ngữ văn 9 tập 1
Trả lời chi tiết
a) So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
Thí dụ: “Em là búp măng non”, “Cầu bao nhiêu nhịp da sầu bấy nhiêu”...
b) Ẩn dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm. Ẩn dụ còn gọi là “so sánh ngầm” vì cách thức của nó lấy mô hình “A như B" dấu đi vế "A như” mà chỉ lộ ra vế B.
Thí dụ:
Thuyền về có nhớ bến chăng?
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền
c) Nhân hoá là biện pháp biến con vật, đồ vật... bằng những nhân vật có suy nghĩ, hành động và tình cảm như con người làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật... trở nên gần gũi với con người.
Có ba kiểu nhân hoá thường gặp là:
- Dùng những từ ngữ vốn gọi người để gọi vật.
- Dùng những từ chỉ hoạt động, tính chất của người để chỉ hoạt động, tính chất của vật.
- Trò chuyện, xưng hô với vật như đối với người.
d) Hoán dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm bằng tên của một sự vật, hiện tượng, khái niệm có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
Có bốn kiểu hoán dụ thường gặp là:
- Lấy một bộ phận để gọi toàn thể.
- Lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng.
- Lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật.
- Lấy cái cụ thể để gọi cải trừu tượng.
e) Nói giảm, nói tránh là một biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề; tránh thô tục, thiếu lịch sự.
f) Nói quá là một biện pháp tu từ phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm.
g) Điệp ngữ khi nói hoặc viết, người ta có thể dùng biện pháp lặp lại từ ngữ (hoặc cả một câu) để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh. Cách lặp lại như vậy gọi là phép điệp ngữ. Từ ngữ đuợc lặp lại gọi là điệp ngữ.
Điệp ngữ có nhiều dạng:
- Điệp ngữ nối tiếp.
- Điệp ngữ cách quãng.
- Điệp ngữ chuyển tiếp (điệp ngữ vòng): lặp từ ngữ cuối câu trước và đầu câu sau.
h) Chơi chữ là lợi dụng đặc sắc về âm, về nghĩa của từ ngữ để tạo sắc thái dí dỏm, hài hước... làm câu văn được hấp dẫn và thú vị.
Trả lời ngắn gọn
- So sánh : đối chiếu sự vật này với sự vật khác có nét tương đồng nhằm làm rõ sự vật, tăng tính gợi cảm.
- Ẩn dụ : gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó.
- Nhân hoá : gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật,... bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người; làm cho thế giới loài vật, cây cối,... trở nên gần gũi với con người.
- Hoán dụ : gọi tên sự vật này bằng tên của một sự vật khác có quan hệ gần gũi.
- Nói quá : phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm.
- Nói giảm nói tránh : dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển nhằm tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề; tránh thô tục, thiếu lịch sự.
- Điệp ngữ : lặp lại từ ngữ (hoặc cả một cụm) để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh.
- Chơi chữ : lợi dụng đặc sắc về âm, về nghĩa của từ ngữ để tạo sắc thái dí dỏm, hài hước, làm câu văn hấp dẫn và thú vị.
---------------
Các em vừa tham khảo cách trả lời bài 1 trang 147 SGK ngữ văn 9 tập 1 được HocOn247 tổng hợp và biên soạn giúp em ôn tập và soạn bài Tổng kết về từ vựng tiếp theo 3 tốt hơn trước khi đến lớp.
Còn rất nhiều những bài tập khác thuộc chương trình soạn văn 9 đã được chúng tôi biên soạn. Hãy thường xuyên truy cập vào trang để cập nhật nhé.