Soạn bài Trau dồi vốn từ

Soạn bài trau dồi vốn từ của HocOn247 giúp bạn nắm vững kiến thức và trả lời câu hỏi trang 99 đến trang 104 SGK Ngữ văn 9 tập 1.
(397) 1322 04/08/2022

Tài liệu hướng dẫn soạn bài trau dồi vốn từ của HocOn247 được biên soạn gồm 2 phần gồm phần kiến thức cơ bản và phần gợi ý trả lời câu hỏi sách giáo khoa ngữ văn 9 tập 1 từ trang 99 đến trang 104.

Soạn bài Trau dồi vốn từ

Tham khảo ngay...

I.Soạn bài Trau dồi vốn từ lớp 9

Hướng dẫn trả lời tất cả các câu hỏi từ trang 99 đến trang 104 sách giáo khoa ngữ văn 9 tập 1.

Rèn luyện để nắm vững nghĩa của từ và cách dùng từ

1 - Trang 99 SGK

Qua ý kiến sau đây, em hiểu tác giả muốn nói điều gì?

Trong tiếng ta, một chữ có thể dùng để diễn tả rất nhiều ý; hoặc ngược lại, một ý nhưng lại có bao nhiêu chữ để diễn tả. Vì vậy, nếu nói tiếng Việt của ta có những khả năng rất lớn để diễn đạt tư tưởng và tình cảm trong nhiều thể văn thì điều đó hoàn toàn đúng. Không sợ tiếng ta nghèo, chỉ sợ chúng ta không biết dùng tiếng ta.

(Phạm Văn Đồng, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt)

Trả lời

Ý kiến Phạm Văn Đồng có 2 ý quan trọng:

a) Tiếng Việt là một ngôn ngữ giàu đẹp, có khả năng đáp ứng nhu cầu nhận thức và giao tiếp của người Việt.

b) Muốn phát huy tốt khả năng của tiếng Việt, mỗi cá nhân phải không ngừng trau dồi vốn từ của mình, biết vận dụng vốn từ một cách nhuần nhuyễn.

2 - Trang 100 SGK

Xác định lỗi diễn đạt trong các câu sau:

a. Việt Nam chúng ta có rất nhiều thắng cảnh đẹp.

b. Các nhà khoa học dự đoán những chiếc bình này đã có cách đây khoảng 2500 năm.

c. Trong những năm gần đây, nhà trường đã đẩy mạnh quy mô đào tạo để đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội.

Giải thích vì sao có những lỗi này?

Trả lời 

Xác định lỗi diễn đạt trong các câu:

a) Câu này lỗi lặp từ ngữ: thắng cảnh nghĩa là “cảnh đẹp”, vì thế thừa từ “đẹp” ở cuối câu.

b) Câu này dùng sai từ dự đoán. Dự đoán là đoán trước tình hình, sự kiện nào đó có thể xảy ra. Nên thay dự đoán (đoán phỏng chừng, không chắc chắn) hay ước đoán (đoán ước chừng).

c) Từ đẩy mạnh trong câu này đã kết hợp sai với từ quy mô. Đầy mạnh nghĩa là "thúc đẩy cho phát triển nhanh” không thể đi với quy mô (chỉ mức độ to nhỏ). Nên dùng từ mở rộng thay cho đẩy mạnh.

➜ Nguyên nhân của những lỗi trên là do “không biết dùng tiếng ta”. Để biết dùng tiếng ta cần phải hiểu chính xác nghĩa của từ, biết cách sử dụng từ.

Rèn luyện để làm tăng vốn từ

Bài tập - Trang 100 SGK

Từ đoạn văn dưới đây, hãy rút ra bài học về việc trau dồi vốn từ về số lượng:

   Từ lúc chưa có ý thức, cho tới lúc có ý thức, chúng ta đã học chữ của Nguyễn Du chắc ai cũng đồng ý với tôi rằng nếu chữ nghĩa "Truyện Kiều" mà xoàng xĩnh thôi thì chắc Truyện Kiều, dù tư tưởng sâu xa đến đâu cũng chưa thể thành sách của mọi người. Tôi càng phục tài học với sức sáng tạo của Nguyễn Du trong chữ nghĩa, khi tôi đọc đến câu thơ ông viết ông đã " ở trong ruộng bãi để học câu hát hay của người trồng dâu". Đó không phải là một câu nói bóng, mà nó là một tâm sự, một kế hoạch học chữ, hay nói theo cách nói của chúng ta ngày nay: Nguyễn Du đã đi vào lời ăn tiếng nói của nhân dân, cơ sở sáng tạo ngôn ngữ của nhà thơ thiên tài đã dựa thẳng vào đấy.

Xin kể lại hai ví dụ. Câu thơ Nguyễn Du có chữ "áy" (cỏ áy bóng tà...). Chữ "áy" ấy, tài giỏi đến độ dù ta không hiểu nghĩa nó cũng hiện lên sự ảm đạm. Cho tới năm trước, có dịp đi Thái Bình, về huyện Thái Ninh, tôi được biết chữ áy là tiếng vùng quê ấy. Quê vợ Nguyễn Du ở Thái Bình, Nguyễn Du đã ở lâu đất Thái Bình, "cỏ áy" có nghĩa là cỏ vàng úa. Tiếng "áy" ở Thái Bình đã vào văn chương "Truyện Kiều" và trở thành tuyệt vời.

Ví dụ nữa, ba chữ "bén duyên tơ" ở "Truyện Kiều". Thông thường, ta hiểu "bén duyên" có thể gần gũi với câu tục ngữ "Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén". Nhưng không phải. Trong nghề ươm tơ lúc tháo con tằm lấy tơ thì người ta ngâm tằm vào nồi nước nóng, rồi đem guồng ra, vớt tơ lên quay vào guồng, lúc sợi tơ bắt đầu quay vào guồng, người nhà nghề gọi là "tơ bén". Nếu chỉ viết "bén duyên" không thì còn có thể ngờ, chứ "bén duyên tơ" thì rõ ràng Nguyễn Du của chúng ta đã nghe, học và sáng tạo trên cơ sở công việc người hái dâu chăn tằm. Nguyễn Du đã trau dồi ngôn ngữ, đêm ngày mài dũa chữ nghĩa kì khu biết chừng nào!

(Theo Tô Hoài, Mỗi chữ phải là một hạt ngọc, trong Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, sđd)

Trả lời

Đọc kĩ ý kiến của Tô Hoài, ta hiểu:

Chữ nghĩa của Nguyễn Du sử dụng trong Tryện Kiều đạt đến độ tuyệt vời, chữ nghĩa có được ấy là do ông học hỏi từ lời ăn tiếng nói của quần chúng nhân dân.

+ Nguyễn Du không chỉ dùng từ chính xác mà còn sáng tạo ra những từ mới. Sự sáng tạo này xuất phát từ sự quan sát cuộc sống lao động của người bình dân.

Luyện tập

1 - Trang 101 SGK

Chọn cách giải thích đúng

Hậu quả là

a. là kết quả sau cùng;
b. là kết quả xấu;

Đoạt là:

a. chiếm được phần thắng;
b. thu được kết quả tốt;

Tinh tú là:

a. phần thuần khiết và quý báu nhất;
b. sao trên trời (nói khái quát).

Trả lời

- Hậu quả: Kết quả xấu.

- Đoạt: Chiếm được phần thắng.

- Tinh tú: Sao trên trời.

2 - Trang 101 SGK

Xác định nghĩa của yếu tố Hán Việt

a. Từ tuyệt (Hán Việt) có những nghĩa thông dụng nhất như sau:

  • dứt, không còn gì;
  • cực kì, nhất.

Cho biết nghĩa và giải thích nghĩa của âm tuyệt trong mỗi từ sau: tuyệt chủng, tuyệt đỉnh, tuyệt giao, tuyệt mật, tuyệt tác, tuyệt trần, tuyệt tự, tuyệt thực, tuyệt vời.

b. Từ đồng (Hán Việt) có những nghĩa thông dụng nhất như sau:

  • cùng nhau, giống nhau;
  • trẻ em;
  • (chất) đồng.

Cho biết nghĩa và giải thích nghĩa của âmđồng trong mỗi từ sau: đồng âm, đồng ấu, đồng bào, đồng bộ, đồng chí, đồng dạng, đồng dao, đồng khởi, đồng môn, đồng niên, đồng sự, đồng thoại, đồng tiền.

Trả lời

a) Tuyệt (yếu tố Hán Việt):

- Với nghĩa là "dứt, không còn gì" trong các từ:

  • Tuyệt chủng (bị mất hẳn nòi giống),
  • Tuyệt giao (cắt đứt giao thiệp),
  • Tuyệt tự (không có người con trai nối dõi - theo quan niệm phong kiến),
  • Tuyệt thực (nhịn đói, không chịu ăn gì để phản đối - một hình thức đấu tranh).

- Với nghĩa là "cực kì, nhất" trong các từ:

  • Tuyệt mật (giữ bí mật tuyệt đối),
  • Tuyệt tác (tác phẩm nghệ thuật đạt đỉnh cao, đến mức hay nhất),
  • Tuyệt trần (nhất trên đời, không có gì so sánh nổi),
  • Tuyệt đỉnh (điểm cao nhất, mức cao nhất).

b) Đồng (yếu tố Hán Việt):

- Với nghĩa là “cùng nhau, giống nhau” trong các từ:

  • Đồng âm (có âm thanh giống nhau),
  • Đồng bào (cùng một bào thai, chỉ những người cùng một giống nòi, một dân tộc, một tổ quốc với mình nói chung, với hàm ý có quan hệ thân thiết như ruột thit),
  • Đồng bộ (phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng, ăn khớp),
  • Đồng chí (những người cùng chí hướng chính trị), đồng dạng (có cùng một dạng như nhau),
  • Đồng khởi (cùng vùng dậy dùng bạo lực để phá ách kìm kẹp, giành chính quyền),
  • Đồng môn (cùng học một thầy, một trường thời phong kiến hoặc cùng môn phái),
  • Đồng niên (cùng một tuổi),
  • Đồng sự (cùng làm việc với nhau trong một cơ quan).

- Với nghĩa là “trẻ em”:

  • Đồng ấu (trẻ em khoảng 6 - 7 tuổi),
  • Đồng dao (bài hát dân gian truyền miệng của trẻ em, thường kèm một trò chơi nhất định),
  • Đồng thoại (thể truyện viết cho trẻ em, trong đó loài vật và các vật vô tri được nhân cách hoá để tạo nên một thế giới thần kì, thích hợp với trí tưởng tượng của các em).

- Với nghĩa là (chất) “đồng”: trống đồng (nhạc khí gõ thời cổ, đúc bằng đồng, trên mặt có hoạ tiết trang trí).

3 - Trang 102 SGK

Sửa lại lỗi dùng từ trong các câu sau

a. Vào đêm khuya, đường phố im lặng.

b. Trong thời kì đổi mới, Việt Nam đã thành lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới.

c. Những hoạt động từ thiện của ông khiến chúng tôi rất cảm xúc

Trả lời

a) Câu "Về khuya đường phố rất im lặng" dùng chưa chính xác từ im lặng.Từ im lặng chỉ nói về con người (Chú ý: cách nói “Đường phố ơi hãy im lặng”, đường phố ở đây đã được nhân hoá). Nên thay từ im lặng bằng từ vắng lặng hay yên tĩnh.

b) Câu "Trong thời kì đổi mới, Việt Nam đã thành lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới" đã dùng sai từ thành lập. Từ này có nghĩa là “lập nên, xây dựng nên một tổ chức như nhà nước, đảng, hội, công tơ, câu lạc bộ...”. Quan hệ ngoại giao không phải là một tổ chức vì thế nên thay từ thành lập bằng từ thiết lập (thiết lập quan hệ ngoại giao.)

c) Câu Những hoạt động từ thiện của ông khiến chúng tôi rất cảm xúc đã dùng sai từ cảm xúc. Nên thay từ cảm xúc bằng từ cảm động hoặc cảm phục.

4 - Trang 102 SGK

Bình luận ý kiến sau đây của Chế Lan Viên:

Hãy nghe một thanh niên nông thôn rồi nghe bà mẹ của anh hay ông nội của anh nói chuyện ta sẽ hiểu ai là người có tiếng nói giàu hình ảnh sắc màu. Chỉ một chuyện cây lúa thôi, mà biết bao là sáng tạo về ngôn ngữ:

Gió đông là chồng lúa chiêm

Gió bấc là duyên lúa mùa

Được mùa lúa, úa mùa cau

Được mùa cau, đau mùa lúa

Chiêm khôn hơn mùa dại

Mùa nứt nanh, chiêm xanh đầu

Lúa chiêm nép ở đầu bờ

Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên.

Cô kĩ sư nông học ơi, nếu ngày nay cô không nói được tiếng nói như vậy nữa, thì cô có thu được mùa lúa, nhưng đã bỏ mất cả một mùa ngôn ngữ đẹp đẽ của tộc đấy. Bởi thế, tôi muốn nói, đồng thời với việc giữ gìn sự trong sáng cảu tiếng Việt, phải giữ gìn sự giàu có, muôn vàn giàu có của nó. Trong thói quen, chúng ta hay tự ti; khẳng định lại một lần nữa sự giàu có của tiếng nói dân tộc, cũng là một điều quan trọng chứ sao.

(Chế Lan Viên, Làm cho tiếng nói trong sáng, giàu và phát triển, trong Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”)

Trả lời

Trước hết em phải hiểu được nội dung, tinh thần cơ bản của ý kiến trên. Từ đó, em sẽ đưa ra những lời bình luận của mình.

Ý kiến của Chế Lan Viên nói về vẻ đẹp của tiếng Việt. Vẻ đẹp ấy có thể hiện ngay trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của người nông dân, chỉ với xung quanh về chuyện cây lúa mà có rất nhiều ngôn ngữ được sáng tạo ra từ đây. Tác giả mong muốn rằng cùng với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thì chúng ta còn cần phải giữ gìn được sự giàu có của tiếng Việt nữa.

- Trong bình luận, em có thể nói đến tiếng Việt của chúng ta rất giàu đẹp. Điều đó thể hiện trước hết qua ngôn ngữ của người nông dân muốn giữ gìn sự trong sáng.

5 - Trang 103 SGK

Hồ Chí Minh đã nói tới việc lấy tài liệu để viết như sau:

Muốn có tài liệu thì phải tìm, tức là:

1. Nghe: Lắng tai nghe các cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết.

2. Hỏi: Hỏi những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội những việc, những tình hình ở các nơi.

3. Thấy: Mình phải đi đến xem xét, mà thấy.

4. Xem: Xem báo chí, xem sách vở. Xem báo chí trong nước, báo chí nước ngoài.

5. Ghi: Những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã học được, thì chép lấy để dùng mà viết […].

(Hồ Chí Minh, Cách viết, trong Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt)

Từ ý kiến trên, em hãy nêu cách em sẽ thực hiện để tăng vốn từ?

Trả lời

Để làm tăng vốn từ, mỗi người có thể tùy theo hoàn cảnh sống cụ thể để áp dụng các kĩ năng nghe, hỏi, xem, thấy, ghi… Một số cách thông dụng như:

  • Nghe: lắng nghe lời thầy cô, cha mẹ, bạn bè xung quanh đế tiếp nhận kiến thức và điều hay lẽ phải, rút ra kinh nghiệm và tri thức cho bản thân mình
  • Hỏi:”muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, hỏi những điều mình chưa biết, còn khúc mắc, vướng bận, nếu  “giấu dốt” thì bản thân sẽ không thể phát triển tốt hơn được.
  • Xem, đọc: sách báo, sách vở một cách thường xuyên đặc biệt đọc những tác phẩm nổi tiếng thế giới và học thuộc nhiều ca dao, tục ngữ.
  • Ghi: ghi chép lại những điều hay lẽ phải, những câu nói, câu chuyện ý nghĩa, lấy đó làm kinh nghiệm sống cho bản thân.

6 - Trang 103 SGK

Cho các từ ngữ: phương tiện, cứu giúp, mục đích cuối cùng, viện trợ, yếu điểm, điểm yếu, điểm thiếu sót, khuyết điểm, đề bạt, đề cử, đề đạt, đề xuất, láu lỉnh, láu táu, liến láu, liến thoắng, hoảng hồn, hoảng loạn, hoảng hốt, hoảng sợ;

Chọn từ điền vào chỗ trống trong các câu sau sao cho thích hợp:

a. Đồng nghĩa với “cứu cánh” là /…/

b. Đồng nghĩa với “nhược điểm” là /…/

c. Trình ý kiến, nguyện vọng lên cấp trên là /…/

d. Nhanh nhảu mà thiếu chín chắn là /…/

e. Hoảng đến mức có những biểu hiện mất trí là /…/

Trả lời

a) Đồng nghĩa với "nhược điểm” là /điểm yếu/

b) "Cứu cánh" nghĩa là / mục đích cuối cùng/

c) Trình ý kiến, nguyện vọng lên cấp trên là /đề xuất/

d) Nhanh nhảu mà thiếu chín chắn là /láu táu/

e) Hoảng đến mức có những biểu hiện mất trí là /hoảng loạn/

7 - Trang 103 SGK

Phân biệt nghĩa của những từ ngữ sau và đặt câu với mỗi từ ngữ đó.

a. nhuận bút / thù lao;

b. tay trắng / trắng tay;

c. kiểm điểm / kiểm kê;

d. lược khảo / lược thuật.

Trả lời

Phân biệt nghĩa:

a) Nhuận bút là Tiền trả cho tác giả các công trình văn hoá, nghệ thuật, khoa học được xuất bản hoặc được sử dụng. Thù lao là tiền trả công để bù đắp vào lao động đã bỏ ra, căn cứ vào khối lượng công việc hoặc theo thời gian lao động.

➜ Như vậy, thù lao có nghĩa rộng hơn nhuận bút.

Đặt câu:

- Tiền nhuận bút cho một bài báo là một trăm ngàn.

- Thù lao một ngày đi xây của anh là một trăm ngàn.

b) Tay trắng là ở tình trạng không có chút vốn liếng, của cải gì. Trắng tay là bị mất hết của cải, tiền bạc, hoàn toàn không còn gì.

➜ Khác nhau là một bên không có gì (tay trắng) một bên có mà bị mất hết (trắng tay).

Đặt câu:

- Giám đốc tôi khởi nghiệp bằng tay trắng từ khi mới 18 tuổi.

- Công ty phá sản và chú tôi đã trắng tay.

c) Kiểm điểm là xem xét, đánh giá lại từng cái hoặc từng việc để có được một nhận định chung, kiểm kê là kiểm lại từng cái, từng món để xác định số lượng hiện có và tình trạng chất lượng.

➜ Khác nhau: một bên có đánh giá chung (kiểm điểm), một bên xác định số lượng và chất lượng hiện có (kiểm kê).

Đặt câu:

- Tối nay về viết bản kiểm điểm cho cô !

- Đơn vị đang kiêm kê tài sản trước cuối năm.

d) Lược khảo: Nghiên cứu khái quát về những cải chính, không đi vào chi tiết. Lược thuật trình bày tóm tắt (thường bằng văn viết).

➨ Em căn cứ vào nghĩa của những từ ngữ trên để đặt câu.

Đặt câu:

- Bài lược khảo văn học dân gian của sinh viên Nguyễn Văn A đã đạt giải nhất nghiên cứu cấp trường.

- Em hãy viết một bài văn lược thuật lại cuốn sách Dế Mèn phiêu lưu kí.

8 - Trang 104 SGK

Trong tiếng Việt, có nhiều từ phức (từ ghép và từ láy) có các yếu tố cấu tạo giống nhau nhưng trật tự các yếu tố thì khác nhau, như từ ghép : kì lạ - lạ kì, nguy hiểm – hiểm nguy, thương xót – xót thương ; hoặc từ láy : khắt khe – khe khắt, lừng lẫy - lẫy lừng. Hãy tìm năm từ ghép và năm từ láy tương tự.

Trả lời

Em có thể tìm các từ khác, ngoài những từ đã nêu ở bài tập trên và chia thành hai nhóm, mỗi nhóm 5 cặp từ. Chẳng hạn:

Các từ phức có yếu tố cấu tạo giống nhau nhưng trật tự khác nhau:

- Ghép: xinh tươi – tươi xinh, làng xóm – xóm làng, nhỏ bé - bé nhỏ, đấu tranh – tranh đấu, đơn giản - giản đơn.

- Từ láy: lửng lơ – lơ lửng, đau đớn - đớn đau, khát khao – khao khát, tối tăm - tăm tối, hững hờ - hờ hững.

Lưu ý: những cặp từ trên đảo trật tự được và thường có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau. Em không chọn những từ phức trật tự đảo được nhưng nghĩa khác nhau. Ví dụ: yếu điểm – điểm yếu, sĩ tử – tử sĩ, vãng lai – lai vãng ..

9 - Trang 104 SGK

Với mỗi yếu tố Hán Việt sau đây, hãy tìm hai từ ghép có yếu tố đó : bất (không, chẳng), bí (kín), đa (nhiều), đề (nâng, nêu ra), gia (thêm vào), giáo dạy bảo), hồi (về, trở lại), khai (mở, khơi), quang (rộng, rộng rãi), suy (sút kém), thuận (ròng, không pha tạp), thủ (đầu, đầu tiên, người đứng đầu), thuận (thật, chân thật, chân chất), thuần (dễ bảo, chịu khiến), thuỷ (nước), tư (riêng), trữ (chứa, cất), trường (dài), trọng (nặng, coi nặng, coi là quý), vô (không, không có), xuất (đưa ra, cho ra), yếu (quan trọng).

Trả lời

Có thể tìm được từ ghép như sau:

  • Bất: bất thành, bất bại, bất đồng, bất diệt, bất biến, bất nghĩa...
  • Đa (nhiều): đa nghĩa, đa âm, đa sự, đa cảm, đa tình...
  • Bí (kín): bí hiểm, bí mật, bí truyền, bí sử, huyền bí...
  • Gia (thêm vào): gia vị, gia hạn, gia tăng, gia tốc...
  • Giáo (dạy bảo): giáo dưỡng, giáo dục, giáo lí, giáo huấn...
  • Hồi (trở về, trở lại): hồi hương, hồi cư, hồi xuân...
  • Khai (mở, khơi): khai hoang, khai trương, khai trường...
  • Quảng (rộng, rộng rãi): quảng trường, quảng bá, quảng đại...
  • Suy (sút kém): suy tàn, suy sụp, suy yếu, suy kiệt, suy vi...
  • Thủ (người, người đứng đầu): thủ lĩnh, thủ khoa, nguyên thủ, thủ tướng...
  • Thuần (không pha tạp): thuần hóa, thuần khiết, thuần chủng...
  • Thuần (dễ bảo): thuần thục, thuần dưỡng...
  • Thuần (thật, chân chất): thuần hậu, thuần phát...
  • Thuỷ (nước): thủy mặc, thuỷ triều, thuỷ lợi, thuỷ lực...
  • Tư (riêng): tư thực, tư lợi, tư nhân...
  • Trữ (chứa, cất): trữ lượng, lưu trữ, tích trữ...
  • Trường (dài): trường độ, trường thành, trường tồn...
  • Trọng (nặng, coi là quý): trọng vọng, trọng lượng...
  • Vô (không): vô tình, vô phúc, vô tâm, vô cớ, vô học...
  • Xuất (đưa, cho ra): xuất gia, xuất giá, xuất bản...
  • Yếu (quan trọng): yếu điểm, yếu lược, trọng yếu...

II.Soạn bài Trau dồi vốn từ ngắn gọn

Bài 1 trang 99 SGK Ngữ văn 9 tập 1

- Tiếng Việt của chúng ta vô cùng phong phú trong cách diễn đạt, có khả năng diễn đạt mọi tư tưởng tình cảm của người Việt Nam.

- Chúng ta phải biết phát huy mọi khả năng của tiếng Việt.

Bài 2 trang 100 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Lỗi diễn đạt

a, Lỗi “lặp từ ngữ”: thắng cảnh là “cảnh đẹp”, không kết hợp với từ “đẹp” nữa

b, Dùng sai từ dự đoán (trong khao học không thể dự đoán)

c, Đẩy mạnh thay bằng mở rộng

Bài tập phần 2 trang 100 SGK Ngữ văn 9 tập 1

- Ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du không phải có sẵn mà là biết học lời ăn tiếng nói của quần chúng

- Trau dồi vốn từ ngoài việc hiểu chính xác nghĩa để dùng còn phải làm giàu vốn từ bằng cách viết thêm từ mới.

Bài 1 trang 101 SGK Ngữ văn 9 tập 1

- Hậu quả là : kết quả xấu.

- Đoạt là : chiếm được phần thắng.

- Tinh tú là : sao trên trời.

Bài 2 trang 101 SGK Ngữ văn 9 tập 1

a,- Tuyệt (dứt, không còn gì): tuyệt chủng ( không còn chủng loại, giống loài), tuyệt giao ( không ngoại giao), tuyệt tự (không có người nối dõi), tuyệt thực (nhịn ăn)…

- Tuyệt (cực kì, nhất): tuyệt mật (cực kì bí mật), tuyệt tác (tác phẩm đẹp nhất), tuyệt trần (nhất trên đời), tuyệt phẩm (sản phẩm tuyệt vời),…

b, Đồng (Cùng nhau, giống nhau): đồng âm, đông bào, đồng bộ, đồng chí, đồng dạng, đồng khởi, đồng môn…

Đồng âm: cùng âm đọc

+ Đồng ấu: Cùng nhỏ tuổi

+ Đồng bào: cùng một bọc

+ Đồng bộ: Cùng khớp nhau nhịp nhàng

+ Đồng chí: Cùng chiến đấu

+ Đồng dạng: Cùng hình dạng

+ Đồng khởi: Cùng khởi nghĩa

+ Đồng môn: Cùng trong một nhóm

+ Đồng niên: Cùng năm

+ Đồng sự: Cùng làm việc

+ Đồng thoại: thể loại truyện viết cho trẻ em

+ Trống đồng: Trống được làm từ chất liệu đồng

Bài 3 trang 102 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Sửa các lỗi sai như sau:

a. im lặng ==> vắng lặng (từ im lặng dùng không phù hợp, từ này thường dùng để chỉ hoạt động của con người.)

b. thành lập ==> thiết lập

c.cảm xúc ==> cảm động

Bài 4 trang 102 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Bình luận ý kiến :

  • Vẻ đẹp tiếng Việt có thể tìm thấy ngay trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của người nông dân.
  • Thời đại mới, khoa học kĩ thuật phát triển, nhiều kinh nghiệm dân gian có thể bị thay thế, nhưng vẻ đẹp của những câu ca dao tục ngữ vẫn luôn còn đó.

Bài 5 trang 103 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Cách thực hiện để làm tăng vốn từ về số lượng của cá nhân

- Quan sát, lắng nghe tiếng nói hằng ngày của những người xung quanh

- Đọc sách báo nhất là các tác phẩm văn học mẫu mực của những nhà văn nổi tiếng

- Ghi chép lại từ ngữ mới nghe được vận dụng, tra cứu thêm…

- Tập sử dụng từ ngữ mới trong hoàn cảnh thích hợp

Bài 6 trang 103 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Chọn từ ngữ thích hợp :

a. điểm yếu

b. mục đích cuối cùng

c. đề xuất

d. láu táu

e. hoảng loạn

Bài 7 trang 103 SGK Ngữ văn 9 tập 1

a, Nhuận bút: tiền trả cho tác giả công trình văn hóa, nghệ thuật, khoa học được xuất bản, được sử dụng

- Thù lao: trả công cho người lao động đã làm việc

b, Tay trắng: không có chút vốn liếng, của cải gì

- Trắng tay: bị mất hết tiền bạc, của cải, hoàn toàn không có gì

c, Kiểm điểm: xem xét, đánh giá lại từng việc để có nhận định chung

- Kiểm kê: Kiểm lại từng cái để xác định số lượng, chất lượng

d, Lượt khảo: nghiên cứu một cách khái quát về những cái chính, không đi vào chi tiết

- Lượt thuật: kể, trình bày tóm tắt

Bài 8 trang 104 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Một số từ phức có yếu tố cấu tạo giống nhau nhưng trật tự các yếu tố khác nhau :

Đấu tranh - tranh đấu, thương yêu - yêu thương, tình nghĩa - nghĩa tình, dào dạt - dạt dào, xác xơ - xơ xác, ngất ngây - ngây ngất...

Bài 9 trang 104 SGK Ngữ văn 9 tập 1

- Bất (không, chẳng): bất đồng, bất diệt…

- Bí (kín) bí danh, bí mật…

- Đa (nhiều): đa cảm, đa tình

- Đề (nâng, nêu ra): đề nghị, đề bạt…

- Gia (thêm vào): gia nhập, gia hạn, gia cố..

- Giáo (dạy bảo): giáo huấn, giáo dục

- Hồi (về, trở lại) hồi hương, hồi khứ

- Khai (mở, khơi): khai trương, khai mạc

- Quảng (rộng, rộng rãi): quảng trường, quảng giao

- Suy (sút kém) suy nhược, suy giảm

- Thuần (ròng, không pha tạp): thuần chủng, đơn thuần, thuần túy

- Thủ (đầu, đầu tiên, người đứng đầu): thủ lĩnh, thủ tướng

- Thuần (chân thật, chân chất): thuần phác, thuần hậu, thuần phong

- Thủy (nước): thủy điện, thủy triều

- Tư (riêng): tư trang, tư chất

- trữ (chứa, cất): dự trữ, tàng trữ

- Trường (dài): Trường kì, trường giang

- Trọng (nặng, coi nặng, coi là quý): trọng tình, trân trọng

- Vô (không) vô duyên, vô tư

- Xuất (đưa ra, cho ra): xuất khẩu, đề xuất

- Yếu (quan trọng): yếu điểm, trọng yếu

III. Kiến thức cơ bản

1. Từ là chất liệu nhỏ nhất để tạo nên câu. Muốn diễn tả chính xác và sinh động những suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc của mình, người nói phải biết rõ những từ mà mình dùng và có vốn từ phong phú. Do đó, trau dồi vốn từ là việc rất quan trọng để phát triển kĩ năng diễn đạt.

2. Từ vựng của một ngôn ngữ không phải chia đều cho tất cả các thành viên trong cộng đồng nói ngôn ngữ đó mà ai học hỏi được nhiều hơn thì người đó nắm được vốn từ nhiều hơn. Từ đó đặt ra yêu cầu rèn luyện để biết thêm những từ mà mình chưa biết, làm tăng vốn từ của cá nhân. Các nhà văn lớn của thế giới và của Việt Nam như U. Sếch-xpia, A. Pu-skin, Nguyễn Du... là những tấm gương sáng về việc trau dồi vốn từ bằng cách học hỏi từ ngữ của nhân dân mình.

3. Có hai hình thức trau dồi vốn từ:

a) Rèn luyện đề biết đầy đủ và chính xác nghĩa và cách dùng của từ.

b) Rèn luyện để biết thêm những từ mà mình chưa biết, làm tăng vốn từ của cá nhân.

Cả hai hình thức đều quan trọng như nhau.

Ghi nhớ

Muốn sử dụng tốt tiếng Việt, trước hết cần trau dồi vốn từ. Rèn luyện để nắm được đầy đủ và chính xác nghĩa của từ và cách dùng từ là việc rất quan trọng để trau dồi vốn từ.

Rèn luyện để biết thêm những từ chưa biết, làm tăng vốn từ là việc thường xuyên phải làm để trau dồi vốn từ.

-------------

➜  Xem toàn bộ hướng dẫn soạn văn 9 bài 7

// Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 9 bài trau dồi vốn từ này sẽ giúp các bạn ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học. Chúc bạn luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài trau dồi vốn từ một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.


TẢI VỀ

(397) 1322 04/08/2022